Người Dao Tuyển với các nghi lễ cầu may trong ngày tết

Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán người Dao Tuyển lại nhộn nhịp náo động với không khí lễ tết. Cùng với nhiều nghi lễ, nghi thức cầu cúng những điều may mắn tốt lành sẽ đến với làng bản và gia đình mình trong năm đó. Cả làng sẽ tập trung đóng góp lương thực, thực phẩm để làm lễ cầu may cho gia đình và làng bản được may mắn trong năm mới. Địa điểm cúng thường là nhà trưởng bản, ông trưởng bản sẽ đứng ra làm chủ trì lễ cúng của làng, cùng với một ông thầy cúng có uy tín nhất trong làng. Trong lễ cúng làng thì ngoại trừ những lễ cúng, bài cúng cầu may cho làng bản, cho các gia đình các thành viên trong cộng đồng làng bản người yên vật thịnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, người Dao Tuyển còn tổ chức những nghi lễ lấy nước lễ lấy củi và lễ đi săn rất sôi động nhộn nhịp với sự tham gia say sưa của các thành viên trong làng bản.

Lễ lấy nước (mạy oảm).

Lễ lấy nước được tổ chức ở từng gia đình vào sáng sớm ngày mùng 1 tết. Người thực hiện lễ lấy nước là ông chủ nhà. Ông ta mang hương và giấy tiền vàng cùng với hai cái bát, một bát đựng nước mang từ trong nhà ra. Đây là chiếc bát nước năm cũ để ở chân bàn thờ trong nhà. Dù bát năm cũ không còn nước thì từ ngày hôm trước ông chủ nhà cố ý đổ vào khoảng trên lưng bát nước. Khi ra đến ngoài bờ suối hay mạch nước gần nhà, ông ta sẽ lẳng lặng ngồi và đặt giấy tiền vàng, đốt 3 que hương cắm bên cạnh vị trí đặt tiền vàng và bát nước của năm cũ. Sắp xếp mọi thứ được như ý, ông ta sẽ dùng chiếc bát mới múc đầy bát nước suối lên đặt cạnh bát nước năm cũ rồi thực hiện bài khấn cầu may. Bài khấn này ông ta khấn cúng đến thần nước, với nội dung như sau: “ Cầu thần nước phù hộ cho gia đình tôi, ai cũng khoẻ mạnh, làm ăn chăn nuôi được nhiều may mắn, luôn có nguồn nước về nhà và về đồng ruộng. Đđể người được uống nước mát, cây cối mùa màng được tốt tươi, gia đình sẽ không quên ơn thần nước, nay mời thần nước về nhà cùng ăn tết với gia đình….”

 Phụ nữ dân tộc Dao Tuyển ở xã Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ làm trang phục truyền thống. Ảnh: Văn Thắng

Sau đó, ông ta lấy hai bát nước cầm lên xem bát nào nặng hơn, nếu bát nước mới nặng hơn thì gia đình năm đó sẽ được khoẻ mạnh may mắn, mùa màng không bị hạn hán, sẽ luôn có đủ nước dùng cho sinh hoạt và cho lao động sản xuất nông nghiệp. Khi đã khấn xong ông ta sẽ châm lửa đốt giấy vàng để tiến cúng cho thần nước “pầu man” rồi cầm hai bát nước về đặt ở chân bàn thờ đến hết mấy ngày tết mới bỏ đi. Đến đây là kết thúc lễ lấy nước đầu năm mới.

Lễ lấy củi (tù thàng)

Lễ lấy củi thể hiện ước nguyện cho các gia đình ngày 3 lần bếp đỏ lửa, mọi người được no đủ, không phải chịu cảnh thiếu thốn. Do đó mà lễ “tù thàng” trở thành một nghi lễ rất quan trọng trong quan niệm cũng như trong tín ngưỡng của người Dao Tuyển ở Lào Cai. Để thực hiện nghi lễ này ông chủ cúng sẽ chọn một số thanh niên nam, nữ khoảng 6, 7 người đều chưa có vợ, có chồng sẽ tham gia thực hiện lễ lấy củi cùng với thầy cúng. Những người được chọn đã có mặt đầy đủ theo yêu cầu của thầy cúng, họ sẽ phải mang dao và dây buộc để đi vào rừng lấy củi.

Trước khi vào lễ lấy củi, ông thầy cúng lại phải cúng cầu xin thần rừng cho phép đoàn người vào rừng lấy củi đem về để đun nấu trong gia đình mình, thầy cúng phải cúng khấn xin phép thần rừng (canh man). Vì trong quan niệm của người Dao Tuyển luôn cho rằng vị thần quan trọng nhất vẫn là thần rừng, muốn vào rừng lấy củi sẽ phải xin phép thần rừng. Ông thầy cúng khấn xin thần rừng và báo tên những người sẽ đi vào rừng lấy củi để thần rừng và tổ tiên biết mà che trở bảo vệ khi họ xuất hành.

Sau khi thầy cúng hành lễ xong. Ông ta tung một nắm gạo lên bàn thờ rồi ra hiệu cho tất cả những người được chọn đi vào rừng lần lượt ra ngoài nhà nối tiếp nhau tiến về phía khu rừng gần nhà để đi lấy củi. Khi đến rừng mọi người chỉ được chặt các cành củi khô bó thành bó vác về nhà. Họ tuyệt đối kiêng không được chặt các cây còn đang sống ở xung quanh đó. Quan niệm rằng ngày đầu năm đi vào rừng không được phép mạo phạm đến thần rừng (canh man), cho dù thầy cúng đã xin phép thần rừng, nhưng họ cũng phải kiêng không được chặt cây tươi trong rừng mà chỉ được phép lấy cây khô.

Khi mọi người mang củi về đến nhà, ông thầy cúng sai một người mang củi  vào bếp để đun nước uống. Đây là củi đầu năm nên nó rất có ý nghĩa, do vậy họ dùng nó để đun nước pha chè mang lên cho thầy cúng tiến cống tạ ơn thần rừng đã cho phép mọi người vào rừng lấy củi và đã phù hộ họ được khoẻ mạnh an toàn lấy được củi về nhà. Tất cả những người đi lấy củi về được gia chủ dọn một mâm rượu và mời ngồi vào mâm, mọi người trong làng bản sẽ vào nâng chén chúc mừng, vì đã lấy được củi về nhà đem được lửa về. Đó là biểu hiện của sự no ấm  cho cả làng bản trong năm mới.

Lễ đi săn (phăn cùm zày)

Lễ đi săn là một trong những nghi lễ khá quan trọng của người Dao Tuyển, nó có thể được tổ chức kéo dài hết ngày mùng 2 tết, cùng với nhiều nghi lễ khác. Khi bắt đầu vào lễ đi săn ông thầy cúng khấn mời tổ tiên (chá thến) với thần thánh để cầu mong sự phù hộ che trở cho con cháu luôn được khoẻ mạnh. Để có thể vào rừng săn được nhiều thú mang về cho bản làng, cầu xin thần rừng (canh man) cho phép được vào rừng để săn bắn. Trong nghi lễ cầu cúng đi săn thì thần rừng (canh man) là vị thần có vai trò rất quan trọng, do đó họ luôn phải cúng xin thần rừng thật cẩn thận chu đáo. Vì người dân tộc quan niệm rằng thần rừng là vị thần cai quản tất cả các cánh rừng và cây cối muông thú, chim chóc, do đó con người muốn vào rừng chặt cây hay săn thú đều phải xin phép thần rừng. Nếu không sẽ bị thần rừng trừng phạt, không những không săn bắn được thú rừng mà còn gặp phải những tai ương rủi ro, có khi còn bỏ mạng trong rừng khi đi săn.

Gia đình chủ nhà sẽ dọn sẵn một mâm cơm đặt ở gian nhà giữa cùng với đầy đủ các lễ vật như lợn luộc, gà luộc, bánh chưng, cơm nếp, rượu…để thầy cúng thực hiện lễ cúng mời thần thánh, sau khi cúng xong ông chủ nhà sẽ mời mọi người có mặt trong nhà ngồi vào mâm ăn uống vui vẻ. Những người được ông chủ nhà mời ngồi vào mâm phải đợi thầy cúng làm lễ xin phép ma thầy, tổ tiên, thần rừng cho phép làm lễ cúng đi săn (cùm zày). Ông thầy cúng ngồi trước bàn thờ,  cầm lệnh bài gõ ba tiếng xuống bàn, rồi rung 3 hồi chuông. Sau đó tung một nắm gạo lên bàn thờ khấn xin phép thần thánh phù hộ cho con cháu trong làng bản năm nay luôn được khoẻ mạnh, săn bắn gặp nhiều may mắn. Khi ông thầy cúng ngồi cúng trước bàn thờ thì ông chủ nhà sẽ điều hành mấy thanh niên mang bức tranh vẽ hình con hươu hoặc con nai ra đặt ở vị trí trước cửa nhà chủ nhà với khoảng cách 20 – 25m, bức tranh này được vẽ từ trước. Mọi người chọn ra một người vẽ giỏi nhất để vẽ hình con thú lên tờ giấy gió khổ rộng khoảng 40 x 60cm sau đó tờ giấy được đóng nẹp ở bốn xung quanh tạo thành một cái khung chắc chắn, có 2 chân để khi bước vào nghi lễ họ sẽ cắm hai chân đó xuống đất thật vững vàng.

Sau khi thầy cúng làm xong các thủ tục cần thiết, mọi người đã ngồi yên vị trong mâm cơm, qua mấy tuần rượu. Chúc tụng nhau xong ông thầy cúng hoặc ông trưởng bản sẽ rót đều các chén cho mọi người trong mâm rồi nói:“Năm nay làng ta tổ chức lễ cúng cầu may như thường lệ, để cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với làng bản, để được yên ổn, người yên vật thịnh, mọi người đều khoẻ mạnh không bị ốm đau bệnh tật, mưa thuận gió hoà, mùa màng sẽ tốt hơn, xong mùa thu hoạch mọi người có thể vào rừng săn bắn được thú rừng về làng bản… bây giờ thầy cúng đã xin phép thần rừng (canh man) cho phép dân làng ta được vào rừng để săn bắn rồi, mọi người cùng uống rượu để đem những điều may mắn về gia đình nhà mình đi…”  Tất cả mọi người đều nâng chén rượu uống vui vẻ. Lúc này ông chủ nhà đã chuẩn bị sẵn một khẩu súng kíp đã nhồi thuốc dựng ở bên cạnh cửa ra vào, khi mọi người uống rượu xong ông ta sẽ nói xin phép thầy cúng cho mình được đi săn (phăn cùm zày), ông thầy cúng ngồi trước bàn thờ gõ lệnh bài xuống bàn thờ 3 tiếng rồi tung một nắm gạo lên bàn thờ xin phép thần thánh tổ tiên phù hộ cho người đi săn được may mắn, bắn chúng được con thú…. Sau khi thầy cúng cúng xong sẽ ra hiệu cho người cầm súng xuất hành đi săn, trước khi đi  mọi người trong mâm sẽ rót rượu mời ông chủ nhà và chúc ông lên đường đi  săn gặp nhiều may mắn, ông chủ nhà nhận rượu uống rồi vác súng lên vai đi ra ngoài, ông ta đi thật rón rén như tư thế đi rình bắn thú, khi đến khoảng cách khoảng 15m thì ông ta dừng lại ngồi ngắm bắn, khi ông ta bắn súng nếu như bắn trúng thì mọi người hoan hô vỗ tay và khi quay trở lại mâm sẽ được mọi người mời uống rượu và coi như rượu thưởng vì đã bắn trúng con thú và đem được nhiều điều may mắn về cho cả gia đình và làng bản trong năm đó. Nếu bắn không trúng thì sẽ bị phạt rượu và lại chờ cơ hội đến lượt sẽ bắn lại vào lần sau. Đến lượt người khác đi bắn họ lại lấy súng và  xin phép thầy cúng cũng như mọi người có mặt trong mâm cơm để ra ngoài đi săn. Ông ta đi luẩn quẩn khoảng 2 vòng rồi lại rón rén ngồi vào tư thế thuận lợi để ngắm bắn, nếu bắn trúng thì được mọi người hoan hô và thưởng rượu chúc mừng. Nếu bắn không trúng sẽ bị phạt rượu, khi bắn xong sẽ lại lấy gói thuốc súng của mình ra nhồi vào nòng súng và dựng súng vào nơi quy định để đến lượt người khác đi bắn.

Cứ thế, lễ săn thú diễn ra lần lượt của từng người có mặt trong nhà ông chủ cúng để cầu mong những may mắn trong việc săn bắn sẽ đến với mình và gia đình, làng bản mình trong năm đó.

Phạm Hoan

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.