Tam Đường ngày mới

Sau 7 năm nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến nay, Tam Đường là huyện đi đầu của tỉnh thực hiện Chương trình này. Xây dựng nông thôn mới như “một luồng sinh khí” tạo tiền đề để bà con bứt phá, làm đổi thay diện mạo của mỗi miền đất.

Nhớ những năm trước đây có dịp về Tam Đường công tác, phải hôm quốc lộ 4D đang trong kỳ tu sửa, đành chạy xe theo tỉnh lộ 136 mà bà con quen gọi “đường đi Bản Hon, Bản Giang”. Ngày ấy đường xá đìu hiu, vắng tanh, xung quanh chỉ đồi với núi. Các trảng nương thấp thoáng thân ngô chui ra từ những hốc đá tai mèo. Đất đồi mênh mông là thế, những cũng chỉ để cỏ lau, sim mua mọc hoang hóa.

Giờ thì đã khác xưa rồi. Nếu có dịp đi qua đường này, phóng tầm mắt lên trên là cả một màu xanh ngút ngát, những đồi chè nhấp nhô như ngực thiếu nữ dậy thì, sát ngay vệ đường là bạt ngàn những gốc cam, quýt, quả sai trĩu chín đỏ ối khắp các vạt đồi.

Xuân này, bà con ở các xã Bản Giang, Bản Hon ai cũng vui. Niềm vui ấy hiện hữu trên từng khuôn mặt, vì hoa trái năm nay được mùa, giá cả lại ổn định. Bà con đã cũng nhanh nhậy hơn với thị trường nhờ con đường giao thông đến từng ngõ bản. Giờ đây khắp dọc hai bên trục đường cứ cách quãng lại mọc lên một vài quán lá nhỏ, trên những sáp hàng ấy bày những trái cam mọng vỏ, lá còn tươi rói thẫm sương, chắc là chủ nhà mới hái từ vườn về. Thấy có khách ghé mua, các cô gái Lự nền nã trong trang phục thổ cẩm kèm theo nụ cười đen nhấp nhánh “như mùa thu tỏa nắng” luôn miệng mời chào.

Một góc Tam Đường – ảnh: Vương sơn

Chúng tôi về bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, địa danh nổi tiếng có giống cam cổ bản địa thơm ngon, mọng nước, nhưng do thời gian, đến nay nhiều gốc đã cỗi. Năm 2012, phòng nông nghiệp huyện đưa giống cam V2 về trồng thứ nghiệm trên đất này, qua thời gian thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đang ì ách khiêng những sọt cam nặng trĩu từ nương về, vợ chồng Lèng Văn Phinh niềm nở mời chúng tôi nếm thứ  cây nhà lá vườn. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nhất nhì Nà Bỏ, quanh năm lo cái ăn trong mùa giáp hạt. Sau khi xã triển khai trồng đại trà giống cam sành, cam V2 và quýt đường canh trên đất ngô, anh mạnh dạn trồng hơn 200 gốc. Sau 3 năm chăm bón, 62 gốc cam đã bắt đầu cho thu hoạch, vụ cam đầu tiên được giá, gia đình anh mang về 80 triệu đồng, con số mà trong mơ anh cũng chưa dám nghĩ. Năm nay, số lượng gốc cho quả nhiều hơn, giá cả ổn định, cứ đà này chắc chắn bỏ túi trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, giờ gia đình anh đã có của ăn của để vươn lên làm giàu trở thành hộ kinh tế tiêu biểu.

Chủ tịch UBND xã Bản Giang Nguyễn Bá Kiện chia sẻ với chúng tôi trong niềm vui: Đến nay cây cam đang trở thành cây trồng chủ lực của xã với tổng diện tích 126ha tập trung ở các bản: Nà Bỏ, Bản Giang, Tẩn Phù Nhiêu, Nà Cơ, Coóc Pa. Đặc biệt, 14ha quýt đường canh trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch được 3 năm, với giá bán trung bình 20.000 – 25.000 đồng/kg mang lại giá trị kinh tế gần 70 triệu đồng/ha. Cam, quýt Bản Giang giờ là thương hiệu trên địa bàn tỉnh.

Gần một năm nay vào buổi tối trên các trục đường nội bản các xã Khun Há, Tả Lèng, Nà Luồng, Hồ Thầu… khắp nơi rực rỡ ánh điện. Đây là kết quả thành công trong công tác dân vận của chính quyền và các đoàn thể trong phong trào xây dựng NTM. Bản Lao Chải 2, xã Khun Há có 61 hộ để kéo sáng gần 1km đường điện nội bản phải mất 38 chiếc cột, chưa kể các thiết bị khác, tổng kinh phí cho đường điện lên đến gần 20 triệu đồng, không kể ngày công mỗi hộ đóng góp hơn 300.000đ. Anh Cứ A Khay, bản Lao Chải 2 chia sẻ: “Từ ngày lắp điện đến nay, bà con đi lại vào buổi tối thuận lợi hơn trước nhiều. Có điện an ninh tại bản được đảm bảo, hạn chế tình trạng trộm cắp; trẻ nhỏ vui chơi thỏa thích, các hoạt động văn nghệ của bản diễn ra thường xuyên hơn”.

Năm 2017, huyện Tam Đường có chủ trương vận động bà con đóng góp ngày công, kinh phí làm đường điện chiếu sáng. Hiện nay toàn huyện đã có 117/156 bản xây dựng xong đường điện chiếu sáng nông thôn, lắp đặt được 40,07 km điện, với 1.205 triệu đồng, nguồn vốn hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Phong trào “Điện sáng nông thôn”được người dân đồng tình hướng ứng và trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. Cùng với “Điện sáng nông thôn” là phong trào “Nông thôn xanh sạch đẹp”, đây là hai phong trào then chốt được huyện chú trọng xây dựng mô hình “Nông thôn kiểu mẫu”. Có lẽ với trưởng bản Sì Thâu Chải, Lù A Nghi, xã Hồ Thầu mỗi buổi sáng thức dậy mở cánh cổng, đi dạo quanh bản một vòng trên con đường đá sạch bong, rồi hít hà cái không gian trong lành, nhiều lúc anh chưa dám tin. Bởi anh cũng như bà con trong bản từ lâu vẫn giữ thói quen chăn nuôi tại nhà, biết là không đảm bảo vệ sinh môi trường, những tập quán từ xưa như thế rồi. Từ ngày anh nhận trọng trách trưởng bản, được xã cử đi học tập tham quan nhiều mô hình sanh sạch đẹp, nghĩ về bản mình mà thấy buồn. Khi huyện có chủ trương chọn bản là du lịch cộng cộng đồng, anh mạnh dạn đăng ký với xã quyết tâm hoàn thành phong trào “Nông thôn xanh sạch đẹp” và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Việc đầu tiên anh bàn với gia đình chuyển khu chăn nuôi ra xa nhà, phát triển mô hình kinh tế nông trại tập trung. Anh cùng với ban phát triển bản mở các cuộc họp tuyên truyền đến người dân, lúc đầu cũng khó khăn, nhiều hộ ngại di chuyển, nhưng bằng phương pháp động viên, thuyết phục và bản thân gia đình anh đi đầu, dần dần nhiều bà con đã hiểu và làm theo.

Đến nay, Tam Đường đã có 5/13 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM,  42/156 bản thực hiện tốt phong trào “Nông thôn xanh sạch đẹp”, nhiều hộ đã chuyển gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng khu chăn nuôi riêng biệt. Đường giao thông trong toàn huyện đã bê tông được 9,375 km, thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm.

Có lẽ với Bí thư Huyện ủy Tam Đường Hoàng Thọ Trung, điều quý nhất trong câu chuyện về nông thôn mới là tư duy trong sản xuất của bà con đã dần thay đổi, từ thâm canh 1 vụ lên 2 vụ, 2 vụ lên 3 vụ. Ông nhấn mạnh: Cái cốt lõi nhất là bà con đã bỏ thói quen thả rông gia súc xây dựng mô hình trang trại với quy mô lớn, tập trung. Minh chứng rõ nét nhất người dân đã đưa cây trồng mới vào thử nghiệm như: cam, mắc ca, mít Thái Lan và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: gạo dâu Thèn Sin, miến dong Bình Lư, chè chất lượng cao Bản Bo, Sơn Bình, Nà Tăm và cây ăn quả ôn đới ở Giang Ma, Bản Giang, Hồ Thầu, Nùng Nàng… , người dân đã và đang thích ứng với phát triển mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Đây sẽ là một hướng mới trong việc giải bài toán về phát triển kinh tế theo hướng giảm nghèo bền vững.

Cúng với lợi thế, tiềm năng địa phương, Tam Đường xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều địa danh nổi tiếng thu hút khách du lịch bốn phương như bản người Dao Sì Thâu Chải, Thác Tác Tình, cọn nước Nà Khương, đồi thông Tả Lèng, khu nhà cổ người Lự Bản Hon…Theo ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, năm 2018, Tam Đường đã mở cửa đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan, một bước ngoặt lớn, mang lại nhiều hứa hẹn cho Tam Đường trên con đường phát triển du lịch.

Minh  Hà


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.