Quân dân vùng biên phòng, chống dịch Covid-19

Với tinh thần nâng mức độ chống dịch lên cao hơn so với quy định chung, quân và dân vùng biên ở huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã xây dựng thành công “lá chắn thép”. Thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ biên cương, vừa phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho bà con thôn bản phát triển kinh tế.

 

          Vững vàng những bước chân xanh

Phong Thổ đón chúng tôi bằng cái nắng, cái gió khắc nghiệt quen thuộc. Huyện Phong Thổ gồm 17 xã và thị trấn, nhưng trong đó gồm 12 xã biên giới với đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) dài 97,229km, gồm 51 cột mốc biên giới và cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng. Trong chiến dịch phòng chống Covid-19, cao điểm có 25 chốt trực thuộc 6 đồn biên phòng (ĐBP).

Theo chân thiếu tá Trần Huy Huỳnh – Chính trị viên Phó ĐBP Cửa khẩu Ma Lù Thàng, chúng tôi vượt qua những con đường đất nhỏ, quanh co, dốc đứng, nhiều ổ voi, ổ gà tới các chốt trực xa xôi, hẻo lánh của Đồn. Nếu những ngày đầu chống dịch mới chỉ có những lán tạm, nhà tạm chống trải, mưa gió, rét mướt, thì nay những chốt trực được kiên cố hoá phục vụ cho nhiệm vụ chống dịch lâu dài. Dù điều kiện ăn ở được cải thiện, dù các chiến sĩ đã thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sống nhưng những khó khăn vẫn hiển hiện.

Cả quả đồi cách xa bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho) này mới có một chốt trực đơn sơ. Có những điểm chốt thuộc ĐBP Huổi Luông nằm trên cao khoảng 1500m, bốn mùa đều mây bao phủ, lạnh giá. Có những chốt trực còn chưa có đường điện đi qua, sóng điện thoại phập phù. Thế nhưng các anh vẫn lạc quan kể với chúng tôi: “Nhà thế này là đã vững chãi lắm rồi. Nhớ hồi đầu ở chốt, mưa to, gió lớn còn thổi tốc mái bạt, mỗi anh em phải ôm một chân cột để tránh bay “nhà” ấy anh chị ạ. Chăn màn, quần áo ướt hết, không có chỗ ngủ… Nhưng khó khăn nào cũng vượt qua mà anh chị. Trải qua cả bốn mùa ở đây khiến tôi dày dạn, bản lĩnh lên nhiều” – Trung uý trẻ măng Đỗ Văn Cương, chốt số 2, ĐBP Cửa khẩu Ma Lù Thàng vui vẻ chia sẻ.

         Bộ đội biên phòng ĐBP Cửa khẩu Ma Lù Thàng và Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng tuyên truyền cho bà con bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho)

các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

         Các anh em ở chốt trực thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm, không kể thời tiết mưa gió, giá rét hay nắng như đổ lửa. Ăn tạm “cơm vắt” giữa rừng cũng xong bữa. Mai phục không kịp về chốt thì ngủ tạm giữa rừng khuya. Bình thường, việc tuần tra giữa vùng đồi núi hiểm trở của biên giới Lai Châu đã gian nan thì nay trước đại dịch, các chiến sĩ càng phải căng mình lên ứng trực, thực hiện nhiệm vụ. Có những trường hợp lẩn trốn vượt biên hoặc, trốn cách ly giữa đêm thì việc tuần tra, canh gác càng vất vả hơn. Con suối biên giới chảy qua bản Hùng Pèng của Việt Nam, bên kia là bản Quan San của Trung Quốc, mùa này khô cạn nên nhìn êm đềm, nhưng mùa mưa lũ thì dữ dằn chảy xiết. Việc kiểm soát người qua sông suối, theo các đường mòn, lối mở trái phép vào địa phận đầy hiểm nguy, nhất là vào những đêm mưa lớn.

          Có những chiến sĩ cắm chốt nơi biên giới, cả thanh xuân dành cho mảnh đất Lai Châu. Tham gia chốt trực 24/24, không về thăm nhà, kể cả trong dịp tết vừa qua. Với họ, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc vùng biên là người thân ruột thịt. Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên – Tổ trưởng tổ trực chốt số 2, ĐBP cửa khẩu Ma Lù Thàng là một người như thế. Với khuôn trang rắn rỏi, nhanh nhẹn, anh thân tình chia sẻ: “Đã 32 năm mình gắn bó với biên giới, thuộc cả tiếng Dao của bà con ở bản đơn vị cắm đóng. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, mình đã có mặt luân phiên ở các chốt số 1 (cột mốc số 65), chốt số 2 (cột mốc 67). Dù tình hình khó khăn, căng thẳng nhưng cán bộ chiến sĩ chúng tôi luôn bám biên, kiên định ý chí, mục tiêu, xác định rõ nghĩa vụ trách nhiệm, tự giác, đồng lòng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó”.

Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy trưởng bản Hùng Pèng – anh Lý Dâu Phùng gọi trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên là “thầy giáo”. Hỏi ra mới biết, “thầy” Xuyên, ngoài giờ hành quân, tuần tra đường biên, mốc giới là trở thành “thầy giáo áo xanh” trong những lớp học xoá mù nơi địa đầu xa xôi này. Bên những chiếc đèn dầu, anh đã mang con chữ đến bản, khiến bao cuộc đời được đổi thay, tươi sáng. Những năm tháng bám chốt, bám bản đó đã khiến anh được nhân dân tin yêu, có chuyện gì cũng hỏi ý kiến “thầy giáo”. Chính vì vậy, việc các chiến sĩ đồn biên phòng tuyên truyền cho bà con dân bản về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trở nên hiệu quả.

Với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, tất cả vì bình yên cho nhân dân, các chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Các chiến sĩ quân hàm xanh đã thực hiện tăng gia sản xuất, đảm bảo công tác hậu cần tại chỗ để cải thiện đời sống, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Tại ngay các khoảng nương khô hạn gần các chốt trực, các chiến sĩ trồng rau, nuôi gà, nuôi chó cảnh giới. Màu xanh dần nhân lên giữa màu đất khô cằn, đá sỏi.

Toàn quân xác định bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia cùng với chống dịch là nhiệm vụ lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Đại tá Lê Công Thành – Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: “Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu đã triển khai ứng trực, căng mình chống dịch. Chủ trương chung của BĐBP tỉnh là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn từ bên kia biên giới; xác định nâng cấp độ nghiêm ngặt trên một cấp so với chỉ đạo của chính phủ; khắc phục mọi khó khăn để chống dịch lâu dài”.

Lực lượng BĐBP Lai Châu với kim chỉ nam trung thành vô hạn, bám trụ kiên cường, đoàn kết, kỉ cương, năng động, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng đã ứng dụng quyết liệt trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo thành “vành đai thép” nơi tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

 

Sức mạnh của tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng ở bản vùng biên

           Đến với các bản vùng biên của huyện Phong Thổ, chúng tôi được biết mỗi bản đều có một Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng. Trong đó, Tổ trưởng là trưởng bản và các thành viên là các cá nhân thuộc các Tổ chức chính trị xã hội của bản như: công an viên, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên, thôn đội trưởng, ban công tác mặt trận bản, y tế thôn bản…

Anh Lý Dâu Phùng (35 tuổi) – Tổ trưởng Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, dáng người thanh mảnh nhưng nhanh nhẹn. Chúng tôi phải sải bước để theo kịp anh đến nhà người dân tuyên truyền. Trong ngôi nhà lá đơn sơ của chị Hoàng Tả Mẩy (38 tuổi, dân tộc Dao, bản Hùng Pèng), không cần câu nệ nước nôi, mọi người ngồi quanh trên những chiếc ghế mây cũ kĩ, đeo khẩu trang, chăm chú nghe anh Lý Dâu Phùng tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh, bảo vệ, chữa trị dịch bệnh Covid-19. Có đoạn anh nói bằng tiếng dân tộc Dao rồi phát tờ rơi có hình ảnh dễ nhìn cho gia đình chị Mẩy. Anh kể: “Trong bản có 43 hộ. Chúng tôi cứ lần lượt chia nhau đi tuyên truyền như thế đến từng nhà, hạn chế tập trung đông người. Tổ còn ghi âm lời tuyên truyền một cách ngắn gọn, dễ hiểu, rồi phát đi phát lại trên loa phát thanh của bản để mọi người ghi nhớ nội dung phòng, chống dịch bệnh. Có khi người dân đi làm không ở nhà, thì chúng tôi còn lên cả nương tuyên truyền cho bà con nữa”. Được biết, gần đây Tổ còn tập trung tuyên truyền về việc tiêm phòng vắc-xin. Ngoài công tác tuyên truyền, Tổ còn nắm tình hình nhân dân, phát hiện những đối tượng lạ, hiện tượng lạ, trường hợp di chuyển đi đến địa phương, rà soát ca bệnh hoặc trường hợp nguy cơ, nghi nhiễm báo cáo Ban chỉ đạo hoặc Trung tâm chỉ huy phòng chống Covid-19 xã.

Các thành viên của Tổ cũng không giấu được niềm tự hào khi kể hàng tháng, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng được phối hợp với ĐBP tuần tra cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc… Công việc cũng liên tục và khá vất vả nhưng các thành viên “vác tù và hàng tổng” không hề nề hà mà rất tích cực, nhiệt tình vì làm được công việc ý nghĩa, góp phần nhỏ bé của mình vào việc giữ vững bình yên cho bản làng. Được biết, hiện không có chế độ chính sách cho Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng nhưng Tổ vẫn hoạt động tích cực, hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho – Tẩn Chỉn Hùng khẳng định: “Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao. Thậm chí, Tổ còn thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn những quy định chung áp dụng cho toàn quốc. Những chỉ đạo từ cấp trên, được các bản vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của bản. Có bản họp thống nhất đưa ra quy ước, hương ước riêng, quy định chi tiết, cụ thể các việc, các bước cần làm phòng chống dịch, thậm chí đề ra những mức xử lý nghiêm khắc cho những ai vi phạm”. Chẳng hạn ở bản Tả Phìn (xã Ma Ly Pho), bản U Gia, (xã Huổi Luông), người dân vi phạm như đi về không báo cáo, không thực hiện cách ly theo quy định gây lây nhiễm cộng đồng sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, thậm chí cao hơn, tuỳ vào mức độ vi phạm…

       Những ngày vừa qua, người dân lao động từ nhiều nơi trở về địa phương, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng càng tăng cường trách nhiệm của mình. Anh Tẩn Phủ Chiến – Tổ trưởng Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng bản Tả Phìn (xã Ma Ly Pho) hăng hái kể: “Tổ liên tục cập nhật thông tin lao động, hướng dẫn người đi xa về khai báo y tế chính xác, tổ chức tự cách ty an toàn. Nếu nhà ai không đủ điều kiện về phòng ở thì báo cáo, chọn cách ly tại lán giữa nương, giữa ruộng đảm bảo tuyệt đối an toàn”.

Đây là cách làm rất sáng tạo, tuỳ thuộc vào thực tiễn của bản nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Người đi xa về, tự đến nơi cách ly ở lán ruộng đã được chuẩn bị kĩ về điều kiện sinh hoạt. Cho đến khi hết thời gian cách ly, người đó mới tái hoà nhập cộng đồng, vui mừng trở về ăn tết với gia đình, dòng tộc, làng bản.

Trưởng bản Sùng A Páo, bản Ngài Chồ 1 – nơi có ca F0 duy nhất tính đến tháng 2/2022 ở xã Huổi Luông chia sẻ: “Ngay khi phát hiện có F0, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng đã làm việc hết công suất để truy vết nhanh. Đồng thời, Tổ cũng luôn tích cực tuyên truyền, chia sẻ, hướng dẫn bà con thực hiện nguyên tắc 5K, để bà con không hoang mang, hoảng sợ”. Với việc làm việc trách nhiệm, khoa học mà chỉ có 1 ca F0 và 2 ca F1 của F0 này. Tính đến thời điểm chúng tôi ghé thăm, dù tình hình Covid-19 trên toàn tỉnh Lai Châu có chiều hướng gia tăng các ca nhiễm nhưng các xã biên giới vẫn được đánh giá là an toàn hơn so với các xã nội địa. Rõ ràng, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng đã góp phần hiệu quả vào việc ngăn chặn Covid-19 ở các bản vùng biên, giúp nhân dân biên giới nâng cao ý thức, hiểu biết và thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, thậm chí nâng mức độ nghiêm ngặt hơn so với nhiều địa phương khác.

Trong giai đoạn “bình thường mới”, một số chốt trực biên phòng được chỉ đạo giảm về số lượng, bỏ chốt kiểm soát ra vào địa bàn tỉnh thì vai trò của Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng càng cần được tăng cường. Cuộc chiến chống đại dịch còn dài, Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng xác định tiếp tục thích ứng linh hoạt, tích cực thực hiện nhiệm vụ phòng chống Covid-19, không ngừng vận động, khuyến khích bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế nơi biên giới.          Mỗi người dân vùng biên chính là một cột mốc sống, đồng thời là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, chống giặc. Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng ở mỗi làng bản đã khẳng định được vai trò to lớn của “thế trận nhân dân”.

Từ những nỗ lực của quân và dân, cho đến hiện tại “mặc dù tình hình dịch bệnh trong tỉnh diễn biến phức tạp nhưng mức độ dịch bệnh tại các xã biên giới vẫn an toàn hơn các xã nội địa của huyện” – Đồng chí Vương Thế Mẫn – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết.  Nhân dân cùng với đội ngũ quân hàm xanh thực sự đã tạo thành những “lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vừa chống dịch, vừa tăng gia sản xuất, chung tay xây dựng vùng biên ngày càng ổn định và phát triển.

 

Bài và ảnh: Thùy Giang

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.