Những ngày tháng chạp, Tà Mung đón chúng tôi trong cái lạnh mười một độ đúng vào đợt rét nhất từ đầu mùa đến giờ. Trời lãng đãng, sương phủ một màu bàng bạc và ấn tượng vô cùng. Hút hồn tôi là những vạt hoa dại ngút ngàn mọc đan xen vào nhau dọc hai ven đường nở hoa tím ngát, một con đường thật đặc biệt và rất riêng bởi không chỉ có hoa tím dịu dàng mà như mọi người vẫn thường nói đó là đường lên trời, quả đúng như vậy. Để đến được với Tà Mung chỉ có lên dốc, dốc quanh co và thẳng đứng và khi xuống, chỉ có xuống dốc mà thôi, đó cũng là một điểm rất riêng của Tà Mung.
Những con suối nhỏ mùa này khô cạn nước, trơ trọi những viên đá cuội to nhỏ, tôi chợt nhớ đến câu hát trong một ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Những viên đá thảnh thơi nằm cạnh nhau, gối tựa lên nhau mà ngắm mây trời giữa cái rét căm căm của ngày cuối tháng chạp, tựa như tình yêu, tình đoàn kết gắn bó của đồng bào người Mông nơi đây. Dẫu còn thiếu thốn, dẫu còn khó khăn họ luôn lạc quan nhìn về phía trước.
Chúng tôi gặp bà khi bà đang dọn gọn lại những thùng đựng nước chàm. Đôi bàn tay đã hằn nhiều vết nhăn vẫn còn vương màu xanh tím. Nhìn những tấm vải mới nhuộm được phơi lên cho ráo nước, tôi như thấy cả một nét văn hóa của người Mông ẩn trong tấm vải cùng với bao công phu và khéo léo của người phụ nữ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà không hiểu hết tiếng phổ thông nên chỉ cười nhưng đôi mắt ánh lên vạn vạn niềm vui.
Bình yên, bình yên biết bao. Ngoài vườn giọt sương đang thì thầm cùng cành đào, mận, lê điều gì mà tôi thấy những cành cây khẽ rung rinh, vui cười theo gió, phải chăng sương đang đánh thức những cánh hoa đào, hoa mận đang còn ngái ngủ khi mùa xuân đã chạm vào đất trời, vào vạn vật của Tà Mung. Như một nàng tiên xinh đẹp, hoa đào, hoa mận chỉ chờ xuân về gõ cửa là bung sắc khoe hương cho một mùa xuân ấm áp.
Con đường vào bản chênh vênh là núi, là suối, là vực sâu thăm thẳm. Cảm phục biết bao tình yêu học sinh, tình yêu nghề của các thầy cô giáo nơi đây. Có những bản xa học sinh phải mất bốn đến năm tiếng đi bộ mới đến được trường, thầy cô công tác nơi đây cũng chẳng quản ngại đường xa, đến từng nhà vận động các em đến lớp. Vào ngày mùa, buổi sáng học, buổi chiều thầy cô và các bạn học sinh luôn phiên đến nhà nhau gặt giúp. Biết được tình cảm của các thầy cô dành cho bà con và học trò nên những ông bố bà mẹ người Mông luôn động viên con em đến trường, chăm ngoan nghe lời thầy cô giáo.
Mây trời Tà Mung như muốn níu bước chân chúng tôi ở lại. Chạm tay vào mây mà sao tôi vẫn thấy như một giấc mơ. Một giấc mơ giản dị được đứng ngắm mây trắng san sát bên mình, được hòa hơi thở của mình vào mây, được mây vỗ về an ủi giữa bốn bề bao la chỉ thấy bàng bạc mây trời.
Tạm biệt Tà Mung khi tiếng học sinh đã í ới gọi nhau sau buổi tan trường. Sẽ sớm gặp lại trong một ngày không xa khi huyện Than Uyên đang triển khai dự án “đánh thức tiền năng” của Tà Mung, xây dựng Tà Mung thành khu du lịch cộng đồng thân thiện, hứa hẹn một tương lai thật gần, đời sống của bà con sẽ ổn định và khởi sắc.
Phạm Đào