Vào cuối tháng sáu, vượt qua cung đường khúc khuỷu, một bên là núi cao, một bên là dòng Nậm Na đục màu phù sa, xuyên qua những cơn mưa rừng ào ạt, chúng tôi đến với Nậm Nhùn.
Chúng tôi chào mảnh đất thiêng này bằng nén hương bày tỏ lòng thành kính trên đền thờ vua Lê Lợi – vị anh hùng dân tộc đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Nơi đây còn lưu văn bia tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà, ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Lợi thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc. Đứng trước “Bia cổ hoài lai”, trong chúng tôi nhớ lại hào khí của một thời giữ nước xa xưa. Đó là khí phách hồn thiêng sông núi, là khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở cõi Tây Bắc xa xôi này.
Từ đền thờ Lê Lợi nhìn xuống dưới kia là dòng sông Đà hùng vĩ. Mùa này, nước sông cuồn cuộn phù sa, uốn lượn chảy qua chân núi, bồi đắp những bãi bồi cho những bản làng gần đó. Sông Đà còn là con sông cho bao năng lượng, thử thách bao ý chí trị thuỷ của con người, làm sản sinh ra bao dòng điện từ mảnh đất Tây Bắc này đi khắp muôn nơi. Chúng tôi vừa bước tới Nậm Nhùn đã kịp hấp thụ vào mình và khắc ghi bao giá trị lịch sử, văn hóa và cả cảnh quan tươi đẹp ở nơi đây.
Thị trấn huyện Nậm Nhùn hôm nay. Ảnh: Ngọc Thắng
Đoàn chúng tôi ngược dốc về xã Pú Đao. Cái tên Pú Đao gợi về một vùng đất cao lưng chừng núi. Trò chuyện với đồng chí Ly A Vừ – Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi hình dung khái quát về đặc điểm địa hình, khí hậu, kinh tế, văn hóa, giáo dục của Pú Đao. Xã có gần 1400 nhân khẩu sinh sống trong 248 hộ tập trung ở 4 bản: Hồng Ngài, Nậm Đắc, Nậm Đoong, Nậm Pì ở lưng chừng núi. Trong đó có tới 95% dân cư dân tộc Mông, còn lại là đồng bào Thái, Si La, Kinh. Các bản làng còn khá hoang sơ, đồng bào ở đây chọn vùng đất đẹp để định cư. Với những ngôi nhà trệt, chủ yếu là nền đất. Bản Hồng Ngài có con suối chảy về sông Nậm Na, người dân ở đây lấy tên bản làm tên suối.
Ở Pú Đao trước đây, thực dân Pháp đã từng dựa vào địa hình núi cao hơn 1400m để xây dựng khu đồn trú với hầm hào quân sự, bãi đáp trực thăng, đài quan sát. Từ khu đồn trú có thể nhìn xuống phía Đông Nam, Đông Bắc, dòng sông Đà chảy từ Tây Bắc hợp với dòng Nậm Na tạo nên một ngã ba sông huyền thoại với những địa danh như: Lai Hà, Hang Tôm, Lê Lợi… Dòng sông cắt ngang hai dãy núi tạo thành một chữ V lớn như ký hiệu “Việt Nam” thiêng liêng đón ánh mặt trời buổi bình minh. Cũng từ trên đỉnh Pú Đao có thể quan sát, phóng tầm mắt về phía thị xã Mường Lay (Điện Biên), chếch sang bên trái dòng Nậm Na có thể quan sát được vùng Chăn Nưa, Pa Tần trù phú của Sìn Hồ; điểm quan sát gần hơn là thị trấn Nậm Nhùn và một vài địa điểm của Phong Thổ. Hẹn một ngày thời tiết ủng hộ, chúng tôi nhất định sẽ quay lại chinh phục ngọn núi Pú Đao. Chinh phục một trong mười điểm ngắm mặt trời mọc đẹp nhất và cũng là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Pú Đao hấp dẫn bởi trên ngọn núi này hầu như tất cả còn hoang sơ, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trở thành một điểm đến hấp dẫn và khác biệt của Tây Bắc, của Việt Nam.
Nậm Hàng đón chúng tôi bằng những cơn mưa rừng. Nhìn trên bản đồ, xã Nậm Hàng như lòng trắng quả trứng thiên nhiên bọc trọn cái lòng đỏ là trung tâm thị trấn huyện Nậm Nhùn. Xã có tổng diện tích 149,19 km², với 188 hộ, 4374 nhân khẩu sinh sống trong 8 bản. Các dân tộc anh em sinh sống trên đất Nậm Hàng là các dân tộc Thái, Mảng, Mông. Một số ít là người Hoa, Mường, Kinh… Nguồn thu chính của Nậm Hàng chủ yếu từ nông, lâm, thủy sản. Trong đó nguồn thu từ rừng là lớn hơn cả. Về phong tục tập quán, đa phần bà con vẫn giữ được những phong tục cổ truyền của đồng bào nhưng một số bản, một số gia đình trong giới trẻ đã có sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Điều này có đem lại những tích cực trong việc phát triển kinh tế nhưng cũng có đôi chút khó khăn nhỏ cho việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của đông bào.
Chúng tôi thăm bản Nậm Cầy và ngay lập tức bị thu hút bởi những ngôi nhà sàn bằng gỗ chắc chắn, khang trang, kiến trúc thoáng đẹp với nhiều gian và mái phụ. Trưởng bản Cà Văn Ngoan kể cho chúng tôi nghe: “Bản Nậm Cầy được như ngày hôm nay là kết quả của nhiều mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất của xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế vào sản xuất như mua trâu sinh sản. Tập huấn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc của bà con. Cũng không thể không nhắc tới sự tiến bộ trong việc chuyển đổi tư duy, hướng phát triển kinh tế của bà con Nậm Cầy”. Trong bản, bên cạnh những ngôi nhà sàn mới đẹp cũng cũng vẫn còn một vài ngôi nhà cũ kỹ với mái lợp bằng đá đen (hay còn gọi là đá giấy) lâu năm. Theo thời gian mưa nắng làm mái đá rêu phong. Đá giấy là một loại đá khá đặc biệt được người xưa tách ra từ những phiến đá lớn. Lúc mới tách, đá mềm có thể dùng dao cắt được nhưng khi gặp nắng đá trở lên cứng như sành. Theo người dân ở đây “nhà lợp đá giấy mát về mùa hè”. Một điều gì vừa truyền thống, vừa hiện đại thấp thoáng trong bản của người Thái nơi đây.
Rời Nậm Cầy, chúng tôi đi đến bản Huổi Van. Huổi Van mang đậm văn hóa, bản sắc của người Mảng. Mặc dù Huổi Van không có nhiều ngôi nhà khang trang nhưng chúng tôi đã thấy rõ sự tiến bộ của họ trong việc thay đổi nếp nghĩ và loại bỏ dần những hủ tục cổ hủ. Một bản người Mảng nhỏ bé sống yên bình giữa rừng núi, ngay cạnh một con suối lớn đang cố gắng để cuộc sống no đủ, tiến bộ hơn. Những em bé người Mảng với ánh mắt trong veo, khuôn mặt hồn nhiên, lễ phép chào chúng tôi, kể rằng cô giáo dạy như thế. Những người phụ nữ dân tộc Mảng với đôi tay khéo léo đã tạo ra những dụng cụ lao động, đánh bắt như chài lưới hoặc những đồ dùng sinh hoạt…. Chúng tôi thích thú với những cái “tá” hình vuông được đan thủ công bằng cây giang. “Tá” có nhiều tác dụng, như cái mâm nhôm của người Kinh, nhưng thân thiện hơn với môi trường. Tá dùng để phơi nông sản hoặc để đựng thức ăn… Người Mảng còn đan những chiếc “bem” gần giống như chiếc gùi, chiếc lu cở của đồng bào Mông, Thái nhưng “bem” của người Mảng có nắp bên trên. Bem được dùng để đựng quần áo, những đồ vật quý, có giá trị vì vậy chỗ giáp nhau giữa thân và nắp bem người Mảng rất sáng tạo khi thiết kế thêm ổ khóa. Toàn bộ thân bem đều bằng mây hoặc giang trừ chiếc khóa bằng kim loại. Chúng tôi được chị Đinh Thị Thoại – chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: “Trong Huổi Van hiện còn bà Lò Thị Nén đã ngoài 70 tuổi. Bà vẫn cần mẫn hằng ngày làm công việc đan lát giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên.”
Nghề thủ công thể hiện bản sắc văn hoá đậm nét của người Mảng. Qua các sản phẩm, có thể thấy sự cầu kì, tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân. Trên mỗi sản phẩm còn chứa dựng cả những tâm tình yêu bản mường, yêu núi rừng của người Mảng. Hi vọng, trong thời gian tới, cùng với việc sản xuất tự cung tự cấp, thì sản phẩm đan lát thủ công của bà con có thể tiếp cận được thị trường và mang lại nguồn thu nhập từ chính văn hoá truyền thống của mình.
Chúng tôi đến xã Nậm Manh trong ánh nắng chảy tràn trên từng tán lá rừng. Những con đường quanh co dẫn mãi lên núi cao để thấy một Nậm Manh đẹp như nàng công chúa ngủ trong rừng.
Bản Nậm Manh vốn là bản tái định cư từ công trình thủy điện Sơn La. Cả bản có 130 hộ, đa phần là người Khơ Mú. Trước kia, văn hóa của đồng bào Khơ Mú là văn hóa bản địa gắn với dòng sông Đà đã đi vào những trang văn huyền thoại của dân tộc với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Tuân. Vẫn con sông Đà hùng vĩ và thơ mộng ấy. Ngày hôm nay, trên khúc sông này, người Khơ Mú – Nậm Manh đang viết tiếp những bản tình ca xây đắp bản mường ngày một đổi mới, tươi đẹp. “Người Khơ Mú mặc dù mới được tái định cư về bản Nậm Manh sinh sống từ năm 2007 đến nay. Qua 15 năm, họ có nhiều thay đổi từ nếp nghĩ, cách làm. Họ chăm chỉ hơn trong lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng bản văn hóa. Những hủ tục lạc hậu về cưới hỏi, ma chay, tục tảo hôn hay hôn nhân cận huyết dần được gỡ bỏ.” Anh Lý Văn Cường – công chức văn hoá xã chia sẻ với chúng tôi.
Đồng chí Nguyễn Văn Khang – cán bộ phòng văn hóa huyện Nậm Nhùn và anh Cường vui vẻ kể thêm về “sân bóng có một không hai ở Nậm Nhùn”. Mặc dù nhìn khá đơn sơ, chỉ là một vạt đất rộng và bằng phẳng nhưng đây là một “công trình” do chính người dân trong bản tạo ra. Đàn ông ở đây mê bóng đá lắm! Ngoài giờ lao động và nghỉ ngơi, họ thường ra sân chơi đá bóng nhằm nâng cao sức khỏe giúp cơ thể thêm dẻo dai, mạnh mẽ. Còn vào cuối tuần hoặc ngày hè thì trẻ em có chỗ vui chơi sạch sẽ và thoáng mát. “Sân bóng” này cũng là nơi diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng của cả bản vào ngày lễ, Tết…
Chúng tôi đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, khi thấy giữa Nậm Manh xa xôi có một ngôi trường đẹp như tranh vẽ. Đó là trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh. Trường nằm tựa lưng vào dãy núi. Phía trước mặt là thung lũng, xa xa là dãy Pú Đao. Đi qua ngôi trường mầm non Nậm Manh sạch sẽ, khang trang là đến cổng trường Tiểu học. Từ cổng trường, bên tay trái là một khuôn viên nhỏ xinh rất đẹp mắt với cỏ nhân tạo, lối đi lát đá sáng màu xen với cỏ. Khuôn viên giống như một góc của một công viên nhỏ ở một thành phố nào đó. Tiếp đến là vườn hoa cánh bướm bung nở trong gió hè. Đứng ở vị trí này nhìn xuống phía dưới là bản làng, thung lũng, xa chút nữa là thị trấn Nậm Nhùn với những công trình kiến trúc mới được xây dựng, có công trình chưa được hoàn thiện nhưng bề thế, vững chãi. Phóng tầm mắt xa hơn nữa là dãy núi Pú Đao được phủ kín một màu xanh mướt mát bởi cây rừng và những rặng mây vắt ngang lưng núi. Đây là một điểm check in khá lý tưởng với những ai thích khám phá vùng cao. Khuôn viên trường sạch đẹp, sáng sủa, là mô hình trường tiêu biểu được nhiều đơn vị bạn đến học hỏi.
Những gì Nậm Manh làm được trong điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, giao thông trắc trở quả thật đáng ghi nhận. Đó chính là kết quả của sự quan tâm của đảng, nhà nước, sự quyết tâm, cống hiến của đội ngũ cán bộ xã và sự đoàn kết, đồng lòng của bà con dân bản.
Chuyến thực tế Nậm Nhùn ít ngày khép lại trong sự tiếc nuối về một vùng đất tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách. Dẫu là một huyện mới, chuẩn bị tròn 10 năm thành lập, nhưng Nậm Nhùn đã có nhiều khởi sắc, thay đổi về diện mạo. Nậm Nhùn với nhiều tiềm năng, thế mạnh về lịch sử, văn hoá, kinh tế, du lịch,… sẽ ngày càng phát triển và giàu đẹp