Những tấm gương bình dị học tập theo Bác trong cuốn sách “Về với Lai Châu”

Có một miền đất mênh mang diệu kỳ mang tên gọi Lai Châu ở nơi tiếp giáp cuối cùng của vùng biên cương Tây Bắc Việt Nam. Tạo hóa xoay vần cùng với lớp lớp người miệt mài bám núi, bám mây đã biến nơi đây trở thành cõi kỳ vĩ linh thiêng, vừa hùng vĩ, thơ mộng lại vừa thấm đẫm sắc màu huyền thoại. Cũng chính mảnh đất huyền thoại Lai Châu đã ươm mầm, nuôi dưỡng những nhân tố tích cực làm nên những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo Bác; những gương người tốt việc tốt. Tất cả tấm gương đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, xây dựng, vun đắp đời sống văn hóa tinh thần trong vùng đồng bào các dân tộc của tỉnh Lai Châu. Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Lai Châu (01/01/2004 – 01/01/2024) Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đã biên soạn, xuất bản và phát hành cuốn sách “Về với Lai Châu” – là tập bút ký, tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cuốn sách nhỏ xinh, dung lượng vừa phải với tổng số 42 tác phẩm với nhiều thể loại: 16 tác phẩm bút ký, ghi chép; 11 tác phẩm thơ; 10 truyện ngắn và 5 tác phẩm âm nhạc của 29 tác giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ tên tuổi của Lai Châu như: Nguyễn Vân, Đức Duẩn, Đỗ Thị Tấc, Tử Vân (Phùng Thị Hải Yến), Thanh Phương, Hà Minh Hưng, Trương Huy, Minh Cừ… Gần 200 trang sách khắc họa những góc nhìn khác nhau về một Lai Châu kỳ vĩ. Ở đó có những người con tài năng, họ cống hiến cả thanh xuân cho vùng biên viễn xa xôi. Họ vốn là người nông dân yêu lao động, là các thầy cô giáo căm bản, là anh bộ đội cụ Hồ, là cán bộ xã bản,… cần mẫn lao động.

Những người nông dân, dưới ánh sáng của Đảng và định hướng của chính quyền địa phương họ đã vươn lên làm giàu chính đáng, sản xuất kinh doanh giỏi như anh Lò Văn Tân ở bản Mè xã Ta Gia, huyện Than Uyên trong bài “Gương sáng nông dân sản xuất giỏi ở Ta Gia” – Đinh Hồng Nhung. Hay anh Lù A Hoản – một Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nhiều Sang, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường được Thanh Tám ghi lại một cách chân thực cách làm, cách suy nghĩ của một đảng viên mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đi trước tiên phong trong làm kinh tế hộ gia đình và hướng dẫn bà con trong thôn bản làm theo. Cũng phản ánh gương người tốt việc tốt, trong bài viết Mô hình tiêu biểu làm kinh tế gia đình ở Nậm Nhùn, Minh Hà đưa người đọc đến thăm gia đình ông Lù A Hoản – một gia đình tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay chăm chỉ và ý thức học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Lù A Hoản trở thành người dân tiêu biểu của bản Co Mủn xã Lê Lợi huyện Nậm Nhùn được người dân mến phục.

Bên cạnh những tấm gương làm kinh tế giỏi trên địa bàn các huyện xã, cuốn sách Về với Lai Châu cũng phản ánh chân thực những tấm gương về gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp. Họ là những Nghệ nhân ưu tú, những người “giữ nếp bản”. Trong họ là cả một kho tàng quý giá về văn hóa dân gian. Tiêu biểu là anh Sùng Vảng Lềnh ở xã Tả Ngảo trên đỉnh Cát Chùa Sì “thuộc lòng những bài dân ca của dân tộc mình”. Sùng Vảng Lềnh ý thức được nàng tiên nâu là thứ giết người thầm lặng nên anh đã “cùng với chính quyền xã “dẹp” được nạn trồng cây thuốc phiện trong rừng sâu”. Để làm được điều này quả không dễ dàng: “Mình cũng đấu tranh tư tưởng lắm. Có người còn là anh em trong dòng họ mình ấy. Nhưng nếu không làm tận gốc, bao giờ dân bản mình mới tiến bộ được!” – Người giữ nếp bản, Châm Võ. Người đọc còn gặp Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện – người lưu giữ giá trị truyền thống then cổ. “Nghệ nhân Lâm Văn Điện được coi là một “kho tàng nghệ thuật sống” trong việc lưu giữ, trình diễn nghệ thuật dân gian trên địa bàn huyện. Ông không chỉ là người trực tiếp trình diễn mà còn là người tích cực tham gia truyền dạy các bài múa Then, cố vấn phục dựng biểu diễn các tiết mục dân gian của đồng bào…”Hà Minh.

Song song với việc phát triển kinh tế cá thể, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu là những đóng góp không nhỏ của các tập thể điển hình tiên tiến học tập theo Bác làm giàu cho bản làng, làm giàu cho quê hương, giữ chắc biên cương nơi địa đầu Tổ quốc. Đó là các bản của đồng bào La Hủ trên đất Mường Tè “thoát nghèo từ cây sâm” trong bài viết Chuyện người La Hủ trồng sâm trên đất Mường Tè Chanh Nguyễn. Ngược lên thượng nguồn con sông Đà hung dữ nhưng vô cùng thơ mộng. Con sông đi vào huyền thoại lịch sử dân tộc, chất chứa bao câu chuyện huyền bí, với những mảng màu văn hóa độc đáo. Lên thượng nguồn sông Đà, người đọc sững sờ trước một Ka Lăng đẹp như cổ tích. Tác giả Vân Nguyễn đã đưa người đọc đến một vùng đất với những con xinh đẹp, duyên dáng: “Người Hà Nhì mang vẻ đẹp đặc trưng của cư dân vùng núi cao, dáng người nhỏ nhắn, mảnh dẻ, sống mũi cao, đôi mắt sâu, thiếu nữ Hà Nhì nổi tiếng xinh đẹp trong bộ váy áo truyền thống sặc sỡ với tông màu chủ đạo là đỏ và vàng”. Duyên dáng mà mạnh mẽ, người Hà Nhì trên đất Ka Lăng là chủ nhân của “hàng trăm ha cây ớt, sa nhân, quế, sả… Dọc con đường mòn chạy quanh các sườn núi, có nhiều mái lều tranh đơn giản, đủ che những nồi chưng cất tinh dầu sả…” – Lên Ka Lăng, đứng giữa trời mà hát.

Từ Mường Tè huyền thoại, người đọc đến với Bản văn hóa Phiêng Lúc, xã Nậm Cần, huyện Than Uyên. Đây là bản của đồng bào Thái, nằm bên dòng sông Nậm Mu, đi đầu xã Nậm Cần về phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” – Phiêng Lúc trên đường đổi mới, Thanh Phương. Đến với xã biên giới Lùng Thàng huyện Sìn Hồ, tác giả Vũ Võ đã đưa người đọc đi thăm một mô hình tổ dân vận cơ sở đạt hiệu quả cao Thực hiện lời dạy của Bác và kết hợp bám sát dân, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của đảng Lùng Thàng đã và đang thành công trong công tác dân vận cơ sở tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho một xã biên giới còn nhiều khó khăn – Lùng Thàng phát huy vai trò tổ dân vận cơ sở.

Lai Châu “Nằm ở địa đầu phía Tây Bắc của Tổ quốc, với đường biên giới dài hơn 265km. Là vùng đất có địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu đã nỗ lực không ngừng cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp toàn diện nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong tình hình mới…”. Vững chắc “thế trận lòng dân” nơi miền biên giớiĐức Duẩn. Những người lính hiểu thấu đáo phương châm: “Gần dân, hiểu dân, học dân…”. Họ nắm chắc “…Những người dân nơi đây đã trở thành “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc…” nên các anh luôn tâm niệm “có trách nhiệm với dân”. Bởi “Lòng dân yên, biên giới vững”. Vì vậy, các anh “có mặt ở hầu hết những địa bàn khó khăn để triển khai, tổ chức thực hiện các dự án giúp dân xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xóm làng biên cương của Tổ quốc. Nhiều điểm trường, điện lưới, đường giao thông, trạm y tế quân dân y kết hợp được xây dựng lên…” – Đức Duẩn.

Những người lính Biên phòng được nhắc đến với sự kính yêu của nhân dân. Khuôn mặt, giọng nói và cái tên các anh đã trở lên rất đỗi thân quen với bà con vùng biên viễn. Đó là Đại uý Phan Thành Nam – Đội trưởng Đội vận động quần chúng; Trung tá Lê Văn Quyết – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP tỉnh Lai Châu; Đại tá Lê Công Thành – Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu. Các anh gắn bó cả thanh xuân tươi đẹp với nơi đây để xây dựng phên dậu biên cương vững chắc mảnh đất vùng địa đầu Tổ quốc. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà cả hai bài viết của hai tác giả Đức Duẩn, Vân Anh đều nhắc đến Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu trong bài viết của họ. Gắn bó với mảnh đất Lai Châu từ khi Lai Châu vừa tách tỉnh, Đại tá Lê Công Thành “…Hiểu tình tình thực tế của cơ sở…”, “…Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trên cương vị lãnh đạo, phụ trách, anh luôn tìm cách đoàn kết, tập hợp, phát huy sức trẻ, tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện ở khu vực biên giới…” – “Tự hào mang màu xanh áo lính biên phòng”, Vân Anh.

Các bài viết trong phần Bút ký của cuốn sách, mặc dù các tác giả đa phần không phải là nhà báo nhưng với một tình yêu con chữ thiết tha. Họ cùng sống, cùng làm việc với nhân dân. Họ phát hiện những tấm gương tiêu biểu, và chính những tấm gương đó đã thôi thúc họ cầm bút viết. Mười sáu bài ký là mười sáu góc nhìn về miền đất, con người Lai Châu, nhất là những đổi thay, khởi sắc trong phát triển kinh tế, xã hội; phong tục truyền thống, văn hóa, nghệ thuật dân gian với những nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc vùng cao, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước.

Trong cuốn sách Về với Lai Châu, bạn đọc còn được thưởng thức  những sáng tác là các tác phẩm âm nhạc, thơ ca, truyện ngắn của các văn nghệ sỹ Lai Châu. Thông những sáng tác, người nghệ sỹ đã khéo léo đưa vào tác phẩm của họ những gương sáng, những phong cảnh đẹp, và cũng qua đó họ đã bộc bạch tâm tư tình cảm của miền quê Lai Châu. 11 tác phẩm thơ là 11 phong cách khác nhau của các tác giả: Đào Chính, Đỗ Thị Tấc, Tử Vân (Phùng Thị Hải Yến), Trương Huy, Đinh Hồng Nhung, Phạm Đào,… với những lời thơ mượt mà “Chưa kịp xa mà trong lòng đã nhớ/ Một triền sông nắng hắt phù sa/ Tha thiết đợi đôi nhành hoa cỏ dại/ Mang theo về ru ấm hoàng hôn” – Nhớ Kan Hồ, Phạm Đào; đằm thắm đậm chất trữ tình “Một ngày về Bản Chát/ Trời xanh như mắt em/ Hồ dâng màu nước biếc/ Má lúm ơi dịu hiền” – Gửi về Bản Chát, Đinh Hồng Nhung và giàu tính triết lý “Già bản/ Là cuốn gia phả để đời/ Là nhân chứng theo dòng lịch sử/ …Từ cội nguồn đến văn hóa dân gian…/ Xin hãy gặp già bản/ Được nghe về quá khứ rất hay” – Già bản, Thanh Luận và Dáng tre của tác giả Đỗ Thị Tấc “Cha cho măng dáng đứng/ Mẹ cho măng áo mặc/ Lớn lên bung áo chật/ Dáng thẳng vẫn vươn cao/… Biết mình là con núi/ Cho nên đầu tre cúi”.

Thật thiếu sót nếu không nhắc đến tác giả Tống Quyết Tiến, Tử Vân (Phùng Thị Hải Yến) với hai bài thơ của hai thế hệ khác nhau; cách sử dụng ngôn ngữ, thi pháp khác nhau, nhưng cả hai tác giả đều đem đến cho người đọc một niềm tự hào về những người mang màu xanh áo lính đã đang và vẫn sẽ giữ vững biên cương, giữ vùng trời bình yên cho Tổ quốc Việt Nam: “Ký ức về cha trong con là bóng mây mẹ chỉ trên dãy Hoàng Liên/ Cha hành quân xa trên trùng trùng dãy núi” – Con của Lính, Tử Vân (Phùng Thị Hải Yến). Lịch sử dân tộc ta đã ghi không biết bao nhiêu trang sử tên các anh hùng, liệt sỹ. Các anh đã ngã xuống, mỗi bước chân chúng ta đứng hôm nay đều dấu mang dấu chân các anh. Mảnh đất của chúng ta đã thấm đẫm máu xương các anh. Tác giả Tống Quyết Tiến bày tỏ niềm thành kính vô bờ các anh trong bài thơ Tháng Bảy nhớ thương: “Ta tự hào Việt Nam, Hồ Chí Minh/ Các liệt sỹ hi sinh đều có chung ngày giỗ/ Nén nhang thơm thắp trên từng bia mộ/ Tháng bảy năm nào cũng xúc động… nhớ thương/ Tên các anh đã thành tên sông núi/ Vào trái tim người Việt muôn đời”. Nói bao nhiêu cũng là không đủ với công sức những anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay. Nhà thơ trẻ Trương Huy với bài thơ Đưa em về Lai Châu đã bộc bạch, bày tỏ niềm tự hào về mảnh đất Lai Châu thân thương. Nhà thơ dẫn dụ “em” về Lai Châu trong lời thầm thì khoe Lai Châu đẹp kiêu hùng: “Nơi đỉnh Phanxipăng nóc nhà Tổ quốc/ Giữa bồng bềnh mây, hùng vĩ núi/ Là bình yên, êm ấm những bản làng” – Đưa em về Lai Châu.

Bằng lời thơ mượt mà sâu lắng, Phạm Thị Thanh Xuân hỏi mà như gọi, hỏi mà như mời, như khoe cái mới, cái đẹp của thị trấn Mường Tè hôm nay với bạn đọc: “Em đã về thăm thị trấn hay chưa… Suối Nậm Bum vẫn trong xanh như thế/ Dòng Đà Giang dẫu qua bao dâu bể/ Vẫn nặng yêu thương cho thị trấn dựa mình/ Em có về thị trấn buổi bình minh/ Nghe chim hót yên bình sau kẽ lá/ Tiếng cuộc sống sao mà quen thuộc quá/ Chạm vào yêu thương nơi góc nhỏ ân tình” – Về Mường Tè đi em. Có thể thấy, dù ở cung bậc cảm xúc nào thì các tác giả thơ cũng thể hiện chất chứa niềm tin yêu, tự hào mảnh đất Lai Châu từ những điều hết sức dung dị nhưng toát lên vẻ đẹp tươi vui. Tác giả Đào Chính với bài thơ Đường mới đã thể hiện niềm khát khao đó: “Mơ ước bao ngày, từ lâu mong đợi/ Đến hôm nay vui thật là vui/ Đất nước vào xuân – đường mới mở rồi/ Nâng bước ta đi – ơn Người mở lối”.

Bên cạnh những bài thơ đậm chất trữ tình, trong phần sáng tác chúng ta còn gặp các cây bút viết truyện ngắn: Huỳnh Nguyên, Thanh Luận, Hà Phong, Trịnh Hồng Hải, Đặng Thuỳ Tiên… đã phản ánh công cuộc xây dựng làng bản Lai Châu bằng những nhân vật cụ thể là những người du kích Hò A Phù, Lò A Tiên kiên cường giữ bản, giữ mường trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp ác ôn (Cây sổ già, Huỳnh Nguyên). Đó là anh Bí thư Đảng ủy xã Vàng Văn Khằm tận tâm, hết lòng hết sức vì công việc. Anh Khằm đã cùng các đồng chí lãnh đạo xã dần dần từng bước giúp bà con xã Đông Pao khắc phục khó khăn, xóa đói giảm nghèo “Đời sống của nhân dân từ bát cơm, tấm áo, nhà ở, công sở, đường đi… đã đổi thay thật sự…” – Đêm rừng thao thức, Thanh Luận. Và một loạt các hình ảnh nhân vật khác như Lụa trong Áo cóm đợi xuânHà Phong; cậu bé Chiếu trong Những mùa hoa trên cao nguyên đá – Đặng Thùy Tiên; Khôi, Miên trong Tôi là anh nuôi Trịnh Hồng Hải đều là những nhân vật đem đến cho người đọc những xúc cảm sống tích cực.

Khép lại những trang sách trong cuốn Về với Lai Châu là 5 tác phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ Minh Cừ, Tô Văn, Thanh Phương. Bằng tài năng và độ chín của mình, các nghệ sĩ đã vẽ âm thanh trên vùng núi cao Lai Châu những khúc nhạc trữ tình da diết mà vang vọng mãi miền non cao.

Trong khuôn khổ bài viết ngắn, tác giả chưa khai thác hết vẻ đẹp của các tác phẩm trong cuốn sách Về với Lai Châu để đưa vào bài viết. Nhưng ấn tượng chung khi đọc Về với Lai Châu là các tác giả đã phản ánh trung thực, đậm nét hình sông, dáng núi với những con người dung dị nhưng chính họ đã làm nên những điều kỳ vĩ. Chính họ đã tô đẹp hơn cho mảnh đất biên viễn vùng Lai Châu để chúng ta tự hào là người dân Lai Châu. Mong rằng, cuốn sách sẽ được tái bản để những tấm gương người tốt việc tốt, những giá trị văn hóa đẹp của hai mươi dân tộc ở Lai Châu tiếp cận được với đông đảo bạn đọc xa gần trên khắp cả nước. Và sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa du khách đến với mảnh đất vùng biên viễn Lai Châu cổ tích như đúng tên gọi của cuốn sách.

THANH TÁM

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.