“Nhớ ai nắng ánh, dao cài thắt lưng”

Câu thơ quen thuộc của Tố Hữu gợi nhớ về một hình rất quen thuộc của người miền núi – “dao cài thắt lưng”. Người miền núi đi đâu cũng hay mang theo một con dao cài nơi thắt lưng. Con dao là một dụng cụ lao động thông dụng, đơn giản nhưng mang chứa rất nhiều ý nghĩa với cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Con dao như vật tri kỉ với con người miền núi nói chung và Tây Bắc nói riêng. Từ lúc được sinh ra, đến khi lớn lên, trưởng thành rồi mất đi, đều có hình ảnh con dao trong cuộc sống tâm linh và sinh hoạt của họ. Những lễ nghi chào đón một em bé ra đời, đầy tháng, cấp sắc, lấy vợ… rồi ngay cả khi làm lễ để đưa tiễn một người về với tổ tiên, luôn có con dao phù thiêng bên cạnh. Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, thì văn hóa núi, rừng đã khiến người dân nơi đây cần dùng dao vào rất nhiều hoạt động: làm nương, rẫy, cắt, chặt cây,… thậm chí là săn bắt, hái lượm…

Ngày mới sinh con đầu lòng, mẹ dặn tôi để đầu giường một con dao nhọn cho em bé khỏi khóc lúc đêm khuya. Con dao như thể là bùa hộ mệnh, đuổi đi những điều xấu xa, bảo vệ một giấc ngủ bình yên cho trẻ nhỏ. Con dao nhỏ cũng hay là món quà tặng chào đón một bé trai ra đời. Nhiều nhà có con trai, trong nhà còn treo một thanh kiếm hay con dao với mong muốn cho bé trai khoẻ mạnh, trở thành người giỏi giang và là trụ cột trong gia đình. Nhớ ngày cha mất, thầy cúng cầm một con dao nhọn, cắm xuống đất và đọc những lời cúng dài để báo cáo với mường Đất, mường Trời đón bố về nơi xa được bình yên, đủ đầy… Hình ảnh con dao cứ thế gắn liền với cuộc sống của mỗi chúng tôi. Vậy mà vì quen quá nên chẳng nhận ra, cho đến khi đủ trưởng thành và chiêm nghiệm mới thấy giá trị của điều rất đỗi bình thường này.

Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong bản, trên vách tường khu bếp có treo nhiều loại dao: dao rựa, dao tông, dao phay, dao bài, dao thái, dao nhọn, liềm, dao bầu, bao bảy… Mỗi con dao có độ dài, độ dày mỏng khác nhau. Có con sống dao dày, thép sáng bóng, cán to, nhìn chắc nịch, khoẻ mạnh. Tay người cầm cũng phải là đàn ông mới dễ. Dao đó chỉ để làm việc nặng. Có con lại mỏng mảnh, vừa tay phụ nữ, để chuyên làm những công việc bếp núc, thái rau, thái chuối nuôi lợn. Có con chỉ để ông bà ngồi chẻ lạt đan lát những cái giỏ bắt cá, cái gùi đựng thóc, đựng ngô, những chiếc ghế mây… Dao thái chuối là lưỡi mỏng, rộng bản và sắc nhất. Những đứa trẻ lớn lên ở vùng núi chúng tôi, có lẽ ai cũng được nếm trải công việc vào rừng chặt chuối, rồi thả trôi cây chuối từ dốc cao xuống dưới khe, sau mới tìm lấy và khênh vác về nhà. Chỉ cần nhìn tay có vết sẹo nơi ngón tay trỏ là biết đã từng đứt tay vì thái chuối. Những năm đói kém, mất mùa, chúng tôi lại rủ nhau mang dao vào rừng đào măng, đào củ mài, củ sắn… Sự lam lũ, vất vả ấy đã góp phần tạo nên những người con của núi rắn rỏi với những kỉ niệm tuổi thơ đầy dữ dội, chưa bao giờ tẻ nhạt giữa núi rừng.

Lúc nhỏ tôi chẳng nhớ hết tên gọi các loại dao. Nhưng nghe bố mẹ, ông bà gọi tên rồi tả chi tiết từng chiếc một thì dần dần tôi cũng thuộc tên và tác dụng của chúng. Bố mẹ cẩn thận lắm, để dao theo vị trí nhất định, như nếp nhà gọn gàng ngăn nắp. Những con dao được cài trên giá bếp, không quay lưng vào nhau, lưỡi cũng không được hướng vào nhau, mũi nhọn không chĩa về nhau. Như tình làng nghĩa xóm, anh em, họ hàng luôn yêu thương, đoàn kết.

Tôi để ý có con dao cả năm chỉ dùng vài lần, thép còn mới nguyên. Có con thì dùng nhiều đến cái chuôi dao cũng nhẵn bóng mồ hôi, lưỡi dao mòn vẹt. Nhưng chẳng con nào thay thế được vị trí của nhau. Như lưỡi liềm gần như cả năm chỉ dùng đôi ba lần vào mùa gặt hoặc cắt cỏ, còn lại ít dùng đến. Ấy vậy mà gặt lúa cũng không thể lấy dao thái, hay dao phay đi được…

Ở nhà, bố là người hay dùng dao rựa, dao tông nhất. Mỗi khi vào rừng chặt cây, tre, nứa, hoặc đi giúp làm nhà, bố đều mang theo. Ở bản tôi, mỗi ngôi nhà được dựng lên đều là công lao của những người đàn ông trong bản. Họ chặt gỗ rừng từ sớm ngâm dưới ao. Chặt những cây tre, cây nứa làm sàn, làm vách. Con dao gắn với việc lớn của đời người. Cũng có khi là để thể hiện sự sẻ chia từ những điều rất nhỏ. Trước mỗi mùa mưa, bố tôi đều mang dao với rìu ra sân sau chẻ củi rồi chất đầy trái bếp. Vậy là cả mùa mưa mẹ có thứ dùng. Mùa đông cũng vì thế mà ấm áp hơn với khu bếp không bao giờ tắt lửa. Chúng tôi còn nhỏ, có lúc theo mẹ mang dao tông vào rừng tỉa cành gom củi rồi gánh về để bên cạnh đống củi to đầy thớ gỗ của bố. Tôi hay dùng những cành củi nhỏ để nhóm bếp cho nhanh. Nhưng muốn bếp có than hồng, ấm lâu thì phải cần đến những thanh củi của bố chẻ.

Mùa làm nương, bố mang theo dao quắm, với một cái chuôi dao dài khác thường, có khi dài cả mét để giúp mẹ phạt những vạt cỏ trên đồi. Tay bố nhanh và khoẻ, nên cả vùng cỏ chẳng mấy chốc đã xong xuôi. Tôi thương những giọt mồ hôi thánh thót trên mặt bố. Vậy mà bố vẫn cười giòn tan. Ngày lễ lạt, có khách, bố và các bác, các chú vật ngửa một con trâu hay con lợn đơn giản bằng dao bầu. Những ngày này lũ trẻ chúng tôi vui như mở hội. Việc bếp núc với người núi chúng tôi, không hẳn là việc của phụ nữ. Đàn ông có việc khó đều giúp. Thậm chí, đàn ông còn chế biến nhiều món rất ngon. Bố thường giúp mẹ pha thịt những con lợn rừng chắc nịch bằng chiếc dao phay mỏng mà sắc lẹm. Mẹ sấy khô những miếng thịt trên gác bếp. Món tôi rất thích ăn cùng với xôi nếp mẹ đồ. Từ bé, tôi đã luôn thấy được sự yêu thương của bố như thế dành cho mẹ. Những gì nặng nhọc, vất vả là bố cố gắng làm. Bố bảo mình làm cố một chút bằng phụ nữ cố nhiều lần. Trong nhà chỉ có bố là mài dao giỏi nhất. Tôi có ngày mài thử mà càng mài càng làm lưỡi dao cùn đi. Thế mới biết, việc nhỏ không rèn không giỏi. Bố chăm chỉ, khéo léo bao nhiêu thì tôi vụng về bấy nhiêu, có lúc bà tôi bực dọc lại nói “Dao sắc không gọt được chuôi”. Tôi vì nghĩ cho bố mà cố gắng mỗi ngày.

Mẹ hay bếp núc, nuôi trồng. Mẹ dùng những con dao thái để thái rau, thái quả, nấu ăn mỗi bữa cho chúng tôi. Mùa gặt, mẹ vất vả nhất. Tôi lớn nhất nhà nên cũng sớm được mang liềm lên nương đi gặt giúp mẹ. Có đợt giá rét, không thả trâu, bò ra bãi được, mà cỏ cũng chẳng còn mà ăn. Tôi lại lấy liềm đi cắt ít cỏ mía trồng trong góc vườn cho trâu, bò ăn. Lưỡi liềm cong cong, răng cưa sắc nhạy, bất cẩn một chút là đứt tay chảy máu, vết thương sâu. Tôi rất sợ đứt tay vì liềm nên trước khi đi gặt luôn lấy khăn cuốn tay cẩn thận. Những trải nghiệm trong lao động giúp tôi có thêm kinh nghiệm, đủ để nhắc nhở, đào tạo lũ em dần dần cũng biết làm như tôi khi tôi đã đi học xa nhà.

Mẹ tôi hiền lắm, mẹ chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Dao chăm mài thì sắc, người chăm học thì khôn”. Mẹ chẳng đòn roi bao giờ nhưng chúng tôi đứa nào đi học cũng chăm chỉ, về nhà lại giúp bố mẹ. Việc nhà nông có bao giờ hết. Cứ thế rồi chúng tôi lớn lên, trưởng thành. Tuổi trẻ bồng bột, nhưng tôi luôn hiểu được rằng, có những con dao chỉ nên để lao động, để bảo vệ và mang tới điều tốt lành chứ nhất định không phải để doạ nạt, để là phương tiện cư xử giữa con người với nhau. Đó còn là đạo lí làm người lương thiện. Tôi lớn lên, trở thành một trụ cột cho gia đình, giữ gìn nền nếp mà ông và bố tôi để lại.

Cứ như thế, những con dao đi theo chúng tôi suốt một đời. Dao cần thiết và thiêng liêng. Nó gắn với sự sinh tồn, với sự phát triển. Nó là kí ức, là kỉ niệm, là hiện tại, là văn hoá thấm đẫm ở trong mỗi chúng tôi cho tới mai sau.

Thùy Giang

         

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.