Nhật ký mùa xuân

Hoàng Sơn một thời là chiến sĩ biên phòng công tác ở vùng biên ải Lai Châu. Từ khi chuyển đơn vị, nay ông mới có dịp về thăm. Giờ ông đã là một doanh nhân thành đạt. Thời gian trôi qua chẳng bao giờ trở lại, nhưng ông đã trở lại Lai Châu. Khi có cơ hội, kỳ vọng và ý chí gặp nhau như cây cỏ gặp mưa xuân thì đó là mảnh vườn cho tài năng phát triển. Đó cũng là món quà tự nhiên ban tặng cho người có chí tiến thủ. Hoàng Sơn là một người như thế.

Đã mấy chục năm qua, khi Lai Châu còn hoang sơ, Hoàng Sơn đã có mặt. Bàn chân ông bước dọc ngang từ Dào San, Vàng Ma chải, Ma Ly Pho, Sì Lở Lầu… Rồi được điều động vào cả chiến trường miền Nam chi viện, trở thành anh giải phóng quân, hun đúc cho ông bản lĩnh “bộ đội cụ Hồ”, giúp  ông có nghị lực vượt qua gian nan thử thách cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng món nợ non sông với ông vẫn còn… ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đầu thập niên tám mươi, ông chuyển ngành về quê tham gia hoạt động  sản xuất kinh doanh. Thương trường cũng là chiến trường lại rèn luyện ông thành một doanh nhân giỏi. Với Hoàng Sơn thì những nơi ông đã sống, những người ông đã gặp luôn là động lực giúp ông sống tốt.

Mong ước trở lại Lai Châu ấp ủ trong lòng không nhớ đã bao năm, nhưng nay ông mới thực hiện được. Ngày chiến sự diễn ra ông vắng  mặt là nỗi ray rứt trong lòng. Những năm mưa lũ tàn phá bản mường, ông xót xa mà bất lực. Ông nhớ, đếm từng nhà A Lử, Xeo Giao, Mẩy Pha, Tẩn Lở… họ có được bình yên? lòng ông xao xuyến.

Dẫu rằng ở vị trí nào cũng là nhiệm vụ, nhưng ông không khỏi băn khoăn. Lần này đi Lai Châu không phải là hoạt động thông thường của một doanh nhân hay người đi du lịch. Công ty ông có chương trình hỗ trợ đồng bào vùng cao khó khăn trong dịp tết và cũng còn cả lý do khác nữa có liên quan đến ông. Ông muốn tìm gặp lại một thầy giáo bản, có thể nói là ân nhân của ông – ông giáo Luân. Đã mấy mươi năm hai người bặt tin nhau, đã ngần ấy năm liệu thầy Luân có còn trụ lại ở vùng biên ải? Sống giữa thành phố Lai Châu hôm nay, nhất là người trẻ tuổi khó mà mường tượng được hoàn cảnh ở núi rừng cuộc sống công tác của cha ông thuở trước. Hoàng Sơn bỗng thấy vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Chiến sĩ biên phòng thế hệ ông không gặp ai. Người dân bản ông quen biết thì họ đã mất, ông hỏi thăm biết là con cháu của họ, nhưng họ không biết ông. Ông đến trường chỉ toàn thầy cô giáo trẻ, họ bảo ông về thành phố tìm gặp các cựu giáo chức, những người tuổi cao có thể tìm ra thông tin của thầy Luân. Hoàng Sơn bỗng nhớ thầy Luân  đến bần thần, con người mảnh khảnh ấy hiền lành mà nhanh nhẹn hoạt bát lúc hoạn nạn, thể chất yếu nhưng giàu nghị lực. Tâm trí Hoàng Sơn lùi về thuở ấy. Đó là cuối năm 1967 ông được đơn vị cho về phép tết. Có thể ông là người công tác ở Phong Thổ về phép cuối cùng. Từ Dào San về Mường Xo không gặp được người đồng hành, ông đi tiếp Mường Lự ngủ, chuẩn bị cho sáng hôm sau vượt Hoàng Liên Sơn. Đi đường bộ một mình vừa chậm vừa mệt, ông Sơn muốn có thêm người bạn cùng đi trò chuyện cho vui đỡ mệt lại đi được đường, giúp đỡ nhau lúc gặp bất trắc. Ông đang nghĩ thế thì vừa lúc đi ngang qua ngoài bản Cò Lá, có một người trong bản đi ra giơ tay vẫy vẫy vội vàng. Linh tính báo điềm lành, ông đứng lại chờ, một người có thể cũng tầm tuổi ông mặc áo bông xanh, đội mũ cối, vai đeo ba lô, chân đi giày ba ta, tay chống gậy. Hoàng Sơn chủ động:

– Chào anh, anh vẫy tôi ạ?

– Vâng, chào đồng chí bộ đội biên phòng, tôi nghĩ cái mũ của anh đang đội mới chống chọi được giá rét nơi này. Vậy anh đang đi đâu đấy?

– Về xuôi, anh ạ!

– Thế thì tôi cám ơn anh nhé, tôi đã chờ anh cả ngày hôm qua, hôm nay tôi đã có bạn đường rồi!

– Tôi cũng vậy, đang lo đi một mình!

Hai người đi bộ gặp nhau làm bạn đường, lòng họ cảm thấy sự bình an. Ở vùng cao, nơi núi cao vực thẳm đi lại khó khăn, cả thú rừng và bao trắc trở bất ngờ khác có thể gặp. Họ vừa nói chuyện vừa bước thật nhanh. Chẳng mấy chốc trở nên thân mật, trút bầu tâm sự của người xa nhà, xa quê.

Hoàng Sơn cũng nhận ra Luân là thầy giáo bản Pho San, Luân từng lên Đồn  biên phòng Vàng Chải của Sơn. Luân hai mươi bảy tuổi, Sơn hai mươi mốt tuổi thì Luân là anh. Sơn nói:

– Anh Luân à, trên đường này có công trường một trăm mười một của thanh niên xung phong đang mở đường. Ta đi nhanh đến đấy nghỉ chân vài phút!

Vượt dốc Chua Va cao vút, đi như rắn bò chữ chi, mặc cho cỏ tranh cứa xước da thịt. Lên độ cao gần ngang tầm ngọn núi đối diện, nhìn lại đường mòn vừa đi qua dưới suối sâu thăm thẳm, mây vờn ngang mặt. Hoàng Sơn đi thật nhanh, Luân cố bám theo. Luân nghĩ: “Cậu này thử sức mình đây!”. Bước nhanh túm áo Sơn, Luân nói:

– Chân biên phòng , ông giáo đấu sao nổi.

– Thế à, em giảm tốc độ nhé! Đi trên cao đây mà lòng ngập tràn mơ ước.

– Mơ ước cái gì, mình chỉ mơ  Bắc Nam thống nhất đất nước, mình vào thăm thành phố mang tên Bác Hồ.

– Thế thì cố gắng nhé! Mỗi bước chân ta thời gian Bắc Nam thống nhất lại gần!

Hai người  đua nhau chạy vượt lên trước, vừa cười vui như vỡ trận…

Bỗng Hoàng sơn khựng lại nhăn mặt, tay ôm bụng:

– Nguy rồi anh Luân ạ, sao tự nhiên em thấy đau bụng quá!

Luân nhìn Sơn ái ngại sờ vào bụng Sơn, không khí xung quanh ẩm ướt, mây trắng vờn bay và gió thổi ào ào…

– Đau đây à, đây thì không đáng ngại, chỉ sợ đau ruột thừa, ruột thừa thì ở vị trí bên này cơ! Chắc là cậu bị cái gì đó rối loạn trong bụng thôi.

Sơn nhăn nhó nói:

– Đau thế này không lẽ vỡ cả kế hoạch.

Luân bảo:

– Yên tâm, mình dìu cậu đi một lúc khỏi đau thôi mà!

Luân  dìu Sơn đi từng bước, thấy không ổn lại cõng Sơn, trầy trật cả tiếng đồng hồ. Luân vấp bật cả máu ngón chân. Sơn nói:

– Anh Luân cũng mệt lắm rồi, để em ngồi tạm đây!

– Cậu chớ coi thường mình, yên tâm tình huống này, mình đã gặp.

Hai người đi đến cây số hai tư được nửa đường, Luân nhìn thấy cái lán công trường và ta luy đất mới vỡ… Ánh nắng đã dần khép lại, anh mừng quá cõng Sơn đi tiếp, mắt Luân đờ đẫn, miệng mím lại hai chân gượng bước đến trước lán, hai cô gái thanh niên xung phong mở đường chạy ra đỡ… Hoàng hôn đổ xuống dãy Hoàng Liên dần tối mịt mùng, ở đấy tất cả đều tối, chỉ có tình người vẫn sáng thâu đêm, Sơn được Luân bón cháo và chườm ấm. Sáng hôm sau thức dậy Sơn vẫn còn đau ê ẩm. Luân muốn đi ra Sa Pa nhanh để cho Sơn vào nằm ở Bệnh viện huyện. May mắn có đàn ngựa thồ hàng từ Dào San ra Sa Pa đi qua, ông A Páo – phụ huynh của thầy Luân làm chủ. Ông A Páo dồn hàng cho Luân mượn ngựa và dắt con ngựa Sơn cưỡi đi Sa Pa. Sơn được nhập viện, bác sĩ bảo Sơn bị rối loạn tiêu hóa cấp, được tiêm và uống thuốc, đến chiều tối Sơn dứt cơn đau. Bát cháo bệnh viện cho Sơn có vài miếng gan lợn, lúc ấy thế là được quan tâm rồi. Buổi chiều ngày hôm sau  đủ lý do xin mãi, bác sỹ mới đồng ý cho Sơn ra viện. Họ đi Lào Cai ngay. Buổi tối hôm ấy, hai người lên tàu xuôi Hà Nội. Ngồi trên tàu chung ghế, Sơn dựa vào vai Luân, Luân hỏi:

– Sơn thấy trong mình thế nào?

– Có hơi mệt chút thôi, em là người sung sức, ốm đau đấy nhưng không bỏ ăn bữa nào mà, lần này gặp anh thật là may mắn…

Bỗng tàu đứng khựng lại, hành khách nhốn nháo, máy bay địch gầm rú trên trời, hành khách tản xuống hai bên đường tàu, tiếng bom nổ rung chuyển không gian, trưởng tàu thông báo cầu Bùng bị bom, hành khách xuống  đi “tăng bo”. Luân lại dìu Sơn chuyển tàu.

– Mà này – Luân nói – Sơn ở Thanh Hóa, mình ở Nam Định thì mình xuống tàu trước à? Không ổn rồi, mình đưa Sơn đến ga Thanh Hóa luôn.

– Không nên anh à, hóa ra anh đưa bệnh nhân về, thì nhà em đâm lo. Với lại đang chiến tranh đơn giản cho nó dễ, em cũng khỏe lại rồi mà.

Tàu qua ga Nam Định, họ nắm chặt  tay nhau, rồi ôm nhau thân thiết, Luân xuống ga, đi về nhà mà lòng Luân cứ băn khoăn.

Hoàng Sơn về phép là sự bất ngờ với gia đình, chẳng ai nghĩ anh được về phép tết, Sơn nói với gia đình về phép trước để sau tết đi công tác đặc biệt. Ngày mùng năm tết Sơn đã trả phép. Đến ngày mùng mười tháng giêng năm 1968 thầy giáo Luân lên Dào San trả phép, hỏi thăm tin tức Hoàng Sơn được biết Sơn đã đi B. Ngày ấy thầy Luân đưa vợ mới học sư phạm ra trường lên xin việc.

Chưa có thông tin thầy Luân ở khu vực vùng cao biên giới, Hoàng Sơn xuống thành phố tìm gặp cựu giáo chức. Cụ Tân cựu giáo chức đã bảy lăm tuổi cho biết: Thầy giáo Luân lên Tây Bắc đợt năm 1959 là liệt sỹ đánh Tàu 1979, vợ là bà Hoa – cô giáo nghỉ hưu có anh Hưng là con trai hiện đang công tác ở Phòng Giáo dục – đào tạo, nhà ở thị trấn cũ, bên ấy đang làm đường nhựa chuẩn bị lên thành phố. Nghe tin cụ Luân liệt sĩ, Sơn đau đớn vô cùng, bao điều muốn nói với ông đã tiêu tan. Sơn tìm đến nhà anh Hưng. Đứng trước nhà Sơn mạnh dạn hỏi:

– Có phải nhà anh Hưng con cụ Luân đây không ạ?

Hưng mở cửa bước ra:

-Vâng, bác hỏi nhà cháu ạ!

Ông Sơn bước vào sân:

– Chào bác -Hưng hơi ngỡ ngàng về người khách lạ, linh tính mách bảo có điều gì hệ trọng làm cho lòng Hưng bối rối. Sau khi mời khách vào nhà, Sơn nhìn tấm bằng “Tổ quốc ghi công” nhận ra ảnh ông Luân mà nước mất lưng tròng. Ông Sơn nói với Hưng:

– Mối quan hệ của tôi và bố anh có thể anh chưa biết. Cho phép tôi gọi anh bằng cháu nhé, có bao giờ cháu nghe bố cháu nói về chú không?

Hưng cũng xúc động hỏi:

– Có phải chú là Sơn, anh bộ đội biên phòng đã cùng bố cháu vượt Hoàng Liên Sơn trong một chuyến đi phép tết không ạ! Bố cháu nói về hai người, ông đã ghi lại hết cả một cuốn vở đấy chú ạ. Là cuốn “Nhật ký mùa Xuân” – câu chuyện như là một thông điệp của tình yêu quê hương đất nước, lòng dũng cảm chịu đựng gian khổ hy sinh, vượt khó khăn của cán bộ chiến sĩ ở Tây Bắc, cháu định có điều kiện sẽ in cuốn sách nhỏ làm kỷ niệm.

Từ chỗ xa lạ, Hưng thấy Sơn trở nên  gần gũi. Hưng đến mở tủ cầm ra quyển vở ghi nhật ký của bố đã đổi màu đưa cho Hoàng Sơn. Hoàng Sơn mở từng trang, ông dừng lại ở câu thơ: “Hôm nay tôi mở đầu trang nhật ký!” thời gian ông Luân ghi lúc ấy Hoàng Sơn đang cùng đồng bào miền Nam  tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân Mậu thân năm 1968.

 Huỳnh nguyên


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.