Quà của mẹ

1.

Gà mới gáy canh ba, Xuân đã giật mình tỉnh giấc. Cô len lén quàng tay ôm trộm mẹ. Bà cụ Bình tỉnh như sáo, hất tay cô con gái cả ra:

– Buông ra! Mẹ không thích ôm, bảo bao nhiêu lần rồi mà vẫn không chừa…

Xuân rụt tay vội như người mắc lỗi. Thế là hai đêm về thăm mẹ đã vèo trôi thật nhanh. Chỉ còn mấy tiếng nữa, cô lại phải theo chồng ngược núi rồi. Cô sẽ  nhớ mẹ nhiều lắm đấy! Từ bé, cô đã khát được ôm mẹ, khát được hít hà mùi mồ hôi thơm nồng của mẹ. Mới lên một tuổi, cô đã có em trai, rồi ba năm tiếp theo, mẹ lại sinh thêm hai em gái nữa. Thế là cô bị “ra rìa”. Trong ký ức của cô, mẹ luôn đầu tắt mặt tối, ngoài tám tiếng đi làm, về đến nhà mẹ lại tay năm tay mười nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt cho các con, rồi lại ngồi bên bếp lửa chẻ đóm, bóc lạc đến tận đêm khuya. Bố cô thì bận họp hành, công tác triền miên nên ít khi có mặt ở nhà. May có ông anh trai cả hơn Xuân hẳn sáu tuổi nên cũng đỡ đần cho mẹ được chút ít.

Chồng cô ngủ trên tầng hai nhà ông anh trai cả, liền kề nhà của mẹ. Hơn chục năm nay, từ khi mẹ bước sang tuổi bảy nhăm, năm nào anh cũng thu xếp để hai vợ chồng cùng về quê thăm mẹ từ ba đến năm lần nhưng mỗi lần cô chỉ ngủ được với mẹ nhõn hai đêm một ngày thôi. Vì anh còn công tác nên không thể ở chơi với mẹ lâu mà vợ anh thì bệnh tật rề rề, anh không thể để cô ấy về sau được.

Ai cũng khen bà cụ Bình có hai cậu con rể thật là hiếu thảo. Cậu rể út ở gần thì không nói làm gì rồi. Cậu chăm lo săn sóc mẹ vợ ân cần chu đáo hệt như mẹ đẻ. Rể cả ở tít Tây Bắc là người mồ côi cha mẹ tự tấm bé, mẹ cũng coi như con trai dứt ruột đẻ ra. Hồi trẻ, vợ chồng con gái cả không tránh khỏi những lúc giận hờn. Mẹ luôn là người bênh vực cho con rể. Mẹ bảo:

– Tuổi thơ của chồng con quá thiệt thòi vì thiếu thốn vật chất, nhất là thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Con đã thương anh ấy thì nên nhường nhịn, bù đắp tất cả những thiệt thòi mất mát cho chồng…

Vừa nghe tiếng bước chân con rể cả, bà cụ Bình đã choàng tỉnh dậy, bật điện sáng choang rồi ra mở cửa liền. Bà cất giọng ngàn ngạt, bảo con rể:

– Sao con không ngủ thêm hai tiếng nữa mới dậy, vẫn sớm mà.

Chồng Xuân nói:

– Con nhớ mẹ, nghĩ đến lúc về mẹ lại buồn nên không ngủ được nữa…

– Ồ, các con cứ yên tâm. Mẹ quen ở một mình rồi mà. Với lại có anh chị, có các cháu bên cạnh, các con không phải lo đâu.. .

Mẹ cứ đi ra đi vào, rồi mở tủ, lấy ra một chiếc khăn mùi xoa gấp nhỏ, dúi vào tay Xuân:

– Cho con này!

Xuân giẫy lên đây đẩy:

– Con không lấy gì của mẹ nữa đâu.

Chồng Xuân đế luôn:

– Mẹ đừng làm thế! Chúng con không có cho mẹ thì thôi, sao lần nào mẹ cũng cho Xuân quà thế, chúng con khó nghĩ lắm!

Mẹ gạt ngay:

– Cái gì mà lấy với chả không lấy! Có gì đâu, cứ cầm về cho mẹ vui.

–  Nhìn ánh mắt mẹ buồn rười rượi, Xuân  đành cầm lấy cho mẹ yên lòng.

Mẹ bảo:

– Về đến nhà rồi mới mở ra xem nhé !

 

2.

Hoàn cảnh Xuân đi lấy chồng chẳng giống ai thời ấy.

Mười sáu tuổi, cô đã đi học lớp trung cấp sư phạm và trót đem lòng thương một chú cán bộ đi học vì biết chú mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Khi hai người vừa chuyển cách xưng hô từ “chú, cháu” sang thành “anh, em” thì bố cô đột ngột qua đời. Ngoài bốn mươi tuổi, với đồng lương ít ỏi, mẹ cô phải chèo chống nuôi  sáu đứa con, đứa út mới được hơn hai tuổi… Mẹ phải bán dần những kỷ vật thân thương của bố: chiếc xe đạp Con Én, chiếc đài Xi-ong-mao, khẩu súng săn hai nòng của Đức… để gửi tiền cho Xuân cùng người anh trai đang học đại học Giao thông vận tải và nuôi bốn đứa em nhỏ ở nhà. Rồi dần dần, mẹ phải bán hết món đồ nữ trang ít ỏi của mình để trang trải nợ nần. Thương mẹ, Xuân gạt nước mắt chia tay mối tình đầu vừa chớm nở, những mong sớm ra trường đỡ đần gánh  vác việc cho mẹ bớt khổ.

Giỗ một trăm ngày của bố, anh ấy đột ngột đến thăm nhà khiến mẹ rất bực tức. Mẹ không ngờ trong lúc gia đình đang có chuyện buồn như thế, đứa con gái lớn lại còn hẹn hò yêu ót. Xuân thanh minh thế nào mẹ cũng không tin.

Sau chuyến đi thăm vội vã đường đột ấy, về trường, anh viết thư xin lỗi mẹ và tâm sự với mẹ về hoàn cảnh của mình: anh mồ côi mẹ từ năm lên ba, mồ côi cha từ năm lên bẩy, phải đi ở, địụ em, chăn trâu cắt cỏ, cuốc nương… cho nhà giàu trong bản để đổi lấy miếng cơm hàng ngày. Mãi đến năm lên mười tuổi, anh mới được nhà nước đón đi học lớp vỡ lòng ở Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu. Ở trường, anh được học thêm bao điều mới mẻ và có biết bao thầy cô, bè bạn yêu thương quý mến mình nhưng mỗi dịp xuân sang hè đến, khi bạn bè ai ai cũng náo nức hồ hởi được về thăm gia đình thì anh lại lẳng lặng ra sân đứng trông theo họ, nước mắt rân rấn bờ mi. Những ngày ấy, anh lên rừng lấy củi, hoặc bổ củi, cuốc đất làm vườn giúp các cô các bác cấp dưỡng, y tá, giữ trẻ trong trường và được họ nuôi ăn từng ngày. Khi đi học trung cấp sư phạm, nghe anh kể về cuộc đời mình, ai cũng thương, nhưng chỉ có một cô bé con mười sáu tuổi bật khóc. Cô cúi xuống giả vờ đóng lại quai guốc để giấu đi những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Một cô lớn tuổi bảo:

– Anh đừng kể nữa. Cháu Xuân nó khóc rồi kìa!

Xuân gạt nước mắt, xoa xoa ngón tay trỏ,chống chế:

– Là cháu đóng quai guốc, bị búa đập vào  ngón tay đấy chứ!

Không ai tin lời cô bé nói, nhất là các cô lớn tuổi đã từng làm cô giáo cấp một, giờ đi học thêm ba năm để trở thành cô giáo cấp hai. Những lời họ nói về Xuân với anh làm anh vô cùng cảm động. Anh nghĩ : “Điều anh thiếu thốn và cần nhất trên đời này là tình cảm. Anh đã tìm thấy điều này ở Xuân – một cô bé khác dân tộc kém mình gần chục tuổi”.

Đọc thư anh, nước mắt mẹ đầm đìa tuôn rơi. Không ngờ mẹ lại còn mau nước mắt hơn cả Xuân. Mẹ viết thư động viên anh: “Thôi thì bố Xuân mới mất, các con cố gắng học và ôn thi cho tốt, mọi việc sau khi tốt nghiệp cứ để mẹ tính dần…”

Chưa đầy một tuần gửi thư về Lai Châu, ở Sơn La mẹ đã nhận được thư của anh:

“Lai Châu, ngày…tháng…năm 1975

Mẹ ơi!

Năm giờ mười lăm phút chiều nay, con đã nhận được thư của mẹ. Con cầm lá thư chạy khắp trường, khoe với mọi người rằng: Từ hôm nay con đã có mẹ, từ hôm nay con đã lại được gọi tiếng Mẹ mà suốt hơn hai mươi năm qua con không được gọi…”

Lần này thì mẹ khóc thành tiếng, nức nở, đứt quãng: “Tội nghiệp… Khổ thân… cậu… ấy… quá!”

Ra trường, Xuân được phân công về Trường Đảng Khu Tây Bắc dạy bổ túc văn hóa. Mẹ xin cho anh về Ban Dân tộc Khu Tây Bắc và được chấp nhận nhưng Ty Giáo dục Lai Châu nhất quyết không cho anh chuyển về Sơn La với lý do “Đào tạo được một giáo viên cấp hai người dân tộc thiểu số là rất quý, rất hiếm”.

Ra trường, mỗi người dạy ở một tỉnh khác nhau. Ngày Tết anh tranh thủ về Sơn La, xin mẹ được cưới Xuân làm vợ. Không ngờ mẹ đồng ý nhanh thế! Mẹ bảo: Cưới nhau để anh có nơi có chốn đi về, chứ cứ thỉnh thoảng anh đến chơi và nghỉ tại nhà mình, sợ thiên hạ dị nghị. Xuân bảo:

– Mẹ ơi! Chưa mãn hạn tang bố, con muốn ở cùng mẹ và các em hơn một năm nữa…

– Thôi, thương bố thì con để trong lòng. Con lấy chồng là như mẹ có thêm một đứa con vậy.

Thời ấy, người ta tổ chức cưới cả ngày, lễ cưới ngọt gồm bánh kẹo, chè, thuốc, ai đến thì tiếp như tiếp khách ngày tết vậy. Biết anh vừa mới ra trường, lương thấp, mẹ bảo anh chỉ cần chuyển bị chè thuốc, còn mẹ tự tay làm mứt gừng, mứt bí đao, kẹo lạc, bánh cavat để tiếp khách. Mẹ ra mậu dịch, cắt phiếu mua cho anh mảnh vải  ka-ki để anh may chiếc quần  mới. Anh về Sơn La ngày hai mươi tám tết, cưới đúng ngày mùng hai tết, mùng bốn tết đã phải trở về Lai châu làm việc. Vì cưới đột ngột, Xuân chưa làm được chiếc gối cưới mà cô từng mơ ước. Anh nghèo không mua nổi nhẫn cưới cho cô. Mẹ cũng không còn tiền để mua cho con gái cả một chiếc nhẫn cưới. Xuân không lăn tăn về điều ấy, chỉ thấy thương mẹ, thương chồng nhiều hơn.

 

Mấy chục năm vèo trôi.

Khi đã lần lượt dựng vợ gả chồng cho sáu đứa con, mẹ nhận được khoản tiền năm chục triệu của bố. Đây là khoản tiền chế độ nhà nước cấp cho gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa. Mẹ tặng quà cho con cho cháu, không quên đánh cho mỗi cô con gái chiếc nhẫn hai chỉ vàng.

Cầm chiếc nhẫn trên tay, nước mắt Xuân rưng rưng. Hơn ba mươi năm sau ngày cưới, lần đầu tiên cô được đeo nhẫn vàng.

Xuân là người sống nội tâm, quý trọng tình cảm. Tiền của, vàng bạc đối với cô không phải là điều cô bận tâm nhất. Nhưng mỗi lần nắm nhìn chiếc nhẫn trên tay, cô lại khóc vì cảm động trước tình cảm của mẹ.

Thế mà, trong một lần đi công tác ở Nha Trang, cô đã bán đi chiếc nhẫn hai chỉ vàng ấy để mua áo quần, túi xách cho con dâu và con gái. Vì  choáng ngợp trước những đồ thời trang hàng hiệu ở Lai Châu không có, vì thương con, cô đã không suy nghĩ đắn đo khi bán đi kỷ vật mẹ trao tặng. Không ngờ, lúc về cô còn để quên túi quần áo ở một khách sạn. Điều ấy làm cô ân hận, day dứt mãi. Biết được chuyện ấy, mẹ không hề trách cứ mà lẳng lặng dành dụm tiền, mua tiếp cho con gái cả chiếc nhẫn vàng thứ hai. Lần này thì Xuân khắc cốt ghi tâm không thể rời xa kỷ vật mẹ trao tặng nữa.

Về đến nhà, hai vợ chồng Xuân từ từ mở chiếc khăn mùi xoa ra. Một món tóc vụn mềm mại sợi đen sợi trắng, sợi ngắn sợi dài của mẹ được mẹ cột túm vào một sợi dây nịt màu xanh lơ kèm theo một đồng bạc hoa xòe có niên hiệu từ năm 1889. Mẹ cắt một miếng giấy nhỏ bằng quân bài tú lơ khơ, nắn nót ghi dòng chữ: “Tóc  mẹ rụng mỗi ngày, mẹ chải đầu gom lại, con cất đi dành để khi nào chẳng may bị cảm thì dùng để dánh gió nhé!”.

Hai vợ chồng lặng lẽ nhìn nhau, nước mắt nhạt nhòa…

Xuân vuốt ve từng sợi tóc –  món quà thiêng liêng vô giá của người mẹ đã  đi qua tám mươi bảy mùa xuân cuộc đời mà tưởng như được ở trong vòng tay ôm mặn nồng của mẹ.

Bùi Thị Sơn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.