Phương Mây

Thanh về dự hội nghị văn nghệ ở thủ đô. Sau bữa cơm chiều đón đại biểu cùng ban tổ chức, mấy anh em chung cảnh tỉnh xa, rủ nhau ra quán nước vỉa hè ngay bên ngoài khách sạn ngồi hóng gió. Thành phố về đêm vẫn nườm nượp người xe và hơi nóng hầm hập tỏa ra từ muôn ngàn chiếc ống xả ấy làm không khí trên đường khá ngột ngạt. Nhưng luồng gió mát từ phía bờ hồ len lỏi qua từng hàng cây, lối phố, tạo cho những người ngồi uống nước vỉa hè vẫn có được cảm giác thư thái, mát mẻ, dễ chịu.

Các quán trà vỉa hè hà thành từ xưa đến nay hầu như không mấy thay đổi. Vẫn vài cái bàn ghế, trước là tre hoặc gỗ, nay là đồ nhựa hay inox. Vẫn là chè xanh, chè khô uống nóng hoặc thêm vài viên đá. Quán nào cũng có một vài cái điếu cày. Vẫn là kẹo, thuốc. Trước chỉ có kẹo dồi, kẹo vừng miền Bắc, nay thì phong phú hơn nhiều. Có cả cu đơ xứ Nghệ, mè xửng xứ Huế, kẹo dừa miền Tây Nam bộ. Vẫn là mấy ông bà già, tay luôn phe phẩy cái quạt nan hay quạt buồm và sởi lởi trò chuyện cùng khách quen khách lạ. Ngồi uống nước ở quán các cụ già ở đây, Thanh có cảm giác nó thân quen, gần giũ như ngồi uống nước chè xanh ở quê cùng bố mẹ mình vậy.

– Cụ cho con thêm cốc chè xanh nóng nữa ạ!

Thanh nói với cụ chủ quán chừng tầm tuổi mẹ anh và mắt vẫn không dời tấm ảnh ở cái biển quảng cáo bên kia đường. Tấm ảnh ấy giống hệt một người con gái đã ở chung một miền đất với anh cách nay mấy chục năm. Cái tên biển: “Phương Mây – Thế giới mỹ phẩm” càng làm anh tò mò. Người ấy, tên ấy, chẳng lẽ…?

– Nước của bác đây. Bác uống cho nóng!

Tiếng cụ chủ quán làm đứt luồng suy nghĩ của Thanh.

– Vâng! Con xin cụ. À mà cụ cho con hỏi khí không phải…

– Cái gì mà phải với không phải. Bác cứ hỏi đi!

– Dạ! Cụ có biết cái người trong ảnh ở cái tấm quảng cáo kia không ạ?

– Thì cô ấy là chủ hiệu ấy đấy! Bây giờ không còn trẻ đâu, nhưng vẫn đẹp. Bác biết à? Mà… Người đẹp thế, nhiều người biết cũng là đương nhiên thôi! – Bà cụ bỗng buông một câu đầy hàm ý.

– Dạ!… Nếu đúng… thì là bạn cũ của con đã mấy chục năm. Nhưng cô ấy có ở đấy không cụ?

– Đây chỉ là cửa hàng, cô ấy ở nơi khác. Chỗ này chỉ có nhân viên của cô ấy bán hàng thôi!

– Vâng! Cảm ơn cụ. Để con ghi lại cái số điện thoại kia, khi nào tiện con sẽ gọi cho cô ấy cũng được.

Bỗng bà cụ ngồi ngả người ra thành ghế, lẩy mấy câu Kiều ý nhị: “Nổi danh tài sắc một thì/ Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến oanh/ Kiếp hồng nhan quá mong manh/ Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”.

– Cụ thuộc Kiều mà ngâm Kiều hay thế! Bu con ở quê cũng hay Kiều lắm.

– Cái thế hệ chúng tôi ít sách vở, không nhiều thông tin như ngày nay. Chỉ có mấy cái truyện thơ cổ, đọc mãi thành ra nó ngấm vào người. Khi nào thấy hợp thì vận ấy mà.

– U con cũng thế cụ ạ! Kiều, rồi ca dao tục ngữ cứ là làu làu. Mà u con cũng giỏi vận hợp cảnh hợp tình lắm cơ.

– Các bác đừng bảo chúng tôi là hâm đấy nhé! Cụ nói rồi cười giòn tan.

 

***

Thanh lưu số điện thoại của quán Phương Mây vào máy, định xong đại hội về, sẽ gọi xem có phải người cũ không, nhưng trong mấy ngày liền, lúc nào cũng cảm thấy không tiện. Với lại nhỡ mà không phải người thì ngại chết. Thanh cứ lăn tăn xem có nên gọi không nữa? Rồi một hôm, nhân ngồi uống nước cùng mấy ông bạn đồng niên, chợt nhớ chuyện cái biển hiệu, Thanh mới hỏi:

– Này, các ông có ai biết Phương Mây bây giờ ra sao, ở đâu không?

– Cái cô diễn viên văn nghệ đẹp như hoa hậu ấy chứ gì? Người cũ của ông mà còn phải hỏi ai? Ngày xưa ông chả…

Tay Tráng nói một câu lỡm lờ rồi nhìn Thanh có vẻ tinh quái làm cho cả bọn đều tập trung cả vào Thanh.

– Bậy! Oan đấy các ông ạ! Thú thật là mình có khá nhiều thời gian ở bên Mây, đi hội diễn với nhau vài lần, cũng chả thiếu cơ hội. Nhưng ngày ấy mình nghĩ nghiêm túc. Với lại, có những chuyện khó giải thích lắm, nên…

– Nên tay Biển, lái xe đoàn hai nó nẫng tay trên rồi nó mang đi mất tăm từ ngày ấy. Đúng không?

Tay Mão chộp liền một câu trúng phóc:

– Mình vẫn có số điện thoại của Mây đấy. Hôm trước chị gái Mây mới gửi cho.

– Ông đọc cho tôi xem nào?

Thanh cũng mở máy ra tìm. Không ngờ khi Mão đọc lên lại trùng luôn cái số mà Thanh đã ghi lại từ cái biển ở Hà Nội.

– Thế này thì… Đúng là mình ngồi trước cửa nhà nàng cả buổi mà không dám gọi.

– Ông cứ chín chắn thế nên mỡ dâng tận miệng mèo cũng chẳng được miếng nào.

Mão phán xanh rờn làm cả bọn cùng cười ngả nghiêng:

– Nhưng bây giờ nghe nói nàng có phi công trẻ lắm nhé!

– Cũng… cũng có thể lắm chứ! – Thanh ngẫm ngợi – Người ấy…

Thế là mấy ông bạn ngồi cùng nhau nhớ lại tất cả những kỷ niệm về người con gái được cho là xinh đẹp như hoa khôi ấy. Với Thanh thì chuyện như chỉ mới xảy ra vài ngày.

 

***

Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy chưa có các phương tiện nghe nhìn hiện đại như bây giờ. Cái thời mà ai giầu lắm mới có cái đài bán dẫn để nghe. Chính vì vậy mà người ta chế một câu hát của bài “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” thành ra thế này: “Tình tang tình em đi rình trung úy. Trung úy già nhưng mà lắm tiền. Đài đeo bên hông, đồng hồ đeo tay”. Cái thời ấy phấn đấu có cơm gạo mà ăn no đủ đã là cả một vấn đề, chứ nói gì đến những phương tiện và những thứ hào nhoáng trang điểm cho cuộc sống. Vì vậy, những cô gái trẻ, nhìn thấy các anh chàng có tiền có của với một con mắt đầy ngưỡng mộ và mơ ước. Những anh chàng ấy, người ta bảo là: “Vẫy tay trái cũng có gái theo”. Kể cũng không có gì là lạ.

Giai đoạn này, phong trào văn nghệ quần chúng ở các nơi đều rất rầm rộ. Ở lâm trường Hoàng Liên ngày ấy có hẳn một đội văn nghệ nghiệp dư, biên chế lúc nào cũng khoảng ba chục diễn viên, toàn những trai thanh gái sắc. Số diễn viên này được bố trí vào hai tổ sản xuất của một đơn vị cầu đường. Bình thường thì họ tham gia lao động sản xuất theo nhiệm vụ. Đêm đêm họ thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ mới để sẵn sàng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của lâm trường. Mỗi năm họ đi diễn một đến hai vòng tại gần ba chục đơn vị sản xuất và các làng bản lân cận. Các đơn vị này nằm cách nhau gần thì cũng vài ba cây số, đơn vị xa nhất tới trên ba chục cây. Ngày ấy khó khăn lắm, xe đạp cũng chưa mấy ai có mà đi chứ nói gì đến các loại xe cộ hiện đại khác. Vì vậy, phương tiện di chuyển của đội phần lớn là xe trâu chở đồ và người thì đi bộ. Khi đi diễn ở các đơn vị xa mới có cái xe ca con cóc nhỏ chỉ đủ cho diễn viên ngồi chèn chật ních, còn phông màn và nhạc cụ phải để trên nóc xe. Người ta hay gọi là đội “chăn chiên đèn bão” hoặc đội “tiêu hao thực phẩm”. Quả thực, đội văn nghệ có chế độ riêng, ưu tiên hơn hẳn với công nhân lao động bình thường. Những đợt tập luyện hoặc biểu diễn tập trung thì lúc nào cũng ăn trắng mặc trơn. Được là diễn viên của đội văn nghệ lúc ấy đã là ước mơ của nhiều người.

Phương Mây là một thành viên của đội. Mây hát không hay lắm, chất giọng hơi khàn, chỉ được đứng trong tốp ca, đồng ca, chứ chưa bao giờ được đơn ca. Mây múa cũng không xuất sắc nên cũng chưa bao giờ được solo. Nhưng phải nói là Mây có thân hình đẹp như hoa khôi. Dáng cao trên mét bảy, thắt đáy lưng ong, da trắng hồng và đặc biệt khuôn mặt trái xoan. Đôi lông mày nét ngang khá đậm, đôi mắt long lanh linh hoạt như biết nói. Chiếc mũi cao, thanh tú. Cái miệng tươi rói, môi dưới hơi trễ xuống tuồng như nũng nịu. Chính vì vậy nên khi Mây tham gia tiết mục nào, dù là hát hay múa thì mọi ánh nhìn cũng như tập trung cả vào cô. Mây nổi trội giữa các diễn viên khác về thể hình và cả cách ăn mặc. Vào cái thời mà quần lụa sa tanh đen, áo lon trắng đang là mốt diện thịnh hành và nhiều người còn chưa có thì Mây đã diện quần âu màu be loe ống và áo khoét cổ trễ tràng, có cái nơ hoa duyên dáng, khoe cặp nhũ căng tròn đầy khiêu khích đám đàn ông. Chưa nói cái xe đạp mifa mới toanh lúc nào cũng sạch tinh tươm. Đám diễn viên nam dĩ nhiên là chàng nào cũng nhìn Mây với ánh nhìn ngưỡng mộ và thèm khát. Tuy nhiên, Mây đốp chát thẳng thừng bất kỳ thái độ tán tỉnh nào “Đừng có tưởng bở nhé!”, “Đừng có mà mơ!”… thành ra các chàng đều nản, đành chỉ chiêm ngưỡng từ xa như ngắm bông hoa đẹp mà thôi.

Đối tượng thật của Mây thì người ta đồn đoán nhiều lắm, nhưng tập trung vào cả mấy tay lái xe. Cũng phải thôi, dân lao động bình thường thì ai cung phụng nổi cho người đẹp những thứ xa xỉ thế. Vậy mà, không ngờ trong đội văn nghệ, Mây để ý duy nhất một người, đó là anh chàng Thanh, lại là người có thái độ dửng dưng nhất với Mây. Thanh cao to vạm vỡ, tướng mạo rất đàn ông. Đặc biệt cậu ta thật sự là anh chàng đa tài, vừa sáng tác các thể loại tiết mục, rồi đạo diễn, vừa làm diễn viên hát, múa, kịch, lại chơi được mấy loại nhạc cụ, kiêm cả họa sĩ thiết kế và vẽ phông cảnh, lại còn trang điểm cho cả đoàn. Trong dàn nhạc, Thanh chơi chính là dàn trống, nơi tâm điểm của sân khấu. Hình như tiết mục nào cậu ta cũng có mặt trên sân khấu thì phải. Thanh tốt nghiệp trung cấp văn hóa quần chúng hệ tại chức, nhưng là người có nhiều năng khiếu bẩm sinh, nên vừa học vừa làm rất hiệu quả. Lúc ấy cậu ta là cán bộ văn hóa quần chúng, công tác tại công đoàn cơ sở lâm trường và oái oăm thay, Thanh đã có vợ cũng là diễn viên trong đội. Mây dành nhiều cảm tình riêng cho Thanh, Thanh cũng cảm nhận được, nhưng Thanh luôn tỏ thái độ phớt ăng lê. Bởi vì không biết từ khi nào, Thanh luôn cảnh giác với những người con gái cao ráo, xinh đẹp theo kiểu mấy câu thơ: “Anh thấy em xinh, anh lắc đầu/ Bởi vì anh có được em đâu?/ Hoa kia thơm lắm nhiều tay hái/ Môi má vì ai đã phai màu!”. Anh thường điểm danh những người phụ nữ như thế quanh khu vực mà anh đã biết và quả là không mấy ai có được cuộc sống gia đình bền vững. Chính vì vậy, vợ của Thanh chỉ tầm bình bình, thậm chí kém về nhan sắc trong đội.

Có lẽ ý thức được thế mạnh của mình nên Mây lập kế hoạch tấn công nhằm đánh đổ Thanh. Mây thường tranh thủ lúc sau cánh gà sân khấu để gần gũi Thanh. Lúc thì nắn nót sửa cho Thanh cái cà vạt, lúc thì xoay người Thanh để chỉnh cái áo sơ vin chưa cân. Nhiều lần Mây nhờ Thanh kéo cho cái khóa váy sau tấm lưng ong nõn nà, hay nhờ Thanh đứng chắn để Mây thay quần áo. Những lúc như vậy, chỉ cần nhìn quay lại là cả một tòa thiên nhiên sẽ hiện ra trước mắt Thanh, thế mà Thanh không hề lợi dụng những cơ hội ấy. Dĩ nhiên những cử chỉ, việc làm của Mây với Thanh cũng có những khi vô tình lọt vào mắt vợ Thanh, nhưng nhìn nét mặt gần như vô cảm của Thanh thì chị vẫn yên tâm là chồng mình không dễ sa ngã. Mây luôn tìm cách ve vãn Thanh, đúng là gái ham tài, nhưng lại gặp đúng anh chàng trai không ham sắc nên đã có lần Mây hỏi Thanh trong lúc Thanh đang trang điểm cho Mây:

– Anh có phải đàn ông không đấy?

– Anh có hai đứa con rồi mà!

– Thế sao anh nhìn em dửng dưng thế?

– Em biết rồi còn hỏi!

– Em xấu lắm à?

– Em đẹp nhất trong những người con gái anh đã gặp, nhưng em đâu phải của anh?

– Có gì là tuyệt đối đâu?

Đúng là nếu không vững vàng thì chắc Thanh cũng không trụ được với những cú tấn công của Mây thật. Hai lần đi hội diễn cụm ở Phú Thọ và Yên Bái đều trong thời kỳ vợ Thanh nghỉ đẻ. Vắng vợ Thanh, những cử chỉ quan tâm của Mây với Thanh càng lộ liễu, nhiều người cảm thấy ngứa mắt lắm. Thanh vẫn cố gắng né tránh Mây. Nhưng vì cố tình nên Mây không ít lần tạo cơ hội. Có lần, biết rằng chỉ một mình Thanh trong phòng ngủ, Mây gấp một cái máy bay giấy, mở cửa phi vèo qua giường và lấy cớ đó, nàng lao lên, nằm áp tấm thân rừng rực như núi lửa lên người Thanh để với cái máy bay giấy. Thanh còn chưa kịp phản ứng thì mấy cô diễn viên về đến nơi, nhìn thấy. Mây nhặt chiếc máy bay rồi thản nhiên đi ra trước con mắt ngạc nhiên của mấy người. Thanh chả biết thanh minh thế nào cho họ hiểu. Chuyện ấy chẳng mấy chốc đến tai vợ Thanh. Khỏi phải nói Thanh khổ sở như thế nào trong thời gian sau đó bởi cái máu Hoạn Thư lại đang trong thời kỳ mới sinh con của vợ.

Nhưng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì Thanh vẫn phải làm công việc của mình để duy trì hoạt động của đội văn nghệ. Thanh vẫn cứ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, vẫn cứ đi diễn các nơi. Thanh vẫn vững vàng trước sức tấn công càng ngày càng mãnh liệt của Mây. Mây biết là vợ Thanh ghen, nhưng có lẽ không đánh đổ được Thanh thì cái máu tự ái của người đẹp chưa thỏa.

Một tối, sau buổi tập, mọi người ra về đã lâu. Thu dọn nhạc cụ xong, ngồi hút gần hết điếu thuốc rồi Thanh mới đi bộ về nhà. Trên con đường đất ngoằn ngoèo tránh những hòn đá mồ côi to đùng và phải qua một vườn ngâu đang mùa hoa thơm ngát, rộng mênh mông. Đang sảng khoái hít thở bầu không khí trong lành đầy hương ngâu và ngắm ánh trăng lu dịu dàng thì Thanh chợt phát hiện có người nằm bất động bên chiếc xe đạp trên đường. Chỉ thoáng nhìn, Thanh đã nhận ra người ấy là Mây. Thanh lập tức cúi xuống lay gọi, Mây cứ nhắm nghiền mắt, người nhũn như chi chi, làm Thanh phát hoảng. Nhưng giữa đồng không mông quạnh, biết gọi ai bây giờ. Thanh đành bế Mây ra bãi cỏ rồi vận hết những kiến thức được học về sơ cứu người, nào là ép tim ngoài lồng ngực, nào hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt… Bỗng đôi tay của Mây như hai con rắn quấn chặt cổ Thanh, ghì xuống. Cái miệng tham lam giữ chặt đôi môi đang hà hơi của Thanh làm anh chàng không thể gỡ nổi. Mây lật một vòng, ngồi trên bụng Thanh rồi mới chịu nhả con mồi. Nàng nói trong hơi thở hổn hển, và rõ ràng không giấu nổi ngữ điệu là giọng của kẻ chiến thắng:

– Bây giờ anh còn chạy trốn được khỏi em nữa không?

Đến nước ấy thì Thanh thua thật. Anh hiểu rằng mình đã sập bẫy của người đẹp. Và theo bản năng, Thanh vít đầu Mây, hôn ngấu nghiến. Đôi tay anh chàng bắt đầu lùng sục những vùng cơ thể hừng hực của nàng. Nhưng khi toàn thể cái tòa thiên nhiên ấy phơi bày ngồn ngộn dưới trăng thì Thanh chợt rùng mình kinh hãi. Trong mắt Thanh, Mây lúc ấy không phải là người nữa, mà là một con trăn trắng khủng khiếp với lớp vảy nhấp nhóa, đang cuốn lấy và sắp nuốt chửng mình. Anh thấy một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, rồi lan ra toàn thân. Thanh bủn rủn ngồi dậy, vơ vội cái áo, khoác vào người và rũ rượi như kẻ bị rút hết xương.

Mây đang trong cơn phấn kích vì sự cuồng nhiệt của chàng, cơ thể không ngừng quằn quại và chờ đợi cơn mưa dục vọng. Bỗng im ắng lạ. Cụt hứng. Mây ghé mắt nhìn. Thấy Thanh ngồi như vậy, nàng cũng bật ngồi lên:

– Sao thế anh? Không thích em à?

Thanh cúi gằm mặt, chỉ khẽ xua tay hờ hững.

– Không ngờ anh kém thế!

Mây hằn học vơ quần áo mặc rồi ra dựng xe. Trước lúc nhấn bàn đạp, nàng còn ném lại một câu mỉa mai:

– Hèn thế!

Phải một hồi lâu sau Thanh mới thoát khỏi nỗi sợ hãi và run rẩy về nhà. Vợ Thanh vặn to ngọn đèn dầu, mở cửa cho chồng vào, nhìn đồng hồ, buông một tiếng “hứ!” rồi lên giường ôm con. Thanh cũng chẳng nói câu gì, chỉ lẳng lặng lên cái giường một, bỏ màn ngủ. Cái cách hành xử này của vợ Thanh đã diễn ra lâu lâu rồi, cũng chẳng có gì là lạ.

Ngày hôm sau và những ngày sau nữa, Mây không đi tập văn nghệ. Nhà Mây ở xa, cũng không thấy gia đình báo lý do nên không ai biết chuyện gì sảy ra với Mây. Chỉ có Thanh… Vì các vị trí trong chương trình của Mây đều là phụ và thời gian tập còn dài nên Thanh cho người khác thay vai được ngay.

Không ngờ, từ đấy Mây đi bặt tăm khỏi mảnh đất ấy. Sau này, người ta mới biết Mây đã tự ý bỏ việc, về làm “phòng nhì” cho tay Biển, một lái xe đoàn hai. Biển mua đất làm nhà cho Mây ở Yên Bái. Lại một thời gian sau, người ta đồn rằng Mây bị vợ Biển thuê người đánh tàn tệ. Ghê nhất là họ còn xẻo mất của Mây một bên dái tai. Sau lần ấy thì Mây bặt tin hẳn. Vậy mà…

 

***

Reng reng…!

Tiếng chuông điện thoại đánh thức Thanh vào lúc sáu giờ sáng. Nhìn qua tên người gọi, Thanh giật mình ngồi bật dậy. Là Mây.

– A… lô…

Một giọng phụ nữ cố tình kéo dài nhưng không lẫn đi đâu được bởi cái chất khàn nhẹ ấy.

– Ai đấy ạ!

Thanh vờ như không biết.

– Anh đoán xem!

– Chịu!

– Dễ quên thế?

– Có gì để nhớ đâu nhỉ?

– Thảo nào đến trước cửa nhà em mà không thèm gọi!

Cái giọng hờn trách quá giống. Mây tiếp:

– Anh ghét em là phải thôi!

– Đâu dám ghét em! Yêu còn chả được cơ mà!

– Anh thành danh như thế, coi thường em là phải!

– Anh có danh gì đâu? Mà ai nói là anh đến cửa nhà em?

– Anh tự nghĩ xem?

Thanh nghĩ đến Mão, một trong những anh tài xế ngày ấy, bây giờ đang trong đám bạn đồng niên. Chắc Mão gửi số của mình cho Mây đây.

– Mà anh kiêu kỳ thật đấy! Có số điện thoại của em cũng không thèm gọi!

– Chỉ là chưa biết gọi vào lúc nào thôi! Anh còn mong gặp lại em nữa cơ!

– Gặp làm gì nữa anh? Đời phồn hoa đã là đời bỏ đi? Người đâu gặp gỡ làm chi? Trăm năm hỏi có còn gì nữa đâu?

Mây bỗng đọc mấy câu Kiều, mà lại còn sửa lời nữa chứ.

– Trời ơi! Lâu không gặp, giờ em thơ phú ngon lành thế! Mà em đừng sửa thơ cụ Nguyễn Du, cụ ấy phạt đấy!

– Cụ ấy phạt em lâu rồi mà!

Thanh chợt nghe tiếng cửa sắt kéo loảng xoảng phía sau. Chắc bà xã dậy sớm ra vườn tưới rau đã về. Vội nói:

– Tạm biệt đã nhé! Hẹn lúc khác anh gọi lại!

– Chắc sợ gấu hả? Thôi! Bai!

Kèm theo một cái hôn gió đến chụt vào điện thoại. Thanh hoảng hồn “Oke!” Rồi vội cúp máy. Vừa lúc vợ Thanh ghé cửa nhòm vào:

– Ai gọi sớm thế? Sao mặt mũi như thằng trộm thế kia?

– Bạn học cũ ấy mà! Vớ vẩn!

Kể từ hôm ấy, đã biết bao lần đi về Hà Nội, có khi ở đấy vài ngày, vậy mà chưa lần nào Thanh đủ can đảm gọi lại cho Mây. Anh nghĩ: “Già cả rồi. Thôi cứ để mọi chuyện lửng lơ thế để trong đời còn có cái mà nghĩ về nhau”.

THANH PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.