Ổ đá

Mỷ thò mặt qua mép cửa gọi chồng:

– A Páo, A Páo… Bụng tôi đau rồi.

Páo đang bổ củi góc sân vội quẳng búa chạy vào nhà. Nhìn vợ nhăn nhó, Páo xót vợ làu bàu:

– Sao lại đẻ giữa trưa thế này.

Nói rồi Páo chạy ra bếp xúc một bát cơm nguội, nhấc phích đổ nước ngập cơm mang cho vợ:

– Ăn đi mà còn lấy sức.

Mỷ gọi:

– Dua ơi… Dua à… chạy nhanh đi gọi bà Dợ nói là chị cháu sắp đẻ. Hôm trước mẹ dặn bà ấy rồi.

– Em phơi quần áo đã.

Từ đầu nhà Dua nói vóng vào. Ông Vảng, bố của Mỷ đang ngồi đan lù cở giữa nhà nói gắt:

– Dua à, để đấy, chạy nhanh đi. Mẹ cắt cỏ ngựa dưới khe. Gọi bà Dợ xong thì chạy đi đón mẹ luôn nhá.

Ông Vảng đứng lên cất chiếc lù cở đang đan dở vào góc nhà đi ra cửa. Đi qua buồng con gái, ông nói:

– Cố ăn một tí đi. Đừng lo lắng quá. Bố đi hái thuốc đây.

Páo thoăn thoắt leo thang trèo lên gác bếp ôm xuống một ôm rơm. Không kịp xỏ dép, Páo tất tả ôm rơm chạy ra góc vườn. Páo trải đều rơm vào hốc đá làm ổ cho vợ đẻ. Theo phong tục, con gái lấy chồng khác họ rồi không được đẻ trong nhà. Phận mồ côi không nhà, không cửa phải đón con ở hốc đá làm mắt páo cay cay. Páo nghĩ thầm như nói với con: “Con ơi, cái ổ đá này cũng tốt mà. Cha mồ côi, ông bà ngoại thương cho lấy mẹ con. Người ta ở rể phải ở chái. Cha ở rể thì được ở trong nhà. Thế là tốt phúc lắm. Bố trải rơm thơm, rơm ấm đón con đây. Cái ổ đá này cũng tốt mà. Đừng buồn con nhé…”.

Sắp có đứa cháu ngoại, ông Vảng vui ra mặt. Hái thuốc xong, ông Vảng rẽ qua chỗ con rể :

– Sắp được làm cha rồi, có thích không?

Páo ngại ngùng gượng cười đứng lên. Ông Vảng chỉ sang đám nương bên kia khe:

– Bố nói rồi đấy, đám nương kia, bố mẹ sẽ cho vợ chồng con. Cuối năm, mổ con lợn, nhờ anh em họ hàng lên rừng tìm gỗ, làm nhà. Hai tháng là có nhà thôi mà.

Páo luống cuống:

– Vâng, Vâng, con cám ơn bố.

Ông Vảng đưa nắm cây thuốc đưa cho páo:

– Cầm về đun ngay đi. Vợ con đẻ xong thì cho nó uống. Nhớ luộc hai quả trứng gà.

Ông Vảng đứng nhìn hốc đá. Đàn ông Mông không được nhìn người đẻ, dù đó là vợ mình. Nhìn ổ đá, ông nhớ mẹ. Nhớ một buổi chiều giông bão, cái tổ trên cây đào trước sân bị bão hất rơi xuống. Có con chin non văng ra. Vảng nhặt con chim mang vào nhà, xin mẹ miếng giẻ làm ổ cho chim. Đặt con chim non vào ổ giẻ, Vảng đến bên bếp giơ cái tổ vào gần lửa để chim được sưởi ấm. Co chim bé bằng hai đốt ngón tay huơ huơ đôi cánh bé xíu run rẩy.

Vảng hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu ?

Mẹ đang thái rau lợn ngẩng mặt nhìn Vảng cười:

– Thì con cũng sinh ra ở trên cây dẻ Núi Gấu. Một hôm, nghịch ngợm bò ra khỏi tổ rơi xuống. Mẹ đi nhặt quả dẻ nhìn thấy nhặt con về nuôi.

Vảng ra chiều nghĩ ngợi. Không nghĩ ra được nên hỏi mẹ:

–  Sao con lại lớn to thế này.

Mẹ Vảng lại cười to hơn:

– Thì con bú nhiều sữa, ăn nhiều cơm lâu dần mới lớn.

Con chim non chỉ sống được một ngày. Chắc không có mẹ cho bú nên nó chết. Vảng quấn con chim trong mảnh giẻ. Vừa quấn vừa khóc dặn:

– Đây là chăn của mày. Đất lạnh lắm đấy. Đừng đạp chăn ra nhé.

Vảng chôn chim dưới gốc cây đào mà tổ nó đã rơi xuống. Chôn xong, Vảng ngồi xoa xoa nấm mồ nhỏ khóc mãi không muốn rời.

Đến khi Vảng biết yêu, mẹ mới nói cho biết con người ra đời thế nào và Vảng ra được sinh ra như thế nào. Vảng không quên một buổi tối mẹ ngồi đun thuốc cho cha, Vảng thì thầm với mẹ:

– Con yêu cái Nủ bản bên. Con muốn lấy nó làm vợ. Bố mẹ xem cho con.

Mẹ bảo đợi bố khỏe sẽ nói với bố. Rồi mẹ kể:

– Ngày ấy, khi em trai bố sắp lấy vợ. Ông bà nội làm nhà ra đám nương cho mẹ ở riêng. Ngôi nhà này đây. Buổi sáng, đang dựng nhà mới thì mẹ trở dạ. Nhà xa hơn ba cây số không kịp về nhà đẻ. Vợ đẻ con đầu, cha con không biết phải làm gì cứ chạy lên, chạy xuống. Mấy bà hiểu chuyện chạy ra đám nương ngô đầu nhà ngửa mặt nhìn mặt trời rồi nhìn bóng mình dưới đất: “Đằng đông. Hốc đá này tốt. Mấy hòn đá to đứng sát nhau thế này thì kín gió”. Thế là chỉ còn đàn ông dựng nhà. Đàn bà, con gái, người chạy về bản gọi bà đỡ. Người cầm dao chạy đi chặt ngọn cây sặt làm chổi. Người mang bao lên rừng Tông Qua Sủ sau nhà vơ lá khô. Người chạy đi vơ nắm gianh, tìm đầu gỗ đầu tre xếp đống, nhóm lửa. Người chặt nhọn những đoạn tre, đóng cọc, buộc ván quây quanh hốc đá. Người thì chạy về nhà lấy cho xin cái váy cũ. Người nhặt đá kê bếp đun thuốc, luộc trứng. Người chạy về nhà lấy sợi chỉ buộc cuống rốn và con dao nhỏ để cắt dây rốn. May quá, bà ấy  không quên cạo ít bồ hóng trên giàn sấy. Bồ hóng để bôi vào quả trứng luộc cho sản phụ ăn. Mẹ hai tay níu ghì mấu đá. Bà đỡ hướng dẫn mẹ dồn sức rặn. Con là đứa mở cửa mà lại to quá nên khó ra. Mẹ sắp cạn sức rồi nhưng vẫn cố hạ thấp người để con không bị rơi đau. Chui ra, con nằm úp mặt vào đống lá tay khua, chân đạp khóc váng lên. Lá thuốc để bôi dao cắt rốn và chuốt chỉ buộc rốn chưa kịp giã. Bà đỡ tống cả nắm lá thuốc vào miệng, phồng má nhai nghiến ngấu. Rồi bà nhè thuốc ra vuốt hai bên lưỡi dao và sợi chỉ. Buộc cuống rốn cho con xong, bà nhấc con đặt vào giữa cái váy cũ lau từ đầu đến chân. Lúc này bố con đã kịp chạy về nhà mang ra một cái váy cũ của mẹ. Lau xong, bà đỡ lấy chiếc váy của mẹ quấn cho con. Bà đỡ vừa xoa vừa ấn bụng mẹ cho cái nhau ra. Nhận bánh nhau của con từ tay bà đỡ, bố gói cẩn thận vào lá chuối khô, bỏ vào Lù cở rồi đặt lên trên tảng đá. Mẹ nghe bố nói lẩm bẩm dặn cái nhau: “Ở đây đã. Lợp nhà xong mới chôn chân cột vía”. Sau này mẹ mới biết, nhau thai của con cháu trong nhà thì chôn vào chân cột cái trước cửa buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà. Nếu người cha ở rể thì phải mang nhau của con về chôn vào chân cột ấy. Nếu cha ở rể nhưng là người mồ côi không có nhà thì nhau của con mình sẽ chôn ở một gốc cây nào đó trong vườn nhà bố mẹ vợ. Lá lót ổ và lá chuối khô gói nhau đen dồn đống đốt sạch. Đốt như thế để đứa trẻ và người mẹ không bị hôi, bị ngứa. ắp lấy vợ rồi, con phải biết. Chuyện mẹ nhặt con trên rừng dẻ khi xưa mẹ nói là mẹ nói đùa đấy…

Nghĩ đến đây, mắt ông nhòa nước. Ý nghĩ của ông đi tìm mẹ truyện trò. “Mẹ ơi. Con nhớ mẹ. Con thương mẹ  nhiều lắm. Con cũng thương vợ con. Thương những người đàn bà chịu đau như xé ruột lúc sinh con. Mẹ ơi, bây giờ ổ đá này sắp đón một con người. Là chắt ngoại của mẹ. Là cháu ngoại của con. Cháu ngoại thì sao chứ. Nó cũng là một phần máu thịt của mình. Chỗ đẻ, nơi ổ đá hay trong buồng ngủ thì có gì khác nhau. Nhưng là phong tục như vậy. Con đành để chắt ngoại của mẹ ra đời ở đây. Bản mình bây giờ, người khó đẻ thì ra trạm xá. Người có điều kiện thì đi bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Cái Mỷ tháng nào cũng đi khám thai ở trạm xá. Bác sỹ vừa mới bảo thai thuận. Đầu đứa bé xoay xuống dưới rồi. Nhà cách trạm xá bốn cây số. Con để cháu sinh ở nhà và nhờ bà đỡ Dợ đỡ cho. Chỗ đẻ, nơi ổ đá hay trong buồng ngủ cũng chỉ là chỗ đẻ thôi, mẹ nhỉ? Chỉ cần kín gió, sạch sẽ. Có khi sinh ra trong ổ đá đứa trẻ lại thích hơn. Lúc người mẹ bám tay vào mấu đá đu người dồn sức sinh con. Thì năng lượng của trời mà đá tích tụ hàng tỷ năm truyền qua bàn tay người mẹ. Người mẹ sẽ có thêm sức mạnh. Năng lượng của trời mà cây cỏ, đất đai thu nhận ngàn vạn năm sẽ được qua bàn chân người mẹ. Năng lượng ấy sẽ cùng người mẹ làm lên một cuộc vuông tròn mở mang mường bản. Những tiếng rên khe khẽ. Những tiếng gào đứt đoạn.Những giọt mồ hôi. Dòng nước ối lẫn máu tanh tưởi, có khi là cả cứt đái… đều thấm qua ổ lá, đều ngấm vào đá. Đá đón nhận, xẻ chia và bao dung hết. Oa oa oa… tiếng con người đầu tiên mà đứa trẻ báo hiệu sự có mặt của mình được cất lên từ ổ đá. Ở đó tránh được sự nhìn ngó mang lại xui rủi của người  nặng vía. Ở đó tránh được nắng gắt và gió độc. Ở đó, ánh sáng vừa đủ cho đứa trẻ nhận biết không gian nó bắt đầu nhập cuộc. Không gian ấy không thanh khiết như nơi mà từ đó nó đến. Cũng không tối tăm lõm bõm như nơi nó vừa từ đó chui ra. Ở đó, con người đầu tiên nó tiếp xúc, là bà đỡ. Lần đầu tiên nó cảm nhận được hơi ấm và nhịp tim của con người, là mẹ nó. Ở đó, tiếng “con ơi!” của mẹ là tiếng của con người đầu tiên giành cho nó sau vạn biến trồi trụt làm sâu bọ, giun rắn, muông thú, cỏ cây… trong cõi luân hồi.  Con ơi! Con ơi! đó là thanh âm đầu tiên mà nó lại được nghe khi tái sinh làm kiếp con người. Con cũng thế mẹ nhỉ?”.

– Cố lên con, bước đi, đứa bé sắp ra rồi.

Tiếng của vợ làm ông bừng tỉnh. Vợ ông và bà đỡ Dợ đang dìu Mỷ ra ổ đá. Mỷ nhăn nhó thở nhát gừng khệnh khoạng bước đi. Ông Vảng lặng lẽ xót xa nhìn con gái. Ông vào nhà mang cái lu cở để góc nhà ra đan tiếp. Đan chưa kín ba vòng thì tiếng a… a… hăng… a… á… a… vóng lên. Dừng tay một lát rồi ông lại đan tiếp. Chiếc lu cở cao dần. Miệng lu cở tròn dần. Những vòng tròn bỗng nhiên mang đủ sắc màu chập chờn va vào nhau phát ra âm thanh pinh pang… pính pen thoảng như tiếng chuông ngân xa xa. Rồi tiếng  a… a… ha… u… oa… u… oa… a… của đứa bé như len vào những vòng tròn. Những vòng tròn nối nhau thành chuỗi, vặn vẹo xoắn vòng trườn như con rắn lên không trung mang theo  tiếng  u… oa… u… oa… a… rải khắp bầu trời.

ĐỖ THỊ TẤC


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.