SỰ TÍCH CÚC BẠC CỦA NGƯỜI PU NẢ

Người phụ nữ Pu Nả mặc những bộ trang phục sặc sỡ màu sắc và hình thù. Mỗi màu sắc, mỗi hình thù đều có những sự tích và ý nghĩa khác nhau. Bài viết này, tác giả xin giới thiệu sự tích của cúc bạc. Đó là hàng cúc áo bằng bạc đúc theo hình  con ve cụt đuôi mà Pu Nả gọi là “pật dinh cún”.

Câu truyện dẫn đến sự tích chín chiếc cúc bạc có hình con ve cụt đuôi như sau:

Ngày xửa, ngày xưa có hai gia đình nhà rất nghèo. Một gia đình sinh được 9 người con trai nhưng lại mồ côi mẹ. Gia đình ở làng kia thì lại sinh được 9 cô con gái lại mồ côi cha. Hai gia đình ở hai làng khác nhau. Vì nghèo quá, các con lại còn nhỏ, ngoài việc lên rừng tìm kiếm củ nâu, củ mài về nuôi con, người bố và người mẹ của hai gia đình không đi đâu được một bước vì quần áo rách rưới, vá quá nhiều khiến họ rất xấu hổ.

Người Pu Nả có câu:

Pủ vả dã mầy quá đài tsâm dận

Tùng ý náng quá đài tsâm bận .

Nghĩa là:

Quần áo rách không qua được ba nhà

Bụng đói còn đi được ba bản.

Cái đói thì người ta không nhìn thấy nên đi đâu, làm gì cũng được. Nhưng mặc rách thì ra đến cửa người ta đã nhìn thấy.

Một hôm, người mẹ đi lên rừng đào củ mài về nuôi các con, trong lúc đào hố củ mài, vì đói quá người mẹ không còn sức cúi xuống hố để lấy củ mài nên đã đâm đầu vào hố củ mài mà chết. Các con ở nhà đợi mãi không thấy mẹ về. Đến chiều, các con càng đói nên càng gào khóc. Chúng đi khắp nơi trong rừng gọi tìm mẹ. Bỗng có một tiếng vọng từ xa: Các cháu không tìm thấy mẹ nữa đâu. Mẹ các cháu đã chết và hoá thành các con ve sầu rồi. Hiện nay đang khóc xung quanh các cháu để tìm các cháu đó.

Từ đó cứ chiều về, nghe tiếng ve kêu là các con lại khóc gọi: Mỉa ơi!…Mỉa ơi!…Mỉa ơi!…

Một hôm, chín chị em ngồi bàn nhau xem làm gì để tạ ơn được nghĩa mẹ và làm thế nào chị em đi đâu cũng có mẹ đi theo. Chị cả nêu lên rằng:

– Chị em ta phải làm cái gì giống hình con ve, như mẹ của chúng ta đang sống quanh ta bây giờ?

Ngẫm nghĩ một lúc lâu, chị cả nói tiếp:

– Chị em ta cần đúc cúc áo bằng hình con ve. Nhưng chị em mình nghèo như thế này thì lấy đâu ra bạc để đúc được!

Chị hai, chị ba hỏi:

– Ta làm bằng thứ khác có được không?

Chị cả nói rằng:

–  Các thứ khác không được bền, đồng thì biết ôxi hoá, thiếc thì ròn và nặng, không tiện. Chị em ta cứ thống nhất đúc bằng bạc, còn đúc như thế nào, bao nhiêu, bao giờ có được chị em ta bàn sau.

Một buổi sáng, ba chị em lên rừng đào củ mài. Ba chị tìm được ba gốc mài. Đang đào, bỗng chị cả reo lên:

–  Bạc, bạc!

Ba chị em xúm lại bới dần, nhặt được tám hào bạc trắng. Vui quá, ba chị không đào củ mài nữa, quay về luôn. Về đến nhà, các chị thì vui quên cả đói nhưng các em thì lại khóc vì đói quá. Chị cả dỗ mãi các em mới nín và đi ngủ. Ba chị em bàn nhau và thống nhất chị cả sẽ đi tìm thợ, còn chị hai, chị ba ở nhà chăm sóc các em.

Khi tìm được thợ thì tám hào bạc trắng lại không đủ để đúc chín con ve. Vì đường đi lại quá xa, quá vất vả, không quay về nhà để hỏi ý kiến các em được nên chị cả tự quyết định đúc chín cái cúc bạc hình con ve đủ thể hiện cho chín chị em, còn thiếu thì bớt phần đuôi đi. Thợ đúc xong chín con ve nhưng hụt phần đuôi nên tiếng Pu Nả gọi là Pật dinh cún, nghĩa là ve cụt đuôi. Khi đem bộ cúc về đến nhà em gái út nêu lên:

–  Thêu vào cúc áo các chị ạ. Chỉ có áo mới suốt ngày ở với chị em ta.

Các chị đều đồng ý với ý kiến của em út đưa ra là dùng thay hằng cúc áo. Cúc áo được thể hiện người mẹ nên gọi bằng cúc cái, đặt vào bên phải dọc từ cổ áo xuống.

Cúc áo bên trái vẫn làm vải. Chín chị em rất băn khoăn và nhớ đến công ơn của người cha nhưng chưa có điều kiện thể hiện được. Bỗng một hôm, có một tràng trai trắng trẻo, khoẻ mạnh đến nhà chín chị em gái. Gặp em gái út ở nhà, còn các chị em đi rừng để tìm củ mài và hoa quả. Chàng trai hỏi:

– Tại sao cúc áo của em một bên bạc, một bên vải?

Cô út trả lời:

– Chúng em muốn làm cả vì đó là tình cảm giữa các con với bố và mẹ nhưng chưa có điều kiện nên mới thể hiện được phần mẹ, còn phần bố chưa thể hiện được.

Chàng trai không nói gì, chàng chào rồi ra về. Chàng trai đó là con trai của gia đình ở làng bên mà họ lại mồ côi mẹ sớm. Khi đến nhà ông thợ kim hoàn, nghe ông  kể chuyện về việc người con gái đến đúc chín cúc bạc hình con ve nên chàng trai mới tìm đến và hỏi tại sao chỉ đúc chín cái cúc. Vài hôm sau, chàng trai đó lại đến và cầm chín cúc bạc, trình bày hoàn cảnh xin các chị em khâu vào bên trái cho đủ bộ để nhớ được cả cha và mẹ. Chín chị em chấp nhận.

Từ đó chín chị em gái và chín người con trai quý trọng bộ cúc áo đúc bằng bạc hình con ve.

Ngày xưa, ở trên đất Phong Thổ cũng có nhiều thợ kim hoàn đúc bạc, trên đất Tam Đường cũng nổi tiếng là có thợ bạc ở Nậm Loỏng, Bản Giang nhưng cũng chỉ đúc được quản đào (vòng tay), pấn hùng (nhẫn bạc), ca tsoái (hoa tai)… còn cúc bạc hình con ve thì không đúc được. Những bộ cúc áo hiện nay đang tồn tại ở vùng người Pu Nả phải mua từ Trung Quốc, đã lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ngày xưa, những bộ cúc áo được quý trọng như thế này phải mặc cho người người bố, người mẹ khi họ qua đời. Thế nhưng ngày nay, vì số lượng được cúc bạc của người Pu Nả còn rất ít; thợ đúc thì không có nên những bộ trang phục này chỉ diện trong lễ cưới (khi đón dâu vào nhà), đám ma  và các lễ hội. Còn lại thì được người Pú Nả cất giữ  cẩn thận.

Người Pu Nả khi nghe tiếng ve kêu, sờ đến hàng cúc áo nhớ  người cha, người mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng.

Lò Văn Chiến 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.