NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, GÓP PHẦN XÂY DỰNG VĂN HÓA, CON NGƯỜI LAI CHÂU ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tháng 6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ thị ra đời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, là nguồn động viên, khuyến khích lớn đối với  với các văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Nhân dịp này, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu trân trọng đăng bài phỏng vấn đồng chí Lê Văn Lương – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ về kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật những năm qua?

Đồng chí Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Đảng ta luôn khẳng định và coi trọng vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em (văn nghệ sĩ) là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chủ trương, đường lối của Đảng khẳng định văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng “chân – thiện – mỹ”, góp phần vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh của con người; là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước.

Quán triệt sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng; nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, từ khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Ngày 17/11/2008, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Chỉ thị đề ra mục tiêu xuyên suốt, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời kỳ mới một cách bài bản, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Trong đó, đề ra mục tiêu cơ bản là: Tập trung các nguồn lực để củng cố, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật Lai Châu tiên tiến, đậm đà bản sắc miền đất con người Lai Châu, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ Lai Châu phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng; Phấn đấu để có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, phản ánh sinh động con người Lai Châu trong công cuộc đổi mới; Nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật…

Hằng năm, Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt báo chí, văn nghệ sỹ nhân dịp đầu xuân để ghi nhận, đánh giá những kết quả, đóng góp và động viên, khích lệ, đồng thời cung cấp thông tin, định hướng văn nghệ sỹ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy bằng các chính sách phù hợp. Tiêu biểu là thành lập, tổ chức hiệu quả “Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật Lai Châu” từ năm 2012 đến nay. Đây là phần thưởng cao quý của tỉnh Lai Châu dành cho các văn nghệ sỹ có tác phẩm xuất sắc về quê hương Lai Châu. Giải thưởng nhằm biểu dương, động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ, các tác giả tích cực sáng tác nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực: Nhận thức của hệ thống chính trị, văn nghệ sĩ và nhân dân về vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người, văn học, nghệ thuật được nâng cao. Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh được kiện toàn, các chi hội chuyên ngành, chi hội cấp huyện, thành phố được thành lập và ngày càng phát triển. Số lượng tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật phản ánh chân thực hơi thở của cuộc sống, sự đổi thay trên quê hương Lai Châu, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật tăng rõ rệt và trở thành món ăn tinh thần quan trọng của đại bộ phận người dân. Nhiều tác giả, tác phẩm được vinh danh, đánh giá cao và đạt giải thưởng của cấp Trung ương, khu vực và của tỉnh.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, định hướng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quyết tâm xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Văn Lương, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy:

Tiếp tục thực hiện những quan điểm, đường lối của Trung ương nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hoá tư tưởng, văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến rõ nét và hướng đến xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Lai Châu phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 23/6/2022 về “Nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể đối với công tác văn học nghệ thuật, xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người; coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật, văn hóa con người Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các định hướng của tỉnh về văn học, nghệ thuật đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân và hội viên, văn nghệ sỹ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan báo chí với Hội Văn học – Nghệ thuật trong tuyên truyền về vị trí, vai trò của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước và của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.

Ba là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật; xây dựng kế hoạch phát triển các lĩnh vực văn học nghệ thuật; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; định kỳ tổ chức “Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Lai Châu” để lựa chọn, biểu dương, khen thưởng những tác phẩm, tác giả xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; quan tâm bố trí nguồn lực để xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật của tỉnh đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình với Hội Văn học – Nghệ thuật để thực hiện các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Bốn là, Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn học nghệ thuật. Quan tâm tạo điều kiện cho sự phát triển của Hội Văn học – Nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng tập hợp, định hướng, động viên, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ nâng cao về số lượng và chất lượng; thực hiện tốt chức năng tham gia góp ý, phản biện, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số; quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, đoàn viên là văn nghệ sỹ trẻ tuổi; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ có năng lực, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, tư tưởng. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, phê bình của hội viên. Phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ để quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Năm là, Đội ngũ văn nghệ sỹ cần tìm tòi, sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống, có giá trị về tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao, khơi dậy giá trị văn học nghệ thuật trong kho tàng tư liệu cuộc sống của 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tập trung phản ánh cái mới, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ, tích cực; lên án cái xấu, cái ác, lối sống thực dụng, xa rời các giá trị đạo đức, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của dân tộc góp phần xây dựng con người Lai Châu có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, khát vọng vươn lên, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Xin chân thành cảm ơn đồng chí!


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.