Ở giữa hai mùa

Có những đêm trời cao gom hết nắng ngày rắc xuống giữa thung xanh. Tôi hết nằm ngửa lại nằm sấp, lật ngược rồi lật xuôi, toàn thân đầm đìa mồ hôi mà đôi mắt vẫn không chịu díp lại. Lúc này chỉ ước chi chàng gió thu dịu dàng đến ve vuốt thịt da, chải mềm tóc mượt để ru tôi vào giấc mộng êm đềm.

Lại có những đêm sao hằng hà sa số, lung linh huyền ảo hứa hẹn một  giấc nồng say nơi tiên cảnh. Bỗng như có một tinh cầu băng giá nào rớt xuống, ướp thân ta bằng những tảng băng khổng lồ, lạnh run lên bần bật. Thầm mong sao chàng mặt trời nồng nàn hào phóng ban cho những tia nhìn ấm áp để tâm hồn tôi lại căng tràn nhựa sống.

Ấy là lúc hai chân ta dùng dằng ở giữa hai mùa. Tuổi hoa niên xa ngái ùa về khi những nếp chân chim ngày càng sinh sôi nảy nở nơi đầu mày cuối mắt.

Thuở ấy, mặc dù rất yêu trường, nhớ lớp và quyến luyến thầy cô, kỳ nghỉ hè vẫn có sức cuốn hút lạ lùng với các cô các cậu học sinh tuổi choai choai. Ngoài việc giúp đỡ cha mẹ những việc vặt như trông em, quét nhà, rửa chén bát, nấu cơm… chúng tranh thủ tận dụng thời gian nhàn rỗi quây quần bên nhau, chơi những trò chơi dân gian. Mỗi trò chơi gắn với một bài đồng dao thân thương từ thuở xa xưa ông bà ta để lại.

Ngày ấy, dù là sống ở thị xã song nhà chúng tôi vẫn gần núi lắm! Sáng choàng tỉnh dậy, mắt đã ôm đầy bóng núi. Theo giờ hẹn trước, lũ trẻ con tụ tập chơi trò “Chi chi chành chành”. Gần chục đứa trẻ ngắt lá rải ngồi kề bên nhau trong khoảng đất bằng phẳng. Bạn lớn nhất xòe bàn tay ra, những bạn còn lại đặt ngón tay trỏ của mình vào bàn tay đó và cùng nhau đọc bài đồng dao đã thuộc lòng: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ma vương ngũ đế/ Bắt dế đi tìm/ Ù à ù ập”. Vừa đọc dứt bài, bạn xòe nắm nhanh tay lại, túm lấy ngón trỏ của các bạn cùng chơi, những bạn còn lại rút thật nhanh tay ra, rút không kịp sẽ thua cuộc và phải xòe tay ra cho các bạn khác chơi tiếp. Mấy đứa bạn khôn lỏi, cứ đọc đến đầu câu “Ù à ù ập” là đã chuẩn bị tư thế rút tay thật nhanh để khỏi bị thua. Tôi luôn là đứa chậm chạp, thật thà nhất hội nên toàn thua khiến lũ bạn thích chí cười vang. Sau nhiều lần như thế, tôi nảy ra sáng kiến:

– Hay là bọn mình chơi trò liên hoàn đi. Đứa nào thua trong trò “Chi chi chành chành” thì phải chịu bịt mắt trong trò chơi “Bịt mắt bắt dê”, có được không nào?

Bọn trẻ ồ lên tán thưởng:

– Được! Được quá đi chứ!

Chúng bèn cử một đứa cầm chiếc khăn quàng đỏ gập lại theo chiều dài, bịt mắt tôi thật chặt buộc ra đằng sau gáy, hai đứa khác giám sát xem có hở tí nào không. Sau đó, chúng bắt đầu đi trốn trong các lùm cây xung quanh bãi và hét to “xong”, “xong”… Tôi cố gắng căng tai ra nghe tiếng “xong” đó phát ra từ lùm cây hay xó xỉnh nào để phán đoán xem “con dê” cần bắt trốn ở đâu. Lũ bạn ranh ma sau khi hô “xong” lại rón rén di chuyển địa điểm ẩn nấp sang chỗ khác khiến tôi tìm bở hơi tai cũng chẳng thấy đứa nào. Tôi đã từng chứng kiến có bạn chơi ăn gian, vừa đi tìm vừa tranh thủ đưa hai tay ra sau gáy, nới lỏng chiếc khăn bịt mắt cho dễ tìm nhưng tôi chẳng bao giờ bắt chước thế, mất cả vui. Cuối cùng, tôi cũng bắt được một “con dê” chậm chạp và thật thà như mình và hét lên sung sướng:

– Bắt được dê rồi!

“Con dê” thua cuộc thế chỗ cho tôi và lại bị bịt mắt đi tìm những “con dê” khác. Trò chơi đơn giản mà vui đáo để. Chúng tôi hò hét vang lừng cả khu rừng khiến mấy chú chào mào giật mình, bay vút đi.

Để thay đổi không khí, chúng tôi lại rủ nhau chơi trò “Thả đỉa ba ba”. “Thủ lĩnh” của chúng tôi là một cậu bạn lớn nhất hội dùng than vẽ một con sông có hai bờ hai bên, yêu cầu cả hội đứng thành một vòng tròn rồi chỉ định một bạn phải làm “đỉa”. Mọi người đồng thanh đọc to bài “Thả đỉa ba ba”: “Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông…”. Bạn làm đỉa đi quanh vòng tròn, tiếng thứ nhất tự chỉ vào mình, tiếp theo cứ mỗi tiếng lại lấy tay chỉ vào một bạn kế tiếp, chữ “chịu” cuối cùng rơi vào bạn nào thì bạn đó phải đứng lại “sông” làm “đỉa”, những người khác chạy nhanh lên hai bờ sông. Nếu ai chậm chân bị “ đỉa” bám ở dưới “sông” thì lại phải  xuống làm “đỉa”, còn người làm “đỉa” lại  được lên  bờ.

Rồi trò chơi “cướp cờ”, “dung dăng dung dẻ” , “nu na nu nống”, “rồng rắn lên mây”, “mèo đuổi chuột”, “kéo co”… cứ lần lượt thay thế, cuốn hút lũ trẻ. Khi một đứa sực nhớ ra vì mải chơi, quên một việc mẹ phân công làm buổi sáng nay, “thủ lĩnh” lập tức điều động cả hội sang giúp bạn ấy nhanh chóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đứa nào đứa nấy mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà trong lòng vui như chim hót vậy.

Lớn lên chút xíu, lũ con trai con gái không chơi chung cùng nhau nữa. Con trai thì chơi tập trận giả, đánh khăng, đánh đáo; con gái thì chơi nhảy dây, đánh chắt đánh chuyền, chơi ô ăn quan… Niềm vui cứ kéo dài triền miên suốt ba tháng hè, chẳng bao giờ nhàm chán, chẳng bao giờ phải bận tâm nghĩ đến chuyện sách vở.

Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua. Kỷ niệm những ngày hè thân ái để rồi lại tung tăng cắp sách, sánh vai nhau đến trường vẫn mồn một in đậm trong tâm trí tôi. Bạn thơ ấu của tôi giờ đã lên ông, lên bà cả rồi. Ôi cái tuổi thần tiên sao mà yêu đến thế!

Con cháu chúng ta hôm nay đang ở thế hệ 4.0, trò chơi của chúng cũng hiện đại, tinh vi hơn xưa kia rất nhiều: nào là các trò chơi điện tử, trò chơi trên điện thoại… thu hút sự chú ý và phát triển trí thông minh sáng tạo cho trẻ thơ.  Dù vậy, tôi vẫn mong con, cháu mình không bỏ qua những trò chơi dân gian truyền thống với những bài đồng dao giản dị, đáng yêu mà vô cùng thú vị.

Ngày xưa, mùa hè là nghỉ hè, ngoài việc đỡ đần cha mẹ, trẻ em được tụ tập bên nhau, nô đùa thoải mái, không mảy may lo đến chuyện học hành. Để rồi bước sang thu, các em có sức khỏe, có niềm vui đón chào năm học mới.

Ngày nay, trong dịp hè, con, cháu ta cũng chịu áp lực phải học thêm nhiều lắm! “Con gà hơn nhau ở tiếng gáy”. Quan niệm xưa cũ ấy vẫn đeo đẳng các ông bố, bà mẹ trẻ khiến họ kiếm tìm mọi cơ hội cho con mình học thêm hết môn học nọ đến môn học kia, hết thầy cô này đến thầy cô khác. Kỳ vọng ở con mình quá cao, vô tình họ đã tạo áp lực lên đầu đứa trẻ khiến đầu óc chúng lúc nào cũng căng thẳng, phải gồng mình lên cố gắng học cho bằng hoặc vượt con nhà khác. Để rồi khi tiếng trống điểm năm học mới bắt đầu, nhiều cháu đã mệt mỏi rã rời cả thể lực lẫn tinh thần trong cuộc đua vì thành tích. Như thế có đáng không?

Đang ở giữa hai mùa, tôi miên man nghĩ đến các em thơ và mong các em được nghỉ ngơi chuẩn bị bước vào năm học mới tràn đầy năng lượng…

Bùi Thị Sơn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.