Người đi qua lũ

Mấy hôm rồi, xã Bản Hoa bị lũ quét, làm thiệt hại nhiều nhà cửa, đường sá, hoa màu, trong đó có cả trường tiểu học của xã. Từ sáng sớm, những thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đã cùng với các chú bộ đội đến sửa sang lại. Đến gần trưa, những cây que, những nhầy nhụa bùn đất trên sân trường đã được thay thế bằng sân bê-tông. Tuy còn loang lổ chỗ ướt chỗ ráo, xong đã hứa hẹn buổi học trở lại của các em học sinh vùng cao. Khi những âm thanh hổi hả của buổi lao động đã tạm lắng. Bỗng có tiếng kêu ré lên của một cô giáo. Không phải tiếng gọi… Hình như cả tiếng khóc:

– Anh! Trời ơi anh! Anh tôi! Mọi người ơi!

Anh tôi… anh tôi đây rồi!

Mọi người nhìn lên, lạ thay. Một anh bộ đội và một cô giáo của trường vừa ôm nhau vừa khóc.

– Tâm! Ôi em tôi! – Tiếng anh bộ đội, rồi lại tiếng cô giáo.

– Anh…!

Mọi người xúm lại, tình cờ họ được tận mắt chứng kiến cuộc hạnh ngộ đầy bất ngờ. Sau hồi trấn tĩnh, dưới mái hiên lớp học, anh chàng sỹ quan quân đội tay không rời tay em. Giọng nói có chút nghẹn ngào kể lại câu chuyện của mình lẫn trong tiếng thổn thức khôn nguôi của người em gái.

***

Năm 1973, khi miền Bắc đang gồng mình vừa chống chọi với bom Mỹ, vừa ra sức lao động sản xuất chi viện cho miền Nam. Do ở quê nhiều bom Mỹ, cuộc sống cực nhọc mà vẫn không đủ ăn. Vợ chồng ông Phú, người thì tàn tật, người thì yếu đuối, cảnh nhà túng quẫn đã ôm con tản cư ra Hà Nội, làm thuê tại bến con sông Hồng. Hàng ngày họ để con lê la trong lán, bà tham gia đội than từ xà lan lên bờ. Còn ông Phú mắt mờ, thì được ngồi một chỗ nắm than. Cả gia đình bốn người ở nhờ túp lều nhỏ, che tạm bằng giấy dầu. Vợ chồng cặm cụi hòng duy trì cuộc sống tạm bợ qua ngày. Tuy khổ cực nhưng vẫn hơn ở quê, vì có việc làm, còn có bữa cơm bữa cháo. Những tưởng cuộc đời yên ả, nào ngờ: Một ngày lũ về, nước sông Hồng dâng cao, buổi tối cố tranh thủ làm thêm, vợ ông, người là chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình, đã sa chân ngã xuống sông. Mặc dù, chẳng có ai nhìn thấy đích xác nhưng vự ông đã mất tích cùng mảnh cầu gỗ từ tàu lên bờ. Mọi người tá hỏa đi tìm dọc bờ sông mấy ngày mà chẳng thấy. Thế là bà vĩnh viễn ra đi, bỏ lại người chồng mù cùng hai đứa con nhỏ bơ vơ nơi đất khách quê người. Có người bảo: “Anh nên đưa các cháu về quê”. Nhưng ông quyết không rời nửa bước, vì ông không tin là vợ ông đã chết. Ông sợ bỏ đi, rồi có ngày bà ấy tìm về mà không thấy bố con ông.

Không còn cách nào khác, cuối cùng lưng ông cõng đứa nhỏ, tay dắt thằng lớn, đi ăn xin. Ít lâu sau, phần khóc thương vợ, phần thì cuộc sống vất vưởng nên sức khỏe ông sa sút nghiêm trọng. Còn con mắt cuối cùng cũng chỉ nhìn đời bằng một màu đùng đục. Đến lượt thằng lớn dắt cha, ba cha con, nheo nhóc, bìu ríu nhau trông chờ vào sự bố thí của những người khách tốt bụng nơi bến tàu bến xe. Một hôm, trong lúc cùng cực, đứng không còn vững, thương đứa con gái nhỏ khóc suốt đêm, bây giờ lại khóc vì đói, ông nghẹn ngào:

– Có ai không? Giúp tôi với, nuôi hộ tôi con bé này. Cho cháu được sống, để cháu… cháu sẽ chết theo tôi mất.

– Không! Không được cha ơi! Con không cho ai… không.

Mặc thằng lớn kêu gào thảm thiết cũng không cản được ông. Có vài người lại gần, nhìn cảnh ba cha con, cha thì tiều tụy, con thì nheo nhóc đến tội nghiệp. Có hai người dáng vẻ hiền lành. Có lẽ họ là vợ chồng, anh chồng là người dân tộc thiểu số, vận đồ chàm, nói tiếng phổ thông lơ lớ. Cô vợ cất tiếng hỏi.

– Cháu mấy tuổi rồi hả anh?

– Cháu năm tuổi cô ơi! Cô… cô… hộ tôi được không cô? Tôi xin cô đấy, nghe tiếng cô nói, tôi biết cô là người phúc hậu… Cô

thương cháu với… Cô để tôi nói với cháu vài câu, xong cô…

Chẳng đợi người kia có đồng ý hay không, ông quay sang con bé:

– Con đi với cô nhé! .. tha tội cho bố! Mẹ con sẽ phù hộ cho con. Cô sẽ thương con, đi với bố, con sẽ chết mất.

Ông quay ra rỉ tai thằng lớn điều gì, nó giãy đành đạch. Mặc kệ! Rồi ông quay sang vợ chồng nhà nọ:

– Cháu tên Tâm cô nhé! Cháu ngoan lắm, trăm sự tôi nhờ cô… đi đi cô!

Rồi ông tức tưởi lôi thằng lớn: Đi nào Đức.

Đức giật mạnh khỏi tay bố chạy đến bên em… Xong, sợ bố đi mất, nó chạy theo. Chợt nhớ ra điều gì, nó quay lại, móc trong túi quần ra một mảnh vỏ sò, cái thứ mà hôm qua nó còn tranh nhau với em đến mức em khóc thét nó còn không cho. Trong vô vọng, nó chạy theo bố mà mắt không rời đứa em đang khóc cho đến khi khuất hẳn. Thế là anh em lạc mất nhau từ đấy.

Sau khi giải phóng miền Nam, ông không dám quay về quê. Vì về thì biết ăn nói sao đây? Nhân lúc có người ở ngoại thành đón ông về trông coi lều vịt. Thế là cha con ông về theo người ta. Hàng ngày, thằng Đức đi chăn vịt, còn ông thì ở nhà làm việc vặt. Nhờ đó mà bố con ông cũng có cơm ăn, áo mặc, lại có nơi ở, tuy tạm bợ nhưng còn hơn là đi hành khất. Một đêm nọ, ông Phú đau bụng đi ngoài, nhức mỏi toàn thân lại sốt cao. Đức nghe mọi người, giã lá cho bố uống, ai mách gì làm đấy. Nhưng bệnh của ông mỗi ngày một nặng, đến khi toàn thân ông co rúm như con tôm, ông chủ lều vịt cố cầm cự đến sáng mới nhờ được người khiêng ông lên bệnh xá. Nào ngờ, đến nơi, bác sỹ bảo: “Quá muộn!”. Ông Phú đã trút hơi thở cuối cùng vì căn bệnh thương hàn biến chứng. Do sợ lây nhiễm nên việc chôn cất ông cũng gặp không ít khó khăn. Cuối cùng, bệnh xá cũng nhờ được vài người chôn cất ông.

Gần tối, Đức quay về lều vịt thì thấy, từ ngõ vào một màu trắng toát của vôi bột. Thì ra, ông chủ lều vịt tẩy uế do sợ căn bệnh thương hàn lây lan. Nhận ra điều phiền toái, Đức đã lánh đi… Trời tối dần, Đức lang thang mà chưa biết đi đâu. Khi ngang qua vườn chuối, Đức lẻn vào vặt trộm mấy quả xanh ăn cho đỡ đói. Nhìn lên cây, thấy bầy chim ríu rít về tổ mà lòng se sắt.

Một mình ngồi trên triền đê. Đến khuya, thỉnh thoảng vẫn có chiếc ca nô xuôi dòng. Dưới ánh trăng mùa hạ, nhìn dòng sông Hồng lấp loáng, mà Đức không khỏi hờn trách nó, vì nó đã cướp mất mẹ của Đức… Bất giác Đức nghĩ: “Con tàu kia sẽ về bến, con nước thì về biển, còn mình… ngày mai mình sẽ đi đâu về đâu?”. Trong đêm tối, Đức thấy đời mình mờ mịt, chỉ còn nỗi nhớ là mênh mông. Đức nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ em. Nó không khóc mà nước mắt cứ trào ra, rồi nó khẽ gọi: Mẹ ơi!

Gần khuya, Đức mò mẫm chui vào ca bin của một chiếc xà lan, nằm gọn trên ghế, ôm đầu co do như con mèo. Đã lâu rồi, Đức mới có một đêm nằm mà không nghe tiếng ngỗng kêu cứu, tiếng vịt loạc quạc… Cả mùi tanh của nước hồ lẫn trong mùi hôi thối của chuồng vịt. Tiếng sóng nước vỗ vào thân xà lan oàm oạp, tiếng gió thổi hiu hiu, bỗng trở thành lời ru ngọt ngào đưa hắn chìm vào giấc ngủ. Rồi Đức mơ… mơ về một túp lều nhỏ, ở đó có cha, có mẹ, có cả cái Tâm động tý là ngoạc cái mồm ra. Đức mơ mình được chính tay mẹ xới cho một bát cơm đầy, múc một muôi canh, cái thứ nước canh rau dền đỏ, chan cơm trắng. Đến khi trời sáng mà Đức vẫn chưa tỉnh mộng.

– Dậy! Này, ông tướng, sao lại nằm đây?

Đức bật dậy, chưa kịp định thần thì lại nghe tiếng người đàn ông:

– Ơ! Thằng Đức, sao mày lại nằm ở đây?

Đức dụi mắt, thì ra anh An, người lái xà lan vẫn về đậu trên bến này. Hàng ngày Đức đi chăn vịt, vẫn hay ra đây chơi với anh, tuy tuổi tác khá chênh lệch, xong anh An coi Đức như một người bạn. Sau hồi trò chuyện, hiểu được tình cảnh của Đức, anh rủ:

– Thế thì đi chơi với tao!

Được thể, Đức theo anh, thế là từ đó nó trở thành đứa không nhà, không cha, không mẹ, lang thang, kiếm được cái gì thì bỏ vào mồm cái ấy. Có khi theo bọn trộm cắp móc túi, đến mức họ bắt được, đánh cho nhừ tử. Sau vài lần như thế, Đức bị Công an bắt. Rồi họ gom những đứa như Đức vào trung tâm bảo trợ xã hội. Ở đó Đức được ăn cơm, được học chữ, học nghề. Ít năm sau, Đức tìm về quê. Cái ngày tìm về gặp lại người thân, là một câu chuyện dài, ai cũng bùi ngùi vì cảnh gia đình ông Phú tha thương cầu thực mà lại đến nông nỗi ấy.

Đức ở nhờ nhà chú ruột một thời gian, nghe tin có đợt tuyển quân chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc. Chỉ nghe nói: “Đi bộ đội… lên biên giới” là mắt Đức sáng lên. Vì có lần Đức gặp một người vận đồ giống như người đã đón cái Tâm, Đức hỏi họ bảo: “Đấy là người dân tộc Mông ở vùng cao biên giới”. Từ manh mối ấy, đã thôi thúc Đức sớm đi tìm lại cái Tâm, đứa em mà nó nhất mực thương yêu, người ấy với nó là huyết nhục, là hai giọt máu duy nhất của bố mẹ còn sót lại trên cõi đời này.

Đức tình nguyện nhập ngũ, bổ xung cho mặt trận Hà – Tuyên. Sau nhiều trận chiến ác liệt, ơn giời! Bom đạn đã tránh cậu. Khi dải biên cương tạm yên cũng là lúc Đức bắt đầu hành trình đi tìm em. Từ đấy, đi đâu, gặp ai Đức cũng dò la tin tức. Được nghỉ phép anh cất công sang Lào Cai, Lai Châu. Tìm cả chục năm trời, nhờ bao nhiêu người, nhắn gửi hàng trăm tin. Vậy mà em gái của anh vẫn bặt vô âm tín. Năm tháng trôi đi, Đức đã lấy vợ, có con. Giờ đây đã là một sỹ quan quân đội mà không sao quên được hình dáng người em gái tội nghiệp lúc chia tay.

***

Hôm nay, đơn vị do Đức chỉ huy, được lệnh vào giúp nhà trường khắc phục hậu quả trận lũ quét. Từ sáng, có mấy chiến sỹ cùng các cô giáo, vừa lao động, vừa chuyện trò ríu rít. Tình cờ khi hỏi thăm nhau về quê quán, họ mới biết, quê cô giáo Lý ở Thanh Hóa.

– Thế thì cùng quê với thủ trưởng của em rồi! – Một chiến sỹ nói.

Khi thấy bóng Đức, anh ta mau mồm:

– Thủ trưởng ơi! Ra mà nhận đồng hương này!

Đức đủng đỉnh vừa đi vừa nhắc chiến sỹ thực hiện nốt công việc, xong mới quay sang hỏi xã giao.

– Sao lại có người Thanh Hóa ở đây nhỉ? Cô ở huyện nào? – Đức hỏi.

– Dạ. Thật ra, em sinh ra ở Thanh hóa, huyện nào thì em không được biết vì em xa quê từ nhỏ mà.

– Bố mẹ cô hiện đang ở đâu? Còn khỏe không?

– Mẹ em mất lâ…âu rồi! Bố em thì không biết thế nào… nhưng mà thôi anh ạ, chuyện nhà em dài lắm, nói có mà hết ngày.

– Không! Tôi xin hỏi một câu này nữa thôi

– Như thần giao cách cảm, Đức cảm nhận được điều gì đó đang đến rất gần, anh gấp gáp: Cô tên là gì?

– Dạ! Em tên là Lý.

– Tên Lý là… tên thật! Hay… cô còn tên nào khác không?

– Dạ! Tên Lý là mẹ nuôi em đặt cho .. còn lúc bé em…

– …Tên Tâm đúng không? – Đức cướp lời!

– Vâng ạ! Sao anh biết?

– Không nhẽ… Em gái tôi đây! Có phải mẹ em xin em của một người đàn ông mù ở Hà Nội… đúng không?

– Vâng! Đúng rồi! Em còn có một anh trai… lúc đi, anh ấy còn tặng cho em một vỏ sò, hay… chính là anh!

– Trời Tâm! Em tôi!… Em tôi đây rồi!.

– Anh! Trời ơi anh! Anh tôi! Mọi người ơi! Anh tôi… anh tôi… anh tôi đây rồi…

Một cảm giác vỡ òa, mọi người có mặt ở đấy không ai cầm nổi nước mắt. Hóa ra: Bấy lâu cứ uổng công tìm kiếm ở đâu xa xôi, có khi trên đường đời này, anh em đã có đôi lần chạm mặt. Hạnh phúc ngay trong tầm tay đây, mà chẳng hề hay biết. Họ thầm cảm ơn cuộc sống đã soi sáng niềm tin. Cảm ơn đất nước vượt qua muôn vàn sóng gió, đem lại cuộc sống bình yên cho muôn người, trong đó có anh em họ. Ơn những người đã vì nghĩa đồng bào mà cưu mang, giúp đỡ anh em họ vượt qua những lúc nước sôi lửa bỏng. Và hơn cả là: Ơn bố mẹ đã sinh thành, nay lại run rủi cho hai con tìm lại được nhau. Chắc lúc này, nơi suối vàng, ông bà sẽ rất ấm lòng vì con của mình đã qua rồi những sóng gió, họ đã có nhà và từ đây lại được sống có nhau.

XUÂN CƯỜNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.