Nồi bánh chưng Tết

Cứ Tết đến là lão Cam lại nghĩ về cái phong vị cổ truyền được gói gọn trong đôi câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chỉ có thế thôi mà ngày xưa các cụ lo một cái Tết cho gia đình là cả một vấn đề không hề đơn giản. Trong tất cả những vật thể làm nên cái tết  theo tục cổ truyền ấy, bây giờ duy nhất chỉ có tràng pháo là không được sử dụng nữa, còn tất cả đều hiện hữu và vô cùng dư dả. Ngày xưa, chỉ Tết mới được ăn bánh chưng, giò lụa. Còn ngày nay, chỉ cần có tiền là cái gì cũng có, lúc nào cũng có. Ấy chính vì vậy mà những nét đẹp truyền thống ngày càng mai một dần đi. Nhiều người không được hưởng cái cảnh đoàn viên, nhiều người không biết làm giò, gói bánh là gì nữa. Tất cả dựa vào thị trường, mà bây giờ thật giả lẫn lộn, có khi tiền thật mà mua phải của giả là thường. Là người nệ cổ, lão muốn níu giữ cái hồn cốt dân tộc ấy trong gia đình của mình nên lão nuôi ý nghĩ phải thay đổi để việc chuẩn bị tết chu đáo và đầm ấm theo đúng nghĩa của nó.
Ấy vậy mà, có lẽ phải đến hơn hai chục năm rồi, Tết năm nay, lão Cam lại quyết định gói bánh chưng chứ nhất định không cho bà vợ đi đặt người ta gói hoặc đi mua như mọi năm. Lão thuyết phục vợ:
– Mình không gói cho con cháu nó xem, nó học thì sau này chẳng đứa nào biết gói nữa. Tết nhất, gia đình quây quần ngồi gói bánh chưng, rồi có nồi bánh chưng nghi ngút khói, trông trông coi coi, chờ chờ đợi đợi nó mới đầm ấm cái không khí Tết. Với lại chính tay mình gói bánh dâng lên bàn thờ, Tổ tiên mới chứng cho tấm lòng của mình. Hơn nữa, năm nay nhà mình có con dâu mới, mình gói bánh cũng là để cho con dâu nó học tập cái nền nếp.
– Ối giời! Ông cứ vẽ chuyện! Nhà mình cả Tết chỉ ăn hết dăm bảy cái bánh chưng là cùng, bỏ vài trăm ra mua như mọi khi là xong. Bọn trẻ nó thèm gì xem với coi cho mình. Bới dở ra cho nó mệt xác hai cái thằng già!
Bà vợ lão xì một cái rồi nổ một thôi làm lão cụt hứng, suýt nữa lại cho qua như mọi năm.
Mọi năm, có khi là tại lão bận, có khi là tại cái tính sẵn tiền mà ngại việc của bà vợ mà lão đành để cho vợ muốn làm thế nào cũng được. Khi bày bánh chưng lên bàn thờ, lão cứ thấy tủi tủi, hận hận thế nào ấy. Không biết người ta làm bánh chưng bán thì có cẩn thận, sạch sẽ như tự tay mình làm không?
***
Rồi lão nhớ lại thuở xa xưa của gia đình và cả miền quê nghèo của lão. Cái thời còn khó khăn thiếu thốn trăm bề ấy thì chắc chỉ khi chết đi rồi lão mới hết nhớ. Ngày ấy, cho dù thiếu thốn đến đâu thì cha mẹ lão cũng để dành vài thúng lúa nếp quýt, hoặc nếp cái hoa vàng, vài thúng thóc dự hoặc thóc tám. Những thúng thóc này phải phơi khô, quạt sạch, để riêng chuẩn bị cho việc ăn Tết. Tận đến ngày hăm sáu, hăm bảy Tết thì những thúng thóc này mới được đem ra xay giã thật trắng, có thể đếm được từng hạt đều tăm tắp. Ông cụ sinh ra lão là người cẩn thận bậc nhất trong làng và cũng là người khéo tay nữa, nên việc chuẩn bị Tết là việc cụ vô cùng chú trọng. Từ việc tìm nơi ăn đụng lợn, làm giò, nem, ninh, mọc, đặc biệt là nồi bánh chưng, được cụ chuẩn bị kỹ lưỡng.
Gạo gói bánh chưng phải đong sẵn cho mỗi chiếc bánh hai miệng bát. Đêm hôm trước ngày gói bánh, cụ cho vo sạch gạo rồi đem ngâm. Sáng hôm sau, gạo được vớt ra, vo lại, nhặt sạch trấu thóc, đãi kỹ để không có hạt sạn nào lẫn trong đó. Gạo được đưa ra thúng hoặc rá lớn cho róc hết nước. Trước khi gói, gạo sẽ được rắc chút muối, trộn thật đều để bánh được đậm đà chứ không bị nhạt thếch, ăn sẽ không ngon.
Nhà lão chuyên gói bánh bằng khuôn nên lá dong gói bánh thường được mua loại lá nhỏ, chỉ dài khoảng ba bốn gang tay. Khi mua về, ông cụ đích thân dỡ lá ra khỏi cuộn rồi trải vào thúng, dùng mấy thanh tre ép cho phẳng đều, hàng ngày tưới nước cho tươi. Trước hôm gói bánh, chị em lão được bố giao nhiệm vụ rửa lá bánh. Thế là đứa bê lá, mang khăn, đứa thì bê cái mâm gỗ ra đặt giữa cầu ao, thi nhau rửa thật sạch từng tàu lá một. Rửa sạch bằng nước ao, lại mang tráng bằng nước giếng mới yên tâm bê về. Việc gấp, cắt lá bánh cũng là một bài học. Phải gấp sao cho khi gói, cái sống lá chia thật đều. Phải gấp sao để khi cắt thì phần cuống vừa vặn và phần ngọn lá dài hơn để sau đó tận dụng gấp làm lá lót, lúc gói sẽ lót vào bên trong góc để khi ép bánh không bị sùi.
Đỗ xanh làm nhân bánh được phơi thật giòn, sàng sẩy kỹ để loại bỏ hết hạt lép, sau đó đỗ được xiết vỡ bằng một cái chai thủy tinh trên mặt thớt gỗ. Đến tận bây giờ, trong tai lão vẫn còn vang cái âm thanh lốp bốp lách tách, cái tiếng xiết đỗ nghe vui vui là lạ của ông bố từ ngày ấy. Trước khi nấu, đỗ được ngâm và đãi hết vỏ. Đỗ được nấu chín vàng ươm, tỏa mùi thơm lựng. Ông cụ dùng chày nghiền đỗ ngay tại nồi cho thật nhuyễn và được nặn thành từng nắm để chia đều cho mỗi chiếc bánh. Tính cụ thích ăn bánh chay nên thường để lại mấy nắm, cho đường phên vào nấu thành một thứ như chè kho sền sệt. Khi gói bánh phải múc bằng muôi đổ vào khuôn. Bánh ấy sẽ được buộc lạt khác kiểu để phân biệt với bánh mặn thông thường.
Thịt làm nhân bánh cũng được chọn là loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai ngon, có nạc có mỡ. Thịt được thái to cỡ hai ngón tay, tính trước cho mỗi chiếc bánh hai miếng. Thịt ấy được ướp hạt tiêu và chút nước mắm ngon. Hành củ được bóc sạch, thái mỏng. Lạt giang một bó trắng tinh đã được lột đều tăm tắp từ hôm trước. Mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất, công việc gói bánh bắt đầu khá trịnh trọng.
Thông thường, ông cụ cho trải chiếu ngay giữa nhà hoặc trời mát thì giữa sân, rồi bày chiếc mâm gỗ để đặt lá gói bánh. Các thứ lá, nhân, lạt được bày trong tầm tay với. Một chiếc thớt và dao sẵn sàng ở bên cạnh để cắt lá. Khi hơn chục tuổi, lão đã được giao gấp, đo và cắt lá, sau đó được học gói bánh con, hay gọi là bánh rùa. Ông cụ đóng khuôn để gói bánh to chừng mười tám đến hai chục phân vuông và cũng đóng một cái khuôn con chừng gần một phần tư cái khuôn bánh lớn để cho lão tập gói bánh rùa. Có gen khéo tay nên lão học gói bánh rất nhanh, đẹp không kém gì bố. Là người rất kiệm lời, nhưng ông cụ cũng phải thốt lên:
– Ừ! thằng này sau này khá đây!
Vừa gói bánh, ông cụ thường lẩm nhẩm hai câu lục bát đã được in thành câu đố trong sách giáo khoa, như để hướng dẫn việc gói bánh, cũng như để nhắc mình không quên, không bỏ sót một thứ gì của các công đoạn gói bánh:
“Nhà xanh lại đóng đố xanh
Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong”.
Công đoạn gói một chiếc bánh gồm: Gấp lá lót vào khuôn, đổ một bát gạo, rồi đến nửa nắm đỗ, hai miếng thịt, vài lát hành, lại rắc tiếp nửa nắm đỗ, đổ tiếp bát gạo lên trên, dàn đều, nén chắc tay rồi gấp lá thật khéo, buộc hai chiếc lạt hình chữ thập, thế là một chiếc bánh được gói xong. Thúng gạo vơi dần, đống lá hết dần và những chiếc bánh vuông vức, đều tăm tắp cứ nhiều dần lên. Ánh mắt người gói và người xem đều chứa chan hạnh phúc. Thường thì ông cụ hay gói chừng gần ba chục chiếc bánh để cho vừa một nồi quân dụng bốn mươi lít. Gói xong từng ấy bánh thì ông cứ phải chống tay vào đầu gối mới đứng dậy được vì mỏi lưng. Lão nghĩ lại thấy thương bố quá, vì lão đi thoát ly sớm, mới chỉ đỡ bố được vài ba cái tết thì lão đã rời xa quê hương đi lên Tây Bắc biệt tăm, thế là bố mẹ lão lại lọ mọ hai thân già lo sắm tết!
Khi xếp bánh vào nồi, ông cụ không quên lót một lớp cuống lá dong để chống bén. Nồi bánh chưng thường được bắc ở một góc sân, để dành bếp cho những công việc chuẩn bị mâm cơm tất niên. Bánh phải được luộc chừng hơn chục tiếng, nên nếu bắt đầu luộc vào buổi chiều thì có khi nửa đêm mới được vớt bánh. Nếu luộc đêm ba mươi thì có khi đến tận gần giờ giao thừa mới hoàn tất công việc. Bọn trẻ con thời ấy thường háo hức chờ có khi chỉ vì mấy cái bánh  rùa mà bao giờ cũng được bố mẹ cho vớt trước, ấy là khi nồi bánh đã sôi được khoảng gần chục tiếng. Cho vớt bánh rùa là bố mẹ thể hiện việc chiều cho các con được nếm trước, vừa để tính giờ vớt cả nồi bánh sao cho thật rền. Trong cái khoảng chờ đợi ấy, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu trải cạnh nồi bánh, cùng nhau đánh tam cúc để giết thời gian. Bộ tam cúc ấy như đã thành lệ, được cụ bà mua trong buổi chợ ngày hôm ấy. Vừa chơi tam cúc với các con, ông cụ vừa để ý củi lửa dưới nồi bánh. Lúc thì cụ chạy ra đẩy củi, lúc thì cụ nhắc:
– Thằng Cam ra đẩy củi vào nồi bánh cho bố!
Trong cái rét có khi đến cắt da cắt thịt của đêm cuối tháng Chạp, quây quanh nồi bánh chưng là những tấm thân có khi còn chưa đủ áo mặc ấm, nhưng khuôn mặt ai cũng đỏ hồng hào vì hơi củi lửa và những ánh mắt ngời lên hạnh phúc. Không hạnh phúc sao được khi mà sau cả một năm, cha mẹ thì lận đận đầu tắt mặt tối với công việc ruộng đồng, con cái thì vừa lo học hành, vừa lo chăn trâu cắt cỏ, mớ tép con cá cùng cha mẹ mưu sinh… Chỉ có mấy ngày Tết là được ăn no, mặc đẹp, được đi chơi thoải mái một chút.
***
– Này! Này!… Ông nghĩ gì mà ngồi ngẩn người ra thế?
Bà vợ lão vừa gọi vừa đập vào vai, làm lão giật mình như thoát khỏi miền ký ức xa xưa.
– Bà… Bà… Bà bảo cái gì?
– Ông đang nghĩ cái gì?
– À! Tôi đang nhớ chuyện gói bánh ngày ở quê ấy mà! Cái ngày ấy…
– Thôi! Ông lại xắp kể chuyện cổ tích đấy! Thì cái ngày xưa, ở đây này, ông cũng đi gói bánh hết cho nhà này sang nhà khác còng lưng ra đấy thôi. Bây giờ mình già rồi, nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa cho nó đàng hoàng mà đón tết. Bánh trái, giò chả tôi đặt hết, đến ngày hẹn, họ mang về tận nơi có phải sướng cái thân không?
– Đấy là ý bà. Còn tôi nghĩ khác. Để tôi hỏi ý bọn trẻ xem sao nhé!
Thế là nhân một bữa rượu có khá đông con cháu trong nhà, ông liền nêu vấn đề gói bánh ra để xem ý con cháu ra sao? Thật không ngờ là bọn con cháu ông lại ủng hộ ông nhiệt tình đến thế. Thằng cả hồ hởi:
– Bố quyết định thế là đúng đấy! Chúng con ủng hộ ngay. Mấy năm nay toàn mua bánh người ta gói sẵn về bày lên bàn thờ, con thấy nó thế nào ấy? Có khi họ gói đẹp hơn mình, nhân nhiều hơn mình nhưng con cứ cảm thấy không yên tâm về chất lượng tí nào. Với lại cụ cũng phải truyền nghề gói bánh lại cho con cháu chứ!
Thằng cháu con lớn của cô em lão cũng giơ tay:
– Ông cứ tổ chức, chúng con ủng hộ nhiệt liệt. Ngày ấy sẽ tập trung cả đại gia đình, một số người gói bánh, số còn lại cùng làm cơm ăn tất niên chung ông ạ! Tết nhất là phải đoàn tụ mới vui.
Thế là mỗi đứa nhận lo mỗi thứ. Con cháu dâu nhận mua gạo nếp ngon nhất chợ. Thằng cháu rể nhận khoản thịt làm giò và nhân bánh. Con bé thứ hai nhà lão đang dạy học ở bản thì nhận mua lá bánh… Riêng món chẻ lạt giang thì bọn chúng giao cho lão. Quyết định ngày hai tám tết sẽ gói bánh, làm giò. Tất cả biểu quyết bằng một chén rượu rồi úp tay hô “dô” thật to. Lão Cam kết luận:
– Đã quyết là làm nhé! Ai nhận phần việc gì thì lo cho tốt việc ấy. Ngày hăm bảy phải có đủ. Sáng hăm tám cả đại gia đình tập trung sớm cả trẻ con người lớn từ bảy giờ để mỗi người mỗi việc, không ai được vắng mặt đấy!
Bọn trẻ vỗ tay rôm rốp tán thành.
***
Thì ra bọn con cháu nhà lão cũng là những đứa biết giữ lời đấy chứ. Sau ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, bọn chúng bắt đầu mang gạo, đỗ, lá dong và mấy ống giang về tới tấp. Lão đích thân dỡ lá dong ra nẹp thẳng rồi dựng vào gốc cây vối cạnh nhà tắm cho mát và tiện tưới nước. Rồi lão tranh thủ cạo giang, lột lạt trong lúc nó còn tươi cho mềm. Lão lại đóng sẵn mấy cái khuôn, có cả khuôn bánh rùa cho trẻ con nữa, thì lão vốn khéo tay, mà gỗ với đồ nghề nhà lão chẳng thiếu thứ gì cả.
Tối hăm bảy, lão bảo vợ đong gạo, vo sạch rồi ngâm vào chậu lớn. Sáng hăm tám lão mang mấy túi đỗ xanh người ta đã xay và sẩy hết vỏ ra kiểm tra rồi vo kỹ, đem nấu chín. Thằng cháu con cô em gái lão xách túi thịt ba chỉ về, hì hụi rửa rồi thái, trộn hạt tiêu, nêm nước mắm, xong lại tất bật đi, nó dặn:
– Bác ở nhà chỉ huy gói bánh, cháu đi xay giò đây ạ!
– Ờ! Cháu đi làm ngay cho nóng thịt. Ở nhà đủ người gói bánh rồi!
Mọi con cháu lục tục kéo đến đông đúc đầy nhà, chúng tự phân công nhau ai vào việc nấy. Chà! Chưa gì đã thấy không khí tết năm nay khác hẳn mọi năm rồi.
Không trải chiếu ngồi gói bánh như ở quê, lão Cam bảo con cháu kê hai ba cái bàn, rồi bắc ghế ngồi quây quanh, mỗi người mỗi việc. Hai mâm lá được mấy đứa cháu gái rửa sạch bê vào. Người gấp, người cắt lá theo hướng dẫn của lão cứ răm rắp. Lão trịnh trọng gói chiếc bánh đầu tiên chẳng khác gì ông cụ sinh ra lão ngày xưa trước những con mắt tò mò và ngưỡng mộ của bọn trẻ. Thế rồi chúng tranh nhau gói, lão chỉ ngồi chỉ đạo và nhắc nhở:
– Nhớ nhé: “Nhà xanh lại đóng đố xanh. Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong”. Không được quên món nào đấy! Kìa thằng Thìn! Lót lá góc vào rồi hẵng đổ gạo, không thì lúc ép là nó sùi góc đấy! Con Mai ép chặt tay vào không thì cái bánh nó lỏng lẻo lắm!
Mấy đứa cháu nội ngoại của lão hôm nay cũng không đòi chơi điện thoại như mọi ngày, mà cứ xoắn xuýt chạy ra chạy vào xem chừng thích thú lắm. Thằng cháu nội học lớp sáu cứ nhìn lom lom xem người lớn gói, rồi nó giật tay ông thầm thì:
– Ông ơi! Tí nữa ông cho cháu gói bánh rùa nhé!
– Ông cho cháu gói nữa!
Con bé Vân mới học lớp mẫu giáo lớn cũng đòi.
– Được rồi! Các cháu cứ xem cho kỹ rồi tí nữa ông cho mỗi đứa gói một cái. Của đứa nào ông cho đứa ấy cầm chơi rồi ăn luôn, gói đẹp thì ăn bánh đẹp, gói xấu thì ăn bánh xấu nhé!
Được lời của ông, mấy đứa cháu bắt đầu hối hả chọn lá và tập gấp để chuẩn bị gói bánh, tiếng chí chóe nghe đến vui. Con bé Vân kêu:
– Ứ chơi với anh Tài đâu, lá ấy em chọn rồi chứ!
– Anh động tay vào lá ấy trước chứ! – Thằng Tài cãi lại…
Ba cái khuôn, ba người lớn gói, chẳng mấy chốc đống bánh đã lù lù, xem chừng gần hết gạo, ông phải nhắc:
– Các cậu nhớ để lại gạo với nhân cho các cháu gói bánh rùa đấy, phải cho mỗi đứa gói một cái. Ai gói bánh chay giơ tay, ai gói bánh mặn giơ tay nào!
– Cháu bánh mặn có thịt!
– Cháu thích bánh chay cơ!
Thật là vui, thật là náo nức đúng như ngày Tết!
Nồi được rửa, lá được lót, bánh được xếp vào rồi khiêng lên cái kiềng lớn đã được đặt ở đám đất trống góc vườn. Lửa bắt đầu nổi lên, Lão nhắc con cháu:
– Các cậu theo dõi, lúc nào sôi thì mới tính giờ nhé! Cứ phải mười tiếng trở lên mới được vớt bánh đấy. Bây giờ là mười giờ – Lão bấm đốt ngón tay – Chắc khoảng chín đến mười giờ đêm mới vớt được.
Nồi bánh bắt đầu sôi thì bữa cơm tất niên cũng được làm xong. Ba mâm cơm được bày biện thịnh soạn, con cháu tề tựu đông đủ. Lão Cam nâng chén rượu, giọng trịnh trọng như đứng trên bục:
– Xin phép bà, cô và các con cháu, tôi có ý kiến! Hôm nay, tổng kết năm, đại gia đình ta có nhiều niềm vui, đặc biệt là chú út Hòa đã có vợ, nhà ta có cô dâu mới, các con cháu làm ăn tiến bộ, học hành giỏi giang. Hôm nay lại tập trung gói bánh chưng, chuẩn bị tết đoàn tụ đông vui. Xin nâng chén rượu chúc mừng cả đại gia đình! Nào nâng chén!
Cả nhà ào ào vỗ tay rồi chạm chén lách cách rộn ràng. Chợt lão Cam nhắc:
– Hòa ơi! Nhớ ra đẩy củi nồi bánh nhé!
– Chú xem bánh rùa chín thì lấy cho cháu trước! – Con bé Vân dặn với.
– Còn lâu nhé! Ông bảo đến bảy giờ tối mới được vớt bánh rùa mà! Ông nhỉ? – Thằng Tài vừa nhắc em nó vừa hỏi ông.
– Đúng rồi! – Đứa nào đi ngủ sớm là không được ăn bánh rùa đâu!
Lão Cam xác nhận lời thằng Tài rồi trêu con cháu gái. Mỗi người túm vào chòng ghẹo con bé một thôi, rồi lại quay ra chúc tụng rôm rả.
***
Cuộc sống thật như mơ. Gần bảy chục tuổi đời, trải qua biết bao gian khó. Mấy chục năm ở Tây Bắc, chứng kiến biết bao đổi thay. Gia đình lão Cam cũng trải mấy thăng trầm, bao phen điêu đứng. Xã hội phát triển đến chóng mặt, ấm no hạnh phúc đến với mọi nhà. Người nhiều tiền, người ít tiền đều muốn vươn tới một cái đích là được làm chủ, được sai khiến, được hưởng sự nhàn nhã từ những dịch vụ đầy rẫy xung quanh mình. Ấy vậy mà đã bao năm nay lão lại muốn được trở về với những giá trị cốt lõi của gia đình. Đó là đoàn tụ, đó là sum vầy. Đặc biệt là muốn truyền lại cho thế hệ con cháu biết nâng niu, trân trọng những truyền thống, những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông đã có từ bao đời. Tết này lão đã làm được. Vừa cùng bọn trẻ ngồi trông ngọn lửa hồng liếm đáy nồi bánh, lão vừa nghĩ đến giây phút được dâng những chiếc bánh thơm nức do chính tay con cháu lão gói lên bàn thờ tổ tiên. Lòng lão lâng lâng một niềm vui khó tả.
THANH PHƯƠNG

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.