Những lớp học trong đêm

Bao năm “gieo chữ” ở những xã vùng sâu, vùng xa, có lẽ món quà lớn nhất đối với các thầy cô giáo đảm nhiệm các lớp học đêm, là mong sao tất cả học sinh đều được xóa mù chữ (XMC).

Những năm qua, tại các bản vùng cao của các huyện biên biên giới Lai Châu, có những lớp học rất đặc biệt. Mỗi buổi tối, tiếng đánh vần học bài của những học sinh không phải là con trẻ, họ là chính những người đã làm bố, làm mẹ thậm chí đã lên chức ông, bà. Tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo ân cần cầm tay nắn từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù, chống tái mù chữ (CTM), mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề. Trong đêm tối, ánh điện như sáng hơn, càng làm rõ những ánh mắt học trò nhiều độ tuổi. 19 giờ tối, lớp học XMC bản Đin Đanh, xã Ma Quai (Sìn Hồ) do thầy Trần Đăng Vũ đảm nhiệm, lớp có 16 học viên hoàn toàn là bà con dân tộc Thái. Các học viên đã tập trung khá tự giác, học viên ít tuổi nhất đã 30, người nhiều cũng gần 50 tuổi; có người chưa một lần biết đến chữ phổ thông, nhưng cũng có người từng được đi học, nhưng vì hoàn cảnh đã bỏ ngang giữa chừng. Vợ chồng chị Lò Thị Kin, bản Đin Đanh, mặc dù tuổi năm nay đã gần 50 mùa rẫy, cả cuộc đời lam lũ vất vả cho gia đình, con cái, nhưng mỗi khi nhìn giấy tờ cứ thấy quen quen mà không hiểu: “Nghĩ tức lắm, những chẳng làm được gì, đời mình trải qua biết bao thủ tục hành chính, mỗi khi làm việc ấy, chỉ biết nhìn cán bộ cười cười, rồi đưa ngón tay ra dấu điểm chỉ thôi!. Nay các con đã lớn, tôi quyết tâm phải đi học bằng được cái chữ”. Đó chỉ là một trong những tâm sự của các học viên lớp xóa mù tại tại điểm trường bản Đin Đanh – trường Tiểu học Ma Quai, xã Ma Quai (Sìn Hồ)

Bà con người Dao, (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) tham gia lớp học xóa mù chữ, chống tái mù do Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (thuộc Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 356) tổ chức.

Từ lâu, bà con bản Đin Đanh coi thầy Vũ như con em của họ. Được biết vợ chồng thầy Vũ cùng là giáo viên tiểu học tại trường Tiểu học xã Ma Quai. Qua tâm sự, được biết anh chị đã gắn bó với vùng đất Ma Quai gần 20 năm. Giờ thầy Vũ nói tiếng Thái chẳng thua kém người dân bản địa, mọi phong tục tập quán vùng này cứ hỏi anh là rõ ngay, dân bản Thái có bất cứ công việc gì cứ ới một tiếng là anh có mặt tức thì. Anh xây dựng gia đình ở bản Thái, cất nhà trên đất Thái, sinh con mang hộ khẩu đất người Thái, nay các anh con đã trưởng thành, nhưng anh chị chẳng lỡ rời xa mảnh đất này.

Nậm Cuổi là xã cuối huyện thuộc vùng thấp huyện biên giới Sìn Hồ. Tại đây, chúng tôi gặp thầy giáo Lù Văn Cương, người đang phụ trách lớp XMC cho bà con bản Cuổi Tở 1. Lớp được học vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6. Sau 4 tháng, học viên sẽ được cấp chứng chỉ xóa mù chữ khi vượt qua các bài kiểm tra theo quy định. Sau một ngày đi nương, ăn nhanh bữa cơm tối, ông Lò Văn Yên 55 tuổi, bản Nậm Coóng, xã Nậm Cuổi lại cùng con cháu cắp sách tới lớp thầy Cương, lớp 22 học viên của có độ tuổi từ 30 đến 60, họ là những lao động chính trong gia đình. Bao năm, những bàn tay thô ráp vốn quen với con dao, cái cuốc, nay chau chuốt từng nét chữ khó nhọc, nhưng tất cả với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để biết nhiều hơn, hiểu hơn cũng như biết cách làm ăn kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Sau khóa học, ông Yên đã biết cái chữ, ông phấn khởi chia sẻ: “Trước đây vì nhà nghèo lại ở xa trường học, nên mấy anh chị em chẳng ai đi học cả; lớn lên được bố mẹ lấy vợ, may mà con cháu được đi học nên mọi việc gia đình được suân sẻ. Nay cuộc sông mới, thấy mọi người có điện thoại nói chuyện, nhắn tin mình thích lắm nhưng không biết dùng như thế nào vì không biết chữ, không biết số. Các con bảo cả nhà chỉ mỗi bố là không biết chữ, vậy nên,  tôi đã quyết tâm học chữ  và sau hơn 4 tháng cố gắng, giờ tôi thì đã biết đọc, biết viết rồi”.

Lớp học xóa mù dành cho bà con xã Tà Mung (huyện Than Uyên)

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác XMC, thầy giáo Lù Văn Cương cho biết: Cái khó của các lớp xóa mù là vấn đề ngôn ngữ, nhiều học viên chưa thạo tiếng phổ thông, do mình là người địa phương nên thuận hơn trong việc giảng dạy. Bằng mọi phương pháp, miễn sao để giúp bà con tiếp thu nhanh nhất cái chữ vào đầu là thành công rồi”. Được biết, thầy Cương là người Thái ở Mường Ẳng (Điện Biên), năm 1999, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy đã tình nguyện đến Lai Châu công tác và gắn bó với vùng đất Nậm Cuổi cho đến nay.  Cô giáo  Nguyễn Thị Quyên, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú  Tiểu học Tả Lèng, xã Tả Lèng, (Tam Đường), phụ trách lớp xóa mù tại bản Tả Lèng, khi được hỏi về những khó khăn của giáo viên dạy lớp “đặc biệt”, chị trải lòng: “Tả Lèng là bản của đồng bào người Mông, đa số học viên trong lớp là người lớn tuổi và chưa thành thạo tiếng phổ thông, nên để các học viên tiếp cận với chữ viết và phát âm cũng là một khó khăn với giáo viên đứng lớp. Theo kế hoạch, lớp xóa mù  học hết chương trình lớp 3, mục tiêu chính là đọc thông viết thạo”.

Ngược núi Tà Mung, chúng tôi lên thăm các lớp học đêm cho đồng bào người Thái, người Mông các bản Lun, Tụ San, Đán Tọ, Nậm Mở thuộc xã Tà Mung (Than Uyên) của thầy Vì văn Phúc, Thào A Rủa giáo viên trường PTDTBT Tiểu học xã Tà Mung (Than Uyên). Qua câu chuyện được biết thầy Rủa là con em đồng bào Mông Tà Mung chính hiệu, còn thầy Phúc là người Thái ở Mường Cang (Than Uyên). A Rủa chia sẻ: “Tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Than Uyên, bàn chân tôi đã mòn nhẵn khắp các vùng Mường Kim, Ta Gia, Khen On. Còn gì hành phúc hơn, nay được mang cái chữ về quê hương để dạy chon con em mình, truyền bá cho ông bà, cô chú mình…”

Cũng như bao học viên khác, học sinh lớp xóa mù do thầy Rủa phụ trách, đến này, bà Sùng A Chư (bản Tụ San) đã đọc thông viết thạo, bà vui cái bụng lắm. Cụ bà Sùng Thị Chư là học viên lớn tuổi nhất lớp, bà sinh năm 1961 ngoài cảm ơn thầy Rủa, một người bạn đã cùng nhà đã giúp bà biết được con chữ chính là cô con dâu Tráng Thị Pạng, buổi tối Pạng chở mẹ chồng bằng xáy đến cùng học.

Trao đổi với ông Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được biết: Những năm qua công tác XMC luôn được huyện chú trọng quan tâm. Hằng năm, phòng tích cực tham mưu các cấp về kinh phí để mở các lớp XMC, chống tái mù cho bà con vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phòng thường xuyên kiểm tra, tư vấn về phương pháp dạy học cho các giáo viên đứng lớp XMC; chỉ đạo nhà trường phân công những thầy cô giáo là người địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy để tham gia giảng dạy các lớp XMC mở tại địa phương mình.

Hiện nay, tỷ lệ xóa mù chữ toàn tỉnh trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là 255.962/283.185 người đạt 90,4%. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác huy động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người mù chữ ở các xã vừa ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Thời gian tổ chức lớp học chủ yếu vào buổi tối, hay vào mùa vụ dẫn đến khó huy động học viên ra lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Do đó, thời gian tới, công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao vẫn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn; đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học để dân trí toàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Hà Minh Hưng

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.