Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu phát động, những năm qua, các cá nhân, doanh nghiệp đã có những chuyến hàng đưa hàng hóa lên vùng cao và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, sử dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Lai Châu, những mặt hàng do bà con làm ra đã bước đầu tạo dựng được uy tín. Tuy không phải mặt hàng nào cũng có bao bì, nhãn hiệu, được quảng bá rộng rãi nhưng chính chất lượng của sản phẩm đã tạo nên thương hiệu bền vững đối với người tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Người dân Lai Châu vẫn quen với Chợ – một hình thức mua bán truyền thống. Chợ phiên không là nơi trao đổi hàng hóa, là nơi giao lưu tình cảm của đồng bào các dân tộc Lai Châu.
Đến chợ phiên bây giờ, điều dễ dàng nhận thấy là mỗi chợ phiên đã có những mặt hàng khẳng định thương hiệu hàng Việt do chính người dân vùng cao sản xuất. Đó có thể là một quán bán dao, rìu, cuốc, xẻng… của người thợ rèn ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu), cũng có thể là xấp vải nhuộm chàm do những người phụ nữ ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) bày bán. Những đôi giầy tự khâu của dân tộc Giáy xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) được mua nhiều trong dịp tết để đi dự lễ hội. Các dãy hàng bánh bỏng, bánh khảo và bánh phở, bánh mật… tấp nập người mua bán đã phần nào khẳng định thương hiệu làng nghề của bản San Thàng . Các mặt hàng: gạo Tẻ Râu, lợn “cắp nách”, rau cải trồng trên nương, bắp ngô, củ sắn… có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu .
Ghế mây do người dân xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) làm truyền thống là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Lên phiên chợ xã Dào San (huyện Phong Thổ) vào mùa xuân, ai cũng muốn chọn cho gia đình mình những bó nhang do người dân tự làm để thắp hương cúng tổ tiên những ngày tết. Nơi đây, từ quả bí đến đồng bạc trắng, từ những vật dụng đan lát đến mặt hàng thổ cẩm… đều do bà con tự chế tác và sản xuất. Phiên chợ gần gũi mà vẫn giữ được những nét xưa cũng là do sự khác biệt của các mặt hàng đã tạo nên thương hiệu về một phiên chợ chủ yếu là hàng “tự cung, tự cấp”. Việc gìn giữ nét riêng của phiên chợ đã tạo nên sức hút riêng đối với khách du lịch muốn thăm thú, mua sắm ở vùng biên giới.
Ở chợ phiên huyện Sìn Hồ, tuy nằm giữa thị trấn nhưng phiên chợ vẫn mộc mạc, bình dị và thu hút từng dòng người với những sắc màu thổ cẩm đua nhau hòa vào chợ. Các mặt hàng ở chợ cũng có thương hiệu riêng như các loại: bánh chưng đen của dân tộc Dao, bánh bò của dân tộc Hoa… ngay các vị thuốc quý như: đỗ trọng, xuyên khung, nấm linh chi, atiso, tam thất… bày bán tại chợ cũng do người dân các xã trồng hoặc lên rừng lấy và đem đến chợ để bán.
Không chỉ ở chợ phiên mà ngay cả tuyến đường từ thành phố Lai Châu đến huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên… đều có những mặt hàng chất lượng để khách hàng lựa chọn. Những củ măng rừng mập mạp mới bật chồi sau mùa mưa, gừng cay, thảo quả, táo mèo… tươi ngon đã tạo dựng tâm lý thích sử dụng sản vật địa phương và đó cũng là động lực để người dân tiếp tục sản xuất, tăng gia và đem đến những sản phẩm chất lượng chỉ có ở vùng cao.
Từ những mặt hàng uy tín của địa phương, Sở Công thương và các Phòng Công thương huyện, thị đã đưa ra nhiều giải pháp để quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Các mặt hàng thế mạnh của từng huyện, thị đã được cập nhật và đưa lên các trang web quảng bá thương mại, du lịch của tỉnh để thông tin có thể đến được với người tiêu dùng khắp cả nước như: gạo Tẻ Râu, gạo Nếp tan Cò Giàng, gạo Khẩu Ký, Séng Cù… Các loại gạo này có giá bán cao hơn hẳn các loại gạo bình thường khác nhưng vẫn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Lai Châu cũng đã có thương hiệu chè sạch xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với nhiều sản phẩm có chất lượng và bao bì bắt mắt, kỹ thuật cải tiến… 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao trên tổng số 65 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Các sản phẩm được đầu tư dây chuyền sản xuất, trở thành sản phẩm hàng hoá sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần mở rộng không gian dịch vụ du lịch của tỉnh Lai Châu.
Hàng hóa vùng cao đa dạng về chủng loại, giá trị cao về chất lượng, mang đậm hương vị của núi rừng, được người tiêu dùng cũng ưu tiên lựa chọn. Chính điều này đã thay đổi tư duy người dân, hướng đến phát triển kinh tế bằng thương mại, dịch vụ; góp phần xóa đới giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở các xã, bản vùng cao.
Vũ Nguyên