Niềm vui ngôi trường mới

Năm học mới đang về, câu chuyện học sinh ra lớp đầy đủ trong ngày tựu trường là hạnh phúc, là thắng lợi với các thầy cô giáo vùng cao. Từ lâu, những giáo viên cắm bản nơi này mơ ước có một ngôi trường mới kiên cố, vững chãi để các con ở bản về yên tâm học chữ. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực trong năm học 2019 – 2020 với thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT TH.) xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu).

Trên con đường bê tông liên xã nối từ tỉnh lộ 127 qua cầu thủy điện Lai Châu lên trung tâm xã Nậm Manh, chúng tôi gặp những nụ cười tươi rói. Cùng về trường trên con đường mới có thầy giáo Lò Văn Xanh giáo viên trường PTDTBT TH. xã Nậm Manh, trong câu chuyện đường dài anh tâm sự: Thời điểm này những năm trước, các anh về trường thì vắng vẻ đìu hiu lắm. Bởi các giáo viên túa đi bản hết, chỉ khi nào học sinh tập trung đủ thì thầy cô mới về trường nhận lớp. Giờ có đường mới, trường mới, chỉ cần alô cho trưởng bản là bà con tự khắc đèo con em bằng xe máy về trường đông đủ”.

Với học sinh miền xuôi trước khi nghỉ hè, nhà trường có lịch tập trung sau hè. Nếu lịch thay đổi chỉ cần thông báo trên loa của xã, phường, hay nhắn tin điện thoại cho phụ huynh là ổn. Nhưng với con em vùng cao câu chuyện vận động học sinh đầu năm là việc thường xuyên và gian truân nhọc nhằn hiện trên mỗi khuôn mặt, dấu chân của những người gieo chữ trên đất khó Nậm Manh.

Niềm vui trên ngôi trường mới của thầy và trò trường PTDTBT TH. xã Nậm Manh (Nậm Nhùn – Lai Châu)

Có lẽ người vui nhất trường PTDTBT TH. xã Nậm Manh là thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo, anh đón chúng tôi trong cái bắt tay thật chặt kèm nụ cười phấn khởi, anh cho biết: “Năm học này, nhà trường có 19 lớp, với 455 học sinh, trong đó học sinh nọi trú 247 em. Đến nay, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 99%, chỉ còn 2 em ở bản xa bị ốm, gia đình đã trao đổi với nhà trường sẽ sớm đưa em ra lớp kịp ngày khai giảng. Đây là năm học thứ hai các thầy cô giáo Nậm Manh như trút được “gánh nặng” công tác vận động học sinh ra lớp trước thềm năm học mới”. Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nếu không ở trường là cái chân thầy Bảo lại tìm về bản chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống cùng bà con. Từ liên trường ba cấp học Phổ thông cơ sở (Trung học, Tiểu học và Mầm non), năm 2002 Trường Tiểu học Nậm Manh được tách độc lập. Nói là trường mới, nhưng thực tế là những lớp học cũ được bàn giao làm điểm trường trung tâm, còn các bản học lẻ thì phần lớn là lớp học tạm được bà con dựng bằng tre nứa.

Bao năm “3 cùng” với bà con bản Mông Huổi Héo, Huổi Chát, Nậm Nàn, nhưng điều sợ nhất với thầy Lù Văn Nguyễn là tình trạng “trắng lớp”, có thời điểm phong trào học sinh ở đây bỏ học cao, nguy cơ vỡ lớp báo động đỏ, nhất là sau các tháng hè, tâm lý ngại đến trường, thích đi nương, đi suối với gia đình. “Vạn sự khởi đầu nan” đã khó lại càng khó hơn. Học sinh khối 1,2 thì có giáo viên trực tiếp cắm bản, còn học sinh khối 3, 4, 5 phần lớn các em phải ra học điểm trường chính trung tâm, xa bản, xa gia đình, nhiều em ngại học, sợ đến trường.

Là người nhiều năm gắn bó với giáo dục Nậm Manh trong công tác vận động học sinh, trưởng bản Nậm Nàng Sùng A Thy không quên được những đêm thót tim nhận tin nhà trường báo học sinh chốn học trong đêm. Thế là ông cùng thầy cố lại đèn pin tá hỏa băng rừng, lội suối đi tìm. “Ngày đó cơ sở vật chất tạm bợ, nơi ăn chốn ở của các em là những phòng ở tạm bằng gỗ do thầy cô huy động dân bản dựng. Năm nào, học sinh Nậm Manh cũng nhận được hộ trợ, ủng hộ từ mọi nơi. Thiếu thốn đủ thứ, từ lâu, bà con và các thầy cô nơi đây chỉ mơ ước có một ngôi trường khang trang, vững chãi, một khu ở kiên cố cho học sinh nội trú cho con em yên tâm đến trường” – Trưởng bản Thy tâm huyết.

Năm 2015, Công trình nhà bán trú kiên cố 3 phòng ở, với hệ thống giường tầng được bàn giao cho nhà trường. Đó là là món quà chung tay, sẻ chia với giáo viên vùng khó, bằng nguồn tiền quyên qóp mỗi cán bộ công nhân viên chức  một ngày lương do Công đoàn ngành giáo dục Lai Châu  phát động.

Nậm Manh là xã có địa hình phức tạp, nhiều bản xa cách sông, suối, mùa khô có thể lội chứ về màu mưa thì đi vòng qua Mường Lay phải mất gần trăm km mới mới về trường trung tâm. Bà Lý Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Nậm Manh đến hôm nay vẫn không quên cảnh nhiều năm liền các thầy cô giáo đưa đón học sinh qua sông bằng bè mảng. Cùng với việc đăng ký thôn bản văn hóa, gia đình văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, các bản lập ra quy ước đưa tỷ lệ giáo dục, sự chuyên cần của con em đi học là một trong những tiêu chí xét thi đua. Trường mới, đường giao thông nông thôn thuận lợi, giờ học sinh Nậm Manh không ngại đến trường, yêu con chữ hơn.

Còn nhớ hai năm trước thầy Bảo vận động quên góp từ giáo viên và các nhà hảo tâm được số tiền hơn 100 triệu đồng, rồi thầy cùng giáo viên, phụ huynh thồ từng bao cát, viên sỏi bằng xe máy về đổ trụ dựng 2 cây cầu treo bắc qua suối Nậm Nàng. Có cầu mới, mùa lũ bà con bên kia qua suối không phải bơi bè mảng, các em học sinh đến trường thuận lợi hơn. Rồi thầy Bảo dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi trường mới, niềm mơ ước từ rất lâu rồi. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh ngôi trường 2 tầng khang trang lưng dựa vào núi, với khoảng sân bê tông rộng rãi thoáng đãng. Tại sân trường, chúng tôi gặp cô giáo Lò Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng đang tất bật cùng với các học sinh nữ làm những cánh chong chóng trang trí cho ngày khai giảng.

Khu nhà nội trú học sinh trên con đường thật là đẹp và độc đáo. Hai bên đường được trang trí từ những chiếc lốp xe ô tô cũ được sơn, vẽ màu khá đẹp mắt. Cạnh dãy nhà nội trú có sân bóng, khu vui chơi thể thao, vườn cây cảnh, bồn hoa, ghế đá dành cho học sinh đọc sách, trao đổi bài vở… tất cả tạo nên một khuôn viên vui chơi học tập khép kín. Em Vàng Thị Pầu, lớp 5A cùng các bạn chăm chú quan sát cô giáo hướng dẫn cách gấp chăn màn theo quy định. Được biết Pầu ở bản Nậm Pồ, Pầu là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Từ nhà em đến trường đi bộ mất một ngày đường, nên cả năm học e chỉ về nhà 2 lần. Pầu bẽn lẽn: “Ở trường vui lắm, các bạn như thành viên trong gia đình, thầy cô như cha mẹ, ngoài được ăn, học, chúng em được tiếp thu những kỹ năng trong sinh hoạt, hoạt động nhóm…”.

Ông Vũ Tiến Hóa – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho biết: Năm học 2019 – 2020, toàn huyện có 31 đơn vị giáo dục/411 lớp với  9.127 học sinh (2.756 học sinh bán trú) ở các bậc học; trong đó bậc học mầm non có gần 2.839 trẻ với 151 lớp tại 11 diểm trường; 9 trường tiểu học với 3.737 học sinh/184 lớp; 2.551 học sinh/78 lớp tại 11 điểm trường ở bậc THCS. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố của huyện đạt trên 74,3% với 608 phòng học và phòng chức năng, 751 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Thầy Bảo chia sẻ: Các em ở bản xa về học được hướng chế dộ theo Nghị định 116 của Chính phủ, với hỗ trợ tiền ăn hằng tháng bằng 40% mức lương cơ sở, khoản tiền ấy tạm đủ thức cho các em, còn gạo nhà trường huy động kêu gọi ủng hộ từ nhiều nguồn hỗ trợ khác. Đặc biệt là từ quỹ “trò nghèo vùng cao”, mỗi tháng các em thêm được 250.000 đồng, phần nào cải thiện thêm sinh hoạt cho các em. Hiện số gạo dư từ năm ngoái vẫn còn hơn 1 tấn. rồi thầy nói như reo vui, sắp tới có một nhà tài trợ 500 suất quà cho các em, vậy là Tết trung thu năm nay ổn rồi!

Chia tay các thầy cô giáo Nậm Manh, con đường mỗi lúc tấp nập hơn cảnh bà con đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, ở những bản xa chạy xe máy phía sau cồng kềnh đồ đạc, là tài sản, hành trang của con em cho một năm học mới bắt đầu. Xa xa, tiếng Piano của thầy giáo dạy nhạc dạo khúc “Chào năm học mới”, rồi giàn đồng ca cất lên những âm giai trong trẻo hòa vào mây núi mênh mang.

 Hà Minh Hưng

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.