Nhân văn nghề báo

 

Nghề báo đã tạo cho Kiên thói quen đi và đi, nhiều khi anh hay đùa với mọi người đó là bệnh nghề nghiệp. Cứ một tuần mà không đi đâu ra khỏi thành phố, không khám phá ra điều gì đó mới mẻ, không biết thêm được một tấm gương hay cảnh đời khó khăn cần giúp đỡ là anh thấy bứt rứt trong người. Vậy là lại khoác ba lô lên và đi.

Tuần này địa điểm mà Kiên lựa chọn là bản Lò Suối Tủng. Đây là bản có nhiều người Giáy sinh sống nằm ngay ngoại thành. Trong bản vẫn còn một số nếp nhà cổ tường đất, mái lợp ngói, được làm những năm tám mươi của thế kỷ trước. Kiên đã căn thời gian để vào bản chụp ảnh đúng dịp những cây hồng cuối thu, đầu đông đã rụng hết lá, quả chín đỏ như những chiếc đèn lồng rủ xuống hiên các ngôi nhà ngói cổ. Khung cảnh bình yên của nhà cổ với vườn rau, cây ăn quả, giếng nước tạo cho Kiên nhiều góc chụp ảnh đẹp.

Chụp được những bức ảnh ưng ý, Kiên đi bộ rong ruổi vào sâu trong bản để tiếp tục khám phá. Qua nhà văn hóa bản năm trăm mét có một tốp người dân đang thu hái chè bên nương gần đường. Ba người dùng máy đi dọc theo từng hàng chè xanh tốt để cắt, sau đó đổ ra một tấm bạt trên ô đất trống. Một người đứng đóng chè vào bao lớn. Kiên vừa nói chuyện vừa đưa ống kính lên tác nghiệp ghi lại những hình ảnh lao động chân thực. Vô tình lọt vào ống kính của Kiên một em bé với bộ quần áo lấm bẩn nằm chơi giữa những bao chè, ánh mắt cậu cứ dõi theo ống kính của Kiên quan sát đầy tò mò.

– Cô ơi, đây là cháu cô ạ? – Kiên hỏi.

– Không cháu ạ. Nó là cháu họ của chú đang cầm máy cắt chè kia. Nhà nó ở gần đây. Nay bố và chị gái đi làm thuê không có ở nhà nên sang đây chơi. Khổ thân thằng bé, mẹ bỏ đi, hai chị em ở với bố cháu ạ!

Câu trả lời của người phụ nữ đang đóng chè thu hút Kiên quan tâm hỏi rõ hoàn cảnh thằng bé. Cháu tên là Tùng, có chị tên là Kim, bố cháu là Cương. Hai bố mẹ đều không nhanh nhẹn, khôn ngoan như người khác. Gia đình rất khó khăn, thiếu đất sản xuất, nguồn thu chủ yếu từ việc đi làm thuê của anh Cương cho người dân trong bản. Ai thuê gì thì làm đấy, đi hái chè, gặt lúa, bắt cá, làm cỏ, phát nương… tiền công được trả theo từng buổi, có ngày được vài trăm nghìn. Cũng có ngày không ai thuê. Hai vợ chồng đang chung sống hòa thuận, không đánh cãi chửi nhau gì, ấy vậy mà năm ngoái cô vợ nghe lời đường mật bỏ nhà đi theo người đàn ông khác. Hắn là tay lái buôn ở xã bên thỉnh thoảng ghé vào bản mua chó, mèo. Giờ còn ba bố con ở với nhau. Anh Cương vừa làm bố vừa làm mẹ chăm hai con.

Kiên lấy trong ba lô ra vài chiếc bánh quy đưa cho Tùng:

– Chú cho con nhé!

Tùng nhìn Kiên có phần rụt rè, nhưng vài chiếc bánh khiến mắt cậu bé sáng lên. Ngập ngừng một chút, khi Kiên đưa bánh tận tay Tùng mới dám nhận và giọng lí nhí:

– Cháu xin ạ!

Vậy là hai chú cháu bắt quen nhau. Nói chuyện một lúc, Kiên bảo Tùng đưa về nhà thăm. Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cuối xóm bên nương chè, tường trát đất, có bếp làm liền vào chái nhà. Trong nhà hầu như không có vật dụng gì giá trị. Một chiếc giường ba bố con ngủ chung. Có một cái hòm gỗ ở góc nhà đựng quần áo. Dưới bếp có hai cái nồi nấu ăn. Nhìn thằng bé năm tuổi chỉ hơn mười ba cân khiến Kiên rất thương cảm. Giờ vào nhà chứng kiến gia cảnh khó khăn thế này càng thôi thúc Kiên sẽ phải làm một điều gì đó giúp đỡ gia đình Tùng.

***

Công việc nhà báo giúp Kiên được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Mỗi lần đi là một trải nghiệm khác nhau, cũng là sự học hỏi để biết thêm về văn hóa, lịch sử, tri thức bản địa. Kiên gặp được nhiều người có kiến thức uyên bác giúp anh được mở mang. Nhưng làm báo ở vùng cao điều mà Kiên trăn trở nhất chính là những hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời éo le, bất hạnh, nghèo khổ. Họ rất cần sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng để vượt qua nghịch cảnh. Điều đó đã thôi thúc anh chú tâm tìm hiểu, tập hợp thông tin, viết bài gửi đăng trên những chuyên mục: tấm lòng nhân ái, tấm lòng vàng, cặp lá yêu thương, bạn đọc… của các báo từ Trung ương đến địa phương để kết nối với độc giả, những nhà hảo tâm chia sẻ phần nào khó khăn với từng hoàn cảnh. Cứ mỗi cảnh đời được giúp đỡ bằng ngòi bút của mình là thêm động lực để Kiên nhiệt huyết với nghề. Và đặc biệt Kiên không lẻ loi trên con đường kết nối sự nhân ái. Từ lâu phong trào nhân đạo, từ thiện đã trở thành truyền thống quý báu của tòa soạn nơi anh công tác. Dưới sự định hướng của Ban Biên tập, mỗi phóng viên đã tìm ra được niềm vui, sự hạnh phúc trong công việc ở góc độ nhân văn nhất. Đó là những bộ quần áo ấm đến với học sinh vùng cao xua tan mùa đông giá lạnh. Những suất quà đến với bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại bệnh viện. Những ngôi nhà đại đoàn kết được trao xóa nhà dột nát. Những lớp học mới được xây dựng khang trang động viên trẻ em điểm bản lẻ đi học con chữ… tất cả những điều đó có được bằng con chữ viết ra từ trái tim của người làm báo.

***

Bài viết và những bức ảnh chân thực về hoàn cảnh của Tùng nhanh chóng được hoàn thiện. Có thêm phần phỏng vấn cô Hòa hàng xóm và anh Chiến trưởng bản để thêm phần thuyết phục độc giả. Ngày hôm sau, bài viết được đăng trên Báo Điện tử của tòa soạn tại mục “Tấm lòng vàng”. Những con chữ miêu tả đầy xúc động về cậu bé năm tuổi và cô bé chín tuổi thiếu vắng tình thương của mẹ, gia đình rất khó khăn nhưng chăm học, yêu con chữ nhanh chóng lấy được sự cảm thông của độc giả. Nhất là hình ảnh người bố chăm chỉ làm thuê, cuốc mướn kiếm từng đồng để nuôi hai con ăn học khiến ai cũng phải động lòng. Khi chia sẻ bài viết trên các nền tảng mạng xã hội tòa soạn nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả liên hệ đóng góp để giúp đỡ gia đình Tùng.

Những ngày cuối năm, khi sắc đào đang ngập tràn bản nhỏ tô điểm cho từng ngôi nhà chuẩn bị đón xuân sang. Kiên cùng vài nhà hảo tâm đến trao quà tết cho gia đình Tùng. Các nhu yếu phẩm thiết yếu được chuẩn bị đầy đủ gồm gạo, mì tôm, đường, mì chính, muối, bột canh, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, bột giặt… và không thể thiếu bánh chưng, giò, thịt gà. Kiên mua cho Tùng và Kim bộ quần áo mới. Trong căn nhà nhỏ chiều cuối năm nô nức tiếng cười đùa. Tùng cũng mang ra khoe bộ quần áo và dép mới bố mua cho nhưng chờ đến tết mới được mặc. Trên dây phơi ngoài sân là mấy mét lạp sườn, dưới bếp đang đốt lửa để làm thịt hun khói. Các nhà trong bản mổ lợn ăn Tết nhờ anh Cương đến làm giúp và mỗi nhà cho vài cân thịt. Chia tay gia đình nhỏ bé của Tùng, Kiên phần nào yên tâm chuẩn bị về quê ăn Tết.

***

Về lâu dài Kiên đã xây dựng kế hoạch là phải làm gì để giúp đỡ hoàn cảnh này cho đến khi các em tối thiểu học hết cấp hai có thể tìm kiếm việc làm hoặc đến khi gia đình có khởi sắc về kinh tế. Những sự trợ giúp dù nhỏ nhưng đều đặn hàng tháng là điều căn cơ nhất để các em có cái ăn, cái mặc đến trường chinh phục con chữ. Và anh biết rằng với những mối quan hệ mà nghề báo mang lại, anh sẽ có nhiều sự giúp đỡ để đồng hành với Tùng và Kim lâu dài. Cứ nghĩ về những hoàn cảnh mà mình đã làm cầu nối giúp đỡ được, Kiên càng thêm tự hào và yêu nghề báo hơn bởi những điều nhân văn ẩn phía sau con chữ.

TRƯƠNG HUY

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.