Suy ngẫm về trang phục dân tộc cách tân của dân tộc Thái

Nói đến trang phục truyền thống là nói đến những nét tinh hoa văn hóa và sự sáng tạo độc đáo của con người. Trang phục không chỉ làm đẹp cho người mặc mà còn mang bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống, trình độ thẩm mĩ, lịch sử văn hóa tộc người mà họ sẽ có cách sáng tạo riêng cho bộ trang phục của dân tộc mình. Trải qua nhiều thế hệ, trang phục được cải tiến và biến đổi ít nhiều nhưng vẫn giữ nét cơ bản ban đầu và được cộng đồng đón nhận thì trang phục đó mới được gọi là trang phục truyền thống của dân tộc.

Dân tộc Thái cũng như nhiều dân tộc khác, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, đặc biệt là văn hóa trang phục. Từ khi đời sống còn khó khăn, chủ yếu tự túc thì người Thái đã biết trồng bông, dệt vải, và có kĩ thuật may mặc đạt tới trình độ khá hoàn thiện. Điều này được phản ánh trong “Xống chụ son sao”:(1)

…Xíp pì ủa chắng dựt pền xào

Chãi chắng dão pền báo

Xíp xàm hụ thì bú

Xíp xí hụ hú khẻo xáư chi xòn sào

Hụ tắt xửa hổm nôm

Hụ hòm phồm dệt chọng

Dỏng luông khuống đằng phãy…”

(Lên mười em dậy thì thành gái

Anh cao lớn thành trai

Mười ba anh thạo việc bắt cá

Mười bốn em biết nhuộm răng duyên

Biết cắt áo che ngực

Biết gom tóc làm “chọng”(2)

Biết làm đỏm xuống sàn(3) vui nhóm lửa…)

Ý muốn nói, tuổi mười ba con trai người Thái đã thành thạo việc săn bắt. Tuổi mười bốn con gái Thái đã thành thạo việc kim chỉ, thêu thùa, may mặc và biết làm đẹp, làm duyên. Dẫn như vậy để thấy rằng một trong những tiêu chí đánh giá một người phụ nữ Thái chuẩn mực là người giỏi giang trong công việc cắt may trang phục phục vụ bản thân và gia đình.

Ngày nay kinh tế xã hội phát triển, thị trường vải phong phú, quần áo may sẵn nhiều, giá cả phù hợp với từng mức thu nhập. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng khiến tốc độ đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về đời sống vật chất của con người tăng cao. Luồng di cư từ nông thôn ra thành thị, từ miền núi xuống miền xuôi ngày càng lớn. Từ đây, khái niệm về văn hóa dân tộc không còn đóng khung trong một vùng lãnh thổ hay một cộng đồng dân tộc mà đã có sự giao thoa tiếp nhận văn hóa của nhiều cộng đồng, dân tộc khác. Trong bối cảnh ấy thì trang phục cổ truyền của dân tộc Thái Tây Bắc cũng chịu sự tác động không nhỏ, nhất là trang phục của phụ nữ.

Trước năm 1990 trở về trước thì trang phục truyền thống của dân tộc Thái Tây Bắc ít biến đổi, cơ bản vẫn giữ nguyên những nét cổ truyền xưa cũ. Những năm gần đây trước sự tác động mạnh mẽ, sâu rộng của nền kinh tế thị trường cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng chịu nhiều tác động không nhỏ, trong đó có văn hóa trang phục. Phong trào sử dụng trang phục dân tộc được phổ biến hoặc đưa vào nội quy bắt buộc ở các đơn vị trường học và các cơ quan, ban, ngành vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hiệu may, các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo tùy theo trình độ tay nghề. Theo nhận định của người viết, trang phục truyền thống của dân tộc Thái được cách tân chủ yếu theo ba xu hướng sau:

Trang phục cách tân về cơ bản vẫn giữ nét truyền thống nhưng có sự cắt xẻ, khoét hở khá táo bạo

Chiếc váy đen truyền thống (xỉn)  của phụ nữ dân tộc Thái trước giờ luôn được biết đến là trang phục khá đơn giản. Với cấu tạo hình ống suông thẳng kín từ eo tới gót chân. Bề rộng khoảng từ 75cm-80cm, khi mặc gập đều hai bên hoặc gập một bên ở phía đằng trước. Điều này thể hiện sự tinh tế, kín đáo nhằm che đi chỗ nhạy cảm của cơ thể. Khi mặc, đồng thời phía sau được kéo căng, tôn lên đường cong tròn mẩy của người con gái. Nhưng ngày nay váy được may bó sát hông, chỗ gập đầu váy theo kiểu cổ xưa được khoét xẻ ở đầu và dùng móc cài. Ưu điểm của sự cách tân này là không cần dùng tới dải “xai eo” vì đã may liền với đầu váy. Cách may bó sát giúp phô được đường cong mềm mại của người phụ nữ. Nhưng nhược điểm ở chỗ: ống váy bị  thu hẹp (chỉ khoảng từ 60-65cm, kém váy truyền thống những 10-15cm). Điều này gây bất tiện trong quá trình vận động và di chuyển. Giải pháp tối ưu cho nhược điểm này, các nhà may đã cắt xẻ một đường giữa nếp gấp dưới chân váy khoảng từ 20-30cm, điều này chấp nhận được. Nhưng điều mà chúng tôi trăn trở ở đây, có nhiều bạn trẻ lại có nhu cầu cắt xẻ phía sườn váy kéo cao tới bắp đùi. Điều này khá phản cảm, đi ngược lại với quan niệm thẩm mĩ của dân tộc. Các cụ xưa có câu “xỉn khát bánh báu phùng” (váy rách xẻ không khâu) ý chê bai chủ nhân mặc chiếc váy rách là người phụ nữ chây lười trong công việc may vá hoặc hàm ý chỉ những người phụ nữ thiếu đứng đắn.

Chiếc áo Cỏm của phụ nữ dân tộc Thái được cách tân khá mạnh, trong khi áo Cỏm cổ truyền chỉ được biết đến với hai kiểu đặc trưng nhất là áo Cỏm cổ đứng của phụ nữ Thái đen và áo Cỏm cổ nằm liền viền, hình chữ V của phụ nữ Thái trắng. Dù là áo cổ đứng hay cổ nằm thì đều có chung một đặc điểm là kín đáo, gợi cảm, hội tụ đủ tinh hoa văn hóa Thái “ngắn mà không hở, sát mà không phô”. Nhưng ngày nay, các bạn trẻ thường có xu hướng may ống tay bằng ren mỏng, hoặc đắp một mảng ren trên bầu ngực (có khi cả mảng lưng sau gáy) nhằm phô ra làn da trắng sau lần ren mỏng. Thiết nghĩ điều này không cần thiết, bởi vì bản thân chiếc áo Cỏm đã đủ gợi cảm một cách kín đáo, dù không khoe nhưng vẫn kích thích trí tưởng tượng của người đối diện chứ không cần phô ra một cách lộ liễu. Ngoài ra, chiếc áo Cỏm cũng được nhiều “nhà thiết kế” cách tân một cách táo bạo bằng cách may hở một bên vai, lộ cả bả vai, vùng nách và cánh tay trần của người đẹp. Sự cách tân này khá phản cảm bởi nó đã đi ngược lại với quan niệm thẩm mĩ và cốt cách truyền thống của dân tộc Thái.

Trang phục cách tân, lấy cảm hứng từ trang phục Thái kết hợp với thổ cẩm mang ý nghĩa tâm linh

Đối với dân tộc Thái trước đây, thổ cẩm (khít pe) được coi là một trong những “Chương đành, xành hung” nghĩa là của quý và hiếm. Cho nên vải thổ cẩm chỉ được sử dụng vào những việc tâm linh hệ trọng hoặc nếu có sử dụng làm đồ may mặc thì cũng dùng với tỷ lệ nhỏ trên một tiết diện hợp lý, ví dụ như phối làm nẹp trong của lễ phục nữ, làm viền đệm, làm mặt chăn… Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện những bộ cách tân gây nhiều tranh cãi. Có những bộ váy, áo Cỏm kết hợp những mảng thổ cẩm lớn như: ngay đầu váy, dưới thắt lưng người ta dùng thổ cẩm quây kín bên ngoài, đầu trên gấp nếp vừa vặn với vòng eo, phần dưới xòe ra che hết vòng ba tạo độ bay lượn sóng. Cách thiết kế này trùng hợp với cách trang trí nhà mồ của người Thái Đen Tây Bắc. Lại có những bộ trang phục nữ cách tân dùng những dải tua rua bằng thổ cẩm nhiều màu rủ xuống, điều này cũng vô tình khiến người ta liên tưởng tới những ngôi nhà táng của người Thái Trắng. Có một kiểu cách tân nữa là đằng trước trang phục váy, “nhà thiết kế” dùng tấm thổ cẩm đáp từ đầu váy xuống đến chân váy. “Sáng tạo” này cũng dễ khiến người ta liên tưởng tới “cò chao phạ” (cây cờ đại chầu trời) ở nhà mồ của người đàn ông Thái Đen Tây Bắc. Cũng có những bộ trang phục nữ  dùng mảng thổ cẩm to cách điệu bằng cách khâu, rúm, túm… thế nào lại rất trùng hợp với mô hình của một vật trong một vài lễ cúng…

Chúng tôi xin lược dẫn một số ví dụ để thấy rằng một số bộ cách tân chẳng biết vô tình hay hữu ý mà dường như các “nhà thiết kế” lấy cảm hứng từ tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Thái. Cũng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Phải chăng các nhà may khi thiết kế những bộ trang phục này họ chưa tìm hiểu hoặc chưa hiểu hết những góc cạnh văn hóa, bản sắc văn hóa tộc người, đặc biệt là văn hóa tâm linh của người Thái?

Trang phục cách tân bằng sự kết hợp hoa văn thổ cẩm của nhiều dân tộc anh em

Cũng có những bộ cách tân là sự kết hợp văn hóa trang phục của dân tộc này với dân tộc khác, chẳng hạn áo Cỏm – váy của người dân tộc Mông; hoặc áo Cỏm – váy đầm hiện đại; áo Cỏm nhưng có tà dài gần giống với tà áo tân thời của người dân tộc Kinh. Hoặc áo chàm nam nhưng ống tay được cách điệu gần giống ống tay áo của người dân tộc Mông. Hay trang phục áo nhìn giống như áo Cỏm của nữ dân tộc Thái nhưng mảng trước ngực lại là hoa văn, kĩ thuật, cách trang trí gần giống với áo của phụ nữ dân tộc Mông, Dao…

 Đôi điều suy ngẫm

          Vẫn biết rằng, văn hóa dân tộc không có giới hạn rõ ràng, càng không có lằn ranh rạch ròi giữa bản sắc của dân tộc này với bản sắc của dân tộc kia. Văn hóa luôn có sự giao thoa, tiếp nhận và ảnh hưởng lẫn nhau. Những nét đẹp văn hóa của một dân tộc không bao giờ đóng khung một chỗ mà luôn luôn vận động chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại để phù hợp với xu thế phát triển chung. Nhưng tiếp thu phải có chọn lọc, “hòa nhập chứ không hòa tan”, cho nên bản sắc của dân tộc, cốt cách của dân tộc là yếu tố quan trọng trong một sản phẩm trang phục. Do vậy mỗi người thợ may hay nhà thiết kế rất cần tìm hiểu để nắm rõ văn hóa của dân tộc trước khi tạo ra sản phẩm trang phục dân tộc, các nhà may cần hiểu rõ chi tiết nào nên chi tiết nào không nên. Thiết kế trang phục là một hoạt động nghệ thuật rất cần sự sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đó phải phù hợp với thuần phong mĩ tục, quan niệm thẩm mĩ của tộc người. Nếu các nhà thiết kế cách tân trang phục truyền thống theo cảm hứng chủ quan mà không tìm hiểu văn hóa gốc của dân tộc đó thì dễ tạo ra một sản phẩm lỗi, rời xa truyền thống…

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người Thái cũng cần có ý thức quan sát, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại, đặc biệt là văn hóa trang phục. Người ta nói “Y phục xứng kì đức”, bởi vì y phục chính là thông điệp của bản thân: Tôi là ai? Công việc của tôi là gì? Môi trường tôi sắp đến gồm những ai? Như vậy việc lựa chọn trang phục là vô cùng cần thiết, chúng ta nên có sự hiểu biết về nó, vì nó nói lên trình độ văn hóa của ta. Nếu một người khác tộc sử dụng trang phục dân tộc của chúng ta chưa đúng thì điều có thể cảm thông, nhưng chúng ta không hiểu gì về bộ váy áo ta đang mặc thì là điều vô cùng đáng trách.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tuệ Chi (2022), Bản sắc tộc người, Di sản văn hóa và Du lịch, Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội.
  2. Cầm Trọng – Phan Hữu Dật (2018), Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn học. Hà Nội.
  3. Ngô Đức Thịnh – Cầm Trọng (2003), Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóaDân tộc. Hà Nội.
  4. Kinh nghiệm thực tiễn và vốn sống của bản thân.

(1) Xống chụ son sao: Tác phẩm truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái.

(2) Chọng: tóc rụng của phụ nữ trưởng thành  được gom lại, buộc chặt một đầu dùng để độn tóc.

(3) Sàn: Tức “sàn Khuống” hay “Hạn Khuống”  là sân chơi dành cho nam nữ thanh niên ngày xưa.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.