NHỎ

“Rồi chú chim én bé nhỏ ấy cũng đã có tán cây chở che qua mùa giông bão, gió giật…”. Đó là những dòng trong truyện ngắn, cũng là trang đời của Nhỏ. Mặc dù có nhiều khi Nhỏ tuyệt vọng, giấc mơ về một ngày mai tươi sáng vẫn nhen nhóm đâu đây.

Tần ngần bên khung cửa, nhìn ra bìa rừng xanh thắm sắc đại ngàn. Nhỏ ngẩn ngơ nhớ lại từng phút giây trong ký ức.

– Nhỏ, Nhỏ ơi! Nhỏ đâu rồi? Đừng bỏ em!

Lúc Út gọi thì Nhỏ đã lội xuống giữa dòng suối mùa lũ, nước ngập ngang ngực, mẹ đứng giữa khung trời sao, dang tay hiền từ đón Nhỏ, khiến nhỏ muốn lao vào ôm lấy dáng hình mẹ dịu hiền. Nhưng tiếng gọi của Út vẳng vọng vách đá, như trăm ngàn mũi dao đâm làm Nhỏ nhoi nhói lồng ngực, quả tim đập dồn. Nhỏ ngước ánh nhìn tuyệt vọng, thầm nhìn ảo ảnh mẹ lần cuối. Rồi quả quyết như khi lao xuống suối, Nhỏ quay ngoắt vào bờ, nhanh hơn cả tia chớp. Út đã nước mắt nước mũi lã chã đứng bên rặng cây cơm nguội từ lúc nào, xòe bàn tay với những ngón gầy guộc, be bé ra ôm lấy chị…

 

***

 

Sau chợ phiên có một con suối nhỏ có cây cầu gỗ bắc qua, chếch về hướng tây sẽ thấy một ngôi nhà gỗ nhỏ ấm cúng. Trước nhà là hàng cây găng được cắt tỉa cẩn thận. Hoa găng màu tím nhạt, thơm thơm ngọt mùi kẹo, quả găng màu vàng vàng ưa mắt. Sau nhà là vườn rau được chia riêng từng luống, đường đi giữa các luống được dọn cỏ sạch sẽ, kể cả rau gia vị, mùa nào thức nấy xanh tốt. Ông Mùa Chản cắm cúi ngồi vót cây giang trước hiên nhà, mọi người đi chợ qua hỏi:

– Ông Chản ơi, sao ông cứ lủi thủi làm mọi thứ một mình thế kia?

Ông Chản ngẩnh mặt lên, hắng giọng:

– Bà Lình đi chợ phiên cuối tuần rồi! Tôi vót giang tý nữa buộc lại cái hàng rào nứa sau vườn để gà không vào phá rau. Tuần trước bà ấy kêu vừa trồng lên được ít rau cải cay thì lũ gà làm nát hết.

– Vậy ông làm việc đi cho chóng xong nhé, chúng tôi đi đây cho kịp buổi chợ cuối tuần.

Ông Chản nhìn đoàn người đang đi. Có cả người già, người trẻ, còn mang theo cả trẻ con chạy lũn cũn rất đáng yêu. Nhà ở ngay sát đường nên cuối tuần, chỉ nhìn mọi người đi chợ cũng đã vui mắt. Có lúc bà còn ra mua gà do người dân nuôi, quả bí đỏ, rau su su non… toàn đặc sản từ trên nương nên yên tâm là sạch, và ngon nữa.

Con trai ông hiện đang làm việc ở thành phố, cách nhà ông bà hơn hai trăm cây số nhưng do công việc bận bịu, dăm tháng mới tạt qua nhà thăm bố mẹ được một lần mà lần nào cũng vội vội vàng vàng để đi luôn vì công này việc nọ. Con gái ông theo chồng đến làm việc ở tỉnh khác, vài năm mới về nhà ăn tết hoặc dịp hè nghỉ phép đưa con về thăm bố mẹ. Hai ông bà túc tắc chăn nuôi, trồng trọt, cuộc sống đơn giản nhưng lắm lúc nhà neo người cũng thấy lủi thủi, buồn bã. Nhìn nhà người ta đông con, nhiều cháu lại thấy tủi thân. Con trai ông đã có lần bàn đón ông bà ra phố ở cho tiện nghi, sầm uất, nhưng đi chơi vài ngày thì được, cứ ở trong bốn bức tường, cổng khóa kín – nếp sống ấy của người thành phố ông bà vốn không quen, lại nhớ hàng xóm láng giềng nên đi đâu cũng trở về ngôi nhà gỗ thân quen này sinh sống.

Ông Chản lại nhớ tuần trước, khi ông đi sinh hoạt Hội Người cao tuổi của xã, ông Vừ Sinh – bạn từ thuở niên thiếu của ông bảo: “Nhà tôi mới nhận đỡ đầu cho một cháu ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh đấy ông ạ! Cháu nó ngoan mà hoàn cảnh gia đình thương lắm vì cô chú đều ở xa, bố mẹ mất sớm nên chẳng có ai đi thăm nom gì. Cuối tuần các cháu cũng cứ quanh quẩn chơi ở Trung tâm thôi”. Ông Chản hỏi: “Nhà ông Sinh còn phải làm nương, vất vả về kinh tế thì đỡ đần được gì cho lũ trẻ chứ?”. Ông Sinh cười: “Cả tuần làm nông nghiệp kiếm ăn rồi cũng có cuối tuần nghỉ ngơi, ông Chản ạ! Với lại cháu nó cũng đi học và ở Trung tâm cả tuần. Chỉ những ngày cuối tuần tôi đón cháu về, đi chợ, nấu cơm rồi cả gia đình quây quần ăn với nhau, vui lắm đấy! Giúp được vật chất từng nào thì giúp. Chủ yếu là bù đắp cho những thiếu hụt về tình cảm của cả người già, trẻ nhỏ thôi. Hạnh phúc nhiều lúc giản dị lắm, ông ạ”.

Dòng suy nghĩ của ông Chản bị cắt ngang khi bà Lình loẹt quẹt đôi dép lê bước vào nhà.

– Ông ơi, lấy hộ tôi cái lồng gà để tôi nhốt lại đã.

– Sao bà lại mua thêm gà về nuôi thế? Nhà đã chẳng có người chăm sóc các con vật thì chớ!

– Ô hay cái ông này, tôi mua để nuôi cho lớn. Khi nào nhà thằng Măng, cái Út về thì nấu cho chúng nó ăn. Gà nhà nuôi ngon mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn gì?

Ông Chản cùng bà Lình bắt gà nhốt vào lồng, sau khi chắn lại cửa lồng gà, ông quay sang vợ và bảo:

– Bà vào nhà uống nước đi. Tôi muốn bàn với bà một chuyện…

 

***

 

Khi Nhỏ lên bảy tuổi, gia đình ấy vẫn được gọi là “nhà” như bất cứ gia đình nào ở xã Lùng Sảo này. Khái niệm về từ “nhà” thật đơn giản đối với mọi người: nghĩa là có một chốn để sinh hoạt, có bố, mẹ và các con. Song với Nhỏ, đó là cuộc sống hạnh phúc nhất mà hằng đêm nó đều nhớ lại qua những giấc mơ đầm đìa nước mắt…  Ở đó, ngôi nhà rách tươm từng mảnh, lần lượt, chấp chới bay, bay như có một trận bão vừa lướt qua.

“Xoảng!”. Cái lu cở đã mòn vẹt quai đeo, cái áo chàm thơm mùi vải mới may của mẹ, cái tô sứ đựng canh trong bữa cơm hàng ngày… đều bị ném xuống nền đất, tan tành.

Bố ôm đầu điên dại, lao khỏi ngôi nhà ba thế hệ, trước lúc trừng mắt gầm lên với ông bà nội:

– Chúng nó không phải con của tôi.

Những lời nói roi quất ấy được bố thốt ra ngay sau khi mẹ mất. Nhỏ sợ hãi ôm lấy Út. Dù đã nhắm mắt, cô giáo vùng biên giới cũng không tưởng tượng nổi về chuỗi ngày sắp tới của các con cô.

Cô gặp anh đúng vào lúc cô bỏ nắm lá ngón hoa vàng đẹp mà độc lên miệng. Chàng trai xứ núi băng rừng bằng đường tắt đã kịp trông thấy để vứt đi nắm lá, cứu mạng sống của cô. Rồi cũng chính chàng trai đó thương tình gánh lấy tiếng tăm bằng cách lấy cô. Sự khập khiễng giữa một người có học và một chàng nông dân chân chất, quê kệch được thít chặt lại bằng sợi dây thương cảm. Hơn mười năm ở với nhau, dù cô mong mỏi thế nào, họ cũng không thể có con được. Trong đợt tập huấn vào dịp hè, cô tình cờ gặp lại kẻ từng phản bội mình, thêm một lần cô xúi mình nhẹ dạ trước lời ngon ngọt của hắn với mong muốn có thêm một đứa bé, vì cô đã lờ mờ hiểu rằng chồng mình vô sinh. Bé Út ra đời trong ánh mắt vui mừng khôn xiết của người đàn ông vùng rừng nhân hậu và mặc cảm tội lỗi của người mẹ. Để rồi trước khi mất đi vì căn bệnh ung thư quái ác, cô ân hận quỳ xuống thú tội trước anh…

Nhỏ mới hơn mười tuổi, nó nào biết trên đời này có quy luật nhân quả. Nhỏ sống hồn nhiên như rừng: biết lên nương làm rẫy cùng bố, biết xuống phố học chữ với mẹ. Hồn nhiên như con thỏ rừng, con hoẵng núi. Vậy mà…

– Mày dậy chưa hở con nhỏ chết bầm của thằng cha chết tiệt dưới phố?

Nhỏ giật mình run sợ. Tiếng thím rót qua từng kẽ răng sít như tiếng gió độc sẽ sượt kẽ tai. Từ ngày bố bỏ đi, thím qua nhà đánh tiếng với ông bà nội, ngỏ ý muốn đưa Nhỏ về vì nhà neo người làm. Nhưng thím dường như chưa bao giờ hài lòng về Nhỏ, cho dù sớm tối Nhỏ chẳng nghỉ tay bữa nào. Nhỏ lẩy bẩy nhìn đôi mắt quá nhiều lòng trắng của thím:

– Hôm nay có mưa rừng, thím cho con nghỉ ở nhà một buổi. Mai tạnh mưa con sẽ đi làm cỏ ngô mà thím!

– Mày lười như mẹ mày rồi đấy! Hay mày muốn làm cô giáo để hư hỏng, chết sớm như mẹ mày? Dậy, dậy ngay.

– Bà hành hạ tôi thì được, không được xúc phạm mẹ tôi.

Nhỏ gào lên tuyệt vọng, rồi vớ lấy gùi, cuốc ở góc nhà và chạy. Trên nương, mưa xối xả, trắng xóa trời đất. Cái dáng nhỏ liêu xiêu vật vờ cuốc chệch choạng sang trái, sang phải. Chợt Nhỏ ngẩng lên, thằng Út mặt đầm đìa máu và cơm đã đứng sững trước mặt:

– Út, sao em ra đây! Bà nội đâu?

Út thổn thức:

– Đói, em xúc trộm cơm. Thấy nội vào bếp, em bê nồi chạy bị vấp té, mặt đập vào nồi…

Nhỏ ôm chầm lấy Út, khóc òa. Trời ơi, em của tôi mới hơn năm tuổi thôi mà! Ai nỡ đối xử với nó như thế, dù không phải máu mủ ruột rà thì cũng là đồng loại…

Trong mưa, bốn bàn chân đất cắm ngập vào con đường trơn trượt phía trước mặt. Nhỏ bảo Út:

– Chị em mình về “nhà mẹ” ở, không nhờ ai nữa!

“Nhà mẹ” thực ra là một cái lán được dựng tạm bợ bốn góc ở nương lúa do bản thương tình dựng tạm để xác mẹ Nhỏ trước lúc đem chôn. Mùa hè năm đó, Nhỏ đi cấy thuê để nuôi em. Mùa thu, bà nội đến, ôm hai chị em và khóc. Gò má răn reo, nội bảo vì đã già, không thể nuôi được hai bé nên đã làm thủ tục cho Nhỏ và Út vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh sinh sống. Cuộc đời hai chị em lật giở sang trang từ đó. Tuy không có vòng tay bố mẹ, nhưng sống quây quần cùng bọn trẻ và sự dậy dỗ, chỉ bảo tận tình của các cô, chú ở Trung Tâm, cuộc sống của hai chị em cũng đã tốt lên vì được chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, được học hành và gieo mầm những mơ ước ở tương lai.

 

***

 

Không ngờ dự định nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi của ông Chản được bà Lình ủng hộ ngay không do dự. Thứ hai tuần đó, bà còn giục ông cùng đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh nhận nuôi trẻ. Sau khi nhìn thấy hai chị em và nghe câu chuyện kể, ông bà nhận đỡ đầu cháu Nhỏ và Út. Bà Lình cứ sụt sùi khóc thương hai đứa mãi. Ba năm học ở Trung tâm, đến nay Nhỏ đã học lớp sáu, em Lử học lớp hai.

Sáng chủ nhật. Khi ánh nắng vàng hườm như đã rót những giọt mật ong óng ánh khắp thung lũng cũng là lúc ông bà Chản đến cổng Trung tâm đón các cháu tuần đầu tiên. Bàn tay nhỏ bé của Nhỏ cứ nắm mãi bàn tay bà Lình răn reo, còn Út thì dụi dụi cái đầu nắng cháy tóc vào vạt áo của ông Chản. Ông Chản gắt yêu:

– Nào giờ thì Út lên xe đạp ông chở về nhà, còn chị Nhỏ thì phụ bà đi chợ phiên mua đồ ăn về nấu cơm nhé!

Đi trên con đường về xã quen thuộc, ông Chản vui lắm! Út thơ ngây kể cho ông nghe chuyện đi học tuần này ở trường, líu lo vui vẻ khiến ông Chản thấy mình như trẻ lại, trở về thời còn đưa con trai, con gái đi học.

Về đến nhà, vẫn như những ngày cuối tuần khác, ông Chản lại quay sang dọn nhà cửa, ruộng vườn nhưng có thêm đứa trẻ quấn quýt, ríu ran cạnh bên. Đôi má hồng, cặp mắt sáng trong của Út khiến ông Chản vui hơn. Lúc này, ở chợ bà Lình với Nhỏ đang đi xem đủ thứ nông sản, hàng hóa bà con mang đến bày bán. Bà Lình chọn mua một con cá trôi to để nấu món canh chua mà ông Chản rất thích ăn rồi đưa Nhỏ đến hàng quần áo đủ màu ở chợ.

– Bây giờ cháu chọn thử vài cái xem hợp bộ nào bà mua cho cháu một bộ, em Út một bộ nhân dịp năm học mới này.

Nhỏ ngần ngại:

– Bà ơi, bà không phải mua cho cháu với em đâu ạ!

– Đừng ngại. Ông bà đã nhận đỡ đầu cháu rồi cơ mà, đây là món quà đầu tiên của bà dành cho các cháu.

Bà Lình nở nụ cười vui vẻ lúc nhìn thấy Nhỏ ướm thử chiếc áo sơ mi màu hồng. Bà dịu dàng lau dòng nước mắt lăn trên má Nhỏ. Từ ngày mẹ mất, Nhỏ chưa từng được dẫn đi chọn thử áo dù rằng ở Trung tâm, em nhận được nhiều phần quà của các nhà từ thiện. Bà Lình cũng xúc động lây bởi cảm giác yêu thương em gái bé bỏng sớm phải tự lập do hoàn cảnh này.

Rời chợ vào lúc mặt trời lửng lơ đỉnh dốc, bà Lình và Nhỏ hân hoan trở về ngôi nhà gỗ bên suối. Mâm cơm đạm bạc của bốn người như rộn rã hơn. Nhỏ và Út đã không còn ngại ngần, nhút nhát, tự ti như lời giới thiệu ban đầu của các cô giáo Trung tâm mà vui vẻ, tươi cười bên ông bà. Ngày chủ nhật trôi qua rất nhanh như thế.

Cuối giờ chiều, ông bà Chản thong thả đưa hai đứa trẻ trở về Trung tâm để bắt đầu tuần học mới. Ở cổng Trung tâm cũng diễn ra cảnh chia tay bịn rịn giữa các ông bà đỡ đầu và những cháu bé khác. Sự cô đơn của người già đã được khỏa lấp bằng tính hồn nhiên, yêu thương của lũ trẻ. Lúc về, ông Chản bảo:

– Tết này vui rồi đấy bà Lình ạ, ngoài dặn các con về thì mình đón cả hai chị em Nhỏ về cùng ăn tết nhé!

Bà Lình nở nụ cười hạnh phúc của tuổi đôi mươi. Ngôi nhà nhỏ của bà đã trở nên ấm cúng hơn với tiếng nói cười rạng rỡ trẻ thơ của lũ trẻ. Hình ảnh Nhỏ kéo nước cho bà rửa rau, ông Chản mổ cá còn Út thì chạy lăng xăng trong bếp khiến bà hiểu rằng niềm vui tuổi già là có con cháu nói chuyện, cùng chăm sóc nhau. Nhất định tết năm nay gia đình bà sẽ rất vui. Nhất định là như thế!

PHÙNG YẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.