Thờ cúng tổ tiên và ma nhà là các hình thức tín ngưỡng bao trùm nhất của người Dao chi phối đời sống văn hóa tinh thần của họ vào tất cả các dịp lễ tết trong năm cũng như các nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đời người. Song song với việc thờ cúng tổ tiên, ma nhà là các loại ma tốt, ma lành phù hộ cho con cháu phát triển được như lời cầu nguyện thì người Dao còn thờ cúng thần thánh. Trong đó có hai vị thánh quan trọng nhất đó chính là Đế Mẫu và thần hoàng làng .
Ngoài việc thờ cúng ma nhà vào ngày tết đầu năm mới, người Dao Tuyển còn cúng thần hộ mệnh khi gia đình có những điềm xấu, trong gia đình có người đi xa, con cái đi thi cử, gia súc bị dịch bệnh.
Khi gia đình có điềm báo xấu, không hay: Người Dao Tuyển quan niệm rằng thờ cúng ma nhà là để mong được bảo vệ, phù hộ không cho các ma quỷ đến nhà làm hại con người. Ma nhà chắn không cho các ma xấu vào nhà làm hại. Họ quan niệm, trong nhà có con rắn vào nhà (rắn bò lên bàn thờ hay dưới ngầm giường) hay chim bay vào nhà, là bất thường, là điềm xấu. Ma nhà báo mộng cho biết gia đình sẽ có tai họa, có thể là con người ốm đau, gia súc bị chết hay mất mát tài sản. Do đó, phải cúng ma nhà để giải hạn, để cầu mong thần phù hộ và bảo vệ cho gia đình. Khi gia đình thấy điều bất thường như vậy, chủ gia đình đến nhờ thầy cúng xem sách, lễ vật thường là gói thuốc lào và một đôi đồng xu. Ông thầy cúng xem sách, bói ra rằng gia đình có người sắp gặp nạn và xem ngày tốt để gia đình làm lễ cúng ma nhà. Chọn được ngày tốt, gia chủ mổ gà, thịt lợn và mời thầy cúng đến giúp gia đình thực hiện lễ cúng. Ông thầy cúng thắp hương lên bàn thờ và chỉ đạo gia chủ sắp mâm để bày đồ cúng và thực hiện nghi lễ cúng. Thầy cúng thắp hương cắm vào bát hương, rồi lấy hạt gạo rắc lên mâm cúng, sau đó miệng lầm bẩm bài cúng. Bài cúng với đại ý: Hôm nay ngày…tháng..năm..âm lịch. Gia đình ông A tên âm là.. vợ tên… trú tại tỉnh.. xã.. .thôn.., có tổ tiên tứ đại là…(tên tuổi của từng đời tổ tiên. Gia đình có điềm báo xấu là gia đình có người sắp gặp nạn (bị mất tiền của, gặp nạn), sắm thịt, rượu, nay bảo tôi tên… (tên âm), ông thầy cấp sắc cho tôi là… đến giúp gia đình làm lễ thỉnh báo với ông…(tên của ma nhà) xuống hưởng lễ và phù hộ độ trì, che chở, bảo vệ cho gia đình thoát khỏi khiếp nạn, không ai bị ốm đau, ra đường may mắn không tai nạn, gia đình chăn nuôi phát triển”. Khấn thỉnh xong, ông thầy làm các động tác mời thần hộ mệnh thụ lễ. Sau khi cúng, đồ cúng được mang đi chế biến để các thành viên trong gia đình và con cháu cùng ăn. Để trả ơn thầy cúng, gia đình sẽ biếu ông thầy một nửa thịt gà luộc (để nguyên con) vừa cúng.
Theo lệ, người Dao Tuyển khi đi nhờ thầy cúng đến giúp đều phải đem theo đôi đồng tiền xu và gói thuốc lào làm quà biếu thầy mong được thầy giúp đỡ. Khi đã kết thúc lễ cúng, gia đình cũng phải trả ơn thầy nhưng không phải là tiền mà biếu thầy cúng thịt. Họ cho rằng, thầy cúng là người duy nhất có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, thay họ gửi đến các vị thần linh về những mong muốn, nguyện vọng của họ trong cuộc sống cũng như việc bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với thần linh. Cho nên, phải thể hiện lòng cảm tạ đối với các thầy cúng đã đến giúp họ. Người Dao Tuyển còn cúng ma nhà khi gia đình có con cái đi thi cử, học hành ở nơi xa.
Với quan niệm, thần là đấng siêu nhiên có khả năng quan sát thấy tất cả những sự việc xảy ra ở nơi dương thế, người Dao Tuyển tin rằng, dù đi đâu ở xa hay gần thì họ vẫn được các thần nhìn thấy và bảo vệ. Họ có niềm tin rằng, nếu có lòng thành kính đối với thần linh, đặc biệt là đối với ma nhà thì chắc chắn thần sẽ phù hộ và bảo vệ họ thoát khỏi những khó khăn, nguy hiểm. Do đó, khi trong nhà có người phải đi xa làm ăn hay con cái đi thi cử, trước khi lên đường, gia đình đều làm lễ cúng ma nhà cầu xin sự may mắn và bình an. Khi làm lễ cúng gia chủ đều phải đến nhờ thầy cúng sang giúp.
Việc cúng ma nhà dịp người thân trong gia đình đi xa không phải chọn ngày tốt mà pụ thuộc vào thời gian rời khỏi nhà của người trong gia đình, thông thường người ta hay làm lễ cúng trước ngày đi là một ngày. Đồ cúng là con gà luộc hoặc nếu không cúng gà thay vào đó là dùng bộ gan gà hay gan lợn cũng được. Mâm cúng là mâm gỗ cao, nếu không đặt ở gian giữa nhà gần bàn thờ ma nhà thì phải đặt cạnh nơi có cửa sổ thông thoáng với bên ngoài, không được đặt ở góc nhà (vì góc nhà chỉ là nơi ở của ma đói). Ông thầy cúng kính cẩn đọc bài cúng với nội dung mong thần hộ mệnh phù hộ cho người đi xa gặp may mắn, thi cử đỗ đạt cao … Khấn thỉnh xong, thầy cúng lấy một chén nước và phù phép vào chén nước, tiếp theo thầy đặt tờ giấy bản lên miệng chén đốt lấy gio. Nước đã được thầy cúng phù phép, người uống nước đó vào sẽ nhận được sự bảo hộ, che chở của thần hộ mệnh.
Khi gia đình chăn nuôi gia súc bị dịch bệnh thì người Dao Tuyển cũng phải chuẩn bị lễ cúng ma nhà phù hộ cho gia súc không dịch bệnh. Ma nhà là thần có tài bảo vệ không chỉ con người mà còn bảo vệ cho cả gia súc, vì vậy khi gia súc dịch bệnh thần hộ mệnh cũng sẽ phù hộ và xua đuổi các loại ma quỷ gây bệnh cho gia súc. Chủ gia đình chuẩn bị một con gà hoặc gan lợn (luộc chín) dùng để làm đồ cúng. Mâm cúng gồm có bát gạo để cắm hương, đèn dầu, chén rót rượu, thịt gà (hoặc gan lợn), giấy bản, hương. Ông thầy cúng thắp ba nén nhang lên bàn thờ, sau đó ông ngồi xuống mâm thực hiện lễ cúng. Bài cúng với đại ý là: lợn, gà của gia đình đang bị dịch chết, nay có chút lễ dâng mời ông xuống ăn và phù hộ cho lợn, gà khỏi dịch, từ nay gia đình chăn nuôi được nhiều gia súc không bị bệnh dịch nữa, mong thần nhận lễ và phù hộ cho chủ nhà. Khấn thỉnh xong, ông thầy cúng cầm giấy bản mang ra dán lên bốn góc tường của chuồng lợn và đốt một nén hương cắm lên tờ giấy. Giấy bản đã được thần yểm bùa để trừ tà, từ nay ma quỷ không đến gây bệnh dịch cho lợn, gà nữa. Cúng xong chủ nhà mang đồ cúng đi chế biến mời thầy cúng ở lại ăn bữa cơm cùng các thành viên trong nhà cảm ơn thầy đã đến giúp gia đình.
Người Dao Tuyển thờ ma nhà, ngoài những quy định mà tùy thuộc vào từng dòng họ lại có những kiêng kỵ khác nhau. Trong quan niệm của người Dao Tuyển, ma nhà có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phù hộ nhà cửa, cho gia đình. Khi làm nghi lễ lập bàn thờ, phụ nữ không được đến gần bàn thờ cũng như thắp hương lên bàn thờ ma nhà. Bởi họ quan niệm rằng, phụ nữ không được cấp sắc không giao tiếp được với thần linh, khi đến gần bàn thờ sẽ mất thiêng. Bàn thờ ma nhà là linh thiêng, ngoài những đồ cần thiết phải bày trên bàn thờ như: hương, chén, giấy bản, người Dao Tuyển kiêng không được để bất cứ vật gì trên bàn thờ. Bàn thờ chỉ được quét dọn khi chuẩn bị cúng bái và không được xê dịch bát hương hoặc tự ý thay đổi bát hương.
Cúng ma nhà, người Dao Tuyển không cúng thịt sống, trên bàn thờ chỉ được cúng thịt gà, thịt lợn, ngoài ra không cúng các loại thịt khác. Đặc biệt, trên bàn thờ người Dao Tuyển không bao giờ cúng thịt chó; không chỉ cúng ma nhà mà khi cúng tổ tiên hay các thần linh khác cũng không được cúng thịt chó. Sở dĩ người ta kiêng như vậy là vì chó là con vật được coi là ông tổ của đồng bào người Dao nói chung, cúng thịt chó đặt lên bàn thờ là phạm thượng, là coi khinh nguồn ngốc của tộc người mình sẽ bị khiển trách, trừng trị. Trong dịp tết nguyên đán, ngày mùng Một năm mới, kiêng không cúng ma thịt mỡ. Người Dao Tuyển quan niệm, ngày mùng Một là ngày các thần linh ăn chay nên chỉ cúng nước chè, rượu và bánh trắng có đường không nhân. Trên bàn thờ chỉ có một bát hương thờ ma nhà. Có một số gia đình, dòng họ bày ba bát hương trên bàn thờ như: bát hương đặt ở giữa là thờ Bàn Vương bên phải là bát hương thờ ma nhà, còn bát hương thờ tổ tiên thì để bên trái, ngoài ra không đặt bất kỳ bát hương nào lên bàn thờ nữa.
Vân Thanh