Nghệ nhân tâm huyết giữ gìn vốn quý của dân tộc Thái

 

Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Thái, ông đã dành hơn nửa cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán dân tộc Thái (ngành Thái trắng). Ông là Nghệ nhân Ưu tú Điêu Văn Thuyển – Chủ tịch Hội Người Cao tuổi thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bản sắc văn hóa hun đúc từ cội nguồn truyền thống

Nghệ nhân Ưu tú Điêu văn Thuyển đón chúng tôi ở đầu cầu Pa So, cây cầu bắc qua dòng Nậm Na, con sông đẹp như cô gái Thái tuổi xuân thì, con sông cung cấp nguồn nước tưới tiêu chính cho ruộng đồng bà con người Thái quanh năm tươi tốt. Trong trang phục truyền thống và nụ cười hào sảng, ông Thuyển mời chúng tôi về căn nhà nhỏ tại thôn Hữu Nghị (thị trấn Phong Thổ) – nơi đây là địa chỉ quen thuộc ngày ngày các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái vẫn thường xuyên gặp gỡ trao đổi.

Là người đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái, từ nhiều năm nay ông Điêu Văn Thuyển đã dành nhiều thời gian, tâm huyết và công sức cho việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, dân tộc Thái. Nay ở cái “thất thập cổ lai hy” hàng ngày, ông vẫn miệt mài cùng các cao niên, những người yêu văn hóa dân tộc Thái chăm chút gây dựng phong trào bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc qua các lớp truyền dạy, các câu lạc bộ…

Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển sinh ra và lớn lên ở xã Chăn Nưa, vùng đất xưa thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Lai Châu (cũ), nay là huyện Sìn Hồ. Chăn Nưa là vùng đất màu mỡ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ, được dân gian truyền tụng là nơi “chim trời, cá nước”. Địa danh có cánh đồng Nà Cày phì nhiêu, là vựa thóc của người Thái trắng nơi đây.

Rót chén trà xuân nồng đượm hương, qua những bức ảnh đen trắng đã hoen màu thời gian, ông Thuyển lật giở những hồi ức xa xưa. Thuở nhỏ, cậu bé Điêu Văn Thuyển hay lẵng nhẵng theo chân cha và các mo then đi xem thực hành nghi lễ của bản, của mường, như lễ hội “Nàng Han”, lễ mừng cốm mới “Kin Lẩu Khẩu Mẩu”, hay các lễ “Xên bản, Xên Mường…”. Những dịp như thế, mắt cậu bé xứ Thái vùng Chăn Nưa không khi nào rời những cuốn sách có chữ Thái cổ trên tay các thầy mo. Vì thế, những phong tục, tín ngưỡng, lời then, các điệu dân ca, dân vũ đã ăn sâu vào tâm trí Điêu Văn Thuyển từ khi nào không biết.

Nghệ nhân Ưu tú Điêu Văn Thuyển truyền dạy chữ Thái cổ viết tay cho bà con dân tộc mình

Yêu văn hóa dân tộc từ nhỏ, lớn lên Điêu Văn Thuyển học sư phạm, chọn nghề thầy giáo về dạy chữ cho con em đồng mình, ngoài giờ trên bục giảng, thời gian còn lại ông vào bản gặp gỡ trao đổi các thầy cúng, các cao niên những người giữ trong mình những giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi nhất. Ông cần mẫn ghi chép, sưu tầm những cuốn sách cổ, ông tranh thủ khi những “báu vật văn hóa dân gian sống” đang còn minh mẫn để nghiên cứu, học viết chữ Thái cổ một cách bài bản nhất.

Nghệ nhân Điêu Văn Thuyển kể: Những năm 60 của thế kỉ trước, thế hệ các ông, ngoài học chương trình giáo dục chung, thì mỗi vùng dân tộc được học thêm chữ viết của dân tộc mình. Sau này, phong trào ấy không còn và chữ Thái mới ra đời có nhiều thay đổi, những cơ bản vẫn trên cái gốc của chữ Thái cổ. “Nếu như ở chữ Thái cổ dùng nhiều nét nhọn, bằng và dài, thì chữ Thái mới nhiều nét vòng, nét tròn và ngắn” – ông Thuyển nói.

Năm 2005, gia đình ông cùng hơn 40 hộ người Thái bản Chiềng Chăn (xã Chăn Nưa) chuyển lên nơi ở mới theo chương trình dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Chẳng ai muốn rời quê hương bản quán đi, nhưng “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc,” bà con sẵn sàng chuyển đến nơi ở mới, nhường đất cho lòng hồ thủy điện. Định cư trên vùng đất mới, bản làng được nhà nước xây dựng kiên cố, nhiều nhà sàn được chuyển lên, cũng có nhiều căn nhà đượ xây mới. Cùng với cuộc sống hiện đại, nhiều mái nhà cổ lợp đá đen, nhà sàn thưng ván, nay được thay thế bằng mái tôn. Cùng với cuộc vận động phong trào xây dựng nông thôn mới, bản làng kiên cố, hiện đại, có đường giao thông nông thôn sạch đẹp, nhiều phương tiện giao thông về bản thuận lợi hơn trước. Các quán karaoke mọc lên nhiều, bà con sắm đủ các máy nghe nhạc hiện đại có loa với công suất lớn, kèm theo đó là những bản nhạc rock, nhạc sàn được cách tân. Bởi lẽ đó, những giai điệu tính tẩu, những câu hát giao duyên cũng thưa dần.

“Trong cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa dân gian đang bị mai một. Từ lâu, đồng bào người Thái vẫn tự hào là dân tộc có cả tiếng nói và chữ viết. Nhưng thực tế, thế hệ trẻ hôm nay không mặn mà lắm với văn hóa dân tộc mình. Thế hệ chúng tôi cố gắng gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc được chừng nào quý chừng ấy…” – ông Thuyển trăn trở.

 

Gìn giữ lan tỏa bản sắc dân tộc cho tương lai

Năm 2011, ông Điêu Văn Thuyển là thành viên Mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” (VTIK). Sau này ông tham gia cộng tác Thái học Việt Nam, là thành viên trong tổ biên soạn các tài liệu về từ vựng Tiếng Thái vùng Mường Lay, ông tham dự nhiều các hội nghị, hội thảo về Bảo tồn phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông càng nhận thấy cuộc sống hiện đại đang làm phai nhạt, thậm chí ngày càng mai một đi những giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

Như tìm thấy cánh cửa, ông tìm về thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ), vùng tái định cư của bà con người Thái xã Chăn Nưa ngày trước. Về bản, ông tập hợp cao niên và những  người yêu văn hóa Thái, bước đầu ông xây dựng đội văn dân gian. Mới đầu chỉ là đàn, sáo, hát cho nhau nghe những bài dân ca truyền thống, nhằm vơi đi nỗi nhớ bản xưa, mường cũ. Ngày đầu thành lập đội văn nghệ khoảng 10 thành viên. Đội văn nghệ do ông phụ trách tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ, trình diễn nhạc cụ, phục dựng các lễ hội truyền thống, ngày càng thu hút các thành viên tham gia, có thời điểm lên đến gần 40 người sinh hoạt đều đặn vào các ngày cuối tuần.

Nhận thấy các thành viên trong đội văn nghệ với nhiều lứa tuổi, nghệ nhân Thuyển chia ra 3 thế hệ gồm: “Người cao tuổi, thanh niên và thiếu niên” cho thuận lợi trong việc hoạt động và quản lý. Được bà con ủng hộ, năm 2020, nghệ nhân Điêu Văn Thuyển cùng với các thành viên cốt cán bàn bạc cùng xây dựng quy chế xin thành lập CLB Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết với các chuyên ngành như: Văn nghệ dân gian, sử dụng nhạc cụ dân tộc, chế tác nhạc cụ, nghề truyền thống, ẩm thực người Thái. Năm 2021, CLB Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái thôn Đoàn Kết được UBND thị trấn huyện Phong Thổ ra quyết định công nhận.

Ông Điêu Văn Sượng – Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân gian, dân tộc Thái chia sẻ: “ Để có được CLB như ngày hôm nay, công đầu tiên phải kể là vai trò của bác Thuyển, chính bác là ngọn lửa thổi bùng lên hồn cốt dân tộc trong mỗi thành viên. Vào các ngày cuối tuần, hay những đêm rằm trăng sáng, bác Thuyển không quản ngại tuổi già, ông vẫn đều đặn đến thăm CLB, say sưa chỉ bảo từng động tác, nhịp điệu, lấy lời cho cho các thành viên hát chuyển thể các tác phẩm có sức sống sang thể song ngữ để bà con tập. Nhiều ca khúc được ông làm mới, bà con ai cũng thích và thuộc nằm lòng như ca khúc: Việt Nam quê hương tôi, Tình ca Tây Bắc, Inh lả ơi… các bài hát được chuyển thể hát song ngữ trên nền nhạc dân tộc chủ yếu là tính tẩu và sáo trúc…”.

Lo lắng những giá trị truyền thống đang có nguy cơ nhạt phai, dần rời bỏ cộng đồng, nhiều năm ròng ông ghi chép, điền dã về các giá trị văn hóa của người Thái. Ông kiên trì tìm kiếm các tư liệu từ chính người già định hình các giá trị văn hóa nguyên bản. Đến nay, kho sách Thái cổ của ông lên đến gần 30 đầu sách, chủ yếu là các bản ghi chép bằng tay. Có những bản chữ đã mờ, rách mục, ông lại nghiên cứu để chép, dịch lại và bổ sung những chỗ thiếu khuyết. Ông còn dịch và viết sách bằng tiếng Thái. Những đầu sách dịch đã được in, xuất bản và tái bản, như: “Chuyện thơ Khun Lúa, nàng Ủa”; răn dạy người; “Truyện Trạng nguyên”; “Truyện Phạm Công Cúc Hoa”… là người tham gia biên soạn cuốn tài liệu về từ vựng Tiếng Thái, ông đã dốc hết vốn liếng ngôn ngữ, những tinh túy mà ông tích lũy được với mong muốn gìn giữ và phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình, coi việc được truyền ngọn lửa tình yêu và lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người là điều hạnh phúc.

Bà Mai Thị Hồng Sim – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ khẳng định: “Những người như nghệ nhân Điêu Văn Thuyển là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Ông có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Nhờ những những lớp người như bác Thuyển mà sợi dây kết nối cộng đồng bớt phần lơi lỏng; để nhịp điệu dân ca còn ngân mãi, những điệu xòe vẫn rạo rực trong những mùa lễ hội…”.

Những miệt mài cố gắng trong việc duy trì bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống trong cộng đồng của nghệ nhân Điêu Văn Thuyển cũng chính là những thành tố điển hình trong việc thực hiện Nghị quyết 04 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu, ngày 17/02/2021 “về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến 2030”. Với những đóng góp đó, tháng 9/2022, ông Điêu Văn Thuyển vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

    Bài, ảnh: Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.