Suối hát

Chiếc máy bay từ từ cất cánh thẳng tiến về phía trời Bắc. Trung ngả lưng vào thành ghế, mắt nhắm hờ. Anh có chút nôn nao khi nghĩ chỉ vài tiếng nữa sẽ chạm chân trên đất hà thành, sau đó anh sẽ về thăm mẹ. Nhớ đến mẹ, Trung mở điện thoại, những tin nhắn anh gửi đi từ sáng mẹ vẫn chưa trả lời. Anh cũng đã liên lạc với mẹ bằng cuộc gọi nhưng tất cả chỉ là những tiếng tút dài. Lạ nhỉ! Hay ở nhà có chuyện gì? Chắc không, chắc mẹ giận anh thôi. Năm nay mẹ đổi tính nhiều quá, mẹ đã già đâu nhỉ? Ngoài năm mươi tuổi thì đâu phải quá già để khó tính đến dằn dỗi con.

Trung ngả đầu ra sau. Nhất định thế, mẹ không thể giận anh lâu hơn nếu anh về, anh lại sà vào lòng bà và gãi bàn chân, bắp tay, bàn tay liên tục khiến bà không chịu được buồn. Bà cáu và hai mẹ con lại cười giòn trong căn nhà nhỏ ven suối. Căn nhà cất giữ kho kỉ niệm cả đắng cay, ngọt bùi của tuổi thơ anh.

Trong khi Trung miên man dòng suy nghĩ về những ngày bên mẹ, thì ở quê, bà Xoan – mẹ anh đang ngồi trước hiên nhà tẽ từng hạt ngô vàng óng ra mẹt. Bà lẩm nhẩm: “Đã gần một năm con trai mình chưa về thăm nhà, cứ mải miết đi làm ăn xa. Chả nhiều nhặn như người ta, nhà chỉ một mẹ một con. Bố có cũng như không…”. Nghĩ đến đây, bà lại rơm rớm nước mắt thương con, thương phận mình lắm nỗi gian truân. Bà nhớ như in ngày Trung còn là cậu bé chưa đầy một tuổi, bà mới về làm dâu nhà bà nội Trung. Cô Xoan lúc ấy ngoan ngoãn nết na, hay lam hay làm nhưng chưa bao giờ nhận được một nụ cười của mẹ chồng. Dù cô có cố gắng bao nhiêu cũng không thể làm bà gạt đi định kiến về việc cô dám “ăn cơm trước kẻng”. Xoan cứ cặm cụi làm hết việc đồng đến việc nhà, chả nề hà. Một tay bế con, một tay quét nhà, nấu cơm là chuyện hằng ngày. Hôm ấy, Xoan đặt thằng bé trên cái chõng tre, cô ngồi cạnh đó thái rau lợn. Trong nhà, cuộc đối thoại gay gắt giữa mẹ chồng và chồng không hề nhỏ nên cô nghe đủ cả. Khánh (chồng Xoan) phân bua:

– Mẹ nhìn xem, thằng bé giống hệt con. Từ đôi mắt, trán, cằm, mũi nét nào cũng giống. Cứ đem so với cái ảnh hồi con nhỏ với thằng bé thì như một khuôn đúc ra.

Mẹ Khánh bĩu môi nói:

– Dù thế thì tôi cũng không bằng lòng. Đàn bà con gái phải giữ gìn phẩm hạnh, chứ ai như cái ngữ ấy – Bà liếc xéo ra sân, lừ mắt về phía Xoan – Tôi nói cho anh biết nhé, tôi nhân đạo lắm mới cho cưới về đây, chứ ngày xưa các cụ có mà thả bè chuối trôi sông.

– Mẹ nói nhiều thế nhỉ, lúc vợ con chưa đẻ thì mẹ cứ ra rả bảo “không phải con anh”. Giờ đẻ ra rồi, bố con giống nhau như hai giọt nước, mẹ vẫn không hài lòng. Mẹ nói ít thôi, con đau đầu lắm!

Mẹ Khánh quày quả đổi hướng:

– Anh cũng uống rượu ít thôi, ngày nào cũng say sưa thế thì còn làm ăn gì. Không chịu tìm công ăn việc làm, vài năm nữa mẹ anh chết đi, cái ngữ ấy thì nó không hê anh ra đường ý chứ lại.

Xoan vẫn im như thóc đổ bồ. Lúc mới về, cô nghĩ nói mãi rồi chắc bà cũng chán. Cô cứ chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó thế nào bà cũng sẽ động lòng mà tha cho cái tội theo bà là tày trời kia. Cô chỉ mong được một ngày vui vẻ, bình an bà không mỉa mai là cô thấy hạnh phúc lắm. Nhưng cô càng ngoan, càng chăm chỉ làm lụng tất bật từ việc đồng đến việc nhà thì bà càng khó chịu. Bà nói mỗi ngày một nhiều hơn. Khánh nghe lắm rát tai nên cứ tối ngày say sưa cùng bạn chén tạc chén thù. Về đến nhà hễ nghe mẹ than thở gì về vợ là hắn tặng ngay vợ vài cái bạt tai. Lúc vợ chồng vui vẻ, Xoan nhẹ nhàng nhắc thì hoặc Khánh ậm ừ cho qua chuyện hoặc cau có:

– Các cụ bảo “giàu vì bạn, sang vì vợ”, cô đừng làm tôi phải xấu hổ với bạn bè về cô đấy!

Thế nên những ngày sau, đâu lại vào đấy.

Sáng hôm ấy, một tay bế con, một tay giã mớ rau má trong cái cối đất nung mà Xoan vừa hái ở vườn vào làm thuốc cho thằng bé bị sốt. Thấy chồng là lượt áo quần, đứng trước gương chải tóc. Xoan hỏi vọng vào:

– Anh đi đâu đấy, con bị sốt, nếu không có việc gì quan trọng, anh ở nhà trông con đỡ em.

Mắt vẫn không rời chiếc gương, tay vẫn cầm cái lược chải tóc, Khánh trả lời vợ khô khốc:

– Không được, có hẹn rồi.

– Nhưng con ốm, nó quấy khóc nhiều, em không làm được việc thì mẹ lại…

– Mày đừng có đổ tiếng ác cho mẹ tao!

– Ơ…

– Này thì ơ, ơ này.

Mỗi tiếng ơ là một cái tát trời giáng vào mặt. Xoan xây xẩm mặt mày. Thằng bé chẳng biết có hiểu gì không cũng khóc ré trên tay cô.

Bà mẹ chồng từ ngoài cổng đi vào, chưa biết đầu đuôi ra sao, chỉ thấy con trai tát vợ, con dâu loạng choạng, thằng cháu tru tréo khóc thế là ba máu sáu cơn bà làm bùng lên cái đám cháy nho nhỏ trong nhà cho cả làng cả tổng nghe thấy.

– Ối giời ơi là giời, có ai có con dâu quý hóa như nhà này không! Có mỗi đứa con không chăm được cứ tị nạnh với chồng. Mày về đây làm loạn nhà tao lên thế này hả con kia?

Chồng Xoan chưa hết giận giữ, với lại thấy mẹ về, hắn càng muốn thể hiện với mẹ rằng mình không chiều vợ, không sợ vợ. Đùng đùng vào buồng, hắn túm mấy bộ quần áo của Xoan vắt trên cái sào nứa ném ra sân. Mặt hằm hằm, hắn chỉ thẳng tay vào mặt vợ, quát:

– Bước, bước khỏi nhà tao!

Mặt mũi chan hòa nước mắt. Xoan một tay ôm con, một tay cúi nhặt những áo quần như giẻ rách vung vãi dưới sân mang trở lại vào buồng. Nhưng vừa lên đến bậc thềm hiên nhà thì uỵch, hắn ẩy cô cùng đứa trẻ lăn quay trên nền gạch. Xoan đã cố gắng lấy thân mình đỡ cho con, nhưng mặt đứa bé vẫn va xuống nền gạch. Trán nổi cục như quả ổi găng. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt trên tay mẹ, Xoan lững thững bế con đi ra phía cổng nhà chồng vào buổi sáng như thế…

 

***

 

Trong căn nhỏ ven suối, Xoan đứng trên cái ghế đẩu treo những bắp ngô lên cái sào tre trước nhà để làm giống cho mùa sau thì thằng bé lao từ ngoài ngõ vào. Lẳng cái cặp sách xuống ghế, thằng bé vừa ôm lấy chân cô vừa dậm dậm đôi chân xuống đất.

– Êm khé ải ma i (Mẹ gọi bố về đi)?

– Buông ra để mẹ xuống. Ngã giờ.

– Bư vang, êm khé ải ma i (Không buông, mẹ gọi bố về đi).

– Thì con bỏ ra mẹ mới gọi được chứ.

– Bư chư, êm bạu lo (Không, mẹ nói dối).

Mặt Xoan từ đỏ bừng chuyển sang tái mét, môi cô giật giật. Đã định mắng thằng bé nhưng rồi nhìn đôi chân đen nhẻm, gầy guộc và những bước dậm của con, cô nén lại cơn giận. Thằng bé có sai gì đâu. Cúi xuống gỡ tay con, ôm con vào lòng, gãi gãi tấm lưng sần sùi vì rôm sảy cho con, Xoan nhẹ nhàng:

– Các bạn lại trêu con à?

– Bọn thằng Tiếc, thằng Thậm, thằng Kịu, thằng Kiết… không cho con chơi, chúng nó đuổi con. Nó bảo cả cái bản này chỉ có mày là thằng con hoang. Mày không có bố.

Xoan ôm con vào lòng nức nở. Thấy mẹ khóc dấm dứt, thằng bé thương mẹ, sợ mẹ buồn, nỗi sợ mẹ ốm lấn hết cả nỗi tức giận mẹ vì mẹ không gọi bố về nên các bạn không cho nó chơi cùng. Trung lại ôm mẹ, vỗ vỗ vai mẹ.

Nó chẳng biết bố nó là ai, lớn lên bên bờ suối, ở cạnh bản người Thái này, nó nói tiếng Thái giỏi hơn tiếng Việt. Bạn nó cũng thế, lăn lộn với đất, với cát, với con suối cả ngày. Nó và bọn trẻ lúc ấy có được đi học mầm non như trẻ bây giờ đâu. Bản chưa có điện, chưa có cô giáo mầm non, chưa có lớp nên chúng nó tự ở nhà cùng nhau chơi. Chiều. Nó ước chừng khi mặt trời mấp mé ngọn núi trước mặt thì về nhà. Lúc ấy mẹ nó cũng đi nương, đi suối, đi rừng về. Đến khi được đi học lớp một, cô giáo dạy cả lớp nói tiếng Việt, nó và các bạn mới tập nói. Giờ thì nó nói sõi, học giỏi nhất lớp nhưng vẫn bị các bạn bắt nạt vì không có bố.

Đêm. Nằm nghe rừng thông vi vu hòa cùng tiếng róc rách của con suối bốn mùa tạo nên những âm điệu khi thì tí tách reo vui như mầm cây nhựa sống đang hừng hực bùng lên, khi thì gầm gào như sóng cuộn phù sa, khi thì êm đềm, nhưng có khi hoang hoải ghê rợn như người đàn bà góa khóc chồng. Nhưng dù là âm điệu nào thì năm này qua năm khác cây vẫn kiên định, vẫn thẳng tắp vươn lên mà sống. Mặc kệ xuân mượt mà, hạ chang chang nắng, nước nguồn cuồn cuộn chảy về, thu lặng lờ êm ả hay đông băng giá lạnh lùng thì thông vẫn tươi lá xanh cây.

Những đêm gió đông gào thét dồn đẩy vách nứa như trêu ngươi Xoan, cô ôm thằng bé co ro vào lòng. Thương con thắt ruột. Đã nhiều lần Xoan muốn kể cho con nghe về quê hương, về những người ruột thịt thân yêu. Nhưng rồi cô cứ lại khất lần, muốn thằng bé lớn hơn chút nữa. Những lúc như thế cô cuộn mình về cái ngày xa xưa ấy.

 

***

 

Xoan ẵm con đi trong làn nước mắt. Cô cứ đi, cũng chẳng biết đi đâu, về đâu. Cô không thể về nhà bố mẹ. Bố cô trọng danh dự, ông luôn đay nghiến mẹ cô đến khổ sở từ lúc cô sinh con khi lấy chồng chưa đủ chín tháng mười ngày. Ông nói rằng có cái mo nào thì cho ông đeo, rằng con hư tại mẹ. Đi việc làng, ông chả dám ngẩng đầu với bà con họ hàng trong làng ngoài xóm. Mẹ cô chỉ biết im lặng, chẳng dám hé răng nửa lời phân trần với chồng. Xoan bây giờ biết về đâu? Cô không thể về nơi cô đã sinh ra. Về để nghe bố rin rít mắng nhiếc mẹ, về để hằng ngày nhìn cái dáng bé nhỏ mảnh khảnh, lầm lũi cơ hàn chịu đựng của mẹ ư? Xoan không nỡ. Cô cứ đi như kẻ vô thức cho đến khi lịm đi trong nắng chiều xiên khoai.

Tỉnh lại nhờ cốc nước đường gừng của người đàn bà tốt bụng. Giật mình, quơ quáo cô hỏi dồn người đàn bà bên cạnh:

– Chị là ai? Con em đâu, con em đâu hả chị?

– Cháu được người ta đưa vào trạm y tế cách đây hai cây số rồi. Thằng bé sốt cao lắm. Sao lơ là thế em, nó co giật thì có chữa kịp không?

– Em phải đến chỗ con em.

Xoan bật dậy lao đi nhưng người đàn bà nhanh tay hơn chân Xoan đã kịp kéo cô ngồi xuống chiếc chõng tre.

– Ngồi xuống đây, ăn tạm củ khoai luộc này đi, còn nóng đấy, ăn rồi chị đưa cô đi. Chứ cô biết đi đường nào.

Lòng Xoan như lửa đốt nhưng thấy bà ấy nói có lí, cô cũng đành nghe theo, với lại bụng cũng đói cồn cào. Những ngày ở trạm y tế, người đàn bà kia cơm nước chu đáo cho mẹ con cô, trả cả tiền thuốc men nữa. Cô mang ơn lắm, bà là người mạn ngược, buôn chuyến về vùng này. Cuộc đời bà cũng lắm éo le, bà đi buôn nhưng gặp ai khó khăn bà sẵn lòng giang tay cứu giúp. Bà bảo phúc đức tại mẫu. Bà chỉ đường cho Xoan ngược lên vùng Tây Bắc mà sống, trên ấy rừng bạt ngàn, cứ bám lấy rừng mà sống, rừng không bao giờ phụ người. Bà còn nói với Xoan, đồng bào ở trên ấy sống chân tình, cởi mở, thật thà, họ bao bọc nhau như cây trong rừng, như nước với cá. Bà cũng sống nhờ các sản vật của rừng mua lại của đồng bào, gom về xuôi bán lấy đồng lời nuôi cả nhà năm, sáu miệng ăn.

Xoan như người chết đuối vớ được cọc tre. Mấy ngày sau đó, bà ngược gom hàng và cô cũng theo bà ngược lên vùng cao. Bà nhờ người quen chỉ cho cô cách hái nấm, cách tìm củ, quả trong rừng. Cách để không thể chết đói khi ở bên rừng. Cô lúc đầu còn ở nhờ ở tạm, mãi sau rồi dân bản thấy cô hiền lành, chất phát họ cũng giúp cô dựng tạm túp lều nho nhỏ bên cạnh con suối. Dù có ở rìa bản thì cô cũng vẫn thấy mình hạnh phúc. Thằng bé cứ lăn lóc như củ khoai mà lớn cùng những đứa trẻ trong bản.

Mấy tiếng trên máy bay, Trung không hề chợp mắt, anh cứ bồn chồn lo lắng. Cái cảm giác này anh chưa bao giờ có. Bao nhiêu giả thiết cứ đặt ra trong đầu anh. Chả lẽ mẹ anh đã bị người ta lôi kéo vào bán hàng đa cấp hay sao mà mẹ cần nhiều tiền thế? Trước đây bà vốn là người chắt chiu, cần kiệm. Lúc mới đi làm, anh bảo gửi tiền về bà còn không nhận, bảo anh cứ giữ lấy sau này lo cuộc sống của con. Thế mà đùng một cái, bà hỏi xin anh cả gần một trăm triệu đồng. Hỏi làm gì thì bà ậm ừ không nói. Anh đã úp mở nhắc mẹ rằng xã hội giờ phức tạp, mẹ cần thận trọng. Thế rồi, thời gian này, anh gọi cho bà bằng video trên zalo, facebook (trước kia bà thích cách gọi này lắm, bà bảo gọi như thế được nhìn thấy con) mà không được; anh chỉ gọi được cho mẹ bằng cuộc thoại, lúc thì bà nói mạng yếu chập chờn, lúc bà lại bảo bị hỏng camera điện thoại. Chuyến này ra Bắc, anh muốn nhanh chóng giải quyết công việc để ngược về với mẹ, bên dòng suối anh đã vẫy vùng cả tuổi thơ ở đó.

Sau bữa cơm thân mật cùng đối tác, chỉ có còn lại sếp Toàn và Trung. Toàn gật đầu đầy vẻ đắc ý với Trung:

– Công việc ký hợp đồng với đối tác khá thuận lợi. Thành công này phần lớn nhờ vào tài ăn nói và vốn tiếng Anh rất giỏi của chú.

– Em cũng cố gắng nhiều nhất để công ty thoát khỏi tình hình khó khăn chung như hiện nay.

– Tiếp khách xong chú bắt xe về thăm mẹ, anh vào viện thăm chị gái đang điều trị. Cuộc sống luôn thay đổi khiến con người chúng ta không khỏi ngỡ ngàng nuối tiếc, chú có công nhận với anh giờ người ta chết vì bệnh nhiều hơn cả chết già không?

– Vâng, nhưng em có ý kiến thế này: Cũng chả mấy khi anh em mình cùng ra đây, em và anh cùng vào thăm chị, xong em mời anh lên thăm quê em vài tiếng. Anh xem có sản vật gì hợp thì em mua gửi về làm quá biếu chị nhà và các cháu trong ấy. Mật ong rừng, tam thất hoang mà ngâm với nhau thì tuyệt, anh ạ!

– Chú luôn tìm được cách để lôi cuốn người khác. Nhất trí thế nhỉ!

– Vâng, anh về quê em nghỉ ngơi, em tin thiên nhiên vùng Tây Bắc sẽ giúp anh thư thái đầu óc.

Bệnh viện K. Chiếc ghế đá dưới gốc cây. Trung và sếp Toàn cùng ngồi trò chuyện với anh rể của Toàn. Chị của Toàn vừa qua đợt xạ trị thứ hai nên còn ở phòng cách ly. Họ ngồi trâm ngâm chia sẻ những nỗi buồn đau của người bệnh, người nhà có người mắc căn bệnh quái ác. Đôi mắt suy tư nhìn người qua lại, Hải nói:

– Cũng chả biết kéo dài được bao lâu nữa. Nhưng cứ phải động viên chị cậu thật vui vẻ. Hai em ra thăm chị thế này nếu được gặp mặt chắc chị ấy sẽ vui lắm.

Một cô gái còn trẻ, mặc áo người nhà bệnh nhân đi qua sởi lởi chào:

– Chú Hải ngồi chơi đây à?

– Cháu đi đâu xuống đây?

– Cháu xuống căng tin mua vài thứ cho bà Xoan.

Trong khi anh rể Toàn và cô gái kia chào hỏi nhau thì Trung đọc lại dòng tin nhắn anh gửi từ hôm qua chưa thấy mẹ trả lời:

“Mẹ ơi, chiều nay con bay ra Bắc.

Ngày mai con và sếp có chút việc của công ty ngoài đó.

Xong việc con tranh thủ thăm về thăm mẹ.

Chắc không được lâu đâu chỉ vài tiếng thôi, mẹ ạ!”

Hải nói như dốc lòng:

– Chị gái cậu còn có người chăm, chứ cái bà Xoan ở tận trên Tây Bắc xuống, chả có ai thân cận. Mấy cô cháu, chị em ở cùng phòng giúp bà ấy khi cần thôi. Bà vừa xạ trị hôm qua. Thấy bảo chồng mất sớm, anh chị em không có, mỗi cậu con trai thì đi công tác đâu tận trong Bình Phước. Thôi thì thiếu thốn cái gì, anh em, cô cháu trong phòng giúp nhau, chứ sẩy nhà ra thất nghiệp…

– Anh ơi, bà Xoan ở…

Trung lập bập hỏi dồn anh Hải, mặt cắt không còn giọt máu.

– Đúng rồi, cậu sao vậy?

– Mẹ ơi!…

Trung nức nở giữa cái nắng hè oi ả của Hà Nội, tiếng khóc của anh ai oán, những người xung quanh giật mình ngoái nhìn người thanh niên thương cảm.

– Mẹ em… Em có lỗi với mẹ quá anh ơi. Hu… hu. Giờ làm sao gặp được mẹ em đây anh?

Toàn thấy mắt mình cay cay khi nhìn khuôn mặt trẻ măng ướt đầm đìa nước mắt của Trung, anh ôn tồn an ủi:

– Gắng lên em! Anh em mình vào hỏi bác sĩ xem bệnh tình của bà như thế nào rồi tính tiếp.

 

***

 

Trong căn phòng bệnh nhân, Trung gục đầu bên giỏ đồ đạc tư trang của mẹ. Anh cứ ôm khư khư cái làn như người ta ôm vật gì quý giá lắm. Cũng phải một tuần nữa anh mới được gặp mẹ. Cũng may bác sĩ bảo tình hình của mẹ anh tiến triển khá thuận lợi. U tuyến giáp là loại u lành nhất trong tất cả các loại u. Khả năng phục hồi của người bệnh khá cao, tuổi thọ cũng kéo dài hơn so với các u khác nếu được chăm sóc chu đáo, điều trị đúng phác đồ chỉ dẫn.

Trung đã nghĩ đến việc ở lại để chăm sóc mẹ, kiếm việc gì đó làm ngay trên mảnh đất Tây Bắc giàu tiềm năng. Với đồng vốn và chút kinh nghiệm tích cóp được từ mấy năm bôn ba trên mảnh đất phương Nam, anh dự định kết hợp với bạn mở một khu du lịch sinh thái ngay trên quê nhà. Anh sẽ hằng ngày ở bên, chăm sóc mẹ. Hai mẹ con anh lại được nghe rừng thông, con suối sau nhà đêm ngày hát ru khúc tình quê.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.