Nậm Mạ chỉ còn trong nỗi nhớ

Chập trùng núi, bồng bềnh mây, thấp thoáng trong đêm ánh đèn chài luênh loang trên mặt nước. Mùa nước lên, mặt nước trong veo như mặt hồ thu gợn sóng. Những con tôm, con cá lặn ngụp như vũ hội dưới trăng. Có con cá lăng từ lòng hồ thủy điện vượt ghềnh thác cũng về đây tụ hội. Những đàn cá mương, cá dầu lao vút từ đáy sông lên khỏi mặt nước rồi ngửa bụng phơi nắng khiến mặt sông lúc nào cũng lấp lánh ánh bạc. Mùa nước lên, mùa cá về, mùa no ấm nhưng đau đáu trong tôi những kỉ niệm về Nậm Mạ… Dưới đáy sông ấy, có một Nậm Mạ chỉ còn trong nỗi nhớ.

Ngày ấy, bản nằm cạnh con suối quanh năm rì rào hát bản tình ca của núi cho cây cối thêm xanh. Con đường vào bản ngọt lành những khúc cua bụi bặm đất bấu víu gấu quần vai áo nhễ nhại mồ hôi. Hai bên đường là cánh rừng cây cổ thụ nguyên sinh, qua bao năm tháng vẫn giữ được màu xanh kì vĩ của rừng già. Nét hoang sơ, bí hiểm của rừng như đôi mắt xanh sâu thẳm của vị chúa sơn lâm đang gầm gừ đánh dấu lãnh địa trước kẻ thù. Có đoạn, đường chênh vênh trên đỉnh núi giống như vết mực màu loang nhẹ giữa không trung trong bức tranh của người họa sĩ mới học vẽ, nét cọ còn thô nhưng lại khiến người đi luôn có cảm giác bình yên như đường về quê nhà xa ngái sau những tháng năm phiêu bạt ngoài đời. Tôi đến Nậm Mạ bằng chiếc xe win mượn của chốt kiểm lâm vùng thấp đóng ở Nậm Tăm. Chỉ có loại xe ấy mới chinh phục được những cung đường cheo leo như sợi chỉ vắt trên sườn núi ấy. Anh Hạt trưởng nhìn tôi đầy nghi ngờ khi giao chìa khóa: “Em đi được không?”. Tôi đón từ tay anh chiếc mũ bảo hiểm trùm mặt kín mít, đeo kính râm, sửa lại găng tay rồi nổ máy. Trước khi vào số tôi vẫn kịp cười với anh: “Đợi em mang “Thủy quái” về cho các anh nhé!” (thủy quái là cách người dân gọi cá lăng)… rồi vặn ga, phóng xe lẫn vào nắng gió vùng thấp Sìn Hồ mà vẫn cảm thấy bóng anh đứng đó với ánh mắt đầy lo lắng và tò mò dõi theo.

Nậm Mạ ngày ấy, nhà không nhiều và cũng chẳng san sát như bây giờ. Những thửa ruộng bậc thang được phơi suốt mùa khô đang đợi mưa xuống để cựa quậy mần non. Đất vốn rất màu mỡ nhưng qua một mùa hoang dại cũng trở nên cằn cỗi, chỉ đến lúc có bàn tay con người chăm chút, cày xới mới trở nên thuần hậu, lặng lẽ tận hiến sinh lực cho đời và mang mùa vàng về cho người để niềm vui lại nối tiếp niềm vui.

Người Thái thường ở nhà sàn. Những chiếc nhà sàn nho nhỏ, làm bằng gỗ rừng, mái lợp đá đen chắc chắn ẩn dưới tán xoài, tán muỗm đang mùa quả non. Con suối Nậm Mạ hiền hòa bốn mùa reo vui khúc nhạc rừng với muôn loài chim, loài thú hẹn hò, tình tự theo mùa con nước lên xuống đôi bờ. Khi bóng chiều đổ xuống mái đá là lúc từ phía những cánh rừng rộn vang tiếng mõ gọi trâu về. Tiếng dê gọi đàn tranh nhau hạt muối, tiếng con lợn, con gà lục tục chơi xa về gầm sàn ngủ tối qua đêm. Thoảng trong gió là vị chua thanh của hương xoài, hương muỗm, là vị ngọt thơm của mít, của ổi, là nồng nàn hương rượu ngô hạ thổ để tích tụ linh khí đất trời vùng cao. Bữa cơm chiều đầm ấm, rộn rã tiếng cười với món rêu đá nướng, nộm cỏ và canh cá thủy tinh nấu lá chua… bên bếp lửa bập bùng như không khí từ miền cổ tích. Bình dị mà hạnh phúc, thân thương quá đỗi.

Nậm Mạ đã xa rồi! Nhà máy thủy điện xây dựng trên thượng nguồn sông Đà đã nuốt chửng cả vùng Nậm Mạ xưa vào lòng sông xanh biếc ngày xuân. Chẳng còn tiếng suối reo ca, còn vườn quả đung đưa trong gió, những thửa ruộng bậc thang ngủ vùi dưới lòng sông sâu. Điện về bản, ánh sáng mở đường cho sự phát triển của kinh tế xã hội vùng cao. Dưới đáy sông, sóng vẫn cồn cào nỗi nhớ bến cũ mà thét gào trong vô vọng, cuộn nước dâng ngập lối đi… Bản Nậm Mạ mới hình thành trên vùng đồi đã được san ủi bằng phẳng với những nếp nhà kiên cố, thách thức bão giông. Những bậc cầu thang chắc chắn lại vời vợi nỗi nhớ chiếc cầu thang gỗ chênh vênh trong chiều heo hút gió. Bản Nậm Mạ còn đó nhưng đổi thay nối tiếp đổi thay. Cuộc sống dập dềnh theo mùa con nước lên xuống ở khúc sông xa.

Tôi đứng ở phiến đá đầu bản, nhìn ngắm cả một vùng mây nước mênh mông. Bao năm đi xa nay mới trở lại, trái tim tôi vụng dại gọi thầm Nậm Mạ xưa! Mấy chiếc xuồng máy nổ ì ạch cũng vừa vào bến để trả khách về bản. Mùa con nước lên, người ta chọn đi đường thủy hơn là đi đường bộ. Chỉ vài tiếng chạy xuồng đã có thể sang Tủa Chùa (Điện Biên) hoặc đến lòng hồ vùng Nậm Tăm, Căn Co, Pa Khóa. Nếu ngược dòng sông Đà cũng có thể chạm Chăn Nưa, Lê Lợi trong chiều. Con tôm, con cá trở thành nguồn sống nhưng nỗi nhớ hạt ngô, hạt lúa tròn đầy vẫn canh cánh trong lòng người hàng chài kéo lưới đêm khuya.

Tôi vung tay quăng nhẹ hòn đá vào lòng sông. Từ trên cao, hòn đá đáp xuống, những vệt sóng dềnh dàng, tròn vành vạnh như nỗi nhớ trong tôi trên mặt nước mênh mông sóng vỗ. Màn đêm buông xuống, ăn mòn thứ ánh sáng mờ ảo hắt lên từ mặt nước khi người hàng chài thắp đèn cho cá lồng ăn đêm. Dẫu thấy nhói trong tim nhưng tôi vẫn tin sự đổi thay sẽ luôn mang đến những điều tốt đẹp cho Nậm Mạ hôm nay và mai sau.

VÕ CHÂM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.