Phong tục trong lễ tết cuối năm của người Dao Tuyển

Lễ tết là một bộ phận văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và của đồng bào Dao Tuyển nói riêng. Đó chính là việc tổ chức, thực hiện những nghi lễ theo một khuôn mẫu nhất định, vào những thời điểm của tự nhiên

Khác với một số dân tộc, người Dao Tuyển không thờ ông táo nên không khí ngày tết chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 28 tháng chạp đồng bào giết lợn để chuẩn bị thực phẩm phục vụ cho 3 ngày tết. Ngày 29 tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc chuẩn bị gói bánh chưng.

Theo phong tục, ngày tết cuối năm đồng bào Dao Tuyển chỉ cúng tổ tiên bằng bánh chưng đen được làm rất cầu kì: gạo dùng để gói bánh được trộn với bột than của cây lúc lắc đã được dã mịn, bánh có màu đen là màu của bột than cây lúc lắc, bánh là loại bánh dài và hơi gù ở phần giữa bánh. Đến sáng ngày 30 tết, mọi gia đình đều dậy thật sớm để dọn mâm thờ cúng gia tiên.

           Người Dao Tuyển ở Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Ngọc Thắng

          Bàn thờ tổ tiên của người Dao Tuyển đặt ở gian giữa nhà được thiết với hình dáng nhỏ, đó là nơi thắp hương cho tổ tiên còn khi cúng giố bày lễ vật thì người ta lại sắp mộ mâm bàn mới để thờ. Mâm dùng để thờ cúng tổ tiên cũng được sắp xếp như một bàn thờ cố định, phải có đầy đủ bát hương, đèn nến, chén rót rượu… và bề mặt mâm đủ rộng để bày lễ vật.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như cách bày trí những đồ vật trong nhà của từng gia đình mà lựa chọn mâm để bày đồ lễ thờ cúng tổ tiên. Thông thường, nơi để bày lễ vật cúng gia tiên là bàn gỗ cao, đặt ở vị trí gian giữa của ngôi nhà, trước bàn thờ nhà. Dọn mâm chuẩn bị các đồ lễ để thờ cúng tổ tiên, trong gia đình người phụ nữ có thể đảm nhiệm nhưng khi tiến hành thắp hương mời tổ tiên trở về thì phụ nữ không được đến gần bàn thờ cũng như thực hiện nghi lễ cúng bái mời tổ tiên trở về, bởi lẽ nơi thắp hương thờ tổ tiên là linh thiêng, phụ nữ chưa được cấp sắc không có tên âm trong gia phả của tổ tiên nếu không kiêng như vậy mọi nghi lễ cúng trong gia đình không thiêng, gia đình đó sẽ không gặp may mắn trong làm ăn..

Trong văn hóa truyền thống của người Dao Tuyển rất coi trọng đạo hiếu. Đạo hiếu không chỉ với ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng ta nên người, mà đạo hiếu còn được thể hiện với người thầy (sư phụ) truyền dạy đạo đức, đạo làm người (thể hiện qua nghi lễ lập tịch, lễ cấp sắc). Vì vậy, thực hiện nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng lễ vật, gia chủ cũng phải mời cả thầy (sư phụ) “Tpha” về hưởng lễ, chung vui cùng con cháu và phù hộ che trở cho con cháu.

Khi thực hiện nghi lễ cúng chỉ có người đàn ông trong gia đình mới được thực hiện, nếu vì lý do nào đó không có chủ gia đình thì người con trai đã trải qua lễ cấp sắc mới được thực hiện lễ cúng tổ tiên. Sau khi đã dọn xong mâm cúng cho tổ tiên, người chủ gia đình thắp 3 nén nhang cắm vào chiếc bát đựng đầy gạo (tượng trưng cho bát hương), miệng đọc nhẩm bài khấn với đại ý: Hôm nay là ngày tết cuối năm ngày 30 tết, tên con là (tên ghi trong gia phả), có vợ tên là gì, nhân dịp tết nguyên đán “ xi nhụt thệt” chúng con sắm lễ vật dâng lên trước mâm gia tiên. Chúng con kính mời : các vị thần linh, sư phụ cùng các vịt tổ tiên (tên, tuổi của từng đời tổ tiên là gì) xuống chứng giám, thụ hưởng lễ vật và phù hộ cho con cháu làm ăn may mắn, sức khỏe dồi dào, ra đường tai qua nạn khỏi, gia súc, gia cầm không dịch bệnh… khấn thỉnh xong gia chủ cắm nén nhang lên bát hương hàm ý mời tổ tiên, sư phụ và các vị thần linh hưởng lễ vật. Lễ vật gồm có: thịt gà, thịt lợn ngoài ra còn có rau xào, cá và 6 chiếc bánh chưng để xếp hai bên bát hương, 5 chén rượu…

Trong cách bày đồ lễ để thờ cúng, người Dao Tuyển cũng rất được chú ý và cẩn thận. Bát hương là đồ quan trọng nhất và không thể thiếu trên bàn thờ, được đặt ở vị trí chính giữa của mâm thờ cúng tổ tiên, tiếp đến ở trước bát hương phía bên trái và phải đặt 6 chiếc bảnh chưng (mỗi bên 3 chiếc bánh), trên mối chiếc bánh thắp một nén nhang cắm lên bánh chưng (với hàm ý rằng hương khói của nén nhang sẽ dẫn đưa tổ tiên đến ăn bánh), ở phía trước bánh xếp 5 chén rượu để rót rượu. Ngoài thịt,  bánh chưng, trên mâm thờ cúng còn có đèn dầu lúc nào cũng được thắp sáng (ngọn lửa tượng trưng cho sự đầm ấm, hạnh phúc và bình an), thẻ hương, giấy vàng, chai rượu…

Ngoài những lễ vật cúng tổ tiên đạt trên bàn thờ, ngày tết cuối năm đồng bào Dao Tuyển còn treo một chiếc bánh ngoài cửa bếp cúng cho các tổ tiên từ đời thứ 5 về trước và con cháu đã chết mà không được cúng giỗ, không được vào trong nhà ngồi đoàn tụ với tổ tiên. Họ quan niệm, linh hồn của các vị tổ tiên đó chưa được đầu thai vào con cháu, không được con cháu thờ cúng (nam man) nhưng ngày tết vẫn tìm về với con cháu nên để tỏ lòng hiếu thảo, sự tôn kính và tưởng nhớ của đời sau đối với những người đã khuất; ngày lễ tết con cháu vẫn dâng lễ dù chỉ là một chiếc bánh chưng, nhưng cũng phần nào bày tỏ được tấm lòng hiếu kính của thế hệ con cháu đối với người đã khuất, thế hệ trước.

Lễ vật dâng cúng tổ tiên, ông bà người Dao Tuyển không bao giờ cúng những thực phẩm sống mà không qua chế biến như thịt sống, rau sống, thịt trâu, thịt chó…thịt sống người ta chỉ dùng để cúng ma ngoài, ma đói, còn tổ tiên là nguồn gốc, là dòng họ, là ông bà, cụ kỵ chứ không phải là ma.

Vào tối 30 tết, mọi người trong gia đình đều tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới để sớm mai vui xuân đầu năm (đồng bào quan niệm mọi thứ liên quan đến năm cũ đều phải được gột rửa đi hết, con người phải sạch sẽ đón năm mới thì bước vào một năm mới sẽ có nhiều may mắn hơn). Tối đêm tất niên con cháu phải vân phải thắp hương cho tổ tiên, việc thắp hương vào đêm tất niên thì người phụ nữ không được dâng hương lên tổ tiên.

Người Dao Tuyển cúng tổ tiên hết một nén nhang là có thể dọn đồ lễ xuống. Điều này không có tục quy định là nam giới mới được phép dọn lễ thờ cúng, mà người phụ nữ trong gia đình cũng có thể thực hiện được. Mâm cúng được dọn xong cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngày tết cuối năm với không khí ấm cúng và vui vẻ.

Thanh Vân

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.