Phong tuc ở rể của dân tộc Mảng

Tục lệ cưới xin thể hiện được tính đặc trưng văn hoá độc đáo cho cả cộng đồng người Mảng. Cộng đồng người Mảng quan niệm rằng việc ở rể là thể hiện được tính nhân văn sâu sắc, ở rể là để trả công cho bố mẹ cô gái, làm ra của cải bù vào sự nuôi dưỡng trưởng thành của bên gia đình nhà gái hay nói cách khác bù công lao động của một thành viên đi sang gia đình khác…

Để chuẩn bị cho việc đi ở rể, chàng trai sẽ phải chuẩn bị quần áo và ít tiền bạc cho vào bem. Ngoài ra chàng còn phải đem theo một con dao có cả bao dao và dây buộc. Việc đi ở rể phải báo cho bố mẹ nhà gái biết, do con gái và con rể cùng nói, cùng xin phép. Ngày đi ở rể cũng được em trai ruột hoặc em trai họ dẫn đi, nếu không có ai thì nhờ tới ông mối đưa đi giúp. Theo quan niệm của đồng bào thì việc tìm chọn người mối là người thân thích trong họ tộc là rất tốt nếu như người đó am hiểu lý lẽ phong tục.

Ngày đưa, chỉ cần một người đưa chàng rể về đến nhà gái an toàn xong đêm đó người đưa chú rể đi được gia đình gái giữ lại mời cơm nước sáng hôm sau mới cho về, phải làm như vậy thì mới đúng lý dân tộc Mảng. Dù đường ngắn hay dài người đưa cũng phải ở, nếu không ở sẽ bị chủ gia đình gái ý nói chê trách.

Việc ở rể cũng là một thử thách để chàng rể sau này trưởng thành hơn và thời gian sẽ chứng minh gia đình chọn được người con rể tài giỏi, hiền lành, chăm chỉ làm ăn… Chàng rể mang quần áo đi để mặc, mang dao đi để làm việc, công tác chuẩn bị cho thấy người con rể này là một người chu tất, biết lo xa… Khi đến ở rể, mọi công việc lớn nhỏ chàng rể đều phải hoàn thành tốt công việc, có như thế mới được bố mẹ cô gái yêu quý và cô gái đã chọn lựa được người chồng tuyệt vời. Trước khi chàng về ở rể thì cô gái và chị em gái ngủ cùng buồng lúc chồng chị về ở rể các em phải ngủ ghép ở các buồng khác vì từ giờ trở đi buồng ngủ đó chỉ dành riêng cho đôi vợ chồng mới.

Tước kia việc đi hỏi vợ và tục lệ ở rể được cộng đồng Mảng quy định rất chặt chẽ vì thời gian ở rể có thể từ 1-12 năm, hoặc có trường hợp nhà gái xin luôn chàng rể về ở rể suốt cả đời để chăm sóc bố mẹ khi về già. Một tục lệ cổ xưa của người Mảng là khi ông mối nhà trai xin bên nhà gái ra hạn thời gian ở rể là bao nhiêu năm thì bố gái trực tiếp bảo rằng cho nó ăn xôi ba nắm (có nghĩa là thời gian ở rể phải đủ 3 năm mới được cưới), còn nếu chủ nhà gái bảo phải ăn 12 nắm thì phải ở cho đủ 12 năm. Mối nhà trai cũng không thể thoả thuận được nữa, còn nếu nhà trai bỏ đám đó sẽ phải bồi thường lợn, gà, rượu rất nặng. Ngày nay, quy định về thời gian ở rể có thoải mái hơn đôi chút, nếu gia đình có điều kiện thì một năm sau tổ chức cưới luôn, nếu gia đình chưa có điều kiện thì phải 3 năm.

Trong quá trình ở rể chàng trai cũng phải chịu nhiều thử thách từ phía gia đình nhà cô gái và cả cô gái (vợ). Về công việc thì chàng làm nương, lúc giải lao tranh thủ tìm kiếm củi, bắn con thú (tìm kiếm thức ăn). Khi về nhà thì không về không mà phải đeo vác củi về nhà để đun nấu. Còn trong sinh hoạt tại nhà, chàng rể tuyệt đối không được mặc quần đùi, không được cởi trần vì quan niệm của tộc người cho rằng người đó không biết tôn trọng bố mẹ, không biết cư xử lễ phép với bố mẹ, với mọi người. Nếu không tuân thủ điều này chàng sẽ bị bố mẹ vợ mắng trách.

Khi đi ngủ phải ngủ sau bố mẹ, sáng phải dậy sớm trước bố mẹ vợ. Nếu ngủ dậy muộn từ 2 đến 4 lần sẽ bị bố mẹ đuổi về nhà không cho ở rể nữa. Khi đã bị đuổi đồng nghĩa với việc con rể bị gia đình gái phạt mất 3 lít rượu, gà 1 kg trở lên, lợn 15 kg. Tất cả các lễ vật này do bố mẹ chàng trai mang đến đền cho bên nhà gái và có lời xin lỗi.

Chàng rể sáng ngủ dậy thật sớm đem chài đi quăng cá suối về làm thức ăn cho gia đình. Chú ý khi lấy chài không được cho tiếng kêu vòng sắt đáy chài, đi lại và lấy chài rất nhẹ nhàng. Như vậy, người con rể đó rất được bố mẹ vợ quý mến và khen tài giỏi biết chu đáo lo toan cho gia đình, yêu quý bố mẹ. Tộc người quan niệm, sau này chàng rể biết làm ăn giỏi như cha mẹ vợ, có nhà cao, nhà nhiều gian để ở… Khi đi rừng, chàng phải làm bẫy để bẫy chuột, bẫy chim, bẫy thú rừng hoặc cùng anh em tổ chức đi săn con lợn rừng, con hoẵng… Chàng rể tài giỏi sẽ kiếm được nhiều thức ăn, thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày.

Trong khi đi ở rể, chàng trai sẽ về nhà xin bố mẹ đẻ một đôi gà rống mái hoặc xin một con lợn nái về làm giống để phát triển đàn gà, đàn lợn. Nếu bố mẹ vợ có khách quý ở xa về chơi thăm gia đình thì con rể sẽ phải mổ gà để thiết đãi khách của bố mẹ. Trong ăn uống, con rể phải túc trực để rót đổ nước cho mọi người uống rượu cần. Chàng lấy nước sạch đầu nguồn từng máng nước chảy về rồi dùng sừng trâu làm ca để đong cho mọi người uống, hết lại tiếp thêm nước vào bình rượu cần, khi nào nhạt sẽ lấy chum rượu mới, khi bố mẹ và khách vẫn còn đang uống thì chàng sẽ phải đứng (không được ngồi) tiếp nước mời rượu bố mẹ và khách, khi nào bố mẹ và khách không uống nữa đi ngủ thì con rể mới được đi ngủ. Bố mẹ vợ có nhiều cách để thử con rể xem anh ta có là người nhanh nhẹn hoạt bát như thế nào, trong quá trình uống rượu ông bố vợ mới nói bâng quơ về việc làm thức ăn để ăn uống, con rể nhanh nhẹn hiểu ý sẽ đi lấy rau làm cơm làm thức ăn để bố mẹ thiết đãi khách. Tộc người cũng có quan niệm trong thời gian ở rể con rể làm việc tốt và được bố mẹ anh em nhà cô gái yêu quý đến lúc cưới sẽ giảm cho ít tiền bạc. Trong các đám cưới cổ truyền nhà gái đòi đủ 23 đồng bạc (20 đồng mua cô gái, 3 đồng trả tiền sữa) thì con rể làm tốt sẽ được giảm 5 đồng chỉ còn 18 đồng là đưa vợ về nhà mình ở. Thời gian ở rể bên nhà gái, người con trai phải gánh vác mọi trọng trách, làm việc tốt bố mẹ cô gái sẽ tạo điều kiện cho gà, lợn giống để chăn nuôi làm tài sản riêng. Đây được coi như tài sản bố mẹ cho con gái con rể khi đi lấy chồng về để làm vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Trong thời gian ở rể, người con trai đó muốn về thăm bố mẹ đẻ phải xin phép với bố mẹ cô gái, đồng ý mới được đi. nếu gia đình bố mẹ trai trong cùng một bản thì chàng thỉnh thoảng về thăm, còn nếu ở bản xa phải vài ba tháng mới đi thăm một lần. Khi về thăm bố mẹ, chàng trai đưa vợ cùng về, nếu bên gia đình nhà gái có mổ lợn thì khi về thăm con gái (tức con dâu) sẽ mang thịt để biếu cho bố mẹ chồng. Bố mẹ chàng trai sẽ rất vui mừng vì con trai đã tìm chọn được người vợ đảm đang, hiếu thuận biết cư xử lễ phép với mọi người bên gia đình nhà chồng.

Quá trình đi ở rể, chành rể phải chăm chỉ lao động làm ăn xây dựng phát triển kinh tế cho gia đình nhà gái. Chàng phải chăm chỉ làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi tìm kiếm các nguồn thức ăn trong rừng, dưới suối để cải thiện chất lượng bữa ăn, làm tốt điều đó khi lấy vợ về nhà mình sẽ được bố mẹ vợ giảm tiền bạc. Tuy vậy, việc đi ở rể là do bắt buộc thuộc về tập tục nên từ đời này sang đời khác con cháu dân tộc Mảng vẫn phải duy trì thực hiện các việc đó.

Triêu Huy

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.