Nhà văn Nguyễn Quang Hà – Nguyên tổng biên tập Tạp chí Sông Hương là một cây văn xuôi có hạng với gần ba chục đầu sách được bạn đọc yêu mến như: Cuối tuần trăng mật, Tiểu thư bị bùa mê, Thời tôi mặc áo lính, Sông dài như kiếm… Còn với việc làm thơ, đã có lần ông nói: “Chỉ là ngoại tình một chút cho vui!”. Và ông chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ.
Vậy mà ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Trong đó phải kể đến bài thơ Con còng gió, nhạc Đỗ Trí Dũng nổi tiếng từ lâu. Đặc biệt, trong đợt đi trại sáng tác Nha Trang, tôi tình cờ đọc được bài thơ: Nhớ Lai Châu của ông.
Giữa mênh mông trời biển của quê hương “rừng trầm – biển yến”, nên tôi thực sự xúc động khi đọc những câu thơ đầy tình cảm và hình tượng về quê hương Tây Bắc mà ông viết trong bài thơ: Nhớ Lai Châu.
Ở Tây Bắc thì mây, núi, màu trắng hoa ban là những hình ảnh rất gần gũi với cư dân miền sơn cước. Các nhà văn, nhà thơ cũng đã tốn khá nhiều công sức và giấy mực để miêu tả những hình ảnh đó, nhưng không phải ai cũng thấy được như Nguyễn Quang Hà:
Ở Tây Bắc nghĩa là ở chung với núi
Mây vẫn giang hồ từ thuở hồng hoang
Hoa ban trắng như da con gái Thái
Nhìn suốt đời anh vẫn cứ hoang mang.
Khổ thơ đầu chỉ để tả cảnh, tả người, nhưng ông nhìn Tây Bắc một cách thấu suốt: “Ở Tây Bắc nghĩa là ở chung với núi”. Còn “Hoa ban trắng như da con gái Thái” thì quả là một cách ví von chính xác. Nếu ai có dịp ngắm hoa ban giữa đại ngàn Tây Bắc hoặc có dịp tham gia những ngày hội hái hoa ban mùa xuân ở các huyện: Than Uyên, Phong Thổ… được chiêm ngưỡng những cô gái Thái da trắng má hồng xinh như mộng trong những bộ váy áo cóm bó sát thân hình, để lộ những đường cong sơn nữ, chắc sẽ không khỏi thốt lên: “Tây Bắc là em – Em là Tây Bắc” và sẽ cảm nhận được tại sao Quang Hà lại viết: “Nhìn suốt đời anh vẫn thấy hoang mang”.
Và đây, không khí mùa xuân, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Tây Bắc với những ngày hội ném còn, hội hát giao duyên, được tác giả thể hiện trong khổ thơ thứ hai:
Tiếng khèn ai như tiếng chim trao liệng
Cho khăn piêu đỏ thắm sắc xuân thì
Quả còn bay theo chiều trái tim mách bảo
Nắng hừng lên từ đôi mắt mê si.
Những nét văn hóa rất đẹp, rất riêng của Tây Bắc, được tác giả khái quát bằng hình ảnh và màu sắc tươi tắn: Tiếng khèn, cánh chim, khăn piêu đỏ. Quả còn thì không bay theo cách thông thường mà nó đã có sự hò hẹn, có đối tượng: “chiều trái tim mách bảo”. Còn cái nhìn này, chúng ta có thể hiểu đó là cái nhìn của những người trong cuộc, hay là chính tác giả: “… từ đôi mắt mê si”.
Ở khổ thơ thứ ba là một cảnh tượng chỉ ở Tây Bắc mới có:
Cô gái Mông theo chồng xuống chợ
Chàng về say, lăn bên suối giữa rừng
Nàng vén váy, vạch đùi cho chàng làm gối
Thương con ngựa thồ gặm cỏ bờ thung!
Phụ nữ Mông vốn được chồng yêu và cũng rất yêu chồng. Ở Tây Bắc lâu, ta sẽ không ít lần gặp cảnh: Buổi sáng hai vợ chồng dắt ngựa xuống chợ. Buổi trưa hoặc chiều thì chồng say đi ngật ngưỡng hoặc nằm vắt ngang lưng ngựa cho vợ dắt về nhà. Vì trong buổi chợ, chồng đã uống rượu rất say cùng bạn bè. Cũng không hiếm cảnh những người vợ cầm ô, ngồi che nắng cho chồng ngủ say ngay bên đường, bên suối, giữa rừng. Còn cái gối ở đây, đương nhiên là chỉ có đùi vợ là êm ái nhất. Một cảnh tượng thật tình tứ trong không gian hoang sơ bên suối, giữa rừng.
Thế rồi tác giả hòa mình vào đời sống Tây Bắc:
Quán cóc chiều, em ghé tai anh nói nhỏ:
“Đệ nhất Lai Châu măng đắng, tắm truồng!”
Em cười, bón cho anh đọt măng chấm muối
Cái dây lưng xanh thắt mối đến là thương!
Tác giả đã khéo léo mượn lời của một “Em” để giới thiệu vài món đặc sản Tây Bắc. Măng đắng chấm muối ớt mà nhâm nhi với rượu Sùng Phài hay San Lùng thì còn gì thú bằng. Và “tắm tiên”, cái thú khỏa trần, hòa mình vào dòng nước trong văn vắt giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của núi rừng cũng là một nét riêng của Tây Bắc, làm cho khách phương xa chẳng khỏi ngẩn ngơ đến nỗi dùng dằng: “Đi thì cũng dở, ở không xong” (Hồ Xuân Hương). Bạn có muốn mơ mộng không? Hãy lên Tây Bắc một lần!
Bên cạnh tác giả đang có cô gái Thái với chiếc áo cóm có hàng cúc bạc (Má pém) và “Cái dây lưng xanh thắt mối đến là thương!”. Một hình ảnh hết sức gợi cảm và cũng thật tình. Nếu có cuộc bầu chọn trang phục các dân tộc Việt Nam, nhất định tôi sẽ chọn trang phục phụ nữ Thái Tây Bắc. Chắc tác giả cũng có những nhận xét ấy nên mới viết nên câu thơ tình tứ như vậy. Chúng ta hãy cùng tác giả sống như tan vào vòng xòe của đồng bào Thái Tây Bắc:
Lửa cứ reo, rượu bản mường cứ rót
Em gái xinh đẹp ơi, em làm mắt anh nhòe
Hàng cúc bạc cứ đung đưa theo nhịp trống
Anh gục đầu trong mỗi điệu xòe!
Uống rượu – Múa xòe là một đặc sản, một nét đặc trưng của người Thái Tây Bắc. Vào những đêm xuân, người ta chọn bãi đất trống lớn bên bờ suối, đốt một đống lửa to ở giữa, xung quanh đống lửa, người ta bày những hũ rượu, cả thứ rượu uống bằng bát, chén và rượu cần. Chiêng trống nổi lên tiết tấu thôi thúc. Mọi người cầm tay nhau thành những vòng tròn và bắt đầu điệu xòe. Rượu, hơi lửa rừng rực và sức ấm lan tỏa từ những bàn tay khiến ta có cảm giác chơi vơi, bồng bềnh, phiêu lãng. Bên cạnh lại là các thiếu nữ Thái say sưa, cuồng nhiệt, “Hàng cúc bạc cứ đung đưa theo nhịp trống”, thì cũng dễ hiểu tại sao tác giả bị nhòe mắt và cuối cùng thì đắm say mà “gục đầu trong mỗi điệu xòe”.
Dùng dằng mãi rồi tác giả cũng phải chia tay với Tây Bắc:
Xin tạm biệt những hoa ban Tây Bắc
Đổ đèo Pha Đin lòng dạ bồng bềnh
Chỉ ngũ sắc trên váy em đêm ấy
Thành bảy sắc cầu vồng phía trước cứ mung lung.
Say cảnh, say tình, say những nét văn hóa trên váy áo các thiếu nữ, để khi chia tay rồi lòng dạ bồng bềnh hư thực. Màu thổ cẩm của Tây Bắc làm cho tác giả mê man đến nỗi chỉ ngũ sắc thành ra “bảy sắc cầu vồng phía trước cứ mung lung”. Cái thực cái ảo đan xen chẳng còn biết đâu mà lần.
Chỉ với 24 câu thơ, cấu tứ, câu từ chặt chẽ, giàu hình tượng, Nguyễn Quang Hà đã đưa độc giả đến với hầu như khắp các nẻo đường Tây Bắc. Trước mắt chúng ta hiện ra cả một miền đất sống động, lung linh những cảnh, những người. Những nét văn hóa đặc trưng cả vật thể và phi vật thể được tác giả khéo léo giới thiệu để người Tây Bắc đọc, nhận thấy ngay là Tây Bắc.
Đọc “Nhớ Lai Châu” ta như thấm được cái tình của Nguyễn Quang Hà với Lai Châu sâu đậm nhường nào. Bởi nếu không có cái tình và sự am hiểu về vùng đất thân thương này thì tác giả không thể có được giây phút xuất thần làm nên một bài thơ sâu sắc đến như vậy .
THANH PHƯƠNG