Ngành Tài chính Lai Châu đồng hành xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Lai Châu, cái tên thoạt nghe có vẻ già nua, bởi địa danh này có từ năm 1909, khi ấy Lai Châu gồm 3 châu (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và châu Điện Biên). Thực tế Lai Châu ngày nay là vùng đất trẻ, trẻ như thiếu nữ tuổi xuân thì. Miền đất ấy cũng không rộng lớn bao la như người ta tưởng đâu, có chăng là sự hoang sơ, bộn bề của những ngày đầu thành lập, đã có thi sĩ bảo rằng: Thị xã Lai Châu ngày ấy nhỏ và hẹp lắm, cũng chỉ “trong một tầm tiếng gọi” mà thôi! Mới đó đã hơn 15 năm cái ngày Quốc hội ra quyết định chia tách Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu như bây giờ – một khoảng thời gian chưa nhiều để Lai Châu kiến thiết và phát triển như kỳ vọng. Song dưới chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền Nhân dân các dân tộc Lai Châu, quyết tâm xây dựng vùng đất “nơi cuối trời Tây Bắc” ngày càng giàu đẹp. Tiếp nối những thành quả, năm 2020 Lai Châu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm. Tỉnh đặc biệt chú trọng chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch. Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt là công tác đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Lai Châu đặc biệt ưu tiên mọi nguồn lực phấn đấu đưa Tân Uyên trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích NTM. Đồng hành cùng các chương trình trọng điểm là sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính trong công tác tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân về quản lý, điều hành phân bổ ngân sách kịp thời, cũng như các giải pháp tài chính phù hợp góp phần vào bài toàn thành tựu kinh tế chung của tỉnh.

Nghề in sáp ong trên vải lanh của bà con Sin Suối Hồ (Phong Thổ) được khách du lịch khá quan tâm

Giám đốc sở Tài chính Lai Châu Trần Quang Chiến là một trong những chứng nhân của thời chia tách. Mỗi khi có dịp nhắc lại cái thuở gian khó ấy, cảm xúc trong anh lại ùa về như ngày hôm qua. Anh chia sẻ: Năm 2004, Lai Châu được thành lập, tuy là tỉnh mới, nhưng ngành Tài chính Lai Châu trải qua 58 năm (1962 -2020) xây dựng, trưởng thành, đó là vốn quý là kinh nghiệm trong hoạt động quản lý bảo vệ nguồn ngân sách địa phương. Dẫu biết “vạn sử khởi đầu nan”, là tỉnh mới mọi thứ còn thiếu thốn nhất là cơ sở vật chất tạm bợ, nhưng anh chị em trong ngành luôn cố gắng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mục tiêu hàng đầu của ngành luôn đảm bảo nguồn thu trên địa bàn, chủ động tham mưu, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương; thực hiện cân đối chi ngân sách địa phương theo dự toán được giao. Cùng với đó là công tác chủ động bám sát chức năng, nhiệm vụ, tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố chủ động tham mưu đề xuất, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách Nhà nước. Có lẽ câu chuyện trăn trở nhất thời ấy là tìm nguồn để phát triển kinh tế phù hợp với một tỉnh nghèo như Lai Châu con số là bao nhiêu, đầu tư như thế nào. Là người gắn bó với bà con Tây Bắc gần nửa cuộc đời anh càng thấm câu: “Gia bần tri hiếu tử” nhà nghèo mới thấu sự hiếu thảo của con cái, nên chuyện ăn dè, tiết kiệm và “mang giá đi xin” hỗ trợ chẳng có gì phải hổ thẹn, anh cùng ban lãnh đạo ngành tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, ưu tiên của nhà nước cốt đem về nhiều chương trình có lợi cho tỉnh nhà. Năm 2010, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của Chính phủ như một luồng sinh khí làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thôn bản vùng cao Lai Châu. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, cùng gánh vác. Để có được những những con đường nhựa mềm như lụa, những trục đường bê tông đến từng ngõ bản, hệ thống kênh mương dẫn thủy nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản khang trang sạch đẹp đúng quy chuẩn từ con người đến cơ sở vật chất đồng bộ không đơn giản chút nào. Nhất là một tỉnh nghèo như Lai Châu với 20 dân tộc sinh sống, với trên 84% là đồng bào thiểu số, thu nhập chủ yếu bằng nương rẫy, mọi thứ hoàn toàn trông chờ vào trợ cấp nhà nước. Rồi anh vạch ra bài toán cụ thể trong xây dựng NTM để mọi người cùng nắm và chia sẻ. Thực tế nguồn vốn đóng qóp của nhân dân trong xây dựng NTM khoảng 10%, còn lại là ngân sách trung ương, nguồn huy động từ các tổ chức xã hội, vốn tín dụng ưu đãi, các chương trình hỗ trợ và các dự án. Nhưng cái lợi thế bà con có là nguồn nhân công lao động dồi dào và tinh thần góp công, hiến đất. Năm 2016 ngành Tài chính tham mưu cho Tỉnh ủy phê duyệt nhiều đề án trọng tâm, trong đó có hai đề án quan trọng: “Đề án Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thì văn minh và Đề án phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”, thành công bước đầu ấy như một phần trút bớt gánh nặng trên vai tập thể lãnh đạo cán bộ ngành Tài chính.

Mô hình nuôi cá lồng bè ở Than Uyên đã làm thay đổi đời sống của bà con

Kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu đã minh chứng bức tranh toàn diện NTM trên địa bàn tỉnh. Diện mạo của một tỉnh nghèo Lai Châu xưa đã hoàn toàn thay đổi, một bức tranh nông thôn mới đang ngày một hoàn thiện. Giờ đây trên khắp các con đường đến các xã đường rải nhựa trăm phần trăm, đường nhánh về thôn bản cũng hoàn toàn cứng hóa bê tông, ông Lò Văn Sơi – xã Mường Cang (Than Uyên) không dấu được niềm vui, ông tâm sự: “Mới ngày đầu khi chủ trương về với bà con góp công hiến đất làm đường, nhiều người không nghe, cho rằng phải có công có tiền đền bù, sau nhiều cuộc họp được cán bộ xã, huyện giảng giải, nhất là nhiều đồng chí đảng viên trong xã đi đầu trong việc thực hiện, bà con đã thông và hiểu rõ lợi ích của chương trình mang lại”. Còn với Bí thư Đảng ủy xã Mường Cang Lìm Văn Khơi thì khẳng định: Cái được lớn nhất đối với mỗi người dân khi tham gia xây dựng NTM là chuyển biến về nhận thức, bà con đã đã chủ động tham gia hiến đất góp công với tinh thần nhiệt huyết tự nguyện trở thành một phong trào thi đua gương mẫu. Cùng với công tác xây dựng các tiêu chí về cơ sở, môi trường văn hóa thì tiêu chí thu nhập luôn là bài toán được cấp chính quyền đặt lên hàng đầu. Nhiều chương trình, các mô hình kinh tế được triển khai tới người dân như mô hình chăn nuôi vịt, trồng chè ở Tân Uyên, mô hình cá lồng ở hồ thủy điện Bản Chát, Huội Quảng của bà con Than Uyên. Các loại giống mới có năng suất và có giá trị dinh dưỡng cao được đưa vào canh tác. Nhiều con em thôn bản đã tham gia các lớp nghề như cơ khí, điện tử điện lạnh, nông lâm ngư nghiệp…

Về phát triển du lịch, Lai Châu được tự nhiên ưu ái, với vị trí địa tự nhiên độc đáo lại có giao thông khá thuận bởi QL32, QL12 nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cùng hệ thống sông suối dày đặc, gồm nhiều hồ lớn xây dựng nhiều công trình thủy điện như: Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát… và nhiều cảnh đẹp thơ mộng như: động Tiên Sơn, thác Tác Tình (Tam Đường), động Pu Sam Cáp, động gia Khâu (Thành phố Lai Châu), núi đá Ô, hang Tả Phìn (Sìn Hồ) có nhiều địa danh gắn liền với di tích lịch sử, đó là quê hương cách mạng Bản Lướt (Mường Kim), miếu Nàng Han (Mường So), Bia Lê Lợi, dinh thự Đèo Văn Long (Nậm Nhùn)… sẽ là lợi thế phát triển du lịch trong tương lai gần. Những năm trở lại đây, khách thập phương tìm dịch vụ nghỉ dưỡng (Homstay) ở các bản làng vùng cao. Đến hẹn lại lên, vào thứ bảy hàng tuần Sin Suối Hồ lại nhộn nhịp với cảnh chợ phiên. Du khách đến Sin Suối Hồ ngoài dịch vụ nghỉ dưỡng cộng đồng, tới đây họ thích thú khi chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công do chính tay người dân làm ra: “Du khách tới Sin Suối Hồ, ngoài khí hậu trong lành, thì điều họ quan tâm là khám phá văn hóa bản địa. Từ lâu, người dân nơi đây vẫn giữ được nghề làm thổ cẩm với kỹ thuật in thêu hoa văn bằng sáp ong độc đáo, nghề rèn thủ công truyền thống… Khách du lịch rất thích thú khám phá kiến trúc nhà trình tường, thưởng thức ẩm thực, dân ca dân vũ… . Đó chính là điều hấp dẫn trong trải nghiệm thực tế thu hút khách du lịch đến với Sin Suối Hồ” – Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng Anh Chỉnh cho biết. Hàng năm, Sin Suối Hồ đón hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, không chỉ có Sin Suối Hồ mà nhiều địa phương khác khá thành công với mô hình du lịch cộng đồng như: bản Gia Khâu (Thành phố Lai Châu), bản Vàng Pheo (Phong Thổ), bản Hon, bản Giang, bản Lao Chải, Sì Lở Lầu (Tam Đường)… những địa điểm trên sẽ là sự lựa chọn phong phú khi du lịch chọn tua đến Lai Châu. Năm 2016 “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư quảng bá du lịch và Tuần văn hóa du lịch Lai Châu năm 2016” lần đầu tiên tổ chức tại Lai Châu, đây là chuỗi sự kiện rất quan trọng với sự tham vấn, đồng tổ chức của ngân hàng BIDV đã phần nào đánh giá khả năng, năng lực của một tỉnh lẻ như Lai Châu. Qua sự kiện các thành viên Chính phủ đánh giá và kỳ vọng về sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy của chính quyền địa phương sẽ đưa đưa Lai Châu trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, quyết tâm đưa đời sống kinh tế xã hội của tỉnh vượt qua những khó khăn thách thức vươn tới sự đổi mới phát triển, từng bước khẳng định du lịch là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ.

Đến nay, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn NTM, trên 85% người dân thôn bản được sử dụng nước hợp vệ sinh. Lai Châu được Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương chọn là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” .Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 14,6%/năm; trong đó khách quốc tế đạt 13,4%/năm. Số cơ sở lưu trú là 111 cơ sở (vượt 0,9% so với chỉ tiêu Đề án), với 2.028/2.200 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch gồm: 01 khach sạn 5 sao, 02 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn từ 1 – 2 sao và 87 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê/nhà Homestay). Tổng sản phẩm (GRDP) Lai Châu đạt 7,51%; cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,68%, tăng 0,74%; công nghiệp – xây dựng chiếm 48,24%, giảm 0,03%; dịch vụ và thuế nhập khẩu chiếm 35,08%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,35 triệu đồng…  . Có thể những số liệu báo cáo trên còn khá mờ nhạt so với bình diện chung. Song cũng là khởi sắc sau hơn 15 năm chia tách, là cú hích để Lai Châu vươn mình sớm trở thành tỉnh phát triển mạnh của khu vực miền núi phía Bắc như kỳ vọng của Phó Thủ thướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi tới thăm và làm việc tại tỉnh ta vào đầu tháng 12 năm 2018. Đó cũng là mục tiêu Lai Châu phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh nằm trong nhóm địa phương có năng lực canh tranh khá so với mặt bằng chung của cả nước./.

 Lò Duy


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.