QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN  CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ

Quan niệm về linh hồn

Người Hà Nhì  quan niệm bất cứ sự vật hiện tượng nào cũng có linh hồn: từ vách đá, dòng sông, cái cây, con suối đến đất, nước, rồi lúa, ngô… các sinh vật chỉ có một hồn riêng con người có tới 92 linh hồn được gọi là “Hi thá”, 92 hồn đều thống nhất và mạnh như nhau. Hồn chính trú ngụ ở trên đầu, vì vậy người Hà Nhì  đội  mũ, khăn để bảo vệ linh hồn. Trước bàn thờ tổ tiên không ai bỏ khăn, mũ. người Hà Nhì kiêng  xoa đầu, đập tay lên đầu vì họ sợ hồn chính giật mình bay đi, sẽ bị lạc, người dễ ốm. Ốm quá phải cúng.

Người Hà Nhì có mấy cách bảo vệ hồn vía như sau :

Người Hà Nhỡ cỳng thần Đá trong lễ Gạ Ma Thỳ

* Đối với trẻ em người ta hay đeo vòng bạc, buộc chỉ cổ tay, đội mũ năm múi, khâu bùa như đuôi sóc, đồng bạc, răng vuốt hổ, gấu để yểm…

Người Hà Nhì cũng có câu chuyện về mối liên hệ giữa người chết và người sống, giải thích hiện tượng ra đời của thầy cúng và hiện tượng“mí ù  ly” – hiện tượng gọi hồn như sau: Ngày xưa, có một gia đình hiếm hoi xin được một đứa con nuôi, nhưng đứa bé này ốm yếu lắm, nên bố mẹ nuôi rất cưng chiều. Đến  mức họ khách kiệt gia tài vì đứa bé. Một hôm con nuôi bảo: “Bố mẹ ơi con muốn ăn gan con ngựa bạch nhà mình. Con tin rằng ăn xong con sẽ khỏi bệnh. Nhưng trước khi ăn bố mẹ tháo cho con hết vòng chân, vòng tay, vòng cổ và mấy dây vía nữa.” Chiều con cha mẹ nghe theo. Ăn xong đứa bé chết.

Khi ấy chưa có ranh giới giữa ba tầng trời và thế giới người chết nên bố mẹ nuôi đi hết nơi này đến nơi khác để tìm con mình. Đi mãi đi mãi cuối cùng họ cũng tới nơi đứa con nuôi ở. Hai vợ chồng vừa khóc vừa khuyên bảo con nuôi trở về. Đứa bé nói: “Tôi là người nợ ông bà. Đáng lẽ tôi đã hết nợ từ lâu nhưng ông bà cứ giữ tôi mãi. Ông bà về đi. Nhớ tôi thì nhờ “mồ p,” (thầy cúng ) gọi  tôi sẽ về, đừng đi lại vất vả”. Hai vợ chồng già nọ đành buồn bã quay về, càng gần trần gian thì ba thế giới càng xa nhau. Cũng từ đó thầy cúng ra đời, thầy cúng là người có năng lực đặc biệt có thể nhìn thấy và biết cả 4 thế giới, là người nối kết những mong muốn của con người đến thần linh và ngược lại. Người Hà Nhì gọi thầy cúng là mồ p, hí. Có thể vừa sinh  ra có người đã được chọn làm thầy cúng, nhưng có người sau trận ốm nặng hay sắp chết nhờ cúng bói khỏi cũng có khả năng này và  trở thành thầy cúng. Theo niềm tin dân gian nếu người cha biết cúng, thì chết đi hồn lên trời sau ba lần chuyển kiếp hồn trở về nhập vào con cháu, hồn chọn ai người đó trở thành thầy cúng. Thầy cúng phải kiêng ăn các loại đồ tanh: như thịt chó, thịt trâu, thịt bò. Người Hà Nhì quan niệm những đứa trẻ chết sớm là những đứa trẻ kiếp trước nợ ta gì đó. Trả nợ xong nó về thế giới của nó.

Ngày xưa thầy cúng Hà Nhì có trang phục riêng đó là loại áo chui đầu dài đến đầu gối. Tay áo, nẹp áo có thêu nhiều hình hình hoa văn kỳ bí, biểu tượng mặt trăng, mặt trời, cựa gà trống. Khi đi điền dã tôi hỏi tại sao khi cúng cụ Pờ Cha Phà  không mặc trang phục thầy cúng , con cụ là ông Pờ Loóng Tơ nói cách đây 50 năm cán bộ bảo “Không nên mặc bộ quần áo đó, cúng ma là mê tín ”, nên ngay cả khi “hành nghề” cụ Pờ Cha Phà cũng chỉ mặc quần áo thường ngày. Chỉ đến khi sắp mất cụ mới yêu cầu con cháu cho mặc bộ quần áo thầy cúng để về với tổ tiên. Lúc đó cũng là lần đầu tiên một số con cháu trong nhà và dân bản được nhìn thấy bộ quần áo thầy cúng. Bộ quần áo cúng duy nhất cuối cùng được may cách đây gần 100 năm đã được con cụ Pờ cha Phà ở bản Mù Cả – xã Mù Cả – một gia đình có dòng mồ p, hí- Làm thầy cúng, liệm theo cha vào tháng 4 năm 1999. Dụng cụ của thầy cúng gồm: chiếc túi thổ cẩm, kèn, trống, thanh la, não bạt, một con dao nhỏ dùng để giết thịt các con vật hiến sinh và chính con vật hiến sinh.

Bên cạnh việc mời thầy cúng, để biết về quá khứ, tương lai, quan hệ gia đình, xã hội, làng bản, ngày lễ tết những người chủ gia đình còn bói xem chân gà và đầu gà. Có 12 cách xem xương gà :

Ví dụ : Xem đầu gà: Người ta nhìn da đầu con gà nếu thấy các tia máu trên da đầu nâu đều, chạy nối nhau liên tục là tốt, nếu mạch bị nghẽn thì gia chủ sẽ có chuyện không may. Sau đó người ta bóc da đầu gà ra xem tiếp phần xương gà bên trong. Rồi xem lưỡi gà, mỏ trên, mỏ dưới.

Khi xem chân gà: chân gà, ống chân gà, đùi gà…

* Đối với thanh niên thì hồn họ mạnh mẽ, khoẻ khoắn cho nên việc bảo vệ cũng không cần nhiều chỉ cần đeo một dây vía ở cổ tay hoặc ở cổ là được.

* Hồn người già thì yếu đuối hay thất lạc, vì vậy khi ốm đau, mệt mỏi người ta phải mời thầy cúng về gọi hồn. Cách gọi hồn: Người ta lấy vòng tay, áo, khăn người ốm, người cần gọi hồn. Lễ vật gồm: một đôi gà, một quả trứng, một bát gạo, chè. Khi cúng xong nếu có vòng tay  đã cúng thì không buộc chỉ. Nếu không có vòng tay thì buộc chỉ có thể  buộc từ một vòng đến ba vòng.  Gọi hồn là cách thức gọi tên người ấy mong hồn không đi lung tung, lạc lối hãy nghe tiếng gọi mà về cùng bố mẹ, vợ con. Người ta tin rằng với cách gọi hồn này dù hồn lạc ở đâu cũng sẽ nhập vào xác.

Có một quan niệm của người Hà Nhì khác dân tộc anh em là: Người phụ nữ đã  là mẹ, là vợ thì có một sức mạnh phi thường. Khi họ thấy chồng, con mình bị “lạc hồn” họ có thể gọi hồn về bằng cách gọi tên người “mất hồn” và bảo ba lần “về đây” thế là hồn về nương vào gấu áo, nẹp áo người phụ nữ mà trở về với người thân yêu của họ. Cũng từ quan niệm ấy mà người Hà Nhì nói rằng nếu người chồng không tốt hoặc người con mà hỗn láo, người phụ nữ có thể vạch vú lên trời cầu xin và nguyền rủa, lời nguyền như thế nào thì người đó sẽ bị trừng trị thích đáng như thế. Cùng trong hệ thống quan niệm này những người tàn tật, tật nguyền, bà goá…cũng có thể có một sức mạnh thần bí. Mọi người tránh làm tổn thương đến họ. Bất cứ ai trêu chọc họ, bị họ nguyền rủa thì cuộc sống của người bị nguyền rủa cũng sẽ rất không may mắn. Có lẽ vì những quan niệm trên nên những người phụ nữ, người tàn tật trong cộng đồng người Hà Nhì thường được kính trọng. Trong dịp lế tết các gia đình thường mời những người này về cùng ăn tết với hy vọng xin phúc, tạo phúc cho con cháu.

Quan niệm đó góp phần duy trì phần nào sự bền vững của cộng đồng với những người yếm thế bằng sự kính trọng xen lẫn sự sợ hãi.

Tục thờ các loại thần, ma:

Cũng giống các dân tộc anh em khác người Hà Nhì có quan niệm: người chết sẽ thành ma. Nếu người sống kính trọng, biết đến ma thì ma nhà sẽ phù hộ, nếu người sống coi thường thì ma nhà sẽ phá phách, làm hại người sống,  gọi là Nẹ khà cù chà( Ma ăn người), đã bị ma làm thì gia đình sẽ gặp không biết bao nhiêu điều bất trắc. Vì vậy phải cúng xin thì ma mới không phá phách nữa.

Trong bản thờ chung một số vật linh giáo, tổ tiên thánh thần như sau:

* Thồ tí: Là thần công thổ địa. Bài cúng Thồ tí kể về công ơn của  những người sáng lập ra đất nước của người Hà Nhì xưa. Bàn thờ Thồ tí đặt dưới  một gốc cây, dưới gốc cây làm thành một cái “nhà” có 2 cột 2 bên, trên là mái nhà bằng  một phiến đá to, phẳng có chiều rộng từ 0,4m trở lên, chiều dài 0,5m trở lên. Trong “nhà”  đặt Thồ tí (vật linh giáo biểu trưng cho Thồ tí là một hòn đá nhỏ có đường kính từ 3 -5 cm dài 20 – 30 cm.), gần giống linga của người Chăm.  Hướng đặt Thồ tí là một mạch núi càng xa càng tốt nhưng tránh đi vào giữa bản.

   *Txố lố : là các loại thần sông, suối, cây, ao hồ…

*H,lagà : Là vách đá được tôn là thần hộ mạng cho bản. Với mỗi hình thức thờ cúng này có một người đảm nhận riêng.

Thày cúng Thồ tí được cha truyền con nối. Họ bắt buộc phải ghi nhớ những sự kiện lịch sử của người Hà Nhì .

Người coi sóc Txố lố, H,lagà và Gạ Ma là  “Mí Cù à pố – ông giữ linh hồn nơi đỉnh bản” hay là người chủ “Mí Cù”. Người này có thể không phải là thầy cúng chuyên nghiệp mà yêu cầu phải là người “thanh sạch”. Có nghĩa là dòng máu không được pha tạp, từ bé đến lớn không bị hổ vồ, gấu cào, beo cắn. Khi già làng, trưởng bản khấn chọn người chủ “Mí Cù” thì người ta xin bằng cách bói chân gà: hai lỗ ở xương chân gà phải thẳng nhau là được.

Chu Triêu Huy

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.