Nghĩ về mẹ trong ngày 30 tháng 4

         Đã 44 năm, ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày vui đại thắng, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ngày vui của nước mắt tuôn trào này ta lại nghĩ về mẹ. Đó là mẹ Tổ quốc Việt Nam, đất nước của những con người trái tim, tình yêu cuộc sống, khát khao hòa bình như cơm ăn, nước uống, không khí thở hàng ngày. Đó là mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của những người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Một đất nước qua 30 năm chiến tranh của thế kỷ 20 đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được 16 tháng thì Thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta. Chúng ta lại tiếp tục kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ và đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu/ Chấn động địa cầu” vào ngày 7 tháng 5 năm 1954. Ta lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm (1954 – 1975). Đây là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, khốc liệt mà chúng ta phải gánh chịu sự hy sinh mất mát vô cùng lớn lao. 10 triệu người là nạn nhân của cuộc chiến tranh, 670.000 gia đình đã cống hiến trên một triệu người con đã hy sinh, hơn 300.000 quân nhân mất tích, trên 600.000 thương binh, 187.000 bệnh binh, 2 triệu người dân chết, 2 triệu người thương tật, 38.251 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Như vậy, những anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh là nhân chứng của cuộc chiến tranh chính nghĩa lâu dài, gian khổ của dân tộc ta. Nhưng nếu chỉ dừng ở sự mất mát, đau thương, về sự hủy diệt thì ta chưa thấy được sự ngang bằng hoặc hơn như quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima nước Nhật sau chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc năm 1945 đã làm hàng triệu người Nhật hủy diệt và mang biến chứng lâu dài. Thì ở Việt Nam, Mỹ đã dùng trên 80 triệu lít chất độc da cam/đi-ô-xin diệt mầu xanh cây cỏ của rừng và đồng ruộng. Chất độc đã làm 4 triệu người nhiễm, 500.000 trẻ em dị dạng gây di chứng qua nhiều thế hệ. Thảm họa này là thảm họa còn nhắc mãi về sự khủng khiếp, tàn bạo do Mỹ dùng bom nguyên tử đối với Nhật và chất độc da cam đối với Việt Nam. Đó là thứ vũ khí vượt ra ngoài bom đạn mà loài người đã lên án cấm dùng. Nhưng trong nỗi đau thương mất mát, người chịu đựng lớn nhất, hơn ai hết là 117.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ là linh hồn của những người con ngã xuống, mẹ là biểu tượng đẹp nhất không gì sánh nổi trong cuộc đời này, mẹ đã đi vào huyền thoại, mẹ là lời ca bất hủ mãi mãi ngân vang không bao giờ tắt.

Khi đất nước vẫn còn bóng giặc, những đứa con lần lượt nối tiếp nhau ra chiến trận. Buổi chia tay, mẹ không hề bịn rịn. Khi con cháu của mẹ chưa đến tuổi thành niên đã háo hức, ước ao thành anh bộ đội thì mẹ đã hứa và khuyên: “Mẹ bảo con cố gắng học cho nên người/ Mai khôn lớn mẹ cho đi bộ đội”.

Phút giờ con trở về nhà sau trận chiến với giặc, mẹ thao thức chong đèn suốt canh thâu vá từng chiếc áo rách để kịp ngày mai con ra chiến trường. Cũng chính bàn tay chai sạn của mẹ đã đào hầm giấu cả binh đoàn dưới lòng đất. Tiếng cuốc đào suốt năm canh mang nặng tình đất nước. Chả vậy mà khi mẹ đào hầm tóc mẹ còn xanh, đến cuối cuộc kháng chiến mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Mẹ chở che, nuôi nấng các chiến sĩ như thể ai cũng là con đẻ của mẹ. Đàn con ấy là cán bộ cách mạng. Cả cuộc đời mẹ hy sinh cho Tổ quốc: “Ba lần tiễn con đi/ hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im…”. Bởi vì mẹ đã đoán biết sự hy sinh ấy là lẽ tất nhiên của chiến tranh, cuộc đời mẹ thấu hiểu ngọn nguồn đau thương quá nhiều rồi. Và con của mẹ là các anh hùng, liệt sỹ đã ghi vào đài bia nghĩa trang, tạc vào trang sử vàng chói lọi của đất nước.

Mẹ Việt Nam anh hùng ơi! Chúng con xin chia sẻ nỗi buồn và niềm kiêu hãnh, thiêng liêng trong những ngày tháng tư hào hùng, rực lửa chiến công, niềm vui tràn ngập đất nước. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để chúng ta có những ngày hòa bình, dựng xây hôm nay.

Thanh Luận

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.