QUAN NIỆM VỀ SINH ĐẺ VÀ NUÔI CON CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ TỈNH LAI CHÂU

Sinh đẻ vốn là thiên chức của người phụ nữ được tạo hóa ban tặng để duy trì giống nòi. Cũng giống như các dân tộc anh em khác, người Dao rất coi trọng việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Với họ, tiêu chuẩn đầu tiên của một người phụ nữ là phải biết sinh con, biết làm mẹ – thực hiện thiên chức mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Sinh con đẻ cái không những là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng mà đó còn là mong muốn của cả hai bên gia đình, dòng họ. Con cái là lộc trời ban nên gia đình nào càng có đông con cháu lại ngoan ngoãn, chăm chỉ lại càng được coi là gia đình có phúc phận và được tin tưởng giao cho nhiều trọng trách trong cộng đồng, dòng họ. Chính quan niệm này đã thôi thúc đồng bào sinh thật nhiều con. Những cặp vợ chồng lấy nhau lâu năm mà không có con đều hết sức lo lắng tìm mọi biện pháp để có con hoặc nhận thêm nhiều con nuôi. Việc sinh đẻ con cái còn là sự kỳ vọng của cả dòng họ về việc tăng thêm nhân khẩu. Một dòng họ lớn phải có số nhân khẩu đông đảo, các thành viên trong dòng họ có tư cách đạo đức tốt gây uy tín trong làng bản và tạo niềm tự hào cho dòng họ đó. Các gia đình người Dao ngoài việc voi trọng việc sinh đẻ còn rất coi trọng việc dạy dỗ, giáo dục con cái. Một gia đình thuận hòa, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ, giỏi giang luôn được đề cao trong xã hội và được giao nhiều trọng trách, được sự tín nhiệm của họ hàng và làng xóm.

 Nguời Dao đỏ ở Than Uyên   ảnh: Văn Thắng

Trong quan niệm của người Dao, con cái không những là niềm hạnh phúc của cha mẹ mà còn là chỗ để trông cậy khi về già. Những gia đình hiếm con vì thế mà nhận thêm con nuôi, gia đình nào sinh con một bề là con gái thì lấy con rể về ở rể cả đời bên nhà vợ. Người con rể ở đời và con nuôi có trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ vợ, cha mẹ nuôi như cha mẹ đẻ của mình. Con rể ở đời và con nuôi vì thế rất được bố mẹ coi trọng, xem như con con đẻ. Việc nhận con nuôi rất phổ biến trong xã hội Dao, thậm chí nhiều gia đình rất đông con cháu vẫn nhận thêm con về nuôi, họ tin rằng càng có nhiều con càng nhiều phúc lộc.

Trước kia cũng như hiện nay, người Dao Đỏ đều quan niệm rằng gia đình hạnh phúc là gia đình có nhiều con, nhất là con trai. Đồng bào Dao cho rằng mỗi con mỗi lộc, nhiều con nhiều của, càng đông con càng có phúc phận lúc về già. Cộng đồng người Dao tỉnh Lai Châu nói chung và nói riêng của nhóm ngành Dao Đỏ, họ thường mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và làm “trụ cột” trong gia đình, là chỗ nương tựa cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Trong xã hội truyền thống, cũng như hiện nay quan niệm sinh con trai đối với người Dao đặc biệt quan trọng bởi vì người Dao ảnh hưởng của tư tưởng Đạo giáo khá là nhiều, Chính vì thế, bà con có vẫn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”,  thích sinh con trai làm chủ (làm chủ gia đình, chủ thờ cúng, thầy cúng, thầy dạy chữ Nôm Dao…).

Việc sinh đẻ, nối dõi tông đường của các dòng họ người Dao đặc biệt được coi trọng. Chính vì lý do đó đã đè nặng lên tâm lý của những người phụ nữ hiếm con hoặc không thể sinh con. Họ bị xã hội và làng xóm chê trách, đôi khi còn bị sự hắt hủi của chồng hoặc cha mẹ chồng, luôn mang trong mình tâm lý tủi nhục tội lỗi. Họ cho rằng không có con, gia đình không hạnh phúc, người phụ nữ đó không có phúc đức,… mọi tội lỗi đổ lên đầu người phụ nữ. Trong trường hợp này nếu người chồng biết thương yêu, thông cảm với vợ, hai vợ chồng sẽ tìm mua con nuôi của gia đình khác hoặc nhận con của anh em họ hàng về nuôi để sau này có người phụng dưỡng lúc tuổi già. Nếu người chồng không thương vợ sẽ đi hỏi vợ hai. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ không có con, tự đổ lỗi cho bản thân và chủ động đi hỏi vợ hai cho chồng. Họ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà và cùng chăm sóc những đứa con. Việc ly hôn rất ít xảy ra, các cặp vợ chồng sống với nhau rất chung thủy. Do quan niệm và sự lên án của xã hội đối với những người bỏ vợ, bỏ chồng nên những người đàn ông Dao rất hiếm khi bỏ vợ vì không có con họ thường nhận con nuôi, hoặc có thể sống chung với đại gia đình có nhiều người cùng chăm sóc, nuôi nấng những đứa cháu sau này sẽ là chỗ dựa cho họ.

Xuất phát từ lỗi cô quạnh khi nhà không có con cái, các cặp trai gái sau khi cưới nhau được 1 năm rất mong muốn có con và thích có con trai đầu lòng. Trường hợp vợ chồng cưới nhau sau vài năm mà chưa có con, người ta làm lễ cầu xin có con. Gia chủ phải mời thầy cúng đến cúng báo tổ tiên, thần thánh xin thần thánh và tổ tiên phù hộ cho vợ chồng người A có con. Lễ vật phải có 1 con lợn, 1 đôi gà trống mái, rượu, hương, giấy bản. Khi cúng thầy dùng quẻ âm dương để hỏi thần thánh xem có đồng ý cho vợ chồng ông A có con thì được quẻ sấp ngửa.

Ở người Dao Đỏ, khi người phụ nữ có thai vẫn làm việc bình thường nhưng kiêng làm một số công việc nặng nhọc có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe của người phụ nữ và thai nhi. Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ kiêng không ăn thịt trâu có chửa bị chết đột ngột, hoặc trâu không đẻ được cả mẹ và con đều bị chết vì quan niệm rằng ăn con vật này sẽ gây bệnh tật, thậm chí có thể gây ra cái chết cho người mẹ và thai nhi. Người phụ nữ mang thai kiêng bước qua dây buộc trâu, bò, ngựa vì lo ngại rằng sau này đứa trẻ sẽ bị tràng hoa cuốn cổ và khó đẻ. Người phụ nữ có thai kiêng không được đánh rắn vì quan niệm rằng, điều này có thể dẫn đến tình trạng đau đẻ quằn quại như rắn. Đồng bào Dao cho rằng người phụ nữ trong lúc mang thai mà ăn thịt diều hâu, thịt các con vật bị hổ giết thì sau này cả mẹ và con sẽ bị mắc bệnh phong. Kiêng ăn thịt gà rừng vì quan niệm rằng sau này đứa trẻ sẽ chạy, nhảy nhiều; không ăn nhộng ong, nhộng tằm vì e ngại rằng sau này con sinh ra chỉ thích ở trong nhà và sợ không dám đi ra ngoài; không ăn quả bí vì sợ bào thai sẽ biến dạng thành hình quả bí; kiêng ăn rau cải vì sợ rằng sau này con sẽ hay đái rầm; kiêng ăn bất cứ loại quả chua nào vì sợ cả mẹ lẫn con đều bị đau bụng. Người phụ nữ có thai kiêng uống các loại thuốc nấu từ các loại cây có gai vì quan niệm rằng những loài cây đó sẽ làm cho đứa bé bị mụn nhọt, ngứa ngáy quanh năm. Phụ nữ có thai kiêng khâu vá, thêu thùa trong nhà, điều này, quan niệm của người Dao, có thể là nguyên nhân đẻ nhiều con gái. Khi muốn khâu vá quần áo phải ra khỏi nhà, và trường hợp quần áo của mình bị rách thì phải giặt sạch mới vá. Phụ nữ Dao đỏ quan niệm rằng nếu khâu vá quần áo chưa được giặt sạch, nhất là còn mùi mồ hôi sẽ gây khó đẻ con. Phụ nữ có thai kiêng hái các loại quả như chanh, cam vì quan niệm rằng sau này cây đó có quả sẽ bị rụng hoặc bị khô nước. Đối với gia đình và phụ nữ Dao Đỏ ở xãxã Phúc Than huyện Than Uyên, trong thời gian mang thai còn phải thực hiện các kiêng kỵ như sau:

– Tháng 1 và tháng 7 “hạn” ở cửa chính (Chin xiết chói muồn poang). Trong hai tháng này, phụ nữ có thai kiêng đào, đắp đất trước cửa chính; kiêng ngồi thêu thùa, cắt, chặt, sửa chữa cửa vì sợ dễ gây tổn thương tới thai nhi.

– Tháng 2 và tháng 8 “hạn” ở bếp (Nhẩy pết lầu dố toang). Trong hai tháng này, cả gia đình phải kiêng xúc tro, không cắt, chặt, không thêu thùa và khâu vá ở gần bếp vì quan niệm rằng những hoạt động này sẽ gây tổn thương đến thai nhi và có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai và đẻ khó.

– Tháng 3 và tháng 9 “hạn” ở cối giã gạo (Pham chúa pùng tói mụa). Trong hai tháng này người phụ nữ có thai không không chặt, cắt và không thêu thùa khâu vá ở gần cối giã gạo vì sợ động vào cối nơi hồn thai nhi đang trú ngụ.

– Tháng 4 và tháng 10 “hạn” ở giữa nhà (Phấy chiệp chói tồng thinh). Trong hai tháng này, người phụ nữ có thai cũng phải thực hiện những kiêng kỵ giống tháng 3 và tháng 9.

– Tháng 5 và tháng 11 “hạn” ở buồng ngủ của người có thai. (Hừ chiểm iết pâu chồng chuổi). Trong hai tháng này những kiêng kỵ của người phụ nữ có thai cũng tương tự như trên.

– Tháng 6 và tháng 12 “hạn” ở bản thân người có thai. (Lụa chiệp nhảy trói pườn sin). Trong hai tháng này người phụ nữ có thai kiêng mang theo mình những vật như kéo, kim và các đồ kim loại khác vì sợ rằng sẽ cắt, khâu vá hoặc thêu vào đứa bé. Khi đun nấu bếp, người phụ nữ mang thai kiêng không đun ngược củi (cho ngọn vào trước) vì sợ sau này sinh con bị đẻ ngược (khó ra, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng).

Ngoài ra người Dao Đỏ còn kiêng trèo cây, hái quả vì sợ động thai; kiêng giết mổ gia cầm như gà, vịt, ngan… vì quan niệm rằng thai nhi sợ máu sẽ không ra được; kiêng đi một mình trên cầu gỗ hoặc tre mới làm vì sợ làm cầu bị gẫy. Khi đi làm hoặc đi chơi, người phụ nữ có thai thường kiêng đi trước người khác dù người đó là chồng hay anh em, họ hàng vì quan niệm rằng điều này có thể làm cho những người đi cùng sẽ không gặp may mắn. Người phụ nữ đang trong thời kỳ thai ngén kiêng cầm hoặc sờ vào hạt giống vì quan niệm rằng hạt giống sẽ không mọc được; kiêng không đến gần bàn thờ tổ tiên vì quan niệm rằng tổ tiên sẽ giận.

Những kiêng kỵ cũng xảy ra đối với chồng của người phụ nữ đang có thai cụ thể như: Trong thời gian vợ có thai, chồng kiêng đánh rắn vì quan niệm rằng sau này con sẽ thè lười; kiêng kéo cây theo chiều từ phía ngọn vì lo rằng con sẽ ra ngược; kiêng tham gia khiêng người chết ra nghĩa địa vì lo rằng con sẽ ở lâu trong bụng mẹ.

Việc duy trì một số kiêng kỵ còn được áp dụng ngay sau khi sinh đẻ. Người sản phụ kiêng ăn các loại thịt như lợn nái, trâu, bò, hươu, nai, gà trống… trong vòng một tháng. Đối với người Dao đỏ khi đứa trẻ chào đời, sản phụ phải chịu kiêng cữ trong 3 ngày như: không đi ngang qua hoặc tới gần bếp vì sợ làm bẩn bếp, không tới gần bàn thờ hoặc đi ra và vào nhà qua lối cửa chính vì sợ tổ tiên giận, không tắm nước lã vì sợ bị bệnh vì thế mẹ chồng thường cho con dâu tắm lá thuốc sau này sản phụ có sức khỏe tốt. Không sờ vào cửa chính, không đào đất và không đến nhà người khác trong phạm vi một tháng.

Trong phong tục tín ngưỡng của người Dao, nơi đặt bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng chính vì vậy những người phụ nữ trong gia đình đang mang thai hoặc đang ở cữ, cấm tuyệt đối không được đi qua lại trước cửa bàn thờ, nếu đi qua làm động tổ tiên, tổ tiên sẽ chừng phạt làm cho gia đình có người ốm đau, lục đục.

Những người phụ nữ có con ngoài giá thú không được cộng đồng thừa nhận và phải chịu sự trừng phạt của gia đình, dòng họ. Nhân phẩm của người phụ nữ này cũng bị hạ thấp, bị cả xã hội khinh rẻ. Chính cái nhìn khắt khe và sự lên án gay gắt của xã hội, việc quan hệ bất chính và có con ngoài giá thú trong cộng đồng người Dao cũng rất ít khi xảy ra.

Vân Thanh

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.