Người Cống ở Lai Châu ăn tết cổ truyền

Tết Ngô còn có tên gọi khác tết “mùa Mưa”.  Đó là tết cổ truyền, cái tết lớn nhất trong năm của đồng bào Cống ở Lai Châu.  Hiện nay, người Cống ở Lai Châu có khoảng hơn 2000 người tập trung ở hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè. Tuy dân số không nhiều, nhưng đồng bào Cống vẫn giữ được những giá trị văn hóa riêng và lễ hội tết Ngô là một trong những nét văn hóa đặc sắc từ ngàn xưa.

          Cũng như bao gia đình đồng bào người Cống ở bản Nậm Khao xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, để chuẩn bị cho tết Ngô năm nay, hai vợ chồng ông Chang Văn San đeo gùi vào rừng từ sớm để chọn những ống tre bánh tẻ xanh nhất mang về chẻ nan đan giỏ quà cho các cháu. Ông San phấn khởi: “Tết ngô nhiều thủ tục lắm, những tôi và vợ vui nhất là còn sức khỏe để làm ra những giỏ quà cho con cho cháu. Theo quan niệm của người Cống chúng tôi, năm mới người già sẽ phát lộc cho con trẻ là các thứ quà bánh dân gian, và món quà ấy nhất thiết phải đựng trong những giỏ tre như thế này. Theo tục lệ vào sáng mùng một đầu năm mới các cháu đến nhà mừng tuổi ông bà, sau đó ông bà sẽ trao những giỏ quà cho các cháu, điều này không thể thiếu trong dịp tết Ngô cổ truyền”.

         Chỉ có người già mới được sắp lễ dâng cúng tổ tiên

         Cơm lam không thể thiếu trong lễ tết Ngô của người Cống

            Còn với gia đình ông Lý Văn So bước sang ngày 1/6, ông dậy từ rất sớm, thúc giục cả nhà nhanh chân ra suối tắm gội và lấy nước về dâng lên tổ tiên. Với quan niệm tắm suối sớm để gột rửa cho thân thể sạch sẽ chào đón một năm mới nhiều may mắn phúc lộc, và nước không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình người Cống. Ông So cho biết:Tết Ngô được tổ chức sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng. Theo cách tính của người Cống, thì Tết vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch khi mùa mưa về ấy là khi vụ ngô đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Để đón Tết Ngô, người Cống thường phải chuẩn bị trước đó nửa năm như nuôi cho con lợn thật béo, con gà săn thịt và trồng cây ngô thật sai bắp để cuối năm trình báo thần linh tổ tiên”.

Trước ngày tết, gia đình sẽ có một buổi họp để phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho cái Tết được trọn vẹn, chu đáo nhất theo đúng phong tục truyền thống. Trong mâm lễ dâng cúng không thể thiếu trên ban thờ của người Cống đó là những món được chế biến từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc, rượu ngô và những sản vật của núi rừng để dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên cầu mong đấng thần linh phù hộ, độ trì cho con cháu năm tới có mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Bánh ngô được làm từ ngô nếp non tẽ hạt đem xay mịn, rồi trộn đều với mật ong. Sau đó dùng lá dong gói lại, đem đồ chín rồi chọn 4 chiếc tròn đẹp nhất thể hiện 4 mùa trong năm. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp, được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên, khi cơm chín có mùi thơm của ngô nếp non quyện với hương thơm gạo nếp tỏa ra một mùi hương quyến rũ. Đây là những món ăn truyền thống được làm bằng ngô non sau khi thu hoạch nên nó mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến thần linh, tổ tiên. Ngoài ra, trong mâm lễ của người Cống còn phải có thịt lợn, gồm thủ, đuôi và chân thể hiện mong ước đầu xuôi đuôi lọt. Riêng phần nội tâm của lợn sẽ luộc khoanh tròn đặt vào lá dong cạnh thủ lợn, điều này thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên. Ngoài ra còn có thịt gà, cơm ngô, nấm rừng, ngọn rau bí, cơm lam, cá suối nướng… . Đặc biệt không thể thiếu 12 con cua đá tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Đồng bào người Cống ở Nậm Khao quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô được trồng xuống đất, mọc mầm, chuột và chim muông đến phá hoại, cua sẽ dùng càng đuổi những con vật phá hoại đi. Sau khi bắt cua dưới suối lên bà con làm sạch, tách đôi, moi hết thịt cua và nhồi bột ngô vào mình cua rồi lắp lại thành hình con cua đem đồ chín sau đó bày lên bàn thờ cùng các lễ vật khác. Theo như lời của già làng nơi đây thì mọi lễ vật khi dâng lên bàn thờ tổ tiên phải được làm chín, kiêng bày đồ tươi sống. Trong cuộc sống mới hiện đại, lễ vật dâng cúng trong tết ngô không bắt buộc phải đủ đầy, mâm lễ cúng tổ tiên có thể nhiều hay ít món, tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình.

Bước sang ngày đầu năm mới, sau khi dâng cúng tổ tiên thần linh xong, cả nhà sum vầy bên mâm cơm gia đình chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Và một điều kiêng kỵ, ngày mùng một các thành viên trong gia đình thoải mái đi chơi chúc tết, riêng chủ nhà không được đi với quan niệm cột cái phải giữ nhà, đón khách.

Trong những ngày Tết mọi người đến thăm nhà nhau, chúc tụng, uống chén rượu ngô non, ăn cái bánh ngô mới, cầu cho gia chủ một năm mới gặp nhiều may mắn phát đạt, bình an. Khi các nghi lễ đã thực hiện xong trong ngày đầu tiên, buổi tối và các ngày tiếp theo, mọi người tập trung tại nhà văn hóa bản cùng hòa vào các vũ ngày mùa và thưởng thức các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại có nhiều biến thiên, nhưng văn hóa truyền thống trong tết Tết Ngô của người Cống ở xã Nậm Khao đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

                                                                             Hà Minh Hưng

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.