Rộn ràng váy hoa

Sua tháo đôi xăng đan đỏ, vén nhẹ váy hoa lòe xòe để lội chân trần qua con suối uốn khúc đầu bản. Rõ ràng bản đã xây một con cầu bắc qua suối vững chãi nhưng lối ấy không khiến Sua cảm giác rõ nét đường về bản mình. Qua khỏi bản, thấp thoáng ngay đằng xa là hình ảnh những ngôi nhà xây san sát, trái ngược các ngôi nhà đất thân quen bên này bản. Nơi ấy, các phiên chợ thúc giục Sua cũng như các cô gái trong bản háo hức trăm nẻo tâm trí.

Sua nhớ nhất chính là dáng mẹ lên nương với bó sợi lanh trên tay, se mãi, se mãi đến mức đường chỉ tay cũng chi chít hình sợi lanh, sẫm một màu nâu đen. Sua nghe mọi người trong bản kể lại rằng mẹ thuở trước là cô gái làm váy hoa nức tiếng cả vùng. Mẹ bảo với Sua: “Váy xòe hoa không chỉ là trang phục, còn là vẻ đẹp có sẵn trong mỗi gian nhà của dân tộc Mông”. Ngay trước cửa nhà Sua, những chiếc váy đủ màu mẹ phơi như cánh bướm rực rỡ khoe màu trong gió.

Cô gái mới lớn là Sua cũng như các cô gái trong bản, đã bắt đầu được mẹ dẫn đi nương, dạy thu hoạch lanh. Chính từ những bó lanh to, thô sần ấy, qua bàn tay cần mẫn, tỉ mẩn đã trở thành cuộn lanh dai, chắc.  Rồi cũng bằng sự trau chuốt vốn có của người con gái vùng cao, cuộn lanh dần trở nên hình vóc tấm vải dày dặn. Tấm vải tự nhiên không lẫn với bất cứ loại vải nào trên thị trường, là niềm tự hào của riêng dân tộc Sua.

Dáng mẹ ngồi thêu với mái tóc lòa xòa được vấn bằng cái khăn ô vuông xanh đỏ trở nên quen quá là quen với Sua những buổi mẹ dạy ngồi thêu hoa, thêu lá. Bàn tay cô bé ban đầu cứng quèo, đường nét nguệch ngoạc như mới học viết chữ. Rồi dần dà Sua quen dần với cách căn chỉnh bằng sợi vải, thêu thế nào để nổi hình quả trám, đường chân núi. Trong lúc thêu, mẹ thường rì rầm kể cho Sua nghe những câu chuyện gắn với sự tích bản làng. Mẹ bảo: “Mỗi đường chỉ thêu hình hoa, hình lá là quan niệm đời sống bao năm qua của dân tộc Mông trong bản”. Lời mẹ dậy ngấm vào Sua, khiến mỗi đường chỉ thêu sau này của cô trở nên sắc nét, có hồn hơn, như gửi gắm bao tâm sự vơi đầy thiếu nữ, như niềm yêu với gia đình, ngôi nhà, làng bản…

Sua xuống chợ phiên đã nhiều lần nhưng lần này không như những lần trước. Không còn hình ảnh cô bé chạy tung tăng đi theo mẹ bán ngồng rau cải, quả bí non. Lần này Sua mặc chính chiếc váy xòe hoa tự tay mình làm cả một năm ròng rã mới xong. Trên váy có đủ cả từ đường nét mới tập thêu đến đường thêu trở nên mềm mại. Chiếc váy Sua đã phơi trước nắng sớm, khi xòe rộng ra đủ một vòng tròn. Nhịp bước trên đường đến chợ phiên cũng tỏa mùi thơm nồng của nắng, mùi dịu ngọt của lanh và sắc sặc sỡ chỉ thêu.

Cô gái váy hoa bước lẫn trong lớp lớp màu thổ cẩm. Thoảng có lời yêu lan lan trong gió:

– Khi nào làm đủ số váy hoa, Sua về nhà tôi làm dâu chứ?

Má cô gái đỏ ửng giữa ánh nắng lấp lánh phiên chợ. Lời thề hẹn trước đây bố nói với mẹ, mẹ kể cũng chỉ đơn giản có vậy. Mà khiến mẹ hối hả, rộn ràng se lanh, dệt vải, làm ròng rã ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… Suy nghĩ của Sua bị cắt dở dang khi vẳng vọng tiếng khèn theo về bên tai, tiếng khèn véo von đầu núi khiến hoa đào sáng hơn trong màu mắt. Nhịp bước trở về bản của Sua nhanh hơn cả ánh mặt trời lấp loáng, váy xòe hoa rực rỡ nở theo từng bước chân trong nhịp điệu xuân sang…

Hải Yến

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.