Những lá thư rơi trên mặt biển

 

1. Từng ánh nắng bắt đầu hắt lên, mặt biển dập rờn cùng một màu sáng rỡ như dát một lớp vàng mỏng ở trên bề mặt. Bình minh đã chạm đến hòn đảo cách biệt hẳn với đất liền. Tôi thong thả những bước chân quanh bờ biển tuyệt đẹp, phía xa xa có những quả đồi và rừng cây xanh thẳm. Mặc cho gió biển mằn mặn thổi mơn man lên tóc, lên mặt và bộ quần áo với những thứ quân hàm nhì nhằng.
Giữa khung cảnh tuyệt đẹp này, cảm xúc chợt đưa tôi những vần thơ đẹp để gửi tới nàng, người con gái tôi yêu ở nơi mà ánh đèn phố thị chiếu rọi ghế đá công viên, nơi hai đứa thường ngồi tâm sự. Nhắc đến nàng, một nỗi thương nhớ lại râm ran dậy sóng trong lòng, bứt rứt. Không biết tới bao giờ, tôi sẽ lại được gặp nàng, đã mấy cánh thư đi mà không có hồi âm. Nàng có gặp chuyện gì không giữa lúc tình hình chiến sự đang ngày một căng thẳng. Hay lòng nàng nay đã đổi khác. Những suy nghĩ miên man về việc nàng có thay lòng hay không ấy cứ dày vò tôi suốt thời gian này. Và tôi còn biết làm gì hơn là gửi vào trang giấy những lời thơ thương nhớ. Tôi nén tiếng thở dài vào lồng ngực. Cầm một viên sỏi, ném ra xa và nhìn nó chìm nghỉm vào những con sóng.
Phía xa, hình dáng một con tàu như một cái chấm đen từ từ tiến đến. Lúc này, trên bờ biển không chỉ còn mình tôi, những âm thanh huyên náo của những người khác cũng đến để đón con tàu. Họ bàn tán xôn xao, đoán già đoán non về thân thế của những con người có mặt trên con tàu dù đã có điện tín của cấp trên gửi đến từ trước đó. Đúng là bát nháo và ngột ngạt. Tôi ra lệnh cho họ im lặng và chấn chỉnh lại đội hình cho nghiêm trang. Mặc dù mọi thứ trở về yên lặng, chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ ào ào, nhưng trên khuôn mặt của bọn họ vẫn lộ ra một vẻ bất mãn rõ rệt.
Con tàu đã tiến đến bờ. Từng đoàn người với những sợi xích cùm cả trên tay và dưới chân, nặng nề xuống tàu tiến về phía chúng tôi. Họ gầy nhom, đủ mọi lứa tuổi, đa số là đàn ông. Trong những khuôn mặt khắc khổ và hiên ngang đang tiến tới, tôi chú ý nhất một chàng trai chừng mười chín, hai mươi tuổi. Cậu ta cũng mặc độc một cái quần đùi như những người đàn ông khác, với những cái xương sườn nhô ra có thể đếm rõ, nhưng đôi mắt anh ta rất sáng, gương mặt thanh tao, rất thư sinh. Anh ta đi qua tôi với đôi mắt ráo hoảnh, nhìn thẳng, như thể lũ chúng tôi là những kẻ vô hình. Những tù binh chính trị mới đến này đã khiến những tên lính dưới quyền tôi ngứa ngáy chân tay, một vài cái dùi cui đã lướt qua những sợi xích lách cách. Họ như những con sói khát máu hau háu nhìn con mồi, giờ đã nằm gọn trong tay, phó mặc sự sống chết cho kẻ thù. Tôi ra hiệu cho họ dừng lại. Chưa đến lúc thì không được manh động, dù sao những con người này cũng vừa bị sóng biển nhồi cho một trận nhừ tử, những lần trước, sau khi kiểm đếm, thỉnh thoảng vẫn thiếu mất một vài người.
2. Lần đầu tôi được đi trên sóng nước. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy biển. Mọi thứ đều khác xa với tưởng tượng của một người con sinh ra từ núi rừng như tôi. Những sợi xích bằng thứ sắt thép lạnh tanh và độc ác này không ngăn cản được tâm hồn tôi bay bổng giữa mênh mông xanh của nước biển ngan ngát, của bầu trời trong vắt và gió lộng. Những đồng chí quanh tôi đều im lặng, mỗi người một suy nghĩ riêng mình. Nhưng tất cả chúng tôi đều kiên định và chuẩn bị cho mình tinh thần để đối mặt với những điều đang chờ đợi chúng tôi trên hòn đảo mà mọi người thường nói có đi không có về kia.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng một trong số chúng tôi ngất đi. Nước. Đưa chúng tôi nước. Tiếng người lao xao đưa tôi trở về thực tại đau đớn. Tên lính cai chẳng nói chẳng rằng vứt một cốc nước nhỏ xuống sàn tầu rồi thản nhiên bước qua người của đồng chí vừa ngất. Tim tôi nhức nhối như vừa bị ai bóp nghẹt. Tiếng dây xích bên cạnh rung lên, anh Việt muốn đứng dậy làm gì đó, tôi đọc được điều ấy trong ánh mắt chất chứa những đốm lửa căm thù của anh. Cụ Hạnh nắm tay anh Việt, lắc đầu ra hiệu không nên động thủ. Cũng phải, giờ này chúng tôi khác gì cá nằm trong chậu, chúng muốn giơ tay bắt lúc nào chả được. Giờ này mà nổi nóng thì chỉ thiệt thân và khổ lây sang những người khác. Chúng tôi là đàn ông vẫn còn đủ sức chịu đựng, chỉ khổ cho những chị phụ nữ chân yếu tay mềm.
Đầu tôi choáng váng, ruột gan tôi quặn thắt từng cơn như muốn trào cả ra ngoài, mắt tôi hoa lên, tôi nôn thốc nôn tháo, mật vàng mật xanh lẫn lộn cả. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Nó say sóng rồi… cố lên chàng trai… Tôi nghe loáng thoáng tiếng cụ Hạnh động viên mình. Tôi ngồi dựa vào thành tầu, người rũ ra như một tàu lá. Thế này vẫn hơn những hôm bị nhốt trong hầm tầu, tối và ngột ngạt. Hòn đảo đã lờ mờ ẩn hiện từ phía xa, bọn lính chịu trách nhiệm áp giải chúng tôi đã hồn nhiên châm thuốc nói chuyện với nhau. Chúng bắt đầu kiểm đếm từng người chúng tôi, chúng sắp hoàn thành việc đưa những người tù chính trị tới nơi khổ lao, và đích đến đã ngay trước mặt.
Những ngày đầu đến đảo, bọn lính ở đây đã “chào hỏi” chúng tôi bằng những cú đấm, những dùi cui vút xuống không thương tiếc. Tôi đã từng nghe kể về sự tàn ác của bọn lính cai ngục trên hòn đảo tử thần này, và những gì chúng mới làm chỉ là màn mở đầu cho những tháng ngày địa ngục trần gian mà chúng tôi phải chịu đựng. Mặc dù bọn chúng rất độc ác và đủ những phương thức tra tấn cực kỳ dã man mà chúng đã nghĩ ra để hành hạ nhưng chúng tôi chưa hề nao núng, và thề chết chứ dứt khoát không hé ra nửa lời nào phản bội. Chính bởi vậy, chúng càng điên cuồng và tìm mọi phương thức tàn ác hơn nữa để tra tấn hòng moi móc thông tin có lợi cho một cuộc chiến mà chúng đã dần đi vào ngõ cụt khi mất đi sự trợ giúp từ bên ngoài.
3. Con người có phải đều cùng máu thịt, cùng chung tổ tiên thì sẽ đồng cảm và yêu thương nhau như anh em? Tại sao? Tại sao phải giằng xé chà đạp nhau vì lợi ích? Tại sao chúng ta phải lo sợ khi những người anh em tới thăm nhà? Việc anh đang làm là gì? Đừng nói với em là vì hòa bình vì bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. Có đúng không, nếu như nền dân chủ ấy không mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người mà chỉ là một nhóm nhỏ. Còn rất nhiều đồng bào của chúng ta, anh em của chúng ta ngoài kia khốn khổ vì sưu cao thuế nặng. Anh đi nhiều hơn em, chắc điều này anh biết rõ hơn ai hết. Em biết anh sẽ nói em thiếu hiểu biết, rằng hãy lo việc của em quần là áo lượt đi dạo phố và vui chơi như chưa có gì xảy ra. Nhưng anh biết đấy, em vốn ngang bướng và hay tìm hiểu tới gốc rễ những gì em chưa biết. Em từng thấy một tên lính bắn chết một bà cụ ngay trước mặt em, chỉ vì bà ấy muốn xin em một vài đồng. Em không thể tin được. Em bị ám ảnh và điều tồi tệ là em mất niềm tin vào thể chế mà anh đang phụng sự. Em đã không trả lời anh trong những lá thư trước. Vì chính Thành người bạn thân nhất của anh và chúng ta đã nói cho em biết sự thật về công việc anh đang làm. Nói thật là em bất ngờ lắm anh ạ. Một người đàn ông dịu dàng với em biết mấy, nhận ra sự thay đổi của em dù chỉ là cái nhíu mày, quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh…
Em tự hỏi, những lần anh vút roi xuống đồng bào của mình, anh có thấy đau không? Những lúc anh hành hạ người anh em của mình anh có phút giây nào thấy ăn năn, lương tâm anh có bị cắn rứt mỗi khi đêm về mình chăn ấm đệm êm còn họ phải chen chúc nhau trong căn phòng tăm tối, với những vết thương nhức nhối thể xác và tinh thần không anh? Chắc là không đâu. Vì em thấy những lời thơ của anh vẫn nhẹ nhàng và đi vào lòng người lắm. Hẳn là anh đã rất trau chuốt chúng. Hay anh thực sự thấy công việc của anh đang làm là bình thường và không để lại ấn tượng gì trong tâm trí những tội ác anh đã và đang gây ra.
Cầm trên tay những lá thơ của anh, em đã khóc rất nhiều. Từ bao giờ anh đã trở nên giả tạo và tàn ác đến vậy. Từ bao giờ vậy anh yêu? Thứ gì đã đánh cắp trái tim nhân ái của chàng trai mà em yêu thương rất mực như thế. Không có gì diễn tả được nỗi thất vọng và buồn khổ của em. Nhưng có lẽ chúng ta nên chấm dứt anh à. Em đã suy nghĩ rất nhiều để đưa ra quyết định này. Đừng tìm em.
Ký tên: Thúy Diễn.
4. Hôm nay chúng lại đánh đập chúng tôi tàn nhẫn hơn. Có lẽ chúng đã lờ mờ nhận ra kế hoạch của chúng tôi, nhưng điều mà chúng không ngờ tới, đó là chuyện chúng tôi đã đào một đường hầm để chuẩn bị cho ngày tẩu thoát khỏi nơi địa ngục trần gian này. Trong lúc bọn chúng sơ ý, cụ Hạnh đã giấu đi một chiếc nắp cà mèn đựng cơm, anh Việt và tôi giấu đi mỗi người một chiếc thìa, chúng tôi và vài đồng chí khác cùng phòng giam, thay phiên nhau đào và canh gác.
Khi đường hầm có đường kính 30cm vừa người chui vào là lúc tôi nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ của mọi người, khát vọng tự do chưa thôi tắt trong mỗi con người chúng tôi. Đất đào ra lại nén sang hai bên và còn đâu thì lại rải lên nền đất trong phòng giam. Khi đào được một nửa đoạn đường để đến với tự do cũng là lúc khó khăn về việc làm sao giấu đi những phần đất được đào ra mà không bị lộ. Lúc này chúng tôi bàn bạc nhau xem nên xử lý thế nào. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất cử một đồng chí đề nghị chúng cho đào thêm một hố tiêu nữa rồi sẽ đổ đất đào được vào hố đó một cách bí mật. Những vết thương do sự tra tấn dã man của bọn chúng vẫn rỉ ra, thấm cả vào đất mẹ. Khao khát được tự do và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến tới ngày đất nước được hoàn toàn tự do, độc lập đã khiến chúng tôi quên đi mọi sự đau đớn về thể xác.
Một buổi sáng, tiếng lính cai chạy rầm rập bên ngoài sân trại, tiếng còi ầm ĩ, bọn tôi nhìn nhau nháo nhác, chắc chắn đã xảy ra chuyện gì đó. Bọn chúng dồn chúng tôi ra ngoài và bắt đầu kiểm đếm từng khu một. Sau khi xác nhận thiếu mất ba người, chúng điên lên như mắc dại, từng chiếc roi cá đuối vút xuống những tấm lưng, máu nhầy nhụa. Chúng lại cắn càn. Rồi chúng nhốt chúng tôi lại, huy động thêm lính, xe Jeep và trực thăng để truy tìm những người vượt ngục. Chúng tôi truyền tai nhau về thông tin ba người vượt ngục ngay trước mặt ba lớp lính canh gác với tầng tầng hàng rào dây kẽm gai, và khi biết họ là những cán bộ chính trị cấp cao thì chúng tôi càng hả hê hơn. Điều này đã khích lệ tinh thần vượt ngục của chúng tôi, khao khát tự do đã trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Đả đảo khủng bố tù nhân chiến tranh… đả đảo… đả đảo…”. Đáp lại là những chiếc roi cá đuối vun vút xuống, những chiếc dùi cui điện bọn chúng nã xuống thân thể chúng tôi không thương tiếc.
Chúng bắt mọi người, trong đó có tôi, đánh đập và khủng bố tinh thần chúng tôi bằng nhiều cách để đáp trả lại việc chống đối bọn chúng và dập tắt ý định vượt ngục của chúng tôi. Chúng buộc một số đồng chí vào bao bố và đem thả trên chảo nước, bắc lửa đun ở phía bên dưới, không khác gì chảo lửa dưới địa ngục. Một vài người không chịu nổi đau đớn hét lên, những tiếng hét thống khổ, đau nhói tim gan. Trước khi vào đây, chúng tôi đã thề dù có chết cũng vẫn giữ trọn lời thề kiên trung với cách mạng, nên dù có đau đớn, khổ sở hơn thế nữa chúng tôi cũng không bao giờ hé ra nửa lời, không để cho bọn chúng đạt được mục đích.
Mấy tên lính sau khi đánh đấm tôi chán, chúng đẩy tôi vào một chiếc lồng sắt hẹp vừa đủ một người chui vào, bên trong tua tủa những chiếc gai sắt mà chúng gọi là chuồng cọp. Giữa trời nắng như thiêu đốt, những sợi sắt hấp thụ thêm nhiệt lượng từ mặt trời như được nung trong lửa. Cả người tôi như muốn bốc hơi, những phần da thịt cọ vào kim loại phồng rộp, đau rát. Cổ tôi khô khốc, mắt tôi sinh ảo giác, khắp mình mẩy như có ngàn vạn ngọn lửa thiêu đốt, đau đớn và bức bối, tôi ngất đi.
Tôi choàng tỉnh dậy khi có cảm giác con gì đó bò vào trong mũi, trong mồm. Một mùi hôi thối thum thủm bốc lên xộc thẳng vào mặt, tôi cố khạc nhổ thứ dị vật đang ngoe nguẩy trong cổ ra ngoài. Tôi chắc mình đã bị chúng cho vào những phòng biệt giam. Căn phòng tối, thấp và chật chội, khiến nó càng trở nên nóng và hôi. Mọi người phải đứng chen chúc nhau, nhường chỗ cho những người quá ốm yếu có chỗ ngồi dựa vào nhau sát ngay chỗ thùng đựng phân. Cả căn phòng bị dòi bọ xâm chiếm, và những thứ vừa chui vào người tôi hẳn là một trong số chúng.
5. Mấy người lính cai lôi những người đã chết vứt lên xe, mang ra bìa rừng vứt. Những đôi mắt mở trừng trừng oan ức, máu vẫn rỉ ra trên những thân thể đã mềm nhũn, một mùi tanh tưởi thu hút đám ruồi nhặng bay tới, vo ve trên những cái xác tạo nên một âm thanh ong ong ghê rợn. Tên trung sĩ bên khu B lại nghĩ ra trò mới, hắn đục răng tù binh rồi bắt họ nuốt tất cả máu vào trong, đưa cho hắn “xin” lại cái răng đó để bỏ vào cái mũ sắt, thỉnh thoảng hắn lại xỏ những chiếc răng đó thành chuỗi rồi đeo lên người như một ác ma thực thụ.
Tôi đã từng không đồng tình với cách làm của hắn. Nó tàn nhẫn và mọi rợ. Nhưng sau lưng, hắn chửi tôi là đạo đức giả, vào đây thằng nào chả ác như thằng nào, không vậy có mà ăn cám. Hắn nói với cấp dưới rằng nhìn vào cấp bậc của tôi đã đủ biết tôi đã giết bao nhiêu người rồi. Hắn đã sỉ nhục tôi, nhưng có lẽ hắn đúng, nhìn đôi tay nhuốm máu này, tôi làm sao có thể biện minh cho mình. Nhiều khi, trong lúc khảo cung tôi đã để cho những suy nghĩ ác độc xâm lấn, tôi đã để linh hồn mình cho quỷ dữ ngự trị. Thánh thần nào có thể tha thứ? Cơn mưa nào có thể gột rửa cho những tội lỗi nhớp nhúa của tôi đây?
Tên trung sĩ gọi tôi đến để chứng kiến cách tra tấn mới của hắn mà hắn chắc chắn rằng, sẽ hiệu quả ngay tức thì với cả những kẻ gan lì nhất. Hắn đang diễu võ dương oai với tôi, dằn mặt kẻ có thể cạnh tranh với hắn cấp bậc thượng sĩ. Đập ngay vào mắt tôi là cảnh những người tù bị lôi ra khỏi thùng phi nước, máu từ tai và mồm chảy ra ròng ròng, đủ hiểu họ phải chịu tra tấn với áp lực nước chèn vào thần kinh lớn đến như thế nào. Những tiếng gào thét ghê rợn vang ra từ phía cuối căn nhà. Tôi tức tốc chạy đến. Một cảnh tượng kinh hoàng nhuốm đầy máu me diễn ra trước mắt tôi. Những chiếc đinh mà tên trung sĩ đóng sống lên tay, chân của người tù vẫn còn rỉ máu. Nhìn thấy tôi, chợt hắn cười gằn lên rùng rợn. Tay hắn cầm sẵn chiếc búa và cái đinh dài gõ thật lực vào đầu người tù. Một tiếng kêu thảm thiết vang lên rồi tắt hẳn.
Tôi trợn trừng mắt nhìn hắn, còn hắn lại lau tay và sai lính dọn dẹp hiện trường như chưa từng xảy ra chuyện gì. Lúc đưa xác người tù qua tôi, trời ơi, đôi mắt ấy, khuôn mặt thanh tao ấy. Tôi muốn chửi thề, tên ác ôn, con quỷ đội lốt người,… Nhưng tôi lấy tư cách gì chửi hắn khi tôi cũng có hơn gì hắn. Có khi tôi lại bẽ mặt trước hắn và cấp dưới. Ôi! Còn gì đau khổ và nhục nhã hơn? Có lẽ nào em đã nói đúng, rằng tôi thực sự đã đi sai đường.
Hằng đêm, khuôn mặt và tư thế thống khổ của cậu thanh niên trước khi chết ấy ám ảnh và dằn vặt tôi. “Con người có phải đều cùng máu thịt, cùng chung tổ tiên thì sẽ đồng cảm và yêu thương nhau như anh em? Tại sao? Tại sao…”. Những câu nói của Thúy Diễn như văng vẳng bên tai tôi mỗi ngày. “Những lần anh vút roi xuống đồng bào của mình, anh có thấy đau không? Những lúc anh hành hạ người anh em của mình anh có phút giây nào thấy ăn năn, lương tâm anh có bị cắn rứt… Từ bao giờ anh đã trở nên giả tạo và tàn ác đến vậy. Từ bao giờ…”. Tôi gần như muốn phát điên.
Một chiều hoàng hôn, tôi nhận được tin có một nhóm hơn ba chục người đã vượt khỏi nhà tù trong hai lần bằng một đường hầm đất đào từ lòng nhà tù xuyên ra ngoài. Và tên trung sĩ đã đổ diệt là do tôi lơ là, tắc trách. Phải, tôi đã từng ước tôi có thể giúp họ vượt ra khỏi địa ngục trần gian kinh khủng này. Tôi cầm tập thơ mình viết và lang thang trên bờ biển. Có tiếng hát xa xa như từ dưới biển vọng lên mời gọi. Tôi đi dần về phía biển, những tờ giấy tôi viết bay phấp phới như chào đón. Tôi thả lỏng mình, sóng biển nhào lên ôm lấy tôi, tôi chìm dần vào lời ru muôn thủa…

THÙY TIÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.