Rẻo cao đón xuân

Những ngày này, trên khắp các con đường, sườn núi, bản làng Tây Bắc chìm trong mây mù, sương phủ. Cái giá rét tê buốt của thời tiết làm cóng lạnh những đôi chân trần trên nương ngô, nương thảo quả, sơn tra… Trong vườn, từng cây đào, cây mận,… đã trút hết lá vàng xuống gốc chỉ còn trơ lại cành khẳng khiu. Trong cái khắc nghiệt của thời tiết, cây vẫn âm thầm, nhẫn nại chịu đựng giá lạnh miền non cao đợi chờ cơn gió xuân mang hơi ấm nồng về xứ núi. Gió xuân về, cây bật lên muôn ngàn mầm non nụ biếc. Ấy cũng là lúc Tết đã rộn ràng khắp các bản gần xa.

Càng giáp ngày Tết, bản làng càng rộn rã hơn. Đến ngày ba mươi Tết thì cả bản trở nên náo nhiệt hẳn. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khi con đường vẫn còn phủ dày sương giá. Đường chưa nhìn thấy rõ nhưng các nhà trong bản đã trở dậy. Họ hối hả chuẩn bị bữa cơm sáng trong màn sương mỏng dần trên sân, trong tiếng róc rách cần mẫn chảy đêm ngày của con suối bên sườn đồi.

Khi ông mặt trời thức dậy, lấp ló phía đằng đông, sương chỉ còn là những hạt li ti đọng trên các ngọn cỏ lá cây bên đường. Lúc ấy, trong sân vườn mỗi nhà tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người gọi nhau í ới. Tiếng xô chậu, dao thớt va vào nhau rủng riểng; than củi lách tách cháy. Những chiếc xe máy đi lại trong bản cũng nhiều hơn ngày thường. Xe đi chợ mua bánh kẹo, nước ngọt, quần áo mới về cho trẻ; xe hối hả đi ra mó nước rửa cho sạch sẽ, sáng bóng; xe chạy ù ra cây xăng gần nhất bơm năng lượng để mấy ngày Tết được đi chơi thỏa thích mà không lo thiếu nhiên liệu. Tiếng các ca sĩ hát ca khúc trữ tình vào xuân rộn ràng phát ra từ những chiếc tivi màn hình lớn có kết nối với bộ loa trong mọi nhà khắp từ đầu bản đến cuối bản át cả tiếng những đứa trẻ vui đùa trên sân nhà đợi bố mẹ làm cơm xong thì ăn cỗ. Tất cả những âm thanh ấy tạo nên một cảm giác hân hoan, rạo rực, phấn chấn.

Cũng ngày ba mươi Tết, nàng xuân đang e ấp đâu đây trong mỗi bản nhỏ. Nàng thổi luồng gió ấm nồng về núi, ông mặt trời theo đó cố xua màn sương mây mỏng nhẹ tỏa ánh nắng ấm áp lên sân vườn. Dưới mỗi sàn nhà, những người đàn ông lực lưỡng đã mổ xong con lợn béo núc nuôi trong chuồng từ đầu năm. Tiếng cười nói xôn xao hơn. Các chị phụ nữ và mấy cô gái má đỏ hây hây cặm cụi trong bếp vừa nấu cơm vừa trông chừng nồi bánh chưng. Các chàng trai giúp bố thịt xong con lợn thì ra đầu ngõ, ngắm nghía cây đào kỹ càng, lựa chọn dáng cành dáng lộc căng cương nhiều nụ mầm cắt xuống. Cây đào vừa được cắt cành, còn tươi nhựa được các chàng trai quét lên một lớp nước vôi như băng bó vết thương cho cây. Người trên rẻo cao có quan niệm: hoa đào tươi thắm sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới an yên, hạnh phúc, nhiều may mắn và thu hút tài lộc. Cũng có thể họ cho rằng: sự can trường chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của mùa đông trên vùng núi cao giá rét mà cây vẫn ủ mầm để mùa xuân đến nảy lộc đơm hoa tươi đẹp rực rỡ là biểu tượng cho sự vượt khó của người vùng cao. Và rồi, không biết tự bao giờ, hoa đào trở thành biểu tượng của loài hoa mùa xuân nở khắp nơi nơi. Người miền xuôi cũng chuộng hoa đào, nhất là đào rừng với người miền xuôi là một món quà quý hiếm. Nhà nào may mắn có được món quà là cành đào rừng là cả một sự phấn khích.

Những năm mới đặt chân lên miền Tây Bắc, tôi đã dành cả ngày đi dọc các cung đường hiểm trở của núi rừng nơi này chỉ để bâng khuâng ngắm những cánh hoa hồng hồng, đỏ đỏ mịn màng tươi tắn, rực rỡ hai bên đường. Giữa đất trời, trong cái mênh mông của núi rừng đại ngàn, cây cỏ qua một mùa đông xơ xác khô khốc, ngay cả cây đào cành cũng khẳng khiu trơ trụi lá vậy mà lại bật lên những nụ mầm hồng đỏ mềm mịn như nhung lụa rung rinh trong gió mời gọi bước chân du khách. Vậy nên, xin bạn đừng hỏi vì sao người dân trên rẻo cao thích trồng đào đến thế? Và cũng đừng hỏi tại sao du khách mê luyến mùa xuân rẻo cao là vậy?

Tôi biết, có người lên Tây Bắc ngày xuân một lần rồi họ phải trở lại lần hai, lần ba…

Dọc cung đường quanh triền núi, tôi đang mê mải ngắm hàng dãy những cây đào rừng mốc meo khoe hoa sắc thắm thì đâu đó xuất hiện mấy cô sơn nữ váy áo xập xòe. Các cô đi theo từng tốp cười nói vui vẻ. Sắc màu thổ cẩm trên trang phục của các cô, tiếng xà tích leng reng hòa lẫn tiếng nói cười trong trẻo như dòng suối mùa thu.

Tôi đi qua các bản người Mông, người Thái, người Lự… nhà nhà đều không có cổng. Nhà nọ với nhà kia được phân định ranh giới bằng cây đào, cây mận, cây lê phía chái nhà… Đi ngoài ngõ, nhìn vào trong sân nhà nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Khung cửi dưới gầm sàn ngày ba mươi Tết được các bà các chị lau chùi cẩn thẩn. Đặc biệt hơn, có nhà khung cửi còn được gia chủ cẩn thận phủ tấm vải thổ cẩm lên trên như để tránh bụi. Ngày thường các bà, các chị vẫn cặm cụi ngồi bên khung cửi dệt vải, làm váy áo. Nhìn họ tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ thêu dệt, may vá khăn áo, váy vóc mới để ngày lễ, Tết khoe với bạn bè sự khéo léo, bền bỉ của mình mới thấy cảm phục sự cần mẫn chắt chiu, sự cầu kỳ của người phụ nữ vùng sơn cước. Tôi đã được tham dự đám cưới ở đây. Ngày cưới – ngày đặc biệt quan trọng của đời người, các cô gái xúng xính khăn áo, váy vóc là những sản phẩm do chính bàn tay các cô thêu dệt. Màu sắc của váy áo trở thành màu cô dâu đậm sắc thổ cẩm. Bây giờ là ngày Tết, chiếc khung cửi được chủ nhân cho nghỉ ngơi. Tôi có cảm giác, hình như mỗi chiếc khung cửi kia đang nằm im lìm dưới sàn nhà lắng nghe, chờ đợi từng hạt bông vải đang cựa mình nảy mầm trên nương trong nắng gió ngày xuân.

Chúng tôi dừng chân trên con đường trải đầy hoa mận, hoa đào ở một bản người Lự thuộc xã Bản Hon. Mùi xôi nếp thơm lừng tỏa khắp không gian. Vì là khách quen của bản nên đến nhà nào chúng tôi cũng được gia chủ mời dùng bữa. Người Lự quan niệm, ngày Tết nhà nào có khách dùng bữa là nhà ấy gặp nhiều may mắn trong năm mới. Biết được điều đó nên qua nhà ông Sâu, anh Cum, anh Nằm… chúng tôi đều nán lại nếm chút rượu nếp ngô và thưởng thức vài món ngon cùng gia đình. Bữa cơm nhà nào cũng thịnh soạn với rượu ngô, thịt gà, cá suối nướng, thịt lợn treo gác bếp… Tôi không quên được hương vị của mùi xôi nếp nương ngũ sắc. Xôi được đồ trong chõ gỗ, trên bếp củi, khi gỡ ra mâm gỗ cả mâm xôi bốc hơi nghi ngút tỏa mùi thơm kích thích vị giác của con người khiến ai cũng chỉ muốn bốc một nắm thưởng thức ngay khi xôi còn nóng hôi hổi. Trên bếp nhà nào cũng treo lủng lẳng những xâu thịt lợn ba chỉ cắt mỏng, hun khói… Nhấp chén rượu thơm nồng, cụ Tàn khà khà với con cháu: Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, cuộc sống của bà con vùng cao đã khấm khá nên rất nhiều. Ngày Tết phải được chuẩn bị kỹ càng, đủ đầy và thật ấm cúng người già thêm khấn khởi, trẻ nhỏ thêm vui.

Trong muôn vàn âm thanh của bản cao ngày Tết, tôi nghe rõ tiếng chạm chén, tiếng chúc tụng rộn rã tưng bừng trên mâm cỗ. Đâu đó, tôi nghe rất rõ tiếng khèn da diết, bổng trầm ở một bản người Mông; tiếng quả còn rơi thật nhẹ, thật êm vào lòng bàn tay cô gái trong tiếng reo hò rộn rã ngày hội xuân.

Tôi bâng khuâng đi trên rẻo cao đón xuân trong tiếng nảy mầm mùa vụ mới trên nương.

Thanh Tám

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.