Chúng tôi đến thăm bản văn hóa Phiêng Lúc thuộc xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên vào một ngày đầu hè. Nắng trải vàng trên đồi rừng và những thửa ruộng vừa qua mùa thu hoạch. Con đường vào Phiêng Lúc cùng các xã, các bản phía Tây huyện Tân Uyên đang được nâng cấp rộng đến bảy mét mặt đường. Nhưng vì đang thời kỳ thi công nên để vào được Phiêng Lúc, chúng tôi phải vượt qua mấy cây số đường đèo dốc lầy bụi đất, có chỗ bụi ngập lốp xe. Mỗi khi những chiếc xe công trình chạy qua thì cả một quầng bụi dày đặc trùm lấy chúng tôi, đến nỗi không nhìn thấy đường đi. Nhưng phải nói là vẫn còn may vì hôm nay nắng, ngày mưa thì chắc lầy lội không thể vượt qua được.
Dòng sông Nậm Mu mùa này đói nước. Những bãi cát bãi sỏi nằm ườn dưới nắng đợi mưa. Nhà máy thủy điện Nà Ke được xây dựng khá bề thế nhưng con đập ngăn dòng cũng đang ở ngấn nước tận đáy sâu. Vậy mà nơi đây, những rừng cây gỗ dổi, những rừng quế, rừng mắc ca vẫn phát triển khá xanh tốt và đẹp mắt. Những đàn trâu, bò đông đúc đang gặm cỏ trên những triền đồi xa, tạo nên khung cảnh một miền quê núi yên bình dưới nắng hè rực rỡ.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nậm Cần nằm ngay trung tâm bản Phiêng Lúc. Vì vậy, khi được biết trưởng bản Hoàng Văn Đôi đang có mặt trong trụ sở thì chúng tôi liền vào để xin phép làm việc.
Đường vào bản Văn hóa Phiêng Lúc
Tiếp chúng tôi là Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Mừng và ông Hoàng Văn Đôi – trưởng bản Phiêng Lúc. Đồng chí Mừng phấn khởi cho biết: Bản Phiêng Lúc là lá cờ đầu trong xã về phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bản phát triển đồng đều các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Về chính trị, bản có một chi bộ mạnh với trên ba chục đảng viên, đa số là đảng viên trẻ. Về kinh tế, bản có bước tiến vững chắc cả nông và lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số hộ trong bản còn phát triển nghề khai thác nguồn lợi thủy sản từ vùng lòng hồ thủy điện Bản Chát, nhiều người đã có thu nhập khá cao về tôm, cá khi mùa nước lớn. Đặc biệt, bản Phiêng Lúc là bản có 16 năm liên tục được công nhận là “Bản văn hóa” (2007 – 2022). Năm 2019, vinh dự được tỉnh công nhận là bản đạt danh hiệu tập thể “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Vì bận giải quyết công việc của xã nên đồng chí Mừng giao nhiệm vụ cho một cán bộ ủy ban cùng ông Hoàng Văn Đôi dẫn chúng tôi đi thăm bản. Những con đường nội bản đã được bê tông hóa hoàn toàn. Hai bên đường được trồng nhiều loại hoa, cây cảnh vui mắt. Ông Đôi cho biết: “Những con đường này được giao cho Hội Phụ nữ và Chi đoàn thanh niên đảm nhiệm tự quản. Hàng tuần đều được tổ chức làm vệ sinh đều đặn, đảm bảo cảnh quan và môi trường”.
89 hộ với 422 nhân khẩu, mỗi ngôi nhà đều đã ngói hóa, nhiều nhà được xây hiện đại, khang trang không kém gì ngoài thị trấn. Chuồng trâu bò và gia cầm đều được làm xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh. ông Đôi cho biết thêm: “Hàng năm, số gia đình văn hóa trong bản đạt trên 96%; Số trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 100%. Cả bản không vi phạm trộm cắp. Tình hình an ninh trong bản rất tốt”.
Chúng tôi đang đi trên con đường liên xã, mà cũng có thể gọi là liên huyện nữa, vì cứ đi tiếp con đường này qua Nậm Sỏ sẽ là các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Đoạn đường qua bản còn khá tốt, nhưng không được to như những đoạn đang thi công. Ông Đôi chỉ tay về phía Tây. Ở đấy, nhà máy thủy điện Nà Ke xây dựng bề thế, được tô điểm nhiều mầu sơn rực rỡ. Với giọng nói không giấu niềm vui, ông kể: “Năm 2005 về trước, bản Phiêng Lúc chỉ có hơn 20 hộ gia đình, bản làng trông còn lèo tèo lắm. Từ khi xây dựng thủy điện Bản Chát và Huổi Quảng thì các hộ gia đình tái định cư về thêm trên 60 hộ nữa, nên bản mới đông vui, đầm ấm được như bây giờ. Bản có tới 99% là người Thái, chỉ duy nhất 1 hộ người Mông, đó là gia đình anh Giàng A Vàng, cũng là một hộ làm ăn rất tốt của bản”.
Chúng tôi mê mẩn nhìn theo tay chỉ của trưởng bản Hoàng Văn Đôi. Trên các triền đồi là những rừng dổi, rừng quế và mắc ca. Dưới cánh ruộng thấp là những vườn ớt, dưa bao tử đang kỳ thu hoạch, những đàn trâu bò đang thời kỳ phát triển tốt. Ông nói, giọng đầy tự hào: “Bản này đã trồng được trên 100ha quế, trên tổng diện tích 1.400ha toàn xã. Hiện có trên 300 con trâu, bò. Đàn dê cũng trên 50 con. Năm 2022, thu nhập bình quân trên 42 triệu đồng/người/năm”. Tôi thầm tính và không khỏi ngạc nhiên, vì thu nhập của bà con trong này không hề thua kém, mà thậm chí còn cao hơn một số tổ dân phố ở ngoài thị trấn Tân Uyên.
Ông Đôi đưa chúng tôi đến thăm nhà anh Giàng A Vàng khi anh đang thu hoạch ớt xào trên mảnh ruộng ngay trước cửa. Những quả ớt chín đỏ, to như ngón tay, với hàm lượng vi ta min A rất cao nhưng lại không hề cay, đang được nhiều người ưa dùng trong những mâm cơm thường nhật. Anh Vàng cho biết, giá ớt này hiện đang được bán trên 10.000 đồng/kg. Ruộng ớt 1.500m2 nhà anh cũng mới là trồng thử để rút kinh nghiệm cho năm sau.
Anh Vàng mời chúng tôi về nhà để giới thiệu một mô hình kinh tế mới đang được anh cùng một số gia đình trong bản bắt tay vào làm, đó là nuôi ong mật. 30 tổ ong mật giống ngoại được anh bố trí dưới các bóng mát xung quanh nhà. Mùa hoa vừa qua hết nên đến nay thu nhập từ con ong chưa đáng kể, nhưng đó sẽ là một hướng đi mới mang lại thu nhập chính đáng cho bà con trong những năm tới.
Chia tay chúng tôi, trưởng bản Hoàng Văn Đôi tâm sự: “Ơn Đảng, ơn Nhà nước về chủ trương đổi mới. Đặc biệt là qua cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, dân bản chúng tôi mạnh dạn làm ăn, mới có được cuộc sống no ấm, cuộc sống đầy đủ, bản làng khang trang. Bản Phiêng Lúc sẽ không ngừng đoàn kết, phấn đấu để xây dựng bản làng ngày càng to đẹp, đàng hoàng, hiện đại, văn minh, nhân dân hạnh phúc, không thua kém các miền quê khác”.
Nhìn vào tiềm năng, thế mạnh, thấy được niềm tự tin trong ánh mắt, nụ cười, lời nói, việc làm của cán bộ và nhân dân bản Phiêng Lúc. Chúng tôi tin tưởng rằng nhận định của trưởng bản Hoàng Văn Đôi sẽ trở thành hiện thực, tươi sáng đang đến rất gần
Hoàng Hợi