Nghệ thuật trong truyện thơ Thái

Dân tộc Thái có chữ viết từ rất sớm nên ngôn ngữ và văn học dân gian khá phát triển, đặc biệt là truyện thơ. Hiện nay, đã có hàng trăm truyện thơ được sưu tầm và lưu giữ trên các Bảo tàng, Thư viện một số tỉnh Tây Bắc và người dân. Trong đó đã có hơn năm chục tác phẩm được công bố.
Các truyện thơ được dân tộc Thái trân trọng, nâng niu, yêu thích đến say mê và xem như một thứ tài sản tinh thần vô giá bởi truyện thơ đã khai thác nội dung của các cốt truyện dân gian và sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ của dân tộc.
Truyện thơ có nghĩa là kể truyện bằng thơ, tiếng Thái thì gọi là “quam khắp xư” có nghĩa là kể truyện bằng ngâm hát hay truyện kể diễn ca….
Trước hết là một số đặc điểm cơ bản về nội dung của Truyện thơ Thái.
Đặc điểm thứ nhất là nội dung cốt truyện chủ yếu được sáng tạo từ hai nguồn chính là dân ca và truyện cổ dân gian
Kho tàng thơ ca dân gian dân tộc Thái rất phong phú và đa dạng. Tuy vậy, truyện thơ Thái dựa trên nội dung của dân ca chiếm tỷ lệ lại không nhiều. Qua khảo sát, chúng tôi chỉ thấy có hai tác phẩm được sáng tạo từ dân ca, đó là: “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) và “Chim Yểng” (Nộc Yểng).
Nghiên cứu nội dung cốt truyện của truyện thơ so sánh với dân ca, chúng tôi nhận thấy: dạng truyện thơ dựa trên nội dung của dân ca đã bước đầu xây dựng một hình hài cốt truyện riêng. Thông thường, ở dân ca, nội dung chỉ mới dừng lại ở những mảng tâm trạng khác nhau nảy sinh trong những hoàn cảnh khác nhau thì ở truyện thơ Xống chụ xon xao. Những mảng tâm trạng đó đã được tác giả dân gian xây dựng thành cốt truyện gồm ba phần rõ ràng: mở đầu với sự gặp gỡ, hẹn ước; cao trào với những tai biến; kết thúc với việc đoàn tụ. Nhưng, ở truyện thơ Chim Yểng, cốt truyện không có trường đoạn tai biến. Nội dung cốt truyện của truyện thơ còn đơn giản và khá lỏng lẻo, đôi khi có phần không logic, không có những tình tiết phức tạp, không có những thử thách…
Kho tàng truyện cổ dân gian của dân tộc Thái cũng rất phong phú và đa dạng. Do vậy, đã có rất nhiều truyện thơ được sáng tạo dựa trên nguồn cốt truyện của truyện cổ dân gian. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều truyện thơ được sáng tạo trên cơ sở truyện cổ dân gian như: truyện thơ Hiên Hom (dựa trên truyện cổ dân gian Nàng Hiên Hom và chàng Cầm Đôi), truyện thơ Khun Lú Nàng Ủa (dựa trên truyện cổ dân gian Khun Lú Nàng Ủa), truyện thơ Ý Nọi Nàng Xưa (dựa trên truyện cổ dân gian Mẹ con nàng Hổ)… Về cơ bản, truyện thơ dựa hẳn vào cốt truyện có sẵn của truyện cổ dân gian (đa số tên tác phẩm vẫn được giữ nguyên). Tuy nhiên, truyện thơ đã biến đổi, thêm thắt hoặc giản lược một vài chi tiết trong truyện cổ để phù hợp với cách nhìn nhận mới của một thể loại mới về cuộc sống, xã hội.
Phân tích một số truyện thơ cụ thể ở dạng truyện thơ dựa trên cốt truyện của truyện cổ dân gian, chúng tôi nhận thấy hầu hết các truyện thơ ở dạng này đều sử dụng khung cốt truyện của truyện cổ dân gian một cách khá hoàn chỉnh. Tức là, truyện thơ tiếp thu nguyên vẹn khung cốt truyện chính của truyện cổ dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu khẳng định một số truyện thơ là sự mô phỏng, sự diễn ca cốt truyện cùng tên của truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, sự sáng tạo của truyện thơ được thể hiện trong nội dung của tác phẩm. Truyện thơ đã thêm bớt, chỉnh sửa, thay đổi một số chi tiết trong nội dung cốt truyện để tạo thành một tác phẩm mới, phù hợp với đặc trưng thi pháp của một thể loại mới. Vì thế, truyện thơ phát triển thành một thể loại hơn hẳn về chất so với truyện cổ dân gian.
Đặc điểm thứ hai là truyện thơ Thái có mô hình cốt truyện không thuần nhất
Tức là có cả cốt truyện theo mô hình kết thúc có hậu và cốt truyện theo mô hình kết thúc bi kịch. Trong đó nội dung cốt truyện theo mô hình kết thúc có hậu là phổ biến nhất, nhưng cũng có truyện thơ có cốt truyện theo mô hình kết thúc bi kịch, tuy không nhiều nhưng lại mang tính đặc trưng và tiêu biểu cho truyện thơ Thái.
Truyện thơ kết thúc có hậu: Trong bộ 3 tập “Quam khắp xư” (Truyện thơ và trường ca dân gian Thái), chúng tôi chọn 24 truyện thơ để nghiên cứu thì có tới 22 truyện thơ có nội dung cốt truyện theo kiểu “kết thúc có hậu”. Nội dung cốt truyện theo kiểu này xuất hiện ở cả các truyện thơ về đề tài đấu tranh xã hội, đề tài lịch sử và đề tài tình yêu.
Những truyện thơ về đề tài tình yêu như: Xống chụ xon xao, Kén Kẻo, Xông Ca – Xi Cãy, Nàng Phôm Hom… đã kế thừa hình thái của thể loại truyện cổ dân gian, cấu trúc theo ba chặng: Gặp gỡ -> Tai biến -> Đoàn tụ.
Mở đầu truyện bao giờ cũng là cảnh trai gái gặp gỡ và hẹn ước, sau đó họ gặp những trắc trở làm cho hai người phải chia ly, rồi cuối cùng họ lại được cùng nhau đoàn tụ trong hạnh phúc gia đình ấm êm.
Nội dung cốt truyện kết thúc có hậu còn xuất hiện nhiều ở những truyện thơ thuộc đề tài lịch sử và đề tài đấu tranh xã hội. Đó là các tác phẩm như: Tõng Đón – Ăm Ca, Ca Đông, Ý Nọi nàng Xưa, U Thễn, Thi Thỗn… Những truyện thơ này đều có chung một mô hình nội dung cốt truyện như sau: Cuộc sống bình yên -> Gặp tai biến -> Hưởng hạnh phúc.
Tuy nhiên, để tạo nên nội dung cốt truyện kết thúc có hậu, truyện thơ Thái đã sử dụng: yếu tố thần kỳ, yếu tố ngẫu nhiên và yếu tố khác thường. Ở truyện thơ Kén Kẻo, để tạo nên một kết thúc có hậu, tác giả dân gian đã phải nhờ cậy vào yếu tố thần kỳ. Nàng Inh Xe đã được bà Da Xửa (hiện thân của hình tượng Bụt trong truyện cổ dân gian) cứu giúp khi nàng bị lạc ở rừng sâu, rồi sau đó nàng lại được cứu sống bởi lá thuốc hồi sinh… Trong những lúc nàng Inh Xe tưởng như rơi vào hoàn cảnh bi kịch nhất, thậm chí là chuẩn bị đi vào cõi chết thì yếu tố thần kỳ đã xuất hiện giúp cho nàng có đủ sức mạnh vượt qua tất cả để đi tới thắng lợi cuối cùng. Tình tiết Mák Hổ Xút – một đứa trẻ nhỏ tuổi mà thông minh và tài trí hơn người trong truyện thơ Xông Ca – Xi Cãy biết xử kiện là chuyện khác thường. Nếu như không có sự xuất hiện của nhân vật Mák Hổ Xút thì Xông Ca và Xi Cãy sẽ không được tái hợp cùng nhau. Yếu tố khác thường ở trong truyện thơ này là sự biến thiên của yếu tố thần kỳ thường xuất hiện trong truyện cổ dân gian.
Với những truyện thơ về đề tài lịch sử và đề tài đấu tranh xã hội, sử dụng yếu tố kỳ diệu cũng là một trong những biện pháp quan trọng để tạo nên một kết thúc có hậu. Nhân vật Ý Nọi ngày càng trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc là nhờ vào sự che chở của hồn người mẹ, Ý Đón sống được giữa rừng sâu là do sự phù hộ của ông Trời.
Như vậy, yếu tố thần kỳ ở đây đóng vai trò quan trọng. Nhờ yếu tố thần kỳ mà tác giả dân gian đã thể hiện được khát vọng và ước mơ của mình, đó là: cái chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng, cái phi nghĩa bao giờ cũng bị trừng trị thích đáng. Nhân vật chính dù có phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, đau khổ thì cuối cùng vẫn được hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
Về Truyện thơ kết thúc bi kịch: Qua khảo sát các tác phẩm trong bộ “Quam khắp xư” đã lựa chọn vào nghiên cứu, chúng tôi chỉ thấy có hai tác phẩm là: Khun Lú – Nàng Ủa và Hiễn Hom là có nội dung cốt truyện theo kiểu kết thúc bi kịch. Chúng tôi có thể khái quát mô hình nội dung cốt truyện theo kiểu “kết thúc bi kịch” của truyện thơ Thái như sau: Gặp gỡ và yêu nhau -> Bị ngăn trở, rẽ duyên -> Một hoặc cả hai đều chết -> Vẫn tiếp tục yêu nhau -> Tiếp tục bị ngăn trở -> Mãi xa nhau. Phần nội dung kiểu này chỉ có ở truyện thơ Thái, còn ở hầu hết truyện thơ các dân tộc thiểu số khác chỉ dừng lại ở phần nội dung yêu nhau nơi trần thế. Ở đây, bi kịch của con người chưa dừng lại mà được mở rộng hơn. Bi kịch của con người trong cuộc sống trần thế tiếp tục được lặp lại và phát triển trong một cuộc sống mới nơi mường ma, mường Trời. Do vậy, nội dung cốt truyện của truyện thơ Thái là nội dung cốt truyện có kết thúc bi kịch nối tiếp bi kịch.
Truyện thơ Thái đi vào lòng người không chỉ bằng nội dung mà nó còn cuốn hút lòng người bởi khả năng sử dụng một cách tinh tế và tài tình của nghệ thuật ngôn ngữ. Đó là các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, nhân hóa…
Ẩn dụ: Trong lời văn nghệ thuật của truyện thơ Thái, biện pháp ẩn dụ được sử dụng khá nhiều. Bên cạnh giá trị gợi tả, biện pháp ẩn dụ giúp cho nhân vật biểu lộ được những điều không muốn trực tiếp nói ra hoặc không thể diễn tả hết bằng lời. Ở truyện thơ thường ví người yêu của mình với những vật quý giá nhất: “Kẻo nhọt phạ” (ngọc trên trời), “Kẻo nhọt lạn” (ngọc trên núi), “Kẻo bun pẵn” (ngọc cao quý), “Lả bók mạy” (hoa rừng quý), “Hua chaư” (trái tim),… Phép ẩn dụ được sử dụng trong hoàn cảnh này khiến cho nhân vật có thể bày tỏ được tình yêu và lòng quý trọng của mình đối với người yêu. Biện pháp ẩn dụ sử dụng với tần số khá cao ở đa số truyện thơ.
So sánh: So sánh là biện pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong lời văn nghệ thuật của truyện thơ Thái. Hầu như ở bất kỳ đoạn thơ của tác phẩm nào cũng tìm thấy một vài phép so sánh. Chẳng hạn như vẻ đẹp của chị trong truyện Xống chụ xon xao được so sánh như sau:
Nịu mữ xuổi hom búa cãi na
Hang ta xuổi hẵm pũ lả li. [T1, tr 19].
(Ngón tay thon lá hành
Đôi mắt đẹp như lá trầu xanh).
Vẻ đẹp của Khun Lú và nàng Ủa:
Mỗng ngãm nả cữ tiên xaư xóng
Lả bók mạy xuôi cóng cữ lau pụn hã. [T1, tr 70].
(Thấy mặt đẹp như tiên rọi sáng
Mình thon tựa vót, như vừa đúc khuôn).
Hoặc: Khun Lũ kĩnh khao xaư chum kẵm pan tẻm
Nả máy mọm kĩnh xuổi đắng lau
Mơn ngãm piễng mũa bàn khay máư. [T1, tr 70].
(Chàng Lú đẹp nõn nà như vẽ
Mình thon tựa vót mặt trắng hồng
Ngắm tưởng mùa ban nở).
Không chỉ so sánh về vẻ đẹp ngoại hình, lời văn nghệ thuật của truyện thơ Thái còn sử dụng triệt để biện pháp so sánh những cái trừu tượng hơn:
Pháư to phép nháư xưỡng phép luỗng
Phép luông xưỡng phép phạ
Phép cả xưỡng phép Mạnh Tông
Hã chí bũa au mạy cang kéo mã bông
Bũa au mạy cang đông mã pông cang bản. [T1, tr 20].
(Ta ước phép lớn như phép rồng
Phép to như phép trời
Phép cao như phép Mạnh Tông
Ta sẽ hóa phép nhổ cây trên núi về ương
Lấy cây trong rừng về trồng giữa bản).
Có khi là lối nói so sánh tương phản, trùng điệp theo cách nói xiết xương thường thấy trong dân ca Thái. Đoạn chàng Lú so sánh người yêu với nàng Mành để thể hiện lòng chung thủy của chàng Lú:
Dũ va nãng Mãnh tữ bók khen ven mữ xọn cỏi cõ lai
Cọ báu to Ủa Piên nọi tữ bók bai đin cu nã
Lĩn lĩn chung hống pãnh Nãng Ủa hã nã
Dũ va xửa khát hiển chăm nựa cọ hák pỡng chàư. [T1, tr 108].
(Dù nàng Mành đeo nhẫn vàng đầy ngón, vòng ngọc đầy tay
Cũng không bằng Ủa Piện nhỏ đeo vòng mây đất
Anh yêu nàng một dạ khăng khăng
Dù cho nàng áo rách phơi da cũng đẹp).
Phép so sánh trong lời văn nghệ thuật của ngôn ngữ thơ Thái được sử dụng với nhiều kiểu dạng khác nhau: kiểu so sánh cái cụ thể với cái cụ thể, so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng, so sánh cái trừu tượng với cái trừu tượng, so sánh ngang bằng, so sánh hơn kém… nhằm thể hiện một cách đầy đủ cách cảm, cách nghĩ của người Thái về thiên nhiên, con người, tình yêu và các mối quan hệ xã hội.
Nhân hóa: Biện pháp nghệ thuật nhân hóa cũng được sử dụng phổ biến trong truyện thơ Thái khiến cho thiên nhiên gần gũi hiện lên sống động như chính cuộc sống của con người:
Cộp nưng ca cẵm họng tễnh hua lai mú
Mẵn cọ bìn xót xẻo luông pựn họng ók xiêng cỗn.
[T1, tr 115].
(Bỗng chốc, bầy quạ đen kêu toáng trên đầu
Chúng chao đi liệng lại trên cao, kêu thành tiếng người).
Hoặc trong truyện Xống chụ xon xao:
Ta vễn tốc mã lỏ
Ta vễn tắm mã lỏ
Ta vễn chăm nả phai
Ta vễn cai pai chãn hưỡn chụ
Ta vễn kiểu hiễu hẹ hiễu hang chí tốc
Ta vễn kiểu hiễu hốc hiễu xãng chi căm xia lo
Ta vễn tốc ta vễn báu chữa
Ta vễn mữa ta vễn báu thả. [T1, tr 12].
(Mặt trời sắp rụng rồi
Mặt trời xuống thấp rồi
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sân nhà người tình
Mặt trời cuốn ngọn dang sắp lặn
Mặt trời cuốn ngọn tre ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn mặt trời không rủ
Mặt trời lên mặt trời không chờ).
Hình ảnh mặt trời ở đây được nhân hóa như hình ảnh của con người, cũng dùng dằng, lưu luyến và chứa đầy tâm trạng như chính tâm trạng của Chị. Tác giả dân gian đã dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, mượn bức tranh ngoại cảnh làm cái cớ bày tỏ bức tranh tâm trạng thầm kín của cô gái.
Việc khai thác có hiệu quả các cốt truyện, xây dựng kết cấu mô hình cốt truyện cùng với việc sử dụng tài tình những biện pháp nghệ thuật ngôn ngữ đã đưa truyện thơ Thái trở thành một tác phẩm dân gian tuyệt hảo nhưng gần gũi, bình dị và giàu chất trữ tình.

(1) Địa điểm vách đá có hang đá trong câu chuyện là có thật. Ở sông Đà quãng giữa từ xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu xuống Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Tài liệu tham khảo:
1. Cầm Cường (1993), Tìm hiểu văn học dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Truyện thơ, Trường ca dân gian Thái, Tập 1, Tập 2, Tập 3. Hội Văn nghệ và Sở Văn hóa Thông tin Sơn La xuất bản năm 1997, 1998.

CÀ CHUNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.