SUỐT ĐỜI HÁT XAI XƯƠNG

Ảnh là đứa con không bố, gọi một cách trần trụi là con hoang. Sống chung với Ảnh trong ngôi nhà sàn nhỏ chỉ có mẹ và dảu[1]. Ảnh luôn khát khao có bố, như vậy mới không bị khinh miệt gọi là con hoang.

Một buổi tối hắt hiu tẻ nhạt. Lũ tắc kè hoa ném tiếng gọi nhau ngay dưới gầm sàn. Cả nhà cùng ngồi tụm bên bếp lửa. Ảnh rụt rè hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, bố của con là ai? Con muốn mẹ kể cho nghe về bố! Bị gọi là con hoang con xấu hổ lắm”.

Mẹ ngồi lặng thinh, chỉ chằm chằm nhìn vào lửa. Quầng lửa trong bếp lay động phập phồng, nhưng ánh chiếu của nó trong mắt mẹ lại nằm im như chết. Ảnh rụt rè hỏi thêm lần nữa. Mẹ vẫn lặng câm chẳng nói gì, chỉ để buột tiếng thở dài choán đầy ngôi nhà trống.

Ảnh thất vọng nhìn sang phía dảu, nài nỉ:

“Mẹ không chịu kể thì dảu kể cho cháu nghe đi!”

Dảu đưa bàn tay gầy guộc xoa đầu cháu gái.

“Đừng hỏi nhiều nữa cháu à! Bố cháu đã thành người mường ma từ lâu rồi. Người mường ma bị đất sét nút lỗ tai nên không muốn người còn sống nhắc đến đâu. Cháu mà hỏi nữa thì sẽ làm mẹ khóc”.

Ảnh không dám gặng hỏi nữa. Ảnh sợ làm mẹ khóc.

Thời gian chảy trôi như nước con suối uốn quanh bản. Xuân, hạ, thu, đông xoay vòng tiếp nối. Mẹ cùng dảu cực khổ vất vả nuôi Ảnh lớn khôn thành thiếu nữ. Mẹ và dảu còn dạy Ảnh biết hát các làn điệu dân ca Thái. Trong số ấy Ảnh thích nhất là điệu xai xương. Vì điệu hát này chỉ toàn lời vui không có lời buồn. Giọng Ảnh hát xai xương ngọt lịm. Trai bản mê tít tiếng hát của Ảnh. Mê như ong bướm mê hoa. Mê như con sóc mê hạt dẻ. Già bản cũng rất thích giọng hát của Ảnh. Họ tấm tắc khen: “Giọng hát của cái Ảnh hay tới mức khiến con dúi đang đào măng nghe thấy cũng phải dừng lại. Nếu là ngày xưa thì thể nào nó cũng được chọn làm vợ tạo”.

Nhưng Ảnh đâu cần được làm vợ tạo. Vì Ảnh đã có Kẻm. Cả hai đã thề sẽ chẳng bao giờ rời nhau, sẽ thương nhau như cây lúa thương đất ruộng, và cần nhau như vải mộc cần chàm đen.

Yêu thương nhau đến thế, cứ tưởng rồi Ảnh với Kẻm sẽ mau chóng được nằm chung đệm lau êm, đắp chung chăn bông ấm, nào ngờ Then lớn Mường Bun ngủ say nên quên phù hộ cho hai người. Ông Phủ – bố Kẻm quyết liệt phản đối.

Ông bảo con trai:

“Tao không cho phép mày lấy một đứa con hoang. Người đời sẽ cười chê nhà mình. Gái bản đã chết hết đâu mà mày đòi lấy nó. Ma tổ tiên dòng họ nhà này sẽ không bao giờ chấp nhận cái Ảnh về làm dâu. Nhục lắm!”.

Kẽm cãi lại:

“Con và Ảnh chẳng làm gì sai! Con sẽ không bao giờ bỏ Ảnh!”

Ông Phủ đỏ mặt giận dữ:

“Tao đã bảo rồi, mày không được lấy nó! Ma tổ tiên dòng họ này không nói hai lời”.

Lời của ông Phủ như lá han xát vào ruột gan Kẻm buốt xót. Đến như con ốc ruộng cũng biết tìm đôi, vậy tại sao bố nỡ lòng ngăn duyên con?

 

 

Tình duyên trắc trở khiến Ảnh vô cùng khổ tâm. Ảnh như con cá bống nhỏ. Còn Kẻm là vũng suối. Cá bống nhỏ sống sao được nếu phải rời xa vũng suối. Muộn phiền đeo bám giày vò Ảnh. Đã bao lần Ảnh cố vứt bỏ muộn phiền ra khỏi hồn vía mà không được. Niềm tủi theo Ảnh lên nương. Nỗi buồn theo Ảnh xuống ruộng. Ảnh biếng ăn mất ngủ, sút cân gầy rộc, hai mắt thâm quầng, đôi môi nhợt nhạt màu tro. Chứng kiến Ảnh như vậy, ruột gan Kẻm lại càng thêm bị xát lá han buốt xót.

Kẻm lựa lời an ủi Ảnh:

“Đừng khổ tâm nhiều nữa em ơi! Nếu bố vẫn cấm thì anh sẽ tới nhà em ở rể. Và hai ta phải sống thật vui vẻ, thật hạnh phúc để bố biết là mình đã sai”.

Mắt Ảnh một màu âm u. Ảnh thổn thức:

“Anh à! Hai ta đã hát với nhau những lời nguyện làm đôi chim bay chung cánh rừng, đôi cá bơi chung vực nước nhưng không được đâu. Bố anh đã cấm hai ta thương nhau nên em với anh chỉ như tảng đá bên suối nhìn nước chảy mà không trôi theo được”.

Giọng của Ảnh nghe buồn hơn cả tiếng kêu của chim tăng ló. Kẻm đưa ngón tay chặn lên môi Ảnh không cho nói nữa.

“Nghe anh nói này! Đừng vội nản lòng em ơi! Nước đun sôi nóng rồi sẽ nguội. Suối hết lũ đục rồi lại trong. Hãy cứ kiên nhẫn đợi, không sớm thì muộn bố cũng sẽ đồng ý chuyện hai ta thôi”.

Ảnh buồn bã nhìn Kẻm.

“Vậy còn phải đợi đến bao giờ?”

Đã nhiều ngày lành dành cho cưới xin lần lượt trôi qua.

Hoa lau chín trên đồi phất phơ buồn vì vắng bóng người tới hái về lấy nùn nhồi làm đệm cưới.

Ông Phủ vẫn cương quyết không chịu chấp nhận Ảnh làm con dâu. Ảnh tuyệt vọng. Có lẽ phải bỏ nhau thôi. Và Ảnh càng thêm sút cân gầy rộc. Mẹ Ảnh xót xa. Nó bây giờ héo úa như cây lúa non gặp phải hạn hán. Cứ thế này thì chết mất. Mình phải sang nhà bố Kẻm cầu xin cho khơi nước chảy vào ruộng hạn giúp cây lúa non xanh lại.

Mẹ Ảnh đi sang nhà ông Phủ. Bà cúi gằm mặt bước. Đoạn đường không xa mấy mà bà bị vấp chân tới bốn lần. May mà không ngã. Nhà ông Phủ đây rồi! Cầu thang được làm bằng thứ gỗ nghiến chắc nịch. Bà rụt rè đặt bước lên cầu thang.

Ông Phủ lạnh lùng khi thấy mẹ Ảnh xuất hiện. Ông không muốn gặp người đàn bà này. Bà bước tới gần ông, quỳ thụp xuống và khấu đầu vái lạy. Ông bối rối bảo bà đứng dậy. Nhưng bà vẫn quỳ và nghẹn ngào dãi bày:

“Tôi đến đây xin ông cho phép hai đứa chúng nó được kết thành đôi chim cu, chim gáy. Con gái tôi chẳng có tội gì. Chửa hoang là tội của riêng tôi. Nhưng thực sự tôi không phải là người đàn bà hư hỏng. Tôi sẽ kể hết cho ông nghe chuyện ô nhục mà tôi giấu kín bao năm nay. Tôi đã từng bị một kẻ khốn nạn cưỡng hại đời con gái. Đó là một đêm khủng khiếp mà tôi cố quên cho bằng được. Trong đêm tối tôi không hề nhìn rõ mặt kẻ đã cưỡng hại mình. Hắn lấy áo nhét bịt miệng tôi lại. Hắn lột váy áo và làm tôi chảy máu. Tôi đành một mình khóc oán hận chứ không dám kể chuyện ô nhục đó cho ai biết. Rồi sau đấy tôi có thai, chịu mang tiếng xấu. Đời tôi tủi nhục nhiều rồi. Nay không muốn vì tôi mà con gái phải chịu đau khổ. Nếu ông muốn tôi thành ma thì tôi sẽ nhảy xuống vực đá không sống nữa. Chỉ lạy xin ông cho phép hai đứa chúng nó được thương nhau!”

Giọng mẹ Ảnh ngậm ngùi nỗi đắng cay. Ông Phủ nghe thấm từng lời. Ông bàng hoàng. Chiếc[2] đựng nỗi khổ mà bà ấy phải địu đã nặng quá rồi. Mình đừng làm ác bỏ thêm khổ vào đấy nữa. Ông đỡ bà đứng dậy. “Bà không có tội! Những người như tôi đã nghĩ sai về bà mới mang tội!”.

Và ngay hôm đó ông nói với con trai:

“Kẻm này, đầu tháng tới bố sẽ nhờ po sừ[3] sang gặp mẹ Ảnh để xin cho dây trầu nhà mình được quấn leo cột sàn nhà bên ấy”.

Chim họa mi hót trong lòng Kẻm. Và lạ lùng thay! Bất ngờ có đôi vợ chồng chuột chạy qua đùa nhau kêu rúc rích. Kẻm đưa mắt nhìn theo chúng. Điềm lành thật rồi! Chuột có đôi. Người cũng nên đôi.

Kẻm lập tức hộc tốc chạy đến nhà Ảnh báo tin mừng. Cả nhà Ảnh cùng vui khôn tả. Cuối cùng thì, bão đã ngưng, mưa đã tạnh, suối cũng không còn lũ nữa. Mẹ Ảnh đưa bàn tay lên dụi mắt. Còn dảu thì cười móm mém. Vui quá rồi! Cột sàn nhà này lúc nào cũng đợi dây trầu của nhà Kẻm đến quấn!

 

***

 

Một ngày rằm đẹp trời. Trăng đêm nay sẽ rất sáng. Ngay từ sớm trai gái bản đã rộn ràng hẹn nhau cùng khắp hặc xương[4] dưới trăng. Điểm hẹn là chiếc hạn khuống[5] được dựng ngay giữa bản. Hạn khuống đó thường có hoa tươi kết trang trí nên còn được trìu mến gọi là hạn bók – sàn hoa.

Kẻm háo hức rủ Ảnh:

“Đêm nay chúng mình cùng đến sàn hoa em nhé! Mọi người mong lại được nghe em hát xai xương đấy!”

Ảnh gật đầu cười.

“Vâng! Đã lâu rồi em không đến sàn hoa. Vậy đêm nay chúng ta sẽ đến đó cùng mọi người hát cho khản giọng, hát cho tới tận khi nào gà bản gáy gọi sương mây tan để mặt trời lên thì mới trở về nhà”.

Chiều tà. Ảnh vào buồng cầm ra chiếc thau đồng chuyên dùng để gội đầu. Rồi Ảnh đi hái lá, hoa thơm về đun nước gội. Nước gội đầu sóng sánh màu mật ong và thơm thanh khiết. Ảnh bê thau nước thơm ra chỗ sàn hiên để gội. Dảu cầm gáo giúp múc nước gội đầu cho cháu gái. Chỉ chốc lát hương hoa đã ướp thơm hương tóc. Gội xong, Ảnh đứng ngay trên sàn hiên, thả xõa tóc hong gió và chải cho khô. Gió rừng thổi những lọn tóc bay bay. Lát nữa, Ảnh sẽ mặc áo cóm mới và váy nhung đến sàn hoa để cùng người thương khắp hặc xương cho thỏa thích.

Bầy côn trùng đêm đã bắt đầu râm ran kêu chi rịt, chi rịt. Kẻm cầm theo tính tảu đến đón Ảnh. Mẹ và dảu giục hai đứa đi mau kẻo bạn đợi. Ra sàn hoa cùng bạn bè hát giao duyên vui lắm. Hát cho tới tận tàn đêm vẫn chưa thỏa. Say hơn say rượu. Gà bản gáy ran báo sáng rồi mà người hát vẫn dùng dằng chẳng muốn rời cuộc vui để về.

Chần chừ gì nữa mà chưa đi! Kẻm cầm tay Ảnh cùng rảo bước tới chỗ sàn hoa. Từ phía ấy đã nghe vẳng lại tiếng ai đó đang hát:

“Ơi… rỡi… sướng vui thay/ Mặt trăng vẫn tròn/ Cây rừng vẫn còn/ Thì suốt đời này ta còn hát xai xương[6].

Bầu trời đêm ít sương sa. Trăng rằm vằng vặc soi tỏ từng miếng giát tre trải lát sàn hoa. Và đêm nay, trên sàn hoa ấy, trai gái bản sẽ lại có dịp cùng nhau dốc cạn giọng hát điệu xai xương thắp cháy lửa lòng./.

[1] Dảu: Tiếng Thái gọi bà ngoại là dảu.

[2] : đồ gia dụng được đan bằng tre dùng để đựng thóc, gạo, ngô… của người Thái.

[3] Po sừ: ông mối.

[4] Khắp hặc xương: hát giao duyên.

[5] Hạn khuống: sân sàn được dựng bằng tre nứa. Đây là nơi dành cho trai gái bản gặp gỡ giao lưu văn nghệ, tìm hiểu nhau.

[6] Nguyên văn tiếng Thái: “Oi…ói… xương lai/ Đuông bơn nhắng báu xút/ Mạy đung nhăng báu xút/ Tịnh chồ nì hạu téng khắp xai xương”.

Hà Phong (Vương Hà)


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.