Phong tục cưới xin truyền thống của người Thái ở Mường So

Dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu có nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Tục cưới xin truyền thống của người Thái ở Mường So là một trong những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu với những phong tục truyền thống mang đậm dấu ấn tộc người.

Trong phong tục cưới xin của đồng bào Thái, vai trò của pó xứ, mé xứ  – người làm mối rất quan trọng. Người làm mối bao gồm cả đàn ông và đàn bà đã có gia đình. Người Thái quan niệm rằng ông bà mối là người bắc cầu cho các cặp trai gái đến với nhau. Trong hôn sự, ông bà mối là người vất vả, chịu khó và kiên trì hơn ai hết. Nhất là bước ăn hỏi đi lại, cứ hai ba tháng một lần. Có những đôi trai gái chưa hẳn đã yêu nhau thực tình mới đi ăn hỏi mà chỉ là bố mẹ sắp đặt. Vì vậy, ông bà mối phải dùng lời lẽ khéo léo để thuyết phục cho đến khi người con gái đó đồng ý mới yên tâm. Tục ngữ có câu:

Chău kin nạ đi lè hặc can bản

Tản chụ lè hặc “xứ” vẹn lai

Muốn lấy ruộng tốt thì kính tạo bản

Nên vợ, nên chồng thì trọng mai mối phần nhiều.

Vậy người làm mai mối phải là người đã có gia đình, ít nhất là đã sinh được hai con, một trai một gái, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, luôn nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp, trung thực với lời nói hai bên đến với nhau khi ăn hỏi, biết dùng lời lẽ khéo léo thuyết phục, có uy tín trong cộng đồng. Tục ngữ có câu:

Fủ cháng chặu cặm má bấu lương

Fủ cháng chặu xoong sương bấu xẩu

Người khéo đưa lời thì miếng trái không úa

Người khéo đưa lời thì hai ta không mờ

Tuyệt đối không dùng những ông bà đã góa hoặc bỏ vợ bỏ chồng mặc dù trước đây họ đã từng làm mai mối rất tốt. Nếu dùng lại những người đó e rằng sẽ ảnh hưởng đến cặp vợ chồng trẻ như số phận của họ.

Ông bà mối phải có kĩ năng nắm vững các nghi thức trong lễ cưới, có kĩ năng nắm vững các bài thơ, bài dân ca có nội dung liên quan. Xưa kia, không có luật hôn nhân, ông bà mối là người làm chứng cho họ. Bước ăn hỏi ông bà mối đã phải ra điều kiện để hai bên hứa hẹn rằng:

Mặc căn té mớ nhạm fum đanh

Pạnh căn hặn tậu nhạm fum đón

Yêu nhau từ khi tóc còn đỏ hoe

Quý nhau đến tận đầu bạc trắng

Hoặc:

Lụ me nhịnh khẻo hắc hển cạng chại nhà bớ

Lụ po chại hớ bứt xủm ai hại nhà nhăn

Là vợ dù răng rụng lệch cằm thì chồng cũng đừng chán

Là chồng dù mồ hôi chua thiu thì vợ cũng đừng chê

Tuy lời răn là vậy, nhưng trong cuộc sống diễn ra khôn lường, không phải cặp vợ chồng nào cũng thuận hòa, ấm no hạnh phúc. Mỗi khi gặp khó khăn sẽ thường nảy sinh các chuyện như: vợ chê chồng lười, chồng chê vợ chi tiêu phung phí. Mỗi khi gia đình bất hoà thì các cặp vợ chồng thường đến nhờ mai mối của mình giải quyết, hàn gắn.

Người Thái không thách cưới, mà chủ yếu là ở rể. Họ cho rằng tổ chức một lễ cưới cho dù to bao nhiêu cũng chỉ ăn một bữa là hết. Ở rể thì quanh năm con rể sẽ làm ra thóc, lúa, ngô, khoai và nhiều vật dùng khác nữa để dùng dần. Đôi khi con rể mà làm ra được nhiều còn cho con gái mình đem biếu bố mẹ chồng, với tình cảm “của ít lòng nhiều” chẳng tốt hơn sao.

Tục cưới thông thường có ba hình thức phổ biến:

Thứ nhất, cưới vợ nhưng không làm lễ mà ở rể với thời gian ở rể là sáu đến tám năm mà đã được hai bên thống nhất và thỏa thuận. Ở rể là một cơ hội tốt nhất cho những chàng trai khi lấy vợ. Suốt tám năm được bố mẹ vợ rèn luyện trong lao động sản xuất ra nông sản và được học thêm nghề phụ như đan chài vá lưới, học đan lát… Sau tám năm, chàng rể đã có bài học kinh nghiệm, khi đón vợ về, đem hiểu biết của mình đã tích lũy được mà vận dụng vào xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thứ hai, cưới vợ có làm lễ nhưng không ở rể khi bên nhà gái có người lao động sản xuất nhưng lại ít ruộng cấy. Nhà trai nhiều đất trồng trọt nhưng lại neo người. Khi ăn hỏi lần cuối hai bên đã bàn hợp tình, hợp lí là không ở rể mà nuôi bố mẹ vợ với thời gian là tám năm.

Chọn được ngày lành tháng tốt, nhà trai xếp các thứ lễ vật gồm: lợn gà, gạo rượu… nhờ ông bà mai mối dẫn rể sang nhà gái làm lễ cưới. Được bố mẹ vợ cho thành vợ chồng rồi ở lại nửa tháng để chàng rể làm quen hết lượt mọi người. Sau đó, nhà trai nhờ mai mối sang đón dâu, nhà gái cũng có đại diện đưa dâu và mang nhiều chăn, đệm và gối. Đến nhà trai, lúc đầu là làm lễ ra mắt tổ tiên với ý nghĩa là nhập khẩu con dâu mới, tiếp theo là mẹ chồng gắn hoa tai cho con dâu và nói lời cầu mong rằng:

Nó ngứn hẳu ó bưởng khoa

Nó khắm hẳu ó bưởng xại

Măng bạc cho mọc bên phải (sinh con gái)

Măng vàng cho mọc bên trái (sinh con trai)

Mọi việc cưới hỏi đã xong, giờ thì vợ chồng cùng nhau ra sức lao động sản xuất, một phần để cả nhà ăn quanh năm. Hàng năm, sau khi thu hoạch xong đem thóc sang cho bố mẹ vợ khoảng 300kg/2 người/năm. Ngoài ra, sáng 30 tết còn biếu bố mẹ vợ một miếng thịt lợn khoảng 2kg, 2 gói thuốc lào, 2 gói muối biển, cứ đều đều như vậy với thời gian tám năm.

Hình thức thứ ba, cưới vợ không làm lễ mà ở rể cả đời với bố mẹ vợ. Đây là trường hợp nhà gái không có con trai mà chỉ có một đứa con gái, thiếu lao động là nam giới nhưng lại có đất trồng trọt, có trâu cày, nhà trai nhiều anh em. Khi ăn hỏi lần cuối, họ đã bàn bạc chia sẻ hợp tình, hợp lí, bên nhà trai cho con mình ở rể cả đời bố mẹ vợ.

Quyền lợi của con rể là sau khi bố mẹ vợ qua đời rồi thì mọi thứ là tài sản chung bao gồm: cuốc cày, ruộng đất, trâu kéo và kể cả tiền bạc… thuộc quyền sử dụng của con rể. Riêng nếp nhà cũ và đất thổ cư thì con rể không được lấy. Đây là tục truyền, chỉ họ hàng bên vợ mới được dùng.

Ngoài ra, có hình thức cưới trong tình huống đặc biệt là cưới tang còn gọi là “lẩu tsoỏng” diễn ra khi bố mẹ vợ qua đời. Vào thời điểm sau lúc nhập quan. Đây là một lễ nghĩa “nghĩa tử – nghĩa tận” khác với phú quý sinh lễ nghĩa. Về cuối đời, do tuổi cao sức yếu, thu nhập thấp, chỉ lo khi qua đời không có đủ điều kiện tang ma, không có thức ăn, thức uống tiếp họ mạc, hàng xóm đến phúng viếng và giúp tang lễ trong thời gian ba ngày. Vì vậy, bố mẹ vợ đã gợi ý và giao cho con rể nào đáp lễ bố, rể nào đáp lễ mẹ.

Lễ vật thường là lợn to hoặc trâu to, rượu gạo và phụ phẩm đủ tiếp mấy trăm người ăn một bữa. Cũng giống như lễ cưới thường lệ là có đủ mai mối, dẫn rể. Trong thời gian làm lễ không được đeo tang, mặc quần áo tang, chỉ khác một điều là không hát trao rể xin dâu, không nô đùa quá trớn, cho đến lúc xong lễ cưới mới trở lại lễ tang.

Tục cưới xin truyền thống của người Thái ở Mường So mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện được sự hiếu thảo giữa con cái, cha mẹ, là nét đẹp văn hóa cần được phát huy. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

NÔNG VĂN NẢO


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.