Dân tộc Mông ở Lai Châu có nền văn hóa truyền thống phong phú, mỗi thành viên của dân tộc đều có ý thức gìn giữ để từng câu dân ca, từng điệu múa khèn không bị mai một theo thời gian. Văn hoá dân tộc Mông không chỉ được bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được thấm dần vào mọi thành viên dân tộc Mông mà những năm gần đây, người Mông ở tỉnh ta còn thay đổi tư duy, biết phát triển kinh tế từ du lịch cộng đồng. Các bản văn hóa du lịch, các quán ăn, quán cà phê mang phong cách truyền thống của dân tộc Mông thu hút lượng lớn du khách và ngoài tỉnh cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Lai Châu.
Những truyền thống văn hóa của dân tộc Mông đã phản ánh lối sống vui vẻ, lành mạnh trong cuộc sống đời thường của họ. Nền văn hóa đặc sắc thể hiện ngay trong nét đẹp phong tục sinh hoạt văn hóa như: thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, kèn lá, đàn môi; các trò chơi: đánh cù, ném pao; các bài ca trong các ngày lễ hội, tết cổ truyền; nghi lễ đám cưới, đám tang, thờ cúng tổ tiên; những câu chuyện cổ tích… Các thế mạnh này được khai thác tại Lễ hội Gầu Tào Cha (thành phố Lai Châu); Lễ hội Gầu Tào (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ; xã Dào San, huyện Phong Thổ) dịp đầu xuân mới. Các chương trình văn nghệ là bức tranh văn hóa tinh thần đa màu sắc của dân tộc Mông; các trò chơi dân gian phô diễn sức mạnh của chàng trai Mông như: tù lu, giã bánh dày, kéo co, đẩy gậy… Các cô gái lại xúng xính trong chiếc váy truyền thống của dân tộc Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thấy ý thức dân tộc và tư duy phù hợp với thời cuộc của dân tộc Mông, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch – kinh tế chung của tỉnh.
Dân tộc Mông Sin Suối Hồ, huyện PhongThổ làm giàu từ trồng hoa địa lan
Đến các bản du lịch người Mông, các đội văn nghệ quần chúng như “điểm nhấn” cho những sự kiện du lịch địa phương. Đội văn nghệ xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu), xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) là 2 trong nhiều đội văn nghệ tiêu biểu được biết đến với các tiết mục biểu diễn trong các ngày lễ của tỉnh và được khán giả yêu thích bởi vẻ mộc mạc của diễn viên là người dân trong bản. Từ việc khai thác văn hóa bản địa đa dạng, phong phú làm du lịch đã đem lại nguồn thu nhập tăng thêm cho các gia đình, tạo điều kiện việc làm cho dân tộc Mông.
Dựa vào những tài nguyên của địa phương về điều kiện tự nhiên, di sản văn hoá dân tộc, một số bản làng, gia đình người Mông đã hướng đến làm du lịch cộng đồng. Tỉnh Lai Châu có 11 bản du lịch cộng đồng thì có 5 bản du lịch của người dân tộc Mông (Bản Sin Suối Hồ – huyện Phong Thổ; Bản Sì Thâu Chải, Bản Lao Chải 1 – huyện Tam Đường; Bản Gia Khâu 1, Gia Khâu 2 – thành phố Lai Châu). Sin Suối Hồ là bản du lịch tiêu biểu theo hướng cộng đồng tại Lai Châu. Năm 2019, Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu”. Sin Suối Hồ hôm nay là một bản văn hoá, văn minh, tươi đẹp, hấp dẫn với hơn 10 hộ làm homestay du lịch. Khách đến tham quan trải nghiệm sinh thái cảnh quan như Thác trái tim, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh, trải nghiệm văn hoá Mông, gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải… Được cùng ăn, cùng ở với chủ nhà, đến với chợ phiên, du khách hiểu hơn về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống của dân tộc.
Theo chia sẻ của trưởng bản Vàng A Chỉnh, mặc dù số hộ dân làm dịch vụ du lịch tại nhà chưa nhiều, nhưng những hộ khác trong bản đều liên quan đến du lịch cộng đồng, cung ứng lẫn nhau. Có hộ chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp thực phẩm sạch, phục vụ bữa ăn cho du khách. Có hộ lại dệt vải, nhuộm chàm, làm thổ cẩm, may trang phục bằng vải lanh, thổ cẩm. Có gia đình khéo léo làm đồ thủ công mĩ nghệ. Các mặt hàng nông sản đặc trưng của người dân bán tại chợ phiên cũng là món quà du lịch được du khách ưa chuộng mua về. Mô hình du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ và các bản Mông làm du lịch ở Lai Châu có nhiều điểm mới vì đã tạo sinh kế nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đồ lưu niệm thông thường, Sin Suối Hồ còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như cây cảnh: Địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo. Địa lan là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ, mang lại thu nhập 200 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 – 600 chậu. Người dân ở đây còn trồng thảo quả, táo mèo, chăn nuôi dê cho thu nhập lớn. Anh Cứ A Dư (sinh năm 1972) ở bản Lao Chải 1, xã Khun Há (huyện Tam Đường) được coi là người tiên phong làm du lịch cộng đồng và sản xuất nông nghiệp hàng hóa của bản với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm (mức thu nhập cao hơn nhiều so với gieo trồng độc canh ngô, lúa).
Bắt nhịp với thời buổi kinh tế hội nhập, người Mông trên các rẻo cao hôm nay đã thay đổi tư duy kinh tế, từ truyền thống tự sản xuất, tự phục vụ, đến cung cấp các dịch vụ. Đặc biệt là du lịch kết hợp với nông – lâm nghiệp để gia tăng thu nhập. Dựa vào các điều kiện thuận lợi có sẵn ở địa phương để phát triển mô hình kinh tế phù hợp. Trong đó, các bản du lịch cộng đồng đang mang đến một luồng sinh khí mới, cách thức làm kinh tế mới của bản Mông, vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá, vừa phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho xã, bản, làm đổi mới diện mạo bản làng, đồng thời góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” được tổ chức tháng 12 tại tỉnh ta với sự tham gia của 13 tỉnh đã cho thấy nét đặc sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động văn hóa (thi giã bánh giầy; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam); hoạt động thi đấu thể thao truyền thống dân tộc Mông (gồm 4 môn truyền thống là tù lu, bắn nỏ, kéo co và đẩy gậy); hoạt động du lịch khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu và tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”. Sự kiện tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Cùng với các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và nhà nước dành cho các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng như sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vươn lên của người dân, các bản người Mông ở Lai Châu, tin rằng việc thay đổi tư duy, gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa sẽ phát huy hiệu quả, du lịch cộng đồng được nhân rộng, tạo đời sống ấm no cho bà con nơi biên cương của Tổ quốc.
NGUYÊN KHANG