Nỗi đau

Dọc con phố nhỏ dưới tán cây bằng lăng dạo này hình thành nên cái chợ cóc con con. Gọi là chợ cũng không đúng lắm vì nó ít người quá. Một cô người to béo có khuôn mặt tròn trịa bán thịt lợn. Một chị bán rau, đậu với mấy thứ hành tỏi. Một anh chàng gầy gò bán nước mía. Một bà cụ bán xôi ngô. Bà lão người gầy gò, răng nhai trầu nhiều nên đen nhánh. Xôi ngô của bà cụ được nấu từ gạo nếp nương và ngô trồng trên sườn núi đá. Xôi ngô mềm dẻo, đậm vị núi rừng, bữa sáng ăn xôi với hành khô và thịt băm, no bụng đến tận trưa. Mở thúng xôi, hương thơm lừng, chẳng thế mà mấy cô nữ sinh sáng nào cũng bu quanh gánh xôi của bà cụ:

– Ngoại cho con thêm ít hành đi ngoại!

– Bà ơi, cho con thêm ít thịt bà nhớ!

Chẳng biết bà cụ lãi lời nhiều không mà đứa nào xin thêm gì bà cũng cho. Gánh hàng xôi của bà đông nên người ta đi mua xôi tiện thể mua thêm ít rau, ít thịt cho bữa trưa. Ngày nào cũng vậy, hai buổi sớm chiều, bà cụ bê thúng xôi ngồi ở góc phố dưới tán cây bằng lăng, hoa nở hoa tím cả một khoảng trời. Lũ học trò tíu tít quanh bà, đứa nào cũng nhận bà là bà ngoại. Thế là góc con phố nhỏ rộn rã tiếng cười. Nhưng mấy hôm nay bà lão không bán được mấy, có hôm bê quá nửa thúng xôi về nhà. Nguyên do là công an phường và đội trật tự đô thị của thành phố thường xuyên đi kiểm tra vỉa hè. Cứ thấy mấy chú công an và xe trật tự đô thị đi ở đằng xa là mọi người kháo nhau rồi vội vàng thu hàng chạy dồn vào trong mấy nhà gần đó. Hôm nay cũng thế, mọi người thu hàng chạy hết cả, còn mỗi mình bà lão vẫn thủng thẳng xếp mấy cái ghế nhựa gọn vào gốc cây. Tuấn xuống xe bảo bà cụ:

– Cụ ơi, cụ đừng bán hàng ở vỉa hè nữa. Cụ vào chợ ngồi bán có phải vừa thoáng mát, sạch sẽ mà không phải lo mưa nắng không?

– Ôi, hàng xôi của tôi lãi lời bao nhiêu đâu mà vào chợ hả cậu? Tôi vào đấy lấy đâu ra tiền mà trả tiền thuê gian chợ hàng tháng?

– Tiền thuê chợ cũng có đáng là bao. Cụ bán ở vỉa hè gây cản trở giao thông mà vỉa hè còn dành cho người đi bộ nữa chứ cụ?

– Giờ người ta toàn đi xe máy với ô tô, có mấy ai đi bộ nữa đâu. Mà thôi, cậu không phải đuổi đâu, tôi cũng về đây. Các cậu ăn lương nhà nước chứ đâu có như dân lao động chúng tôi vất vả phải kiếm từng đồng.

Tuấn nhìn theo dáng của bà cụ. Tấm lưng nhỏ hơi còng xuống, mái tóc bạc lơ thơ mấy sợi bay bay dưới nắng chiều hiu hắt. Anh vội chạy theo:

– Bà ơi, Bà…

– Gì đấy?

– Bà bán cho con chỗ xôi còn lại đi.

– Cậu mua thì tôi bán, nhưng ngày mai tôi vẫn ngồi ở đây đấy! Các cậu đến tôi lại dọn.

– Vâng!

Tuấn mang hơn chục gói xôi về cho cả đội tuần tra hôm ấy. Chẳng hiểu sao từ hôm ăn xôi của bà cụ anh đâm ra nghiện. Sáng nào cũng phải đến lót dạ bằng nắm xôi ngô với cốc sữa đậu nành. Bà cụ thì vẫn thế, chẳng chịu vào chợ, cứ thủng thẳng bán xôi ở vỉa hè. Tuấn cũng bị cấp trên nhắc nhở vì tuyến phố này do anh quản lý. Thủ trưởng bảo phải giữ cho đường thông, hè thoáng. Mấy gánh hàng rong cứ bán hàng, tập trung đông người gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Mấy người bán thịt, bán rau đã vào hết chợ, chỉ duy nhất có bà cụ bán xôi vẫn chưa chịu vào. Tuấn vừa thương lại vừa ngại bà cụ, nhìn cách bà cụ đơm xôi cho mấy đứa học sinh, Tuấn lại nhớ đến bà nội ngày xưa vẫn thường phần cơm cho anh.

Hai tuần Tuấn đi công tác nên không đến được gánh xôi. Về đến đơn vị, sáng hôm sau việc đầu tiên của anh là chạy ra gánh hàng xôi lót dạ bằng nắm xôi ngô. Nhưng lạ quá, hôm nay không thấy bà cụ dọn hàng. Nghe mấy người nhà ở gần đó nói bà nghỉ bán hai, ba hôm nay rồi. Tuấn hỏi hết người này đến người kia, mãi mới tìm được đến nhà bà cụ. Căn nhà nhỏ nép mình trong góc cuối cùng của con ngõ nhỏ. Bà cụ đang nằm trên giường, cất tiếng ho yếu ớt. Tuấn vội vàng đỡ bà:

– Bà ơi bà ốm à?

– Bệnh người già thôi, hôm trước đi bán hàng gặp nước mưa nên bà bị cảm. Sao cậu tìm được đến đây?

– Cháu nhớ xôi ngô của bà. Tuấn ngập ngừng.

Bà cụ cất tiếng cười móm mém:

– Cha bố anh!

Bà cụ sống một mình, trên bàn thờ có tấm di ảnh, Tuấn đoán đấy là cụ ông. Anh lặng lẽ đến trước bàn thờ, thắp một nén nhang và vái ba vái. Bà cụ nhìn Tuấn, một giọt nước mặt đọng trong khóe mắt chằng chịt những nếp nhăn. Rồi bà kể cho Tuấn nghe cuộc đời của ông và bà.

Bà không phải là người vùng này, quê ở tận Hà Nam. Ông bà lên Lai Châu đã hơn ba mươi năm. Ba mươi năm để quên đi nỗi đau của chiến tranh. Chiến tranh hằn lên trái tim ông bà những vết thương chẳng thể lành. Bà kể ở quê bà, phụ nữ góa chồng nhiều lắm. Những người đàn ông mang trong trái tim lá cờ đỏ sao vàng, tình nguyện hy sinh để tìm hòa bình cho Tổ quốc. Bà và cả những người phụ nữ sống ở vùng quê đã dành cả thời con gái để chờ đợi những người đàn ông. Có người chẳng bao giờ trở về. Có người trở về nhưng không lành lặn. Nhưng có còn hơn không, còn hơn là chẳng bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Ông trở về trong khúc ca chiến thắng ngày khải hoàn. Vẹn nguyên và cường tráng.

Ông bà đã có những tháng ngày thật hạnh phúc, hạnh phúc hòa lẫn với niềm vui giải phóng của đất nước. Người lính trong ông ước mơ đến những thửa ruộng với những đường cày chăm chỉ, lúa khoai ngập tràn. Bà ước mơ đến mỗi buổi chiều, ngôi nhà nhỏ vang tiếng cười trẻ thơ. Thiên thần nhỏ hình thành trong bà, thành quả của tình yêu, của ước mơ. Ông bà đã mong ngóng biết bao ngày đứa bé chào đời, những cái tên được ấp ủ. Là  những gửi gắm của đồng đội của ông đã nằm lại nơi chiến trường, là những ước vọng của bà và cả những người phụ nữ quê chẳng bao giờ được làm mẹ. Ông bảo nếu là con trai sẽ đặt tên Chiến Thắng, bà bảo nếu là con gái sẽ đặt tên Hòa Bình. Hạnh phúc thật giản đơn, thật nhỏ bé nhưng lấp lánh như giọt sương đọng trên những bông lúa của mùa mới. Cả ông và bà đã chờ đợi, đã nâng niu và mong ngóng ngày đứa con chào đời như cả dân tộc mong ngày đất nước giải phóng.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, nhưng đó không phải là niềm vui vỡ òa mà là một nỗi đau buốt nhói trong lòng ông bà. Ngày hôm ấy, một ngày trời mưa tầm tã, ông chở bà trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ lên trạm xá. Ông bà đã không thể tin vào mắt mình. Sau nỗi đau đớn của cơn vượt cạn, bà sinh ra một đứa bé, à mà không phải một đứa bé, nó chỉ là một cục thịt, không rõ hình hài. Bà chỉ kịp thét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ông ôm ngực chạy ra thửa ruộng chôn cất đứa con không nguyên vẹn. Ông đau nhói, nước mắt chảy ngược vào trong, trái tim rỉ máu. Nhưng cả ông và bà đều không tuyệt vọng. Vợ chồng ông bà đã chạy ngược chạy xuôi, đủ các loại thuốc, từ tây y đến đông y. Rồi cúng bái làm lễ xin giời phật. Đủ cả. Nhưng những lần sau vẫn như lần đầu tiên. Bà sau bốn lần sinh nở mà không lần nào được ôm ấp đứa con vào lòng, nỗi đau, nỗi sợ hãi khắc sâu vào trái tim đông chặt như đá. Ông thì khóc, những giọt nước mắt đặc như máu, nghẹn đắng trong lòng. Cả ông và bà, lúc nào cũng đau một nỗi đau, thương cho những đứa con chẳng được cất tiếng khóc, chẳng được làm con người. Ông bà có lỗi với họ mạc, với tổ tông.

Đến lần sinh nở cuối cùng, ông cuối cùng đã hiểu nguyên nhân của những đứa con bất hạnh, là kết quả của những lần ông cùng đồng đội quần thảo liên miên ở những khu rừng trụi lá. Thứ chất độc mà quân thù rải xuống vùng đất đã khiến ông bị phơi nhiễm. Đồng đội của ông, những người may mắn còn sống đều rơi vào thảm cảnh như ông bà. Ông rơi vào trạng thái như vô thức trước cuộc sống. Nước mắt đã khô, đóng thành bờ nơi khóe mắt. Nhiều lần bà thấy ông ngâm mình dưới dòng kênh đục ngàu bên bờ ruộng. Trong ông lúc nào cũng có cảm giác tội lỗi với tổ tiên, với nỗi đau tuyệt tự. Ông có lỗi với bà. Ông đã không mang lại cho bà nỗi khao khát rất đỗi bình thường của người đàn bà, đó là làm mẹ. Cũng nhiều lần ông giục bà đi lấy chồng, bà còn trẻ tương lai còn ở phía trước. Nhưng cái tình, cái nghĩa của người làm vợ không cho bà làm vậy. Nếu bà rời bỏ ông, có lẽ bà đã bỏ khi người ta gửi nhầm giấy báo tử về làng. Nhưng niềm tin đã kéo bà ở lại với tình yêu của người lính. Để rồi ngày ông trở về, tưởng là ngày hạnh phúc hóa ra lại trở thành ngày bắt đầu những bi kịch của cả hai.

Để tránh những lời bàn tán của xóm giềng, những cái xì xào của làng xã. Ông bà lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Mới đó mà đã hơn ba chục năm. Ngày ra đi mới ngoài ba mươi tuổi, giờ đã bẩy mươi. Lên trên này, ông nhận làm bảo vệ cho cơ quan, bà buôn bán làng nhàng ngoài chợ. Cũng nhiều lần ông bà muốn nhận con nuôi, để căn nhà thêm ấm cúng, có thêm tiếng cười trẻ thơ cuộc sống bớt hiu quạnh. Nhưng cứ lần nữa mãi, rồi vết thương chiến tranh của ông tái phát, thuốc thang triền miên. Sợ nhận con về không đủ khả năng lo cho nó. Ông bà lại thôi. Số bà chẳng được làm mẹ. Hôm ông ra đi, ông nắm lấy tay bà, hai hàng nước mắt lại chảy, ông bảo: “Cả cuộc đời này tôi nợ bà. Nợ bà một mái ấm, nợ bà những đứa con…”. Bà chỉ khóc vì thương ông. Sau khi ông mất, bà dành toàn bộ số tiền dành dụm và số tiền bán xôi ngô để làm từ thiện. Một tháng hai lần, bà mang cơm, quần áo, thuốc men cho mấy đứa trẻ mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Mấy cô chú ở đó biết bà sống có một mình nên cử người đưa đón bà. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, đôi mắt trong veo vậy mà những đấng sinh thành nỡ bỏ chúng bơ vơ giữa cuộc đời. Tội lắm! Bà cũng bảo với Tuấn, bà biết phải vào chợ, vỉa hè giành cho người đi bộ. Nhưng bà chưa muốn vào, phần vì muốn giữ chút tiền cho các cháu, phần vì ngày ngày bà được đơm xôi cho mấy đứa học trò. Gánh xôi với mấy đứa trẻ là nguồn vui của bà.

Tuấn nghe chuyện của bà cụ, anh quay mặt khẽ lau giọt nước đang đọng trên khóe mắt. Anh nhớ đến hoàn cảnh của mình. Đúng là có người mong mỏi mãi không được đứa con, có người đang tâm bỏ rơi đứa con của mình. Tuấn là đứa trẻ mồ côi. Anh được bà nội anh nhặt về nuôi, bà nói dối bà là bà nội, mãi đến ngày bà mất, bà mới nói cho Tuấn biết sự thật. Nghe câu chuyện của bà, Tuấn trào dâng một niềm xúc cảm khó gọi thành tên. Thương bà cụ như bà nội nuôi của anh. Như chợt nhớ ra điều gì, Tuấn bảo:

– Bà ơi, đợt này Ban quản lý chợ đang tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh nhỏ, mấy hôm nữa bà cứ vào chợ ngồi bán xôi bà ạ!

– Vậy thì tốt quá. Chứ ngồi dưới gốc cây, hôm trước bị mưa ướt quá, cháu ạ.

– Vâng, hôm sau bà cứ vào chợ ngồi bán, bà nhé!

Bà cụ cười móm mém. Hôm nay mới nhận lương, Tuấn sẽ mua vé chợ ngồi cả năm cho bà.

MAI HIÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.