Những áng mây cuối trời

Tuy không phải là mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, nhưng mỗi lần có dịp về vùng đất ấy, trong lòng Hạ lại chộn rộn một nỗi niễm khó tả, cảm giác như sắp được về thăm quê. Ở đó anh đã có những năm tháng một thời, những kỷ niệm khó quên.

Xe ì ạch ngược đèo, ngồi ghế sau Hạ vẫn thấy lòa nhòa qua cửa kính, nắp capô như đang đớp những ngụm sương núi. Đang thiu thiu như có làn gió táp đến làm Hạ tỉnh giấc, anh bảo lái xe nghỉ giải lao, châm điếu thuốc cho tỉnh táo. Đây rồi! Trước mắt anh là những hàng thông tăm tắp như reo trong gió. Chính cái khúc cua này, phía tay phải là lối rẽ lên trên ấy. Hạ men theo tà luy dương, rồi xăm xăm một mình thẳng lên đồi. Phía trước bạt ngàn các ngôi mộ lớn xây cất kiên cố, nằm ở gần phía cuối là một ngôi mộ nho nhỏ. Hạ cặm cụi nhổ những gọng cỏ đang phủ lấp lên bia, ngón tay anh mân mê, xiết lại dòng chữ bị mờ vì đất bụi thời gian…

***

Nhận được tin em ốm nặng phải thở bằng ôxy. Về thành phố, chẳng kịp đợi chuyến xe khách chiều lên huyện, tôi hộc tốc ngược núi gần trăm ki lô mét trên “con ngựa sắt” chuyện này trước đây tôi vẫn phượt cùng đám bạn. Tôi xộc thẳng vào bệnh viện. Mọi người vây kín em. Tôi sững người trước hình hài tiều tụy chỉ còn đôi mắt. Em nhìn tôi cái nhìn như xoáy sâu vào tâm can (“Sao giờ này anh mới đến?”, “Anh đi đâu?”, “Sao anh cắt liên lạc, đồ dối trá”…), lòng Hạ quặn thắt. Anh như kẻ cấm khẩu, chỉ có nước mắt ròng mi. Bố em kéo tay tôi:

– Chú tính đưa em về nhà, ở đây cũng chỉ thở ôxy thôi.

Taxi đến. Mẹ em thảng thốt trong tiếng nấc:

– Về nhà mình con ơi! – tay mẹ run run.

Người tôi điếng đi, sao nên nỗi. “Ngà ơi! Anh là kẻ bội tín, kẻ vô tâm quá. Anh thật đáng trách phải không em?

Đêm đó tôi ngồi bên em, không gian càng trở lên tĩnh mịch, chỉ có nhịp của máy thở ô xy lúc nhanh, lúc chậm.

Thời gian trôi nhanh thật!

Mới đó mà  đã gần 10 năm…

Tôi tốt nghiệp sư phạm nhạc họa, trong khi chờ việc, tôi nhận thi công cho các trung tâm nghệ thuật. Năm đó tôi nhận trang trí một trường mầm non vùng cao. Vào hè nên các cô giáo về xuôi hết, cả trường chỉ có duy nhất anh chàng bảo vệ là “mì chính cánh”. Vậy nên công việc nặng như bắc giáo, chuyển thang… cũng chỉ có Hoàng giúp tôi. Trường cách thị trấn chục km nên có tối tôi ngủ cùng Hoàng tại trường. Sốt ruột ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này, để dẩy tiến độ, có hôm tôi vẽ đến hai giờ sáng, cứ tưởng anh bảo vệ đã được một giấc no mắt, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên, Hoàng chăm chú từng nét vẽ, cách pha màu trên palet, xong rồi hai anh em thu dọn đồ và xì xụp mì tôm. Chủ nhật Hoàng rủ tôi về nhà chơi, nghe nói ở đây có chợ phiên hay lắm mà cả tuần chỉ độc nhất  họp vào chủ nhật.

Tôi về nhà Hoàng. Điều mà tôi ấn tượng là những bức tranh vẽ bằng chì, màu nước khá ngộ.

– Cậu vẽ à?  Tôi hỏi. Hoàng cười phân bua:

– Em nào biết vẽ, cái đó là của em gái.

– Em gái học mĩ thuật à?

– Không, cấp ba thôi mà giờ nó nghỉ rồi!

Giọng Hoàng nhát gừng làm tôi ngài ngại định hỏi thêm nhưng lại thôi.

Đang mải ngắm những tác phẩm mà cánh chúng tôi vẫn gọi là hồn nhiên, thì dưới nhà có tiếng vọng lên: “Anh Hoàng ơi xuống em nhờ chút”, tôi theo chân Hoàng, trước mắt tôi là một căn phòng ngợp hoa là hoa, những bình hoa bằng đá pha lê trong suốt, hoa đủ màu sắc, với nhiều chất liệu như: đá, đất nặn, sáp thơm…., thú vị nhất là những dáng cây được tạo bằng dây thép ly bọc vải. Phía cuối phòng là một cô gái bên cây chì và ngổn ngang những phác thảo, các dáng thế hoa được họa lên bìa đúp lếch. Hoàng lấy kìm và cắt từng đoạn theo kích thước đã ghi. Cô gái nhìn tôi mắt tròn xoe, không nói, gương mặt thanh tú, em ngồi trên xe lăn phía trước được thiết kế một cái bàn di động. Tay em thoăn thoắt tạo dáng, nặn những cánh hoa, bên cạnh là khay pha đủ thứ màu và những cây cọ đủ cỡ. Tôi rảo đến lấy ghế ngồi bên cạnh:

– Nào để anh giúp!

Hoàng hùa vào:

– Anh này là họa sĩ đang vẽ tranh tường cho trường anh đó.

Em chỉ dạ rất nhẹ nhưng cũng đủ để tôi nghe thấy. Những cây hoa đào, hoa mai, thủy tiên, thược dược, tỷ muội được tôi hỗ trợ nhanh chóng khoe sắc. Dường như công việc và câu chuyện về vẽ tranh, màu sắc, tạo dáng… đã làm em mạnh dạn, tự nhiên hơn, giữa chúng tôi không còn nhiều khoảng cách nữa. Người vui nhất là mẹ em. Khi chia tay gia đình, mẹ em cầm tay tôi bằng ánh mắt thật lạ, rồi bà nói trong ngèn ngẹn: “Lâu lắm rồi, gia đình cô mới có tiếng cười. Từ ngày em bị bệnh không đi học, cả nhà buồn lắm, em nó tự ti không tiếp xúc với người ngoài. Hôm nay, cháu đã làm em nó thay đổi. Cháu thỉnh thoảng lên đây chơi và hãy coi em một người bạn, một người em, cháu nhé!”.

***

Ngà là niềm tự hào của gia đình, phố núi này cũng hãnh diện vì em là thí sinh duy nhất đậu vào trường chuyên của tỉnh. Em ước mơ sau này sẽ trở thành nữ chiến sĩ công an. Cứ tưởng rằng những hoài bão ấy đang ngày một lớn mạnh trong cô nữ sinh chuyên toán. Nhưng rồi một ngày kia, trong giờ thể dục bỗng dưng em bị đau ở lưng và không thể gượng dậy được, bạn bè thầy cô đưa em vào viện. Các bác sĩ ở đây cũng chưa chuẩn đoán ra bệnh, bố mẹ đưa em về Hà Nội. Hết Bạch Mai sang Việt Đức, viện K, huyết học máu Trung ương rồi đến cả Y học Cổ truyền… cứ nghe đâu có thuốc  hay, thầy giỏi, mẹ lại cõng em đi. Hai mẹ con, hai thân hình bám riết vào nhau hết nơi này đến nơi khác. Những trung tâm y tế hàng đầu của Việt Nam gia đình đều gõ cửa, nhưng tất cả lắc đầu, bác sĩ kết luận em bị u cột sống. Em chao đảo, em muốn chết đi cho gia đình bớt  gánh nặng. Vì em mà bố ngày một ít nói hơn, vì em mà mẹ không còn chạy chợ nữa, cả nhà lo lắng vì em. Mỗi lần về nhà thấy thân hình bố xơ xác hơn, mắt sâu hơn, bố miệt mài lao động để kiếm tiền lo thuốc thang cho em, lo ăn học cho chị và em gái… em đã trải lòng với anh

Anh không biết phải nói những gì, chỉ biết thương, biết động viên em: “Em ạ có biết bao hoàn cảnh số phận thiệt thòi trên thế giới này, nhưng họ vẫn vươn lên và thành công. Mỗi lần chán nản em hãy nghĩ đến hình ảnh diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, người đã sáng lập ra công ty Tỏa Sáng, hay Nick Vujivic – một hình tượng vượt lên số phận, anh ấy đã mất cả  hai tay hai chân vậy mà vẫn lạc quan và chỉ coi mình tạm thời không đi được thôi. Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy hết của ai, cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Hãy cố gắng lên em nhé! Anh đã nói với em như thế đúng không?”.

Em nói luôn có cảm giác buồn và tự ti, anh bảo: “Khi nào buồn em mang cọ ra vẽ, hãy gửi gắm những gì sâu sắc nhất cuộc đời này vào tranh, anh tin là em sẽ rất vui tự tin với điều này”. Và anh con nhớ có một buổi sáng em vui, vui lắm, em báo tin bức tranh “chân dung mẹ” của em được đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh…

***

Câu chuyện hợp đồng của tôi với trường mầm non đã hoàn thành trước thời hạn, nhưng tôi chưa về mà quyết định nán lại mấy hôm để thăm thú cao nguyên. Phía sau nhà em là những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp ăn đến chân suối Hoàng Hồ, dòng suối chảy qua bản người Dao. Mỗi khi thời tiết thay đổi, dòng suối lại ửng lên một sắc hồng như máu.

Giờ đã là cuối thu, trên đồng chỉ còn trơ lại những chân rạ, người dân ở đây vẫn duy trì lối canh tác một vụ. Những cơn mưa làm hoai mục các thứ phân hữu cơ còn sót lại, đất đai nương rẫy chuyển sang một màu tươi mới. Một màu trắng, rồi tím nhạt, ban đầu xuất hiện những cánh li ti thật dịu mắt. Chính những đốm li ti ấy nó sẽ nở thành hoa là thứ hoa được nhú lên từ mày lúa, mày ngô, còn gọi là mạch, thân nhỏ giống hình tam giác nên bà con nơi đây gọi là hoa tam giác mạch.

Nhặt những cánh trắng kia tôi thả vào lòng bàn tay em, em nhìn tôi đắm đuối, rồi đôi mắt ấy ngước về phía xa xăm nơi có những áng mây phía chân trời. Đôi mắt như vô định. Em đến phòng trọ của tôi từ khi nào, còn tôi đang say sưa với những chấm phá của chất liệu sơn dầu, cái chất liệu mà dân trong nghề chúng tôi thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc. Một cánh đồng tam giác mạch bất tận được phô bày trên nền toan bằng một tông màu lạnh chủ đạo, và hình ảnh cô gái miền sơn cước có đôi mắt to sâu đắm nhìn về những áng mây cuối trời, chi tiết ấy là điểm nhấn của tác phẩm. “Tặng em đó”. Em sung sướng nhìn tôi: “Chắc anh sẽ không trở lại miền đất này nữa chứ gì?”, em vẫn hồn nhiên như thế. Tôi quả quyết: “Tháng sau anh lên, cùng với tác phẩm hoàn thành, anh muốn bức tranh phải được lồng trong một cái khung xứng tầm, loại khung này chỉ  có ở Hà Nội, nhất định là như thế”.

Và rồi tôi về Hà Nôi công tác với nhiều dự án mới nên cũng ít liên lạc với em.

***

Hơi thở của em yếu dần rồi lịm vào giấc ngủ. Bốn giờ sáng em đi!

Bố em bảo: “Con bé nó đợi bằng được cháu lên đấy!”. Tôi nghẹn đi chỉ biết cầm tay em mà khóc, tôi khóc cho cuộc đời này sao lại như thế. Tôi khóc cho cho mình sao thời gian qua mình vô tâm thế, tôi khóc cho một kẻ thất hứa. Ngà ơi! Tôi khóc cho một cuộc đời mới hai mươi mốt tuổi xuân, cái tuổi con người ta có được quyền ước mơ hoài bão.

Mưa tầm tã.

Mưa rả rích cả đêm không ngớt. Trời khóc em. Phố núi khóc thương em. Mọi người đến tiễn em, ai cũng thắp cho em nén tâm nhang trước khi em về với đất mẹ. Nhìn di ảnh, mắt ai cũng cũng trào lệ xót thương. Con đường qua ngõ nhà em cứ mỗi lúc lại chật cứng chân người.

Ngoài trời mưa vẫn rơi!

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.