Những mùa trung thu

Thế hệ 5X chúng tôi sinh ra trong hòa bình độc lập nhưng trọn vẹn tuổi thơ lại nằm trong giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tuy  sống trong thời chiến, phải theo cha mẹ đi sơ tán khắp nơi, nhưng chúng tôi rất háo hức mong chờ đến trung thu – tết của Thiếu nhi. Bởi, đó là dịp người lớn quan tâm đến trẻ thơ, các em được tặng đồ chơi như: đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, tò he rồi bánh nướng, bánh dẻo; được tung tăng rước đèn trung thu, xem múa lân, bày cỗ và đợi trăng lên cao cùng nhau hát vang: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài, cán cao quá đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan” rồi cùng nhau phá cỗ. Cỗ Trung thu thời ấy thật giản dị, chỉ vài ba quả bưởi, nải chuối, vài khúc mía còn bánh nướng, bánh dẻo chỉ có dăm ba chiếc, mỗi chiếc xẻ nhỏ thành tám miếng thật đều chia nhau ăn mà thân thương, háo hức lạ thường. Đêm về, các cô bé cậu bé còn thao thức trằn trọc với niềm vui đơn sơ bình dị và đem theo cả niềm vui ấy vào trong giấc mơ ngọt ngào của mình…

Rước đèn trung thu tại quảng trường Lai Châu

Tôi hỏi mẹ: “Trung thu ở nước mình có từ bao giờ hả mẹ?”. Mẹ bảo: “Mẹ không rõ lắm nhưng sự tích “Chú Cuội ngồi gốc cây đa” thì có từ lâu lắm rồi con ạ. Từ nhỏ, mẹ cũng đã được cùng bạn bè vui tết Trung thu, rước đèn ông sao, đèn kéo quân rồi phá cỗ đấy!”. Bố nói xen vào: “Tết Trung Thu là lễ hội  có từ lâu đời ở các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Đài Loan, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Tuy nhiên, ở mỗi nước có cách rước đèn lồng khác nhau. Để bố dạy các con cách làm đèn ông sao nhé!”. Chúng tôi sung sướng vỗ tay và nhao lên: “Vâng ạ!”.

Bố bảo anh cả chuẩn bị mười thanh tre nhỏ dài hơn hai gang tay và năm thanh tre nhỏ dài chừng ba đốt ngón tay rồi bố xếp năm thanh tre dài thành hình ngôi sao, anh cả làm theo xếp thêm một hình ngôi sao nữa. Bố dạy anh dùng dây thép buộc các thanh que lại ở phần đỉnh ngôi sao và phần hình ngũ giác ở giữa thật chặt. Bố chồng hai hình ngôi sao lên nhau và cố định chúng ở năm đỉnh ngôi sao  rồi bảo anh cả dùng năm  que tre ngắn lồng vào giữa hai ngôi sao tại năm góc của hình ngũ giác để tạo độ phồng ở giữa rồi buộc dây cố định chắc chắn. Bố dùng hồ dán dính giấy bóng kính đủ màu vào thân tre làm thành ngôi sao hoàn chỉnh. Cuối cùng, bố chèn một chiếc que buộc chặt thành cán rồi gắn nến vào bên trong. Chúng tôi ồ lên thích thú ngắm nghía chiếc đèn ông sao nhỏ xinh, đẹp lung linh. Thế là đêm rằm trung thu, chúng tôi đã có chiếc đèn ông sao do bố và anh trai làm để đi rước cùng bạn bè. Chiếc đèn đầu tiên tôi làm không thành vì  buộc không chặt, cứ xộc xà xộc xệch chực bung ra nên anh trai tôi phải làm hộ. Kỷ niệm ấy tôi còn nhớ mãi.

Trẻ em bây giờ thật là sung sướng. Cứ vào đầu tháng tám là các loại đồ chơi, quà bánh trung thu đã bày bán  khắp nơi: từ thành phố, thị trấn, thị tứ đến các phường, các xã. Là một tỉnh biên giới, mấy dịp trung thu trước, đồ chơi Trung Quốc được nhập vào bán ở tỉnh với nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc bắt mắt, có gắn đèn, nhạc, giá cả lại không chênh lệch lắm so với hàng nội địa nên nhiều gia đình cứ chiều theo thị hiếu của con em mình mà đổ xô đi sắm hàng, bất chấp nguy cơ độc hại và nguy cơ bạo lực như súng, kiếm, mặt nạ quái dị… Các cơ quan chức năng văn hóa đã vào cuộc, cấm bán các đồ chơi bạo lực, nguy hại và tuyên truyền cho các bậc phụ huynh nên mua cho con mình các đồ chơi do Việt Nam sản xuất.

Và tôi biết: Mùa Trung thu 2017, đèn lồng “Made in Việt Nam” rất hút  khách hàng, đánh bật các loại đồ chơi của Trung Quốc không rõ xuất xứ, không đảm bảo an toàn. Đồ chơi truyền thống của người Việt chiếm từ 70- 80%. Thật là một tín hiệu đáng mừng. Càng vui mừng hơn nữa khi biết rằng các nhà doanh nghiệp đã chú ý khai thác các giá trị nhân văn truyền thống hướng tới ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho con trẻ.

Bất giác, tôi nhớ tới bài “Trung thu độc lập” tuyệt hay của nhà văn Thép Mới mà mình đã thuộc nằm lòng từ thuở ấu thơ: “Đêm nay anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em. Trăng đêm nay sáng soi xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê hương thân thiết của các em…

Anh nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai…

Ngày mai các em có quyền mơ tưởng đến một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Mươi mười năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.

Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui Tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em”.

Hơn bảy mươi năm đã trôi qua từ ngày tết trung thu độc lập đầu tiên ấy.

Các em thiếu niên nhi đồng hôm nay đã có cuộc sống tươi đẹp hơn xưa rất nhiều nhưng ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn những mảnh đời éo le, nghèo khó. Tôi lại nhớ đến những bài thơ của Bác Hồ gửi bao niềm thương nhớ cho thiếu niên nhi đồng: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”, “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Và lời căn dặn hết sức thân thương gần gũi Người dành cho các cháu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu”.

Mong rằng, mỗi mùa Trung thu mới cũng là dịp người lớn yêu thương chăm sóc, dạy dỗ con em  mình hiểu thêm bao điều hay lẽ phải trên đời…

Bùi Thị Sơn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.