Nghề làm hương truyền thống của đồng bào Thái ở Bình Lư      

Những năm gần đây, huyện Tam Đường thu hút nhiều lượt khách đến thăm quan, du lịch với các địa điểm: đèo Ô Quý Hồ, Cầu Kính, Động Tiên Sơn, thác Tác Tình, Guồng nước, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, Lao Chải, làng nghề Miến Dong…  Một làng nghề thu hút được nhiều khách du lịch, đó là nghề làm hương ở bản Nà Khan, Nà Phát xã Bình Lư.

Nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục của đồng bào. Hình thức làm hương ở đây cũng không quá khác hương thông thường, nhưng nguyên liệu mới làm nên nét độc đáo của loại hương này. Làm hương thủ công truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Chân hương được làm bằng loại tre dóng dài, đặc và thẳng; lá dính (tiếng thái còn gọi là lá lăng niêu) được lấy trên những vách đá cao trong rừng sâu. Ngoài ra, người dân ở đây còn tìm các loại vỏ cây để tạo mùi thơm cho hương (tiếng dân tộc Thái là cây khảo hương, cây lăng hương), cây long não… Trong bản, người già, người trẻ, ai cũng biết làm hương nhưng chủ yếu là phụ nữ, người già do công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn.

Hương được bày bán ở chợ

 Công đoạn làm chân hương cũng rất cầu kỳ và cẩn thận đòi hỏi người phải có tính kiên nhẫn, cẩn thận và khéo léo. Thường là những người cao tuổi trong bản, trong nhà đảm nhiệm công đoạn này. Các dóng tre đều đựơc chọn lựa kỹ lưỡng, sau đó được cắt gọt cho bằng nhau dài khoảng 50cm. Chân hương được chẻ nhỏ ra sau đó bỏ phần vỏ cứng bên ngoài hay còn gọi là phần cật của cây tre và phần bụng, chỉ lấy phần thân giữa, chẻ chân hương phải đều, thẳng và không sử dụng hóa chất. Sau đó đem phơi, nếu trời nắng to nắng nhiều thì phơi một ngày còn nắng ít nắng bé thì phơi hai ngày sau đó phơi trong chỗ râm mát để chân hương khô từ từ không bị nứt, gãy khi đốt sẽ cháy đượm và cháy hết không bị tắt ngang chừng. Nếu trời mưa không phơi được thì phải cho lên gác bếp hoặc phải sấy để không bị mốc, gãy hỏng.

 

Các loại nguyên liệu để làm bột hương từ lá dính và các loại vỏ cây làm bột tạo mùi cho hương khi được lấy từ rừng về phơi khô sau đó nghiền thành bột nhỏ mịn như bột cho trẻ em ăn. Hỗn hợp bột hương có mùi thơm dịu của lá cây phơi nắng, mùi thơm của vỏ cây và hương trầm đã tạo nên mùi hương đặc trưng của loại hương thủ công truyền thống này. Khi hoàn thành, hương có màu nâu sẫm nhìn rất bắt mắt, đặc biệt khi đốt hương có mùi thơm nhẹ, không nồng, không đậm, không khói, không khét.

Công đoạn se hương cũng khác hẳn với cách làm hương ở dưới miền xuôi là bột hương đã được trộn rồi cho lên bàn se từng tăm hương. Nhưng với cách làm hương thủ công truyền thống của bà con người Thái bản ở đây cần sự khéo léo và tỉ mẩn. Các chân hương được nhúng vào nước cho ướt để có độ bám dính, nước được ngâm với một loại lá cây keo dính dược lấy từ trên rừng về và được ngâm ủ để nhựa cây tan ra nước tạo thành một chất keo kết dính, sau đó được nhúng lăn trên bột hương là các loại vỏ cây khảo hương, lăng hương,….đã được nghiền nhỏ. Công việc này được thao tác hai, ba lần như vậy đến khi que hương được đạt như ý theo tiêu chuẩn của thị hiếu người dùng. Lúc này, hương được hoàn thiện và đem hong dưới mái che râm mát để hương khô từ từ không bị ròn vỡ lớp vỏ bên ngoài, được bó thành từng bó cẩn thận vừa nắm tay. Hương ở đây không đóng bao bì, hộp đựng cũng không màu sắc thiết kế mà để trần mộc tự nhiên dùng dây lạt tre buộc thành bó.

Trải qua thời gian, nghề làm hương của người Thái của xã Bình Lư tuy vẫn được gìn giữ nhưng cũng không tránh khỏi mai một.  Bà Vân Thị Liên là người làm nghề lâu năm của bản. Gia đình bà theo giữ nghề này cho đến nay là thế hệ thứ 5. Các con trai, gái, dâu, rể và các cháu của bà đều được hướng dẫn cách chọn lựa từng cây tre, lá hương, vỏ cây đến cách ngâm keo, rồi thì cách chẻ tre làm chân hương. Bà cho biết, hiện nay nghề này ở bản còn ít người làm lắm, cả vũng này còn khoảng 15- 20 hộ và chủ yếu là người già làm. Người dân bảo bây giờ đi mua hương cho tiện, hơn nữa, lên rừng kiếm nguyên liệu cũng khó rồi. Để có nguyên liệu và duy trì nghề cho gia đình, gia đình bà Liên cũng phải tự chủ động trồng các loại cây và vận động các hộ trong bản cùng nhau trồng để làm vùng nguyên liệu phục vụ cho nghề làm hương và duy trì nghề cho gia đình.

Đã từ rất lâu rồi, hương của đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã là sản phẩm truyền thống quen thuộc với người tiêu dùng của vùng đất Bình Lư và các xã khu vực lân cận. Hương có mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Sản phẩm làm ra được bà con tiêu thụ tại chỗ còn lại gia đình ông và các hộ gia đình làm hương trong bản thường mang ra chợ bán. Hương của vungc này  được bà con các xã lân cận ưa chuộng, tin tưởng  nhất là vào dịp giáp tết. Nghề làm hương truyền thống đã và đang góp phần bảo tồn giữ gìn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ.

 Nguyễn Thái Bình

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.