Sau cơn lũ quét

Hạnh phúc lại về với ngôi nhà nhỏ được dựng lại trong sự tàn phá kinh hoàng của lũ quét, sạt lở đất. Nay còn có tiếng trẻ thơ tựa như mùa xuân ấm áp đến khi đã trải qua cơn giá lạnh. Ông Sửu bế đứa cháu nội trên cánh tay còn lại. Thằng bé níu lấy ông, mắt nó chằm chằm nhìn cái bắp tay cụt của ông.

Ông Sửu đứng trước sân nhà ngắm mảnh vườn đã xanh trở lại. Trên cây đào chỉ còn trơ vài cành sau lũ. Những bông  hoa đầu mùa khoe sắc. Mấy giò hoa lan ông tìm trong rừng sau cơn lũ  nụ chúm chím như cười. Còn cây nêu của nhà ông Sửu năm nay thì chẳng phải nói, đẹp nhất bản! Một điều khác nữa là cạnh cây nêu, ông Sửu cắm thêm một ngọn cây tre đã trụi lá… Người ta vẫn hân hoan với niềm vui khi tết đến, xuân về; xuân về cho núi rừng cây cỏ thay da đổi thịt “Muôn hồng ngàn tía”. Xuân về mang theo niềm tin yêu, hy vọng. Nhưng với ông Sửu, người bản Thái Là Đo thì khác. Mùa xuân mang mất mát đi, đem hy vọng đến sự hồi sinh!

Xuân về sau cơn lũ đã vui. Vui nhất vẫn là lũ trẻ. Làm lụng vất vả quanh năm  lo cho cuộc sống cũng chỉ có một cái tết. nghĩ lại mấy tháng trước khi bị lũ quét, tính mạng con người giành giật với thiên nhiên mà thương cho con trẻ. Nghe tin ở bản đâu đó lũ quét cuốn đi cả mạng người có cả trẻ em mà đau xót. Ai cũng mong trời yên biển lặng cho cuộc sống êm xuôi, cho con cháu được vui chơi học hành. Con người có năng động thì mới hạn chế được tổn thất. Nay đón xuân vui mà dân bản vẫn vương chút nhọc nhằn. Cũng nhờ lực lượng cứu hộ kịp thời nên vơi đi nỗi khổ cực. Nhân dân trong tỉnh và người dân các tỉnh bạn cũng đến từng gia đình gặp nạn chia ngọt sẻ bùi động viên. Các anh bộ đội, công an là lực lượng cứu hộ chính thăm hỏi tặng quà nạn nhân. Gần gũi, tận tình thương yêu đùm bọc như người thân, đến độ hiểu thấu hoàn cảnh của dân.

Anh Bình, anh Quý là bộ đội. Cả hai anh lao xuống dòng nước lũ cứu ông Sửu. Cả đoàn đi thăm chúc tết đồng bào vây quanh ông Sửu xem vết thương bên cánh tay cụt đã lành liền sẹo. Anh Bình nói :

– Hôm ấy, anh em trên bờ dùng sợi dây thừng chắc chắn kéo giữ tôi. Hai tay tôi ôm bác, còn anh Quý đây gỡ tay bác mắc vào cành tre bị tảng đá chèn. May cho bác là ven bờ đấy, nếu ở giữa dòng thì thôi rồi, bác ạ!

Anh Quý nói:

– Thấy cánh tay bác bị gãy, tôi lúng túng biết bác bị đau. Nhìn thấy bác cắn chặt hai hàm răng, mặt tái mét nhăn nhó vì đau đớn, tôi xót quá!

Ông Sửu cười kể:

– Không có ngọn cây tre thì tôi không mắc kẹt lại nơi tảng đá to ấy được đâu. Có lẽ nước lũ đã cuốn tôi đi tận đẩu tận đâu rồi. Mất tay mà còn cái mạng. Nghĩ lại thật khủng khiếp. Ông bà ta nói câu “Nhất thủy, nhì hỏa” thật không sai tý nào.

Ông Sửu tần ngần trước những thiệt hại mất mát vừa qua. Căn nhà gỗ không to nhưng đẹp. Cha con ông mất bao công sức gia cố cho căn nhà, bào nhẵn đánh bóng, có các họa tiết mang bản sắc của vùng Tây Bắc. Bác thợ chạm gỗ quê tận mãi Nam Định đã lên chạm trổ con Noọc  Pạy. Ông thích nhất là bông hoa ban đầu kèo… Vậy mà lũ  quét đổ về cướp đi không sót dù một mảnh gỗ. Bản của ông Sửu chỉ có hơn năm chục nóc nhà ven suối. Phân nửa các gia đình ở trên cao hơn cũng chỉ còn lại chút vật liệu đổ nát, còn những gia đình ở gần ven suối như nhà ông hầu hết bị nước lũ cuốn trôi.

Ông Sửu mường tượng lại mà tiếc cả mảnh vườn đến hoa cả mắt. Bao năm ông bỏ công sức tìm tòi cây ăn quả giống tốt ra quả bốn mùa, nay đã đến kỳ thu hoạch, từ hàng chục cây: xoài, nhãn, bơ nhà ông cũng có thêm đồng vốn. Chim chóc từ: chào mào, sáo sậu… về vườn hót vui ríu rít. Mấy cây phong lan đuôi chồn màu tím, vàng… bắt mắt khách vãng lai, nhiều người hỏi mua ông không bán. Còn may con trâu đang đi ăn ngoài rừng chứ cũng ở vườn như đàn vịt, đàn gà thì mất trắng tay. Ông tự an ủi là: “Cái hạn”. May mà vợ con ông đi chơi ở bên nhà ngoại chưa về.

  Minh họa: Minh Hưng

Ông trầm ngâm nghĩ lại những ngày qua, mỗi bà con trong bản đã nhận được bài học về sự chuẩn bị phòng chống mưa lũ. Vì mấy năm bản này không vướng bận gì về chuyện thiên tai nên có phần mất cảnh giác. Cụ tổ mường đã dạy lúc bình yên phải phòng khi biến động là vậy. Hôm ấy cơn mưa ập đến ông đã thấy lo lo, mưa một lúc ngớt cơn đã mừng, lại tiếp cơn mưa khác xối xả. Mưa  từng cơn rồi kéo dài thâu đêm suốt sáng. Sáng ra nước đã về bất thường.Cả bản nhìn trời đất mà ngao ngán. Cái lo thật mới bắt đầu ập tới. Không biết nước sẽ về to đến mức nào, nhưng ông Sửu nghĩ đến đầu tiên là đôi trâu. Đôi trâu đang ăn bên rừng Suối Cạn. Con đường đi, về chỉ có ven suối. Nó mà đang ở trên đường ấy thì coi như đã cúng cho thủy thần. “Phải đi xem trâu thôi”. Buộc vỏ con dao đi rừng vào thắt lưng, đầu đội mũ lá, quàng áo mưa, ông Sửu lao ra khỏi nhà, đến đầu bản chiếc cầu tre bắc qua suối lắc lư, ông liều lĩnh lao qua cầu, trời đất mịt mù mây nước. Đi được một lúc trời ngớt cơn mưa nhưng nước ùa về lênh láng dưới chân. Ông Sửu đến Rừng suối cạn thấy cảnh im lìm vắng tanh vắng ngắt thì lo lắng. Ông đảo đi đảo lại mấy vòng rồi đến lùm cây giổi mới thấy trâu, có cả trâu của mấy nhà trong bản, ông mừng quá! Loay hoay với trâu đến chiều ông Sửu đã yên tâm, cái bụng thấy cồn cào, ông vội quay trở về bản. Nhiều đoạn đường lúc đi chưa bị ngập nước vậy mà lúc trở về nước lũ ngập đầu gối. Trong lòng ông lo lắng rối bời. Ông đi như chạy đến lũy tre gần bản thì dừng lại nhìn ngẩn ngơ, chiếc cầu tre biến mất. Ông hoang mang vô cùng. Ông Sửu chần chừ rồi quyết định phải về nhà trước khi trời tối. Ông cởi quần buộc lên vai lội ra dò dẫm từng bước. Bên kia bờ suối có đông người trong bản cổ vũ cho ông sang. Người ông ngập dần trong nước. Mọi ngươi đứng trên bờ lo lắng, nước lạnh ông Sửu chới với giữa dòng. Trên bờ có tiếng em Sau con trai ông gào to:  “Bố ơi, không sang được thì quay trở lại bờ thôi, nước về nhiều đấy!”.

Bỗng dòng phía trên suối có tiếng nước reo ùng ục ào ào, con nước lớn như đổ ập xuống hất người ông Sửu văng xuống cuối dòng, dòng nước trở nên hung dữ. Em Sau – con trai ông Sửu và cả dân bản chạy xuôi theo dòng kêu gào. May thay đến gần bản dưới có mấy cây tre bị gãy đổ ngang từ lâu, nước suối dâng cao đã ngang ngọn tre gãy, ông Sửu bị vướng vào, kịp vồ nắm lấy, nước đẩy ông Sửu theo ngọn tre sang bên bờ thoát nạn.

Nhưng trận này phải nói là kinh khủng hơn rất nhiều. Mưa cứ ầm ầm ào ào suốt đêm đến sáng cứ như đổ cả thùng nước xuống mái Prô-xi-măng của nhà tôi nặng trịch. Ông Sửu bật đứng dậy nhìn ra cửa sổ chỉ thấy nước là nước. Suối xa xa mà nước như con sóng lớn cuồn cuộn lẫn trong tiếng đá lăn lộc cộc.  “Nước to bớ dân bản ơi!” – Ông Sửu gọi. Các nhà lo lắng í ới khắp bản. Thấy có nhiều thân cây gỗ cành lá rác rừng  bị nước tống đi. Lại có tiếng kêu cứu trên bản, cả nhà hoảng hốt. Ông Sửu  nói: “Lũ quét thật rồi, phải lánh đi để giữ tính mạng”. Thằng Sau bế con nó, ai vớ được gì cầm theo cái đó. Cả bản đi theo nhau lên ta-luy sau bản. Ông Sửu nghe rầm rầm rung chuyển như bom giội.. Rồi nhà vỡ ra, Ông Sửu ngập trong dòng nước xiết. Ông mới vớ đoạn tre lao đi rồi bị một cú va đập mạnh, cành tre mắc vào tảng đá, đẩy tôi vào bên bờ nên cánh tay mới đau rát như dao cắt, bị kẹp chặt…

Ông Sửu thở dài:

– Tuy mất cánh tay nhưng còn người nhà là tôi vẫn còn cái phúc lớn!

Một người khác nói chen vào :

-Thôi thế là may rồi bác Sửu à! Mừng là bác vẫn đứng vững. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, chúng cháu kính chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe, xây dựng lại nhà cửa rồi ổn định cuộc sống.

– Tôi cũng không biết nói gì hơn, gia đình tôi mang ơn các anh cứu sống. Đã vậy, mọi người còn giúp tu sửa, thu dọn vườn, dựng lại nhà cửa mới đón tết thế này…

Ông Sửu rưng rưng xúc động. Ngoài vườn, những cánh hoa lê đã bung trắng xóa, báo hiệu mùa về…

Huỳnh Nguyên


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.