Phát triển thương hiệu nông sản Than Uyên

Về Than Uyên trong những ngày đầu xuân, những nụ đào đã bắt đầu hé cánh phơn phớt hồng, màu  đặc trưng của hoa đào rừng.

Sau một vụ mùa hối hả, ruộng nương, đồng bãi đang trong kỳ “dưỡng sức”, lúa, ngô, đã yên ắng trong bồ. Cái tiết trời se sắt rất thích hợp cho nhiều giống rau màu ôn đới.

Khắp đầu mường đến cuối bản, đâu đâu, bà con cũng xôn xao về chuyện đặt tên cho hạt gạo quê mình, nào là giấy chứng nhận, mã số, mã vạch, thương hiệu. Từ xa xưa, lúa gạo Than Uyên đã nức tiếng bốn phương. Bởi nơi đây có cánh đồng Mừng Than trù phú, rộng lớn, được ví là cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Than Uyên có 10 dân tộc anh em sống quây quần dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, vùng đất có nhiều Mường như Mường Than, Mường Mít, Mường Cang, Mường Kim… , các Mường được bao bọc bởi các con suối và dòng Nậm Mu quanh năm dồi dào nguồn nước. Nay lại có thêm hai hồ thủy điện lớn là (bản Chát và Huội Quảng) là điệu kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển nông lâm ngư nghiệp. Than Uyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều sản vật quý, những cái tên đã ăn vào tâm thức của bất cứ ai một lần đến đây cũng phải thèm thuồng như: gạo Sén Cù Mường Cang, ổi Hua Nà, rượu men lá Nà Chẳm, cá suối Mường Kim, chè Sen Đông, lợn cắp nách Tà Mung… Nhưng bấy lâu nay, những sản vật quen thuộc ấy vẫn chỉ quẩn quanh và cất giữ trong nhà, có chăng thì cuối tuần, bà con  họp chợ một lần, chỉ là trao đổi gặp gỡ, bán không hết thì biếu nhau để lấy cái tình đi lại. Làm gì để những đặc sản nơi đây ra với thị trường bên ngoài và danh chính ngôn thuận xướng tên cùng hàng hóa bốn phương mà không bị pha trộn.

Được biết, những năm qua, Than Uyên là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa và đa canh nhiều loại cây trồng, hình thành các vùng thâm canh tập trung. Nhiều nguồn vốn, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn huyện được kết hợp, lồng ghép, nhằm huy động tối đa nguồn lực của nhân dân và các tổ chức, cá nhân triển khai các hợp phần của chương trình. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng liên kết “năm nhà”: Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp-Nhà nông-Nhà băng (ngân hàng). Người dân được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, đưa cây, con giống có năng suất chất lượng cao vào canh tác, sản xuất, chăn nuôi.

Quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và xây dựng các mô hình, đầu tư chăn nuôi bán tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa trong và ngoài huyện đã và đang mở ra một hướng đi cho người nông dân có cơ hội làm giàu trên chính đồng đất quê hương của mình.

Chúng tôi tới thăm mô hình Hợp tác xã Thanh niên Mường Cang, Hua Nà, đây là hai đơn vị đầu mối quảng bá, giới thiệu và cung ứng sản vật của địa phương ra thị trường, chị Hà Thị Nhung – Giám đốc HTX Thanh niên Mường Cang đang cùng các thành viên kiểm tra lại bảo quản thóc Séng cù và quy trình sản xuất rượu men lá của bà con bản Nà Chẳm: “Từ lâu gạo Séng cù của đồng báo Thái nơi đây nổi tiếng thơm ngon. Tuy giá thành gạo Séng cù có cao hơn một số loại gạo khác, nhưng người dân quen trồng nhỏ lẻ vì giống này năng xuất không cao. Khi cần thì bà con mới bán mà bán cũng không được giá vì tư thương ép giá. Với mục đích bảo vệ thương hiệu gạo đặc sản Séng cù Than Uyên và lợi ích cho bà con, HTX ký cam kết với bà con về khâu tiêu thụ sản lượng, tạo điều kiện ứng vốn, giống, phân bón trước để bà con yên tâm sản xuất”, chị Nhung chia sẻ.

Câu chuyện Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo đặc sản Séng cù Than Uyên” như luồng gió mới với bà con Than Uyên, bao năm đợi chờ, giờ “đứa con đầu lòng” đã chính thức được “khai sinh”.

Than Uyên có phong cảnh đẹp đặc trưng của miền núi

Có lẽ câu chuyện phải bắt đầu khởi phát từ đề án “Chương trình sản xuất nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2011-2015” của huyện là tiền đề. Và đến nay bà con đã hình thành thói quen nông dân sản xuất lúa thuần tập trung, vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng. Các vùng chuyên canh rau, ngô màu, trang trại chăn nuôi được hình thành; tăng tỷ lệ tốc độ tăng đàn gia súc, tạo sản phẩm thịt cung ứng ra thị trường. Nhưng cái được lớn nhất là bài toán hiệu quả nhất là giải quyết việc làm, tạo ra hướng đi mới cho người nông dân. Đồng thời thay đổi dần tập quán canh tác, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững hơn. Đó cũng là một trong những nội dung then chốt của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Than Uyên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Sản xuất nông sản hàng hóa tập trung” giai đoạn 2016-2020.

Từ chương trình này, người dân ý thức hơn về tầm quan trọng việc lựa chọn giống, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất. Các mô hình, dự án chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con đã phát huy trong việc canh tác cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, hình thành các phương thức sản xuất tiên tiến. Ngoài việc mang lại hiệu quả trực tiếp, chương trình còn tạo điều kiện giúp bà con mở rộng, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 221 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại xã tại các xã: Hua Nà, Mường Cang, Thị trấn, Mường Than; năng suất trung bình 47 tạ/ha, sản lượng đạt 1.038,7 tấn. Như vậy, so với Nghị quyết giao trong năm 2018 vượt 116 ha. Chỉ cần đặt phép tính giá bán 1kg thóc Séng cù 15.000đ. Sau khi trừ các khoản chi phí (về giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV và công lao động), 01 ha cho lãi khoảng 49,5 triệu.

Từ chương trình đã nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường gắn đặc trưng thế mạnh từng vùng; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa bền vững. Với một huyện miền núi nghèo như  Than Uyên; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 12,03% và con số thu nhập bình quân đầu người là 32 triệu đồng, đó là những tin hiệu vui.

Đến giờ này, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Thăng như trút được những âu lo, anh hân hoan: “Vừa qua Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đã chính thức công nhận thương hiệu sản phẩm “gạo đặc sản Séng cù Than Uyên”. Từ nay, sản phẩm này sẽ đường hoàng dõng dạc bước ra các thị trường lớn và trong tương lai nhiều sản vật của vùng đất Than Uyên sẽ là thương hiệu để khách hàng tìm đến”.

Sau khi gạo Séng cù Than Uyên được công nhận thương hiệu, huyện đã khẩn trương tổng hợp toàn bộ diện tích đang triển khai, đồng thời khuyến khích nông dân sản xuất tập trung và doanh nghiệp ký kết liên kết ngay từ khâu giống đến thu hoạch, bao tiêu đầu ra. Cùng với đó là xây dựng mã số, mã vạch truy suất nguồn gốc cho từng doanh nghiệp để nhận biết các đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo Séng cù Than Uyên. Và những doanh nghiệp, hợp tác xã khi được lựa chọn huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo thành một chuỗi liên kết khép kín.

Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: Để quản lý và phát triển thương hiệu gạo Séng cù Than Uyên, huyện rất chú trọng xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc như: quy trình sản xuất giống, quy trình sản xuất lúa thương phẩm, quy trình bảo quản và chế biến sản phẩm gạo. Cùng với đó, xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn chứa dấu hiệu nhãn hiệu chứng nhận gắn trên sản phẩm.

Được mẹ cha đặt cho cái tên đẹp đã là khó, nhưng để cái tên không bị nhạt phai, nhầm lẫn lại càng khó hơn. Và không ai khác chính bà con nông dân phải bảo vệ và phát triển thương hiệu của sản phẩm bằng cách nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn. Trong tương lai, Than Uyên không chỉ có gạo Séng cù mà nhiều cái tên khác như ổi, rượu men lá, chè, lợn đen… sẽ là những thương hiệu đồng hành cùng bà con phát triển xây dựng quê hương giàu đẹp bền vững.

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.