Kỳ I- Khu vui chơi trẻ em không phải là điểm đến của trẻ em

Kỳ I. Thực trạng Khu vui chơi 1/6

Khánh thành và đi vào hoạt động từ năm 2008, nằm trên “vị trí vàng” của thành phố, trục đường Ngô Quyền – Chu Văn An (phường Đoàn Kết, với diện tích hơn 10.000m2, Khu vui chơi 1/6 được người dân mong ước là điểm vui chơi hấp dẫn, hiện đại của trẻ em thành phố vùng cao vốn thiệt thòi vì thiếu thốn địa điểm sinh hoạt, vui chơi.

Trái với kỳ vọng, chỉ vài ba năm sau khi khánh thành, Khu vui chơi không còn là điểm đến của trẻ em thành phố. Gần như bị chính quyền “bỏ rơi”, các hạng mục ngày càng xuống cấp; nhiều trò chơi hư hỏng; thậm chí gây nguy hiểm, mất an toàn.

 

Hàng loạt hạng mục Khu vi chơi 1/6 xuống cấp trầm trọng

 

Theo phản ánh của người dân, khi mới đi vào hoạt động, Khu vui chơi 1/6 thu hút rất đông các cháu thiếu nhi đến vui chơi và sinh hoạt. Diện tích rộng 1ha, với nhiều hạng mục trò chơi thu hút trẻ nhỏ như: cầu trượt, tàu điện, vòng quay mặt trời, nhà bóng…, có cả khu nhà đánh cờ tướng dành cho người lớn, các quầy bán nước giải khát, café … phục vụ cho cha mẹ dẫn con đi chơi. Người dân sinh sống gần công viên thường có thói quen đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành trong khuôn viên khu vui chơi.

Được biết, ngoài các hạng mục trò chơi công cộng, còn có những trò chơi được đơn vị khai thác đầu tư, nâng cấp và có thu vé như: Khu nhà ma, nhà hơi, nhà cát, khu câu cá, nhà bóng, mô tô bay… Những trò chơi này đều có người vận hành và hướng dẫn cách chơi. Khu vui chơi 1/6 thực sự là điểm nhấn của thành phố Lai Châu thời gian đầu những năm 2010.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây lượng khách đến vui chơi rất ít, có chăng cũng chỉ những trẻ nhà ở gần do thiếu sân chơi, nên buổi chiều thường rủ nhau vào đá bóng, bắn bi. Từ lâu, các thiết bị vui chơi ở đây

Khu vui chơi 1/6 ngày càng vắng bóng trẻ em.

 nghèo nàn, xuống cấp, nhiều đồ chơi đã hư hỏng nặng. Đại đa số phụ huynh đều thất vọng trước thực trạng xuống cấp của Khu vui chơi. Chị Phan Thị Phương (tổ 1, phường Đoàn Kết) đưa các con đến Khu công viên vui chơi 1/6, chị chia sẻ: “Nhà tôi có hai con gái, nhưng lâu rồi tôi không đến đây, vì bao năm qua mọi thứ vẫn vậy. Thú thực, trên địa bàn thành phố cũng không có nhiều điểm vui chơi. Vậy nên, mỗi khi đưa các con đến đây chơi, chúng tôi rất lo lắng vì điểm vui chơi xuống cấp, không đảm bảo an toàn”.

Dạo một vòng quanh khuôn viên, chúng tôi không thể tin nổi vào mắt mình, những chiếc ghế đá gãy nát chỏng chơ, dây xích đu đứt nối cái mất cái còn; những bậc thang dẫn lên càu trượt hoen gỉ, đứt gãy, rêu mốc loang lổ. Đặc biệt lối đi trong khuôn viên rậm rạp, cỏ mọc um tùm, giấy rác vưỡng vãi khắp nơi không được thu gom. Khu vui chơi mất hẳn không khí vui chơi, sinh hoạt cộng đồng tập trung của thiếu nhi thành phố. Có sức sống nhất trong Khu vui chơi 1/6 hiện nay là “vườn rau tư nhân”!  Có lẽ, các gia đình sinh sống gần công viên thấy đất bỏ hoang nhiều, không sử dụng nên cải tạo và mặc nhiên biến thành mảnh vườn tăng gia riêng của gia đình.

Những năm trước, điểm nhấn khu vui chơi là hệ thống bể bơi nhân tạo, thu hút rất nhiều trẻ em thành phố. Hiện tại, mặc dù bể bơi vẫn giữ được nét thiết kế hiện đại song trên bề mặt nước nổi rong rêu, vàng ố. Hôm chúng tôi đến, vài trẻ nhỏ tự do vào bơi lội, trục vớt đồ trong bể, thiếu người giám sát. Ngay sát hồ bơi là khu nhà ma một thời gây tò mò của không ít bạn nhỏ thì nay của đóng then cài phăng phăng xung quanh rêu mốc, cỏ rác bừa bộn, các thiết bị của khu nhà này đang được thảo rỡ, không còn hoạt động. Thi thoảng vẫn có trẻ nhỏ ra vào tự do bằng cửa sau, không có bảo vệ quản lí. Xung quanh bờ rào, nhiều trò chơi bị gãy, hỏng chồng chất. Nhìn tổng thể, Khu vui chơi hiện nay giống như nơi tập kết, thu gom sắt vụn!

Trước đây, Vòng quay mặt trời là một trong những trò chơi thu hút trẻ em khi đến khu vui chơi 1/6/. Giờ thì thiết bị này nằm sừng sững ngay giữa sân khu công viên với hàng tấn sắt thép lơ lửng trên trời. Từ rất lâu rồi, thiết bị này không được bảo dưỡng, vận hành và có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Em Phạm Tùng Lâm – lớp 5, trường Tiểu học số 1, Đoàn Kết cho biết: “Ở đây mới mở lớp dạy bơi nên em mới đến. Chứ lâu rồi em không đến đây vì nhiều đồ chơi cũ đã bị hỏng”. Còn em Đàm Thế Biên, lớp 4, nhà tổ 11, phường Đoàn Kết thẳng thắn: “Từ khi còn nhỏ, cháu đã được bố mẹ đưa ra đây chơi vào các ngày nghỉ. Lâu rồi, cháu không đến nữa vì ở đây không có những trò chơi thú vị, hấp dẫn. Cháu thích chơi ở ở siêu thị, nhà sách, ở đó có nhiều trò chơi đẹp và mới”.

Đi tìm đơn vị quản lý công viên

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, hiện nay đơn vị khai thác Khu vui chơi 1/6 của Thành phố là một tư nhân – anh Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1975. Anh Trung là người được UBND phường Đoàn Kết ký hợp đồng khai thác,  quản lý Khu vui chơi. Qua trao đổi, anh Trung cho biết, gia đình anh ký hợp đồng với phường Đoàn Kết từ tháng 4 năm 2008 với thời hạn là 3 năm, giá thuê mặt bằng mỗi năm là 20.000000 đồng, nhưng miễn thu 2 năm đầu, bởi một số hạng mục do gia đình xây dựng và nâng cấp. Bắt đầu từ năm 2013 đến 2019 giá hợp đồng thuê mặt bằng khai thác công viên tăng lên 30.000000 đồng/năm. Và cũng từ năm 2013 thời gian hợp đồng có thay đổi giảm xuống chỉ còn 2 năm. Anh Trung cho chia sẻ:  “Năm 2020 do hoạt động không hiệu quả và tình hình dịch codiv, phường Đoàn Kết không ký hợp đồng với gia đình anh mà chỉ bàn giao, với tư cách “nhờ”  gia đình tôi trông, coi quản lý; nguồn thu từ Khu vui chơi sẽ bù vào chi phí điện nước, vệ sinh bảo vệ”.

Nhiều đồ chơi hư hỏng, dồn đống trong góc Khu vui chơi.

Anh Trung cho biết thêm, Khu vui chơi 1/6 với diện tích hơn 10.000m2, tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỉ đồng, nguồn vốn này do một đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (anh không nhớ tên đơn vị). Gia đình anh nhận bàn giao ban đầu gồm những hạng mục: Vòng quay mặt trời, đu quay phi thuyền, đu quay con giống, tàu hỏa, ô tô điện. Sau đó, gia đình anh đã đầu tư thêm các hạng mục trò chơi mới, hiện đại như: Nhà hơi, tàu điện, nhà cát, nhà bóng, bể bơi, nhà gương, nhà ma; cùng với sửa chữa, cải tạo nâng cấp khuân viên như: hệ thống điện, bể tưới cây xanh, trồng cây xanh quanh khuôn viên; nâng cấp thiết bị “hộp số vô tận”, lắp thêm lồng bảo hiểm cho hệ thống trò chơi Vòng quay mặt trời; làm tường rào sắt, lắp mái che, với tổng kinh phí đầu tư đến nay hơn 4 tỉ đồng.

Giải thích về thực trạng Khu vui chơi ngày càng xuống cấp, không thu hút được thiếu nhi, anh Trung thẳng thắn: “Một phần do trang thiết bị có tuổi, không được đầu tư, nâng cấp, nhiều hạng mục đầu tư chưa phù hợp, mỗi lần bảo trì, bảo dưỡng phí rất cao, cùng với đó nhiều cơ sở tư nhân mọc lên, có nhiều trò chơi mới, đẹp, kèm theo nhiều dịch vụ khác…”.

Với vai trò là người quản lý, vận hành và khai thác, anh Trung sẵn sàng đầu tư, nâng cấp các hạng mục thu hút khách nhưng hiện tại, UBND phường Đoàn Kết chỉ ký hợp đồng một năm một với bên khai thác. “ Đó là thời gian thuê mặt bằng quá ngắn hạn, không cho phép tôi mạo hiểm, ban đầu 3 năm, rồi 2 năm, từ năm 2016 đến 2019, chỉ ký năm một. Vậy rất khó với một hộ kinh doanh tư nhân như gia đình tôi”.  Nhiều lần anh có kiến nghị lên phường mong muốn được kéo dài thời hạn hợp đồng để yên tâm đầu tư, kinh doanh, nhưng chính quyền phường trả lời là không đủ thẩm quyền.

Hiện tại khu công viên có 7 hạng mục chơi, nhưng chỉ có 5 hạng mục hoạt động được, giá vé cho mỗi trò chơi là 10 nghìn đồng. Nhưng hầu như không có khách đến chơi. Anh Trung cho biết thêm: Trước năm 2020 số người đến Khu vui chơi khoảng 15 nghìn lượt người/năm, với doanh thu trên 150 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, lượng người đến công viên giảm khoảng hơn 3 nghìn lượt người/năm, doanh thu thu gần 40 triệu/năm.

Làm việc với lãnh đạo UBND phường Đoàn Kết,  chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Minh. Ông Minh là  Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Phường. Ông Minh cho biết: “ Khu vui chơi 1/6, phường  giao cho một hộ gia đình khai thác, vận hành.  Do từ lâu, Khu vui chơi không đươc đầu tư nâng cấp, nhiều đồ chơi trong công viên đã lỗi thời, và then chốt nhất khu công viên kém thu hút người đến một phần do những cơ chế chưa được cởi bỏ”

Lai Châu là thành phố trẻ, là đô thị loại III, với 7 đơn vị hành chính dân số hơn 4 vạn người. Nhưng cũng chỉ có duy nhất một điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em là Khu vui chơi công viên 1/6. Theo lộ trình năm 2025, thành phố Lai Châu phấn đấu trở thành đô thị loại II và một trong những tiêu chí phải có là:  “… Phải có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc gia.”.

Thực trạng quản lý, hoạt động của Khu vui chơ 1/6 đang là mối quan tâm của người dân thành phố; những cơ chế nào cần được tháo gỡ để chính quyền và đơn vị khai thác quản lý, vận hành hiệu quả và hợp lý; bảo đảm lợi ích của nhân dân, đặc biệt là lợi ích của trẻ emn trên địa bàn thành phố.

Tạp chí Văn nghệ Lai Châu sẽ tiếp tục phản ánh với độc giả ở kỳ sau.

  

Giang Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.