Sau đêm mưa

 

Thực ra tôi không còn trẻ, chưa hề có phát hiện gì nổi bật nhưng lại được dư luận đặc biệt chú ý đến bởi những cuốn sách của tôi được xuất bản gần đây. Dư luận cho rằng nó có gì đó rất quen, từng được ai đó khơi lên rồi xếp xó…
Tôi là một sinh viên nhà quê đúng nghĩa. Vì chẳng được ai chỉ bảo nên khi xem cuốn “Những điều cần biết”, tôi đã chọn ngành học này. Điểm thi chấp chới, ngành học đang thất thế, tôi ôm cái cặp da cũ của bố đến ngồi thu lu trong giảng đường giữa tứ bề là các bộ óc thông minh của dân trường chuyên lớp chọn. Họ bất chấp xu thế chọn nghề để ôm mộng làm khoa học.
Sau hai tuần nhập học, tôi nhận ra ánh mắt của bạn bè xung quanh. Họ thấy tôi dị quá, dị đến mức rơi tõm xuống vũng bùn nên họ chẳng biết nên khinh thường hay nể sợ tôi. Kẻ bí ẩn bao giờ cũng nhận được đặc ân là sự khó hiểu.
Sáng ấy trời mưa, gió thổi mạnh làm hàng cây trên phố chao đảo. Bảy giờ ba mươi phút tôi mới đến được lớp, khi mở cánh cửa và bước vào, tôi đã thấy mọi người ngồi im phăng phắc. Hôm nay có giờ của một giáo sư đầu ngành. Đứa lớp trưởng ngồi gần cửa thì thào với tôi như cầu khẩn: “Hôm nay học giáo sư đấy!”. Vị giáo sư lúc này đã ngừng giảng, kéo theo gần một trăm ánh mắt hướng về phía tôi.
– Khi du học ở nước ngoài, chúng tôi phải đến trước giảng viên năm phút. Việc đúng giờ không chỉ là kỉ luật mà còn là sự tôn trọng với người khác. Anh mới chỉ biết tôn trọng bản thân mình.
Thực ra tôi biết mình đã sai lầm là không đi học sớm hơn một chút nhưng trước câu nói đầy tính triết học ấy, tôi lại cảm thấy cần phải nói một câu gì. Mẹ tôi thường dạy hãy tự chọn cách kết thúc mọi việc trước khi để người khác đẩy mình vào thế khó.
– Thưa thầy, em nghĩ em nên đi ra ngoài, vì em đã đánh mất cả sự tôn trọng với bản thân mình.
Giáo sư có vẻ khá bất ngờ, khi tôi lễ phép cúi đầu và quay lưng bước ra cửa, bỗng nghe tiếng ông nói vọng theo:
– Anh đợi tôi ở phòng chờ của giảng viên phía cuối hành lang.
Cả buổi học hôm đó, tôi không thấy ông bước ra ngoài, chắc hẳn đó là một buổi giảng bài rất say sưa, còn tôi thì chìm đắm trong một nỗi lo âu khó tả.
Mười một giờ mười lăm phút, tiếng chuông vang lên ở hành lang báo hiệu tiết cuối đã hết, ông bước đến, khuôn mặt bình thản.
– Cậu vẫn dùng chiếc cặp này đi học à? Nó phải cũ lắm rồi đấy.
Câu hỏi của ông làm tôi thấy mặc cảm. Chiếc cặp là thứ duy nhất đáng giá mà cha tôi để lại sau khi qua đời. Mẹ tôi làm nông dân, suốt đời sống với đồng đất, người ngợm ám mùi phân trâu, phân lợn, rơm rạ ẩm mốc. Ngày ngày, bà chỉ sống với những người làm nông đi chân trần, mặt mũi lem luốc, nói tục, lớn tiếng… nhưng bà không bao giờ quên xếp sách vở cho tôi trước khi đến lớp. Lớn lên, tôi hiểu ra mẹ rất yêu bố, bà đã ở vậy như thế cả thời thanh xuân để nuôi tôi ăn học. Bà không quên những gì cha tôi đã dặn trước lúc lâm chung dẫu cuộc sống thì luôn nghiệt ngã và méo mó.
Tôi đã kể với giáo sư như thế. Ông im lặng. Sự im lặng của một người có học thức đáng sợ hơn sự ồn ào của người dân quê tôi. Trước khi đứng dậy ra về, ông bảo:
– Cậu lấy sổ và bút ra ghi nhé!
Tôi lúng túng mãi mới lấy được bút và sổ ra khỏi cặp, đôi mắt mở to nhìn vị giáo sư. Ông có một gương mặt nhỏ, hơi gầy, tóc đã bạc trắng hai bên thái dương. Khác hẳn với dự đoán của tôi, ông đọc cho tôi chép một cái đề khá dài, bảo tôi phải chép cẩn thận từng chữ, soát lại từng câu và đưa ra một mốc thời gian buộc tôi phải hoàn thành.
Sau mười ngày tôi đã làm xong một tập tiểu luận với ngàn vạn con chữ bu đầy trang giấy như đàn kiến kim. Giáo sư đọc tỉ mỉ, lấy bút đỏ gạch chân, khoanh, bắn mũi tên ra lề để ghi chú rồi có vẻ tâm đắc nhìn tôi và bỏ nó vào trong cặp.
Tháng sau, tôi nhận được thông báo mình có bài tham dự Hội nghị khoa học sinh viên. Hội nghị kết thúc, cả hội trường sững sờ với cái giải nhất được trao cho kẻ luộm thuộm, quê mùa này. Tôi vẫn chưa hiểu khoa học là như thế nào, tôi đã bơi ra đến giữa dòng chưa…
Từ bữa đó, con đường học hành của tôi như diều gặp gió. Chính tôi cũng không hiểu được giảng viên lại luôn dành mình sự ưu ái đến thế. Nhưng đến kì thực tập, khi bạn bè tôi đều thành thạo từ công việc ở phòng thí nghiệm và ở nông trường thì tôi lại như gà mắc tóc. Giữa lý thuyết và thực hành hình như là hai phía bờ của một mặt hồ mênh mông mà tôi lại là kẻ không biết bơi đang chơi với đuối nước.
Khi còn hai tuần nữa là phải nộp báo cáo thực tập. Tôi chán nản bỏ xuống vườn ươm ngồi ngắm những con bướm vàng đang chập chờn trong nắng đầu hạ. Cái tin vị giáo sư lỗi lạc của khoa ngã bệnh làm giới khoa học lo lắng còn tôi thì như kiến bò trên chảo. Tối qua, khi tôi đạp xe vào bệnh viên thăm ông, ông đã hoàn toàn cấm khẩu nhưng vẫn ra hiệu cho người nhà đưa cho tôi xem một bức ảnh chụp chung với cha tôi. Thì ra, tôi cũng được hưởng chút may mắn từ người cha quá cố để lại sau một quãng đời khổ cực đến lao lực mà chết. Nhưng cả người đang giúp đỡ tôi giờ cũng sắp dứt bóng, cảm giác sắp phải trở lại với “cái máng lợn ngày xưa” khiến tôi thật khó chấp nhận.
Kìa, một con bướm vàng đang bay lên, loài côn trùng điêu trá núp bóng thần tiên này chẳng biết đã ngự trị trên thế giới từ bao giờ. Nhưng dưới đôi cánh của nó là một bàn tay xinh xắn đang chấp chới, tôi nhận ra đó là con gái của vị giáo sư hôm qua gặp ở bệnh viện. Tâm có khuôn mặt thanh tú, da trắng, thân hình mảnh mai. Điều ấy làm tôi thoáng có một chút tham lam…
Mẹ tôi từng dặn: con gái thành phố là “bất khả xâm phạm”. Rằng tôi sẽ không bao giờ thuộc về thế giới của họ dù có thành đạt đến cỡ nào. Tấm gương cô Châu trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu đã ám thị tôi thành một ông Giang Minh Sài của thế kỉ XXI. Nhưng tôi nghĩ một thằng nhà quê thì có lợi thế kẻ đặt hom, đặt lờ bởi cứ theo vận may đến đâu thì đến.
Cuối đợt thực tập Tâm đã có bầu với tôi. Thêm một lần nữa, tôi hiểu được những người đồng nghiệp lại phải “nể mặt” vị giáo sư đang gần đất xa trời như thế nào. Đám cưới “chạy tang” được tổ chức vội vã, giáo sư nằm đó nhưng từ khuôn mặt hốc hác của ông, đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui. Tôi nhìn ông quay đi thở dài. Cuộc đời này sớm muộn đều là một cuộc thất bại, chỉ là nó đến khi nào và ta khước từ nó được bao lâu.
Khi hai họ đang xúc động trước lời dẫn dắt của ông trưởng họ thì giáo sư hấp hối. Ông đi thanh thản như một người đã viên mãn trong cuộc đời này. Từ đó, hai vợ chồng tôi sống bằng một “hồi quang quá khứ” của ông để lại bình lặng, suôn sẻ cho đến khi tôi đứng trước cơ hội thăng tiến của cuộc đời mình.
Ông thầy cũ của tôi gọi tôi đến. Ông nhìn tôi với ánh mắt khá thất vọng.
– Tôi phải nói thật. Cậu ở đây bao năm nhưng vẫn chưa có công trình gì thật sự thuyết phục.
Tôi cười nhạt. Giờ tôi quá đủ bình tĩnh để xoay chuyển ván cờ của đời mình. Từ trước đến nay, dù đã có được công danh, địa vị nhưng hai chữ “thuyết phục” thì chưa bao giờ tôi có được. “Con thầy” là lá bài tẩy mà tôi luôn cần đến để biến họa thành phúc. Thứ người ta nể sợ thì tôi lại dễ dàng chiếm lấy.
Nhưng oái oăm thay, hai tuần trước khi đứng trước tòa, tôi và Tâm đã nói hết những lời gan ruột. Tôi đã hết cảm xúc với một người phụ nữ khô cứng như một cỗ máy, trong khi tôi cần một mùi nước hoa Maison Francis Kurkdjian, Dior J’adore Edp, một thân hình tắm trắng, diện đồ hiệu chứ không phải những thứ đồ fake và tấm bằng tiến sĩ trong tủ kính.
Đêm ấy mưa, không hãng taxi nào chịu đón tôi. Tôi cầm ô lặn lội trên phố để về gặp Tâm bằng đôi chân nhà quê giờ đã trắng bợt sau bao năm gò ép vào đôi giày thành thị. Tôi đứng gõ cửa, con đã ngủ, Tâm mặc một bộ đồ nhã nhặn ra gặp tôi. Tôi đã kể cho nàng trong tiếng mưa ngoài hiên, trước những vũng nước đang loang dần trên mặt sân. Tôi kể bằng sự cầu khẩn, dại dột, khốn khó của một gã nhà quê. Thi thoảng lại có một tiếng sấm vang lên sau tia sét rạch trời. Dáng đứng của Tâm vẫn mảnh dẻ, sau bao năm ở bên tôi, người phụ nữ này dường như vẫn không thay đổi. Và rồi, khi không thể cứng cỏi được thêm nữa, cô đã bước vào trong phòng, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa đồng lách cách, tiếng cánh tủ gỗ của giáo sư quá cố. Nàng đưa cho tôi tất cả những gì mà cha đã để lại.
Ba cuốn sách của tôi vừa ra mắt đã làm giới khoa học phải đặc biệt chú ý. Dù họ vẫn mơ hồ thấy giống với hướng nghiên cứu của một bậc tiền bối mà không thể chỉ ra trên báo chí. Cũng như tôi luôn thấy có lỗi với Tâm vì nàng tựa như Mỵ Châu đã rút ruột nhả tơ đem điều quý giá nhất của cuộc đời cha nàng trao cho tôi. Nhưng đôi lúc tôi lại tự an ủi: Nếu không có tôi, liệu nàng có thể bắt được con bướm vàng chấp chới hôm ấy hay không và cuộc đời nàng sẽ như thế nào?
Sớm nay, nắng bừng lên sau đêm mưa, không khí còn nồng mùi đất ẩm. Khi tôi đang say sưa giảng bài, có một cậu sinh viên vào muộn. Tôi thoáng giật mình rồi gật đầu cho cậu ta vào lớp…

BÙI VIỆT PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.